RSS Feed for Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về ngành năng lượng trong tháng 11 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 17:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về ngành năng lượng trong tháng 11

 - Tháng 11/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo ngành năng lượng Việt Nam, với các nội dung: PVN tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; Ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; Phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo; Chính phủ phê duyệt khung mức giá bán lẻ điện bình quân; Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Bản Chát...

>> PVN tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh
>> Ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân
>> Phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo
>> Chính phủ phê duyệt khung mức giá bán lẻ điện bình quân
>> Quyết định của Chính phủ về lộ trình thị trường điện lực
>> Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Bản Chát
>> Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La

PVN tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Theo Nghị định, mục tiêu hoạt động của PVN là phát triển thành tập đoàn kinh tế có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao; trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là: thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.

Mục tiêu hoạt động của PVN: Kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại PVN và vốn đầu tư của PVN tại doanh nghiệp khác; hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu nhà nước giao; Tối đa hóa hiệu quả hoạt động của Tập đoàn.

Phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn kinh tế có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao; trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh là thăm dò khai thác dầu khí, lọc-hoá dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; trong đó, thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực kinh doanh chính; gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với khoa học, công nghệ đào tạo; có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế làm nòng cốt để ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả và bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của đất nước.

Ngành, nghề kinh doanh chính của PVN là nghiên cứu, tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tàng trữ dầu khí, khí hoá than, làm dịch vụ về dầu khí ở trong và ngoài nước; kinh doanh, phân phối các sản phẩm dầu, khí, các nguyên liệu hoá phẩm dầu khí; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lọc hóa dầu, tư vấn chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sản xuất và chế biến các sản phẩm lọc hóa dầu...

Ban hành cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, trường hợp các thông số đầu vào cơ bản tại thời điểm tính toán biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân cơ sở làm giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật tại thời điểm tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá (sau khi đã trích Quỹ bình ổn giá điện), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020.

Mục tiêu của Chương trình là tạo động lực cho các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thực hiện công bằng, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Cung cấp điện từ lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo; cùng với việc cung cấp điện từ nguồn năng lượng mới và tái tạo, thực hiện mục tiêu đến năm 2015 về cơ bản các xã trên toàn quốc có điện đưa đến trung tâm xã, đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện, với 57 xã, khoảng 12.140 thôn, bản, khoảng 1.288.900 hộ dân được cấp điện.Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 được thực hiện nhằm tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi, góp phần cải thiện và thu hẹp dần khoảng cách phát triển trong vùng và giữa các vùng một cách bền vững, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Chính phủ phê duyệt khung mức giá bán lẻ điện bình quân

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Cụ thể, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh.

Căn cứ vào khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá, theo cơ chế điều chỉnh giá bán điện do Thủ tướng Chính phủ quy định và phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với biến động của chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán điện, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Quyết định của Chính phủ về lộ trình thị trường điện lực

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo đó, thị trường điện lực được hình thành và phát triển quả 3 cấp độ:

Cấp độ 1 - Thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

Cấp độ 2 - Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3 - Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh...

Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Bản Chát

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Bản Chát. 

Mục tiêu là di dân, tái định cư Dự án thủy điện Bản Chát phải tạo được các điều kiện để người dân tái định cư có đời sống tốt hơn nơi ở cũ, trên cơ sở khai thác tiềm năng về tài nguyên và sức lao động, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu.

Quỹ đất lập khu, điểm tái định cư được hình thành chủ yếu từ việc khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất từ đất chưa sử dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân sở tại với người dân tái định cư và đất không bị ngập vùng ven hồ chứa. Diện tích đất ở giao cho hộ tái định cư nông nghiệp từ 300 m2 - 400 m2/hộ; diện tích đất sản xuất nông nghiệp giao cho hộ tái định cư tùy thuộc vào quỹ đất của từng vùng tái định cư.

Tổng mức đầu tư Dự án di dân, tái định cư thủy điện Bản Chát hơn 5.052 tỷ đồng.

Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La. Di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La phải tạo được các điều kiện để đồng bào tái định cư sớm ổn định chỗ ở và đời sống, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ.

Theo đó, tổng số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La là 20.340 hộ, 92.301 nhân khẩu. Trong đó, tỉnh Sơn La 12.584 hộ, 58.337 khẩu; tỉnh Điện Biên 4.459 hộ, 17.010 khẩu; tỉnh Lai Châu 3.297 hộ, 16.954 khẩu.

Tổng số khu, điểm tái định cư tập trung của Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La 78 khu, 285 điểm, tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã và tái định cư tự nguyện; bố trí tái định cư cho 20.477 hộ (gồm số dân di chuyển thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La và Dự án đường tránh ngập đường Mường Lay - Nậm Nhùn giai đoạn 1).

Phương án bố trị cụ thể như sau: Tái định cư tập trung nông thôn tại 68 khu, 263 điểm, bố trí 13.418 hộ; tái định cư tập trung đô thị tại 10 khu, 22 điểm, bố trí 5.641 hộ; tái định cư xen ghép vào 38 bản thuộc 17 xã, bố trí 500 hộ và tái định cư tự nguyện 918 hộ...

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nga và chiến lược bao vây Trung Quốc
Báo Ấn Độ: ‘Cuộc chơi’ ở châu Á không thể thiếu Việt Nam
Bảy kịch bản đồng minh Trung Đông trở mặt với Mỹ
Giới chuyên gia khuyên Trung Quốc phải coi trọng Việt Nam
Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động