RSS Feed for An toàn hạt nhân: Việt Nam không ngoài thông lệ quốc tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 16/09/2024 23:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An toàn hạt nhân: Việt Nam không ngoài thông lệ quốc tế

 - Khi thực hiện chương trình điện hạt nhân, bất cứ quốc gia nào cũng đều phải tính toán rất kỹ ba yếu tố cơ bản, liên quan đến tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân: Khuôn khổ pháp lý, công nghệ lò phản ứng và nguồn nhân lực. Việt Nam cũng không nằm ngoài thông lệ đó.

Điện hạt nhân: Nâng cao tiềm lực Việt Nam

Xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ

Việt Nam đã có Luật Năng lượng Nguyên tử, được Quốc hội thông qua vào ngày 3/6/2008 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 70/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Năng lượng Nguyên tử về nhà máy điện hạt nhân. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã ban hành thông tư số 28/2011/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân và thông tư số 30/2012/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với thiết kế nhà máy điện hạt nhân… Đây là những văn bản cơ bản đầu tiên cho chương trình điện hạt nhân Việt Nam, nhưng bản thân nó vẫn chưa bao hàm đầy đủ những quy phạm, quy chuẩn cần thiết cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân theo thông lệ quốc tế.

Hiện tại, Cục An toàn bức xạ hạt nhân, cơ quan được Bộ KH&CN giao trọng trách xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật, đang thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật với IAEA và dự án hợp tác với EU nhằm tiếp tục phát triển khung pháp lý và tăng cường năng lực cho Cơ quan pháp quy hạt nhân Việt Nam. Tuy nhiên mọi chuyện mới ở giai đoạn bắt đầu.

Nhiều câu hỏi liên quan vấn đề an toàn đã đặt ra cho những người đứng đầu các cơ quan có trọng trách với Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, trong khi các văn bản pháp lý trong lĩnh vực hệ trọng này cho đến nay vẫn còn những bất cập. Về cơ chế giám sát, vấn đề được đặt ra từ sau sự cố Fukushima nhưng đến nay chưa được cải thiện bao nhiêu.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Vương Hữu Tấn - Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân (Bộ Khoa học & Công nghệ) nói có 2 yếu tố: Chủ đầu tư phải đủ năng lực để quản lý, đảm bảo an toàn cho nhà máy và cơ quan quản lý, hay còn gọi là cơ quan pháp quy phải thực hiện tốt chức năng giám sát. Nhưng luật Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng, hiệu quả cho cơ quan pháp quy với chức năng thanh, kiểm tra tính an toàn của nhà máy. Cạnh đó, việc cấp phép hiện nay chia quá nhiều đầu mối: cấp phép xây dựng do Bộ Khoa học & Công nghệ, còn cấp phép vận hành do Bộ Công Thương. Trong khi đó, Bộ Công Thương lại là cơ quan chủ quản, điều này vi phạm nguyên tắc độc lập trong vấn đề quản lý an toàn quốc tế.

Trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử, nước ta cũng đã nghiên cứu một mô hình quản lý giám sát về điện hạt nhân, đảm bảo các quyết định không bị chi phối bởi bất kỳ điều gì, nếu nhà máy không đảm bảo an toàn sẽ không được vận hành. TS. Vương Hữu Tấn cho rằng, còn nhiều việc phải giải quyết về mặt quy phạm pháp lý an toàn hạt nhân liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, đặc biệt sau những bài học kinh nghiệm xương máu từ thảm hoạ Fukushima. Đối với điện hạt nhân, không an toàn, không được vận hành. Thời gian dành cho các cấp, các ngành, những người được giao phó trọng trách xây dựng nền công nghiệp điện hạt nhân của nước ta còn lại rất ít.

Khi tai nạn xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima cơ chế quản lý hạt nhân của Nhật đã thể hiện những bất cập lớn. Điều này buộc Chính phủ Nhật Bản phải xây dựng ngay một cơ cấu tổ chức quản lý, những quy chuẩn an toàn mới nhằm bảo đảm an toàn hạt nhân cao nhất cho điện hạt nhân. Nhật Bản đã thành lập cơ quan pháp quy hạt nhân được giám sát bởi Ủy ban điều tra an toàn hạt nhân. Cơ quan pháp quy hạt nhân thuộc Bộ Môi trường sẽ thống nhất các chức năng có liên quan của các bộ khác nhau và chịu trách nhiệm quản lý về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân, quan trắc phóng xạ và đồng vị phóng xạ.

Sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tháng 3/2011, Nhật Bản đã xây dựng và thực hiện 30 biện pháp trong Pháp quy hạt nhân mới để vận hành các nhà máy điện hạt nhân với nội dung ngăn ngừa mất chức năng do lỗi thông thường, ngăn ngừa tai nạn nghiêm trọng và ngăn chặn việc thoát phóng xạ. Các biện pháp bắt buộc các nhà máy điện hạt nhân phải chịu được các trận động đất lên tới 1260 Gal và sóng thần cao tới 11,4 mét trên mực nước biển nhờ có việc đảm bảo nguồn điện và nước làm mát.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng đang khẩn trương bổ sung bộ luật mới về trách nhiệm đền bù thiệt hại hạt nhân. Luật quy định các điều khoản và xác định phạm vi trách nhiệm dân sự và bồi thường trong trường hợp tai nạn hạt nhân xảy ra. Luật cũng đặt ra một giới hạn về trách nhiệm pháp lý của nhà vận hành tương đương khoản tiền 694 triệu USD. Nhà vận hành, do đó, cần phải mua bảo hiểm hoặc bảo đảm bằng hình thức tài chính khác không ít hơn khoản tiền nói trên.

Luật về trách nhiệm đền bù hạt nhân được soạn thảo với sự tham vấn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và được xem xét bởi các chuyên gia luật của IAEA để đảm bảo phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan. Cơ quan liên bang pháp quy hạt nhân của UAE (FANR) là cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm triển khai luật. Theo TS. Lê Văn Hồng, việc xây dựng khuôn khổ pháp lý bao gồm một hệ thống văn bản quy phạm về điện hạt nhân đầy đủ, toàn diện và nghiêm ngặt cần một quãng thời gian dài và được tiến hành cẩn trọng từng bước một. Việc có được một hệ thống văn bản như vậy cũng phản ánh xác thực văn hóa an toàn của điện hạt nhân và là cơ sở để văn hóa an toàn đó được thực thi.

Ở đây, yếu tố nhân lực trình độ cao đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi những người soạn thảo phải là những nhà nghiên cứu, xuất thân từ công việc nghiên cứu chuyên sâu trong các lĩnh vực khác nhau của điện hạt nhân. Nắm rõ được toàn bộ quy trình thiết kế, xây dựng nhà máy, lắp đặt lò phản ứng và những công việc liên quan đến xử lý sự cố trong vận hành, bảo dưỡng, họ mới có đủ kiến thức và kinh nghiệm để ngồi lại, soạn thảo những quy phạm mang tính khái quát nhưng vẫn đảm bảo sự chính xác, cẩn trọng.

Để hệ thống văn bản quy phạm này được thực thi an toàn trong thực tế, một đội ngũ chuyên gia thanh sát về việc thực hiện quy chuẩn an toàn do cơ quan quản lý nhà nước về pháp quy thành lập, cũng là những nhà nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm, hoặc có nhiều năm phụ trách việc vận hành lò phản ứng nghiên cứu, lò phản ứng năng lượng, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Đội ngũ này trực tiếp có mặt tại các nhà máy, giám sát ngay từ quá trình xây dựng, lắp đặt lò phản ứng đến quá trình hoạt động để kịp thời xử lý những trường hợp vi phạm “từ trong trứng nước” và báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước. Đây cũng là kinh nghiệm mà tất cả các quốc gia đạt trình độ tiên tiến về điện hạt nhân trên thế giới đã áp dụng.

Chọn lò phản ứng thế hệ ba cộng

Điện hạt nhân có nhiều ưu điểm so với các loại năng lượng khác, song bản thân nó cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm nếu để xảy ra sự cố như trường hợp với nhà máy Three Mile Island (Mỹ, năm 1979), Chernobyl (Ukraina, 1986) và gần đây là Fukushima (Nhật Bản, 2011). Nhìn lại ba tai nạn này có thể thấy, lò phản ứng tại các nhà máy đều là những lò thế hệ cũ, áp dụng công nghệ lạc hậu: Three Mile Island, Chernobyl đều sử dụng lò thế hệ đầu hoặc giai đoạn đầu của thế hệ thứ hai; còn Fukushima là lò nước sôi (BWR) thế hệ ban đầu được thiết kế từ những năm 1960 và xây dựng vào những năm 1970.

Cải tiến mới của lò phản ứng thế hệ 3+ là trong những thiết kế mới nhất đã được bổ sung tới bốn hệ thống an toàn để phòng trường hợp một hệ thống gặp sự cố tác động đến hệ thống khác thì vẫn còn hệ thống cuối thực hiện chức năng an toàn.  TS. Lê Văn Hồng - Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao đổi hai vấn đề với những lò phản ứng này. Thứ nhất, hệ thống an toàn chủ yếu là an toàn chủ động, chỉ hoạt động khi được tiếp năng lượng, hoặc có sự tác động của con người. Thứ hai, thiết kế lò phản ứng tương ứng với những quy chuẩn an toàn giai đoạn đó, thấp hơn nhiều so với những tiêu chuẩn hiện nay.

Để giảm thiểu những mối nguy hiểm có thể xảy ra, công nghệ thiết kế và vận hành lò phản ứng hạt nhân ngày càng được hoàn thiện nhằm đảm bảo các phản ứng phân hạch hạt nhân diễn ra an toàn hơn, giảm thiểu khả năng nóng chảy vùng hoạt và giảm phát thải phóng xạ với những quy chuẩn an toàn không ngừng được nâng cao, ví dụ theo yêu cầu hiện nay, mức độ dư thừa trong hệ thống an toàn được đòi hỏi ở mức cao theo khái niệm nguyên lý hỏng đơn, khi một hệ thống bị hỏng thì các hệ thống còn lại phải đảm bảo giữ vững chức năng an toàn của mình.

Trong dòng chảy đó, là quốc gia mới bắt đầu phát triển chương trình điện hạt nhân, Việt Nam sẽ nhập công nghệ thiết kế lò phản ứng từ những quốc gia có nền công nghệ điện hạt nhân tiên tiến trên thế giới để đảm bảo an toàn cho hai nhà máy Ninh Thuận 1 và 2. Hiện nay không ít ý kiến quan ngại về những sự cố có thể đến với điện hạt nhân Việt Nam, nhưng xét một cách thấu đáo, với ba yếu tố nêu trên thì yếu tố công nghệ lại khiến các nhà chuyên môn an tâm hơn cả. Sau khi đã cân nhắc và được tham vấn bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế, Việt Nam đã quyết định lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ ba cộng (lò phản ứng nước áp lực PWR) cho dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

TS. Hồng cho rằng, một trong những đặc điểm nổi bật ở lò phản ứng thế hệ ba cộng là yếu tố an toàn thụ động (passive safety) được chú trọng, khi việc đảm bảo an toàn không phụ thuộc vào năng lượng hay con người mà dựa vào quy luật tự nhiên như hệ thống đối lưu tự nhiên, hệ thống thiết bị do lực trọng trường tác động… Ví dụ với công nghệ lò AP 1000 (dựa trên thiết kế AP600 của công ty Westinghouse - Mỹ), hầu hết hệ thống làm mát khẩn cấp, làm mát lâu dài, xử lý sự cố nặng đều áp dụng theo nguyên lý thụ động, qua đó có thể tự duy trì trạng thái an toàn mà không cần đến các bộ phận điều khiển chủ động, còn công nghệ lò AES 2006 của Nga áp dụng song song hệ thống an toàn chủ động và an toàn thụ động nhằm đảm bảo hệ thống làm mát có khả năng hoạt động trong thời gian dài, phòng sự cố mất điện, rủi ro xảy ra mà con người chưa thể kịp thời can thiệp.

Yếu tố cải tiến mới của lò phản ứng thế hệ ba cộng là trong những thiết kế mới nhất đã được bổ sung tới bốn hệ thống an toàn để phòng trường hợp một hệ thống gặp sự cố tác động đến hệ thống khác thì vẫn còn hệ thống cuối thực hiện chức năng an toàn. Bên cạnh đó, ngoài việc áp dụng theo nguyên lý hỏng đơn, một số nguyên lý khác cũng được bổ sung và hoàn thiện như nguyên lý tách rời, nguyên lý đa dạng… nhằm đảm bảo cho các hệ thống an toàn hoạt động thông suốt, không bị đứt đoạn trong thời gian vận hành, có thể phòng trường hợp mất một trong số các nguồn điện phục vụ hệ thống an toàn. Hội tụ những ưu điểm trên, công nghệ lò phản ứng AES 2006, công suất 1.200 MW của Nga đã được xác định dành cho nhà máy Ninh Thuận 1, còn với nhà máy Ninh Thuận 2 có thể là sự lựa chọn giữa công nghệ lò phản ứng AP 1000 hoặc ATMEA1 (Nhật Bản và Pháp) có công suất 1.100MW.

Nguồn nhân lực chất lượng cao

Công nghiệp hạt nhân được đặc trưng bởi yêu cầu về trình độ kỹ năng tổng thể và an toàn ở mức cao. Mối quan ngại nổi bật trong công nghiệp hạt nhân là an toàn, không chỉ bởi lợi ích riêng của ngành, mà còn vì tính nhạy cảm ở khía cạnh chấp nhận của công chúng và nói một cách chính thức là vì quy định pháp quy của quốc gia, của khu vực và các thỏa thuận quốc tế.

