RSS Feed for Campuchia học kinh nghiệm Việt Nam xây trung tâm thông tin NLNT | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 02/01/2025 23:01
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Campuchia học kinh nghiệm Việt Nam xây trung tâm thông tin NLNT

 - “Ứng dụng năng lượng hạt nhân trong đời sống hàng ngày” là mối quan tâm của Vương quốc Camphuchia, ông TIN Ponlok, Tổng thư ký, Ban thư ký Hội đồng quốc gia phát triển bền vững, Vương quốc Campuchia cho biết.

Campuchia học tập kinh nghiệm truyền thông ĐHN Việt Nam

Ngày 28/6, Đoàn đại biểu của Vương quốc Campuchia, gồm 11 thành viên, đã đến Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân (ICONE) tại Việt Nam để tìm hiểu mô hình hoạt động, cách thức vận hành, kinh nghiệm tuyên truyền.

Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử tại Việt Nam được thành lập và đi vào hoạt động, năm 2012. Ảnh: Hải Vân

PGS TS Hà Mạnh Thư, Giám đốc ICONE cho biết, Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử của Việt Nam nằm trong hệ thống các Trung tâm Thông tin Năng lượng Nguyên tử mà phía Nga cam kết hỗ trợ về mặt kỹ thuật.

Các trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử là những sàn thông tin liên lạc đa chức năng có nhiệm vụ quảng bá đến người dân những vấn đề thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử.

Trung tâm là kết quả của sự nỗ lực thực hiện Biên bản ghi nhớ của Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam và Tập đoàn nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên Bang Nga (ROSATOM) được ký kết tại Matxcơva vào ngày 3/10/2011. Đây là kết quả hợp tác hiệu quả giữa Liên Bang Nga và Việt Nam và là Trung tâm đầu tiên được ROSATOM xây dựng ở nước ngoài.

Mục đích chính của Trung tâm là mang lại các thông tin đầy đủ, trình bày những vấn đề phức tạp về điện hạt nhân bằng những cách thức dễ hiểu cho mọi tầng lớp, mọi đối tượng (học sinh phổ thông, sinh viên và quảng đại quần chúng), về năng lượng điện hạt nhân và điện năng được sản xuất như thế nào trong nhà máy điện ở Nga.

Trung tâm đã và đang cung cấp thông tin một cách tương đối đầy đủ, toàn diện, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân và của các thế hệ cán bộ khoa học công nghệ của Việt Nam, củng cố lòng tin vào sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân.

Ngoài mô hình nhà máy điện hạt nhân của Nga, trung tâm được trang bị hệ thống máy chiếu 3D với âm thanh vòm hiện đại, với 5 chương trình bao gồm: Du hành vào thế giới năng lượng nguyên tử; Nguyên liệu hạt nhân; Trái Đất - một hành tinh của hệ mặt trời; Lịch sử ngành thiên văn học - công cuộc chinh phục vũ trụ; Du hành qua những thành phố trên thế giới.

Trung tâm cũng được trang bi thiết bị đo lượng phóng xạ do bản thân mình phát ra qua một thiết bị đo đặc biệt. Điều này khiến cho chúng ta cảm nhận được bức xạ phát ra từ cơ thể người so với các nguồn bức xạ khác.

Trên thực tế, các quốc gia mới phát triển năng lượng nguyên tử cần một phương pháp tiếp cận tích hợp và sự an ninh toàn diện về các nhu cầu của họ. Nhưng điều quan trọng là phải tính đến các đặc điểm riêng biệt của mỗi quốc gia, trình độ phát triển luật pháp và đào tạo chuyên gia của nước đó.

Với mục tiêu xây dựng một trung tâm thông tin năng lượng nguyên tử tại Campuchia, PGS.TS Hà Mạnh Thư khuyến cáo: “Công việc nên bắt đầu từ việc xác định địa điểm, đánh giá cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, hoàn thiện luật pháp, chuyển tải thông tin và đảm bảo sự chấp nhận của công chúng”.  

Trước đó, Hội đồng Quốc gia Phát triển bền vững của Vương quốc Campuchia, ngày 17/5, đã ký hai văn kiện: Bản ghi nhớ về Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân tại Campuchia và Bản ghi nhớ về một nhóm làm việc chung Campuchia - Nga về việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử.

Bản ghi nhớ về Trung tâm Thông tin Năng lượng hạt nhân là một bước quan trọng trong việc tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực chấp nhận của công chúng về năng lượng nguyên tử tại Vương quốc Campuchia.

Trung tâm Thông tin được quy hoạch để trở thành một nền tảng cho các sự kiện liên văn hóa và giáo dục cho các nhóm dân cư khác nhau, trước hết, cho trẻ em, học sinh, sinh viên.

Các hoạt động của Trung tâm sẽ không được thương mại hóa, nhưng tập trung vào việc thúc đẩy tất cả các khía cạnh của việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử.

Trung tâm này sẽ cho phép người dân Campuchia có được sự hiểu biết tốt hơn về các nguyên tắc năng lượng hạt nhân, quan điểm của năng lượng và công nghiệp phát triển hạt nhân quốc gia, đồng thời nâng cao uy tín của nghề nghiệp trong giới trẻ.

Bản ghi nhớ về nhóm làm việc chung Campuchia - Nga về việc sử dụng hòa bình năng lượng nguyên tử cho phép các bên tham gia họp định kỳ, đặc biệt là các chuyên gia của hai nước, để xác định và thực hiện các dự án chung.

Cả hai văn bản được ký bởi ông Sergei Vladilenovich Kiriyenko, Giám đốc điều hành của ROSATOM và ông Sài Samal, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững, Vương quốc Campuchia.

HẢI VÂN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động