Cần một khung chính sách lâu dài cho năng lượng tái tạo
07:35 | 12/04/2017
Hậu điện hạt nhân, những vấn đề cần giải quyết
hời cơ mới phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị tới Chính phủ, các bộ, ngành chức năng về cơ chế, chính sách phát triển bên vững nguồn năng lượng tái tạo Việt Nam. Văn bản kiến nghị được VEA thực hiện trên cơ sở kết quả Hội thảo quốc tế về "Công nghệ nguồn, lưới điện trong hệ thống điện có tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo cao" do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Phát triển Công nghiệp ESS Hàn Quốc tổ chức tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào trung tuần tháng 3/2017.
Trong văn bản kiến nghị, VEA cho rằng, Việt Nam có tiềm năng khá lớn về nguồn năng lượng tái tạo. Đến thời điểm hiện tại, chủ yếu tập trung khai thác nguồn thủy điện, còn nguồn điện gió và điện mặt trời đang phát triển ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng.
Chính phủ Việt Nam đã đặt các mục tiêu phát triển nguồn năng lượng tái tạo đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 tại Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Theo đó, một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo đã được ban hành như: Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng sinh khối tại Việt Nam; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam,... Tuy nhiên, phát triển nguồn năng lượng tái tạo còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Do vậy, VEA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan hoàn thiện khung chính sách cho phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có một số nội dung cần đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất: Xây dựng một khuôn khổ chính sách ổn định, lâu dài cho năng lượng tái tạo, để tăng sự tự tin cho nhà đầu tư và cho phép việc phát triển nhanh nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ hai: Bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và ban hành giá phát thải khí CO2 trên cơ sở các tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải trả phí phát thải để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho năng lượng tái tạo.
Thứ ba: Ban hành các yêu cầu phát triển bền vững và tiêu chuẩn của các dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ tư: Sớm ban hành cơ chế hỗ trợ các dự án năng lượng mặt trời; điều chỉnh cơ chế khuyến khích phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo đã ban hành, nhằm khuyến khích và đẩy nhanh phát triển nguồn năng lượng này.
Với Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước, VEA kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhanh các dự án nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó là sớm ban hành cơ chế thanh toán bù trừ (Net Metering) nhằm giải quyết các vướng mắc tại một số dự án điện mặt trời đã và sẽ đưa vào vận hành và khuyến khích phát triển nhanh nguồn điện mặt trời tại các hộ gia đình, văn phòng, các trung tâm thương mại, các nhà cao tầng, các vùng sâu, vùng xa, các hải đảo...
Trong văn bản này VEA cũng kiến nghị việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các dự án điện năng lượng mặt trời thí điểm tại khu vực miền Nam nhằm giảm công suất truyền tải điện qua đường dây 500 kV. Phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam triển khai thực hiện dự án hệ thống lưu trữ năng lượng ESS thí điểm sử dụng 5 triệu USD vốn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc.
Đặc biệt là việc phối hợp với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và Tập đoàn DOOSAN Hàn Quốc nghiên cứu cải tạo nhà máy Nhiệt điện Ninh Bình có công suất 100MW đã quá cũ từ sử dụng than sang sử dụng nhiên liệu sinh khối.
Cuối cùng, VEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu phát triển các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối với quy mô lớn tại khu vực phía Nam (bao gồm cả công nghệ PV và CSP), đưa vào vận hành từ năm 2018 - 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho khu vực này khi nhiều nhà máy nhiệt điện đang xây dựng đưa vào chậm so với tiến độ đã được phê duyệt.
NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM