RSS Feed for Chính sách năng lượng Đan Mạch, bài học cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 08:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách năng lượng Đan Mạch, bài học cho Việt Nam

 - Sự chuyển đổi của Đan Mạch sang một xã hội carbon thấp đặt ra nhiều bài học có thể áp dụng được cho Việt Nam. Quá trình này thường bị coi là tốn kém và khó khăn, nhưng trường hợp Đan Mạch cho thấy sự chuyển đổi này không chỉ giảm tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải carbon mà còn giúp tạo thêm việc làm, cơ hội kinh doanh.

Hiện thực hóa giấc mơ điện gió
Đan Mạch cam kết giúp Việt Nam hiện thực hóa điện gió

CHARLOTTE LAURSEN, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam

Trong những năm 1970, Đan Mạch cũng như các nền kinh tế công nghiệp hóa khác đứng trước cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng. Việc phụ thuộc vào nhập khẩu đến 90% lượng dầu mỏ, kết hợp với giá dầu tăng gần 4 lần, khiến chương trình nghị sự chính trị buộc phải đưa các vấn đề an ninh năng lượng, độc lập năng lượng và hiệu suất năng lượng lên ưu tiên hàng đầu. Kể từ đó đến nay, một số chính sách đã được thực thi nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi ngành năng lượng Đan Mạch.

Trong giai đoạn đầu từ 1976 - 1990, mục tiêu của các chính sách này là đảm bảo an ninh năng lượng. Sau khi đạt được điều này, các chính sách bắt đầu tập trung vào giảm tiêu thụ năng lượng và hiện nay, mục tiêu đến năm 2020 là giảm thêm 12% tiêu dùng năng lượng, đến năm 2050 trở thành nền kinh tế không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chính sách năng lượng Đan Mạch, bài học cho Việt Nam
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Việc triển khai kế hoạch này cần đến quá trình thương lượng để đạt đồng thuận giữa chính phủ và các hiệp hội công nghiệp đại diện cho gần 450 công ty phân phối năng lượng, với kết quả là một "thỏa thuận hiệu suất năng lượng".

Theo thỏa thuận này, các công ty năng lượng Đan Mạch phải tạo điều kiện cho việc tiết kiệm năng lượng, trọng tâm là đạt tiết kiệm năng lượng trong khâu tiêu thụ cuối cùng với các mục tiêu cụ thể đặt cho riêng từng ngành.

Chi phí trong quá trình thực hiện tiết kiệm năng lượng của các công ty được bù đắp nhờ thuế đánh vào hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng. Các công ty năng lượng cũng được phép mua, bán, chia sẻ chứng chỉ tiết kiệm với nhau, tạo ra cơ cấu khuyến khích để các công ty bước vào con đường tiết kiệm năng lượng.

Thêm vào đó, thỏa thuận giúp tạo ra hơn 1.200 doanh nghiệp công nghệ sạch mới. Trong đó một phần năm là thuộc lĩnh vực hiệu suất năng lượng.

Phát huy kết quả này, Đan Mạch đang trong quá trình thực hiện thỏa thuận năng lượng thứ hai. Thỏa thuận này được kỳ vọng là sẽ tiết kiệm thêm 2,7 tỉ USD và tăng 1,5 tỉ USD đầu tư mỗi năm cho các sản phẩm công nghệ sạch.

Tiết kiệm năng lượng được cho là cách thức hiệu quả nhất về chi phí để có thể trở nên độc lập với nhiên liệu hóa thạch; đồng thời, nó còn mang lợi ích tài chính cho cả người tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp.

Nhờ vào tiết kiệm năng lượng, các ngành công nghiệp Đan Mạch nâng cao tính cạnh tranh, tạo thêm việc làm và đảm bảo tăng trưởng cũng như phúc lợi trong tương lai cho Đan Mạch.

Điện gió vừa là nền tảng của nền sản xuất năng lượng tái tạo, vừa là ngành xuất khẩu then chốt của Đan Mạch. Năm 1985, Đan Mạch quyết định xóa bỏ điện hạt nhân trong chiến lược năng lượng tương lai của mình, tập trung vào năng lượng thay thế chứ không theo đuổi các nguồn năng lượng truyền thống nữa.

Năm 2015, với 42% điện là từ nguồn gió, Đan Mạch đang vững vàng đáp ứng mục tiêu về điện gió là cung cấp 50% nhu cầu từ nay đến năm 2020.

Chính sách năng lượng Đan Mạch, bài học cho Việt Nam
Cam kết của chính phủ với điện gió là nhân tố trọng yếu để Đan Mạch có thể trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng gió. (Nguồn ảnh: https://www.ecolife.zone/wind-turbines/).

Để nuôi dưỡng ngành công nghiệp điện gió, ban đầu Chính phủ Đan Mạch cấp 30% vốn đầu tư cho các dự án điện gió, nhưng chính sách trợ cấp này hiện không còn hiệu lực vì công nghệ điện gió hiện nay đã tiến bộ và tiết kiệm chi phí hơn nhiều. Khả năng đồng sở hữu các turbin gió cũng giúp điện gió trở nên phổ biến rộng rãi hơn, và hầu như toàn bộ dân chúng Đan Mạch đều ủng hộ việc mở rộng năng lực turbin. Điều đó giúp phát triển các turbin lớn và công nghiệp hóa mạnh hơn các nhà máy điện gió.

Tuy hình thức đồng sở hữu có giảm, nhưng hiện nay, 3/4 turbin gió ở Đan Mạch vẫn do các công dân bình thường sở hữu.

Rõ ràng cam kết của chính phủ với điện gió là nhân tố trọng yếu để Đan Mạch có thể trở thành nước dẫn đầu thế giới về năng lượng gió.

Năm 2014, doanh thu của ngành công nghiệp điện gió của Đan Mạch lên đến 12,8 tỉ USD, tăng 7,4% so với năm trước đó, và xuất khẩu của ngành này cũng tăng thêm 16,7%, đạt 8,1 USD.

Sự chuyển đổi của Đan Mạch sang một xã hội carbon thấp đặt ra nhiều bài học có thể áp dụng được cho Việt Nam. Quá trình này thường bị coi là tốn kém và khó khăn, nhưng trường hợp Đan Mạch cho thấy sự chuyển đổi này không chỉ giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải carbon mà còn giúp tạo thêm việc làm và cơ hội kinh doanh.

Chính các mục tiêu chính trị nhất quán, dài hạn của Đan Mạch đã giúp tạo nền tảng cho hợp tác công - tư, và nhờ đó, các công ty Đan Mạch có được môi trường ổn định cần có để đầu tư dài hạn.

Nhờ những nỗ lực nhất quán ấy, ngành năng lượng Đan Mạch hiện đang cung cấp việc làm cho 58.000 người trong một đất nước vỏn vẹn 5,5 triệu dân./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động