Việt Nam đang nỗ lực chuẩn bị xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có dự án riêng về nhân lực và đã được phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có đề án để phát triển nhân lực tâp trung đào tạo đại học và sau đại học. Hiện nay đã có 353 sinh viên của Việt Nam đang theo học tại cơ sở đào tạo của Nga. Tốp sinh viên đầu tiên đã tốt nghiệp vào cuối năm 2006. Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ của chúng ta đã tận dụng được rất tốt sự giúp đỡ của IAEA và các tổ chức quốc tế của các nước khác trong việc đào tạo các cán bộ tham gia quản lý, tham gia các công tác nghiên cứu và hỗ trợ kĩ thuật.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt kế hoạch năm 2015 và triển khai một bước tiếp theo, sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ cho công tác bồi dưỡng này. Theo nhiệm vụ của Thủ tướng giao hoàn thành đề án đào tạo đến năm 2020 cho cán bộ quản lý Nhà nước, cán bộ pháp quy và các chuyên gia kĩ thuật, đây là 3 cấu phần nhân lực chính, đồng thời cũng là những người trực tiếp làm việc vận hành quản lý dự án. Những người tham gia vào quản lý nhà nước và các chuyên gia kỹ thuật của Việt Nam góp phần giúp cho dự án được triển khai và đưa vào sử dụng đúng như là cam kết quốc tế về an toàn, an ninh cũng như là phù hợp với luật pháp cũng như là cách quản lý của Việt Nam hiện nay.

Thực ra, đào tạo và huấn luyện hạt nhân, OECD đã đưa ra những khuyến nghị, trong đó, đặc biệt lưu ý việc không được xem nhẹ tầm quan trọng của đào tạo và huấn luyện trong việc bảo đảm an toàn. Với tất cả những lý do này, hành vi an toàn được xem là kỹ năng then chốt song hành với chuyên môn kỹ thuật đặc thù đối với công việc. Người quản lý và lãnh đạo có vai trò chủ chốt trong việc mô hình hóa những hành vi phù hợp, hỗ trợ đào tạo và huấn luyện hạt nhân, nhằm tạo lập và duy trì văn hóa an toàn vững chắc.

Việc nhận diện được những mức độ “hạt nhân hóa” đa dạng trong công nghiệp cần thiết song hành với việc huấn luyện kỹ năng hạt nhân đặc thù và văn hóa an toàn, bổ trợ cho các kỹ năng công nghệ và quản lý khác. Hiểu biết chung về hạt nhân là điều tiên quyết đối với tất cả lực lượng lao động và tùy thuộc vào yêu cầu riêng của công việc mà một số người cần có chuyên môn hạt nhân đặc thù ở mức cao hơn.

Năng lực chuyên môn được phân loại theo ba nhánh cần cho việc vận hành nhà máy điện hạt nhân, bao gồm:

•    Nhân lực “hạt nhân” được đào tạo chính thức chuyên sâu trong các lĩnh vực hạt nhân (ví dụ: công nghệ hạt nhân, hóa phóng xạ, bảo vệ bức xạ, vv...);

•    Nhân lực “hạt nhân hóa” được đào tạo và huấn luyện chính thức trong các lĩnh vực có liên quan (phi hạt nhân). Ví dụ: cơ khí, điện tử, công trình dân dụng, hệ thống, nhưng họ cần có kiến thức về môi trường hạt nhân, ở đó có sử dụng chuyên môn của họ;

•    Nhân lực “hiểu biết hạt nhân” có hiểu biết hạt nhân để làm việc trong công nghiệp. Ví dụ: thợ điện, cơ khí, thợ các nghề khác và nhân viên hỗ trợ.

Yếu tố nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp trong các nhà máy điện hạt nhân được đánh giá là khâu then chốt, cốt lõi cho tính an toàn. Trong quá trình vận hành lò phản ứng thường có nhiều vấn đề khác nhau xảy ra, nếu đội ngũ kỹ thuật chỉ xử lý theo đúng quy trình vận hành, quy phạm hướng dẫn của nhà cung cấp công nghệ, thì đội ngũ chuyên gia giỏi, những người được đào tạo trong một quãng thời gian rất dài từ 10 đến 15 năm, thậm chí là 20 năm, sẽ giải quyết những vấn đề phức tạp thông qua phân tích và nghiên cứu để góp phần bảo đảm tính an toàn cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân như tìm hiểu khả năng tiềm ẩn sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân, tính toán xác suất sự cố có thể xảy ra, xác định quy trình ứng phó sự cố, đánh giá mức độ hậu quả, giảm thiểu các hậu quả, tìm phương án bảo vệ khi có rò rỉ phóng xạ…

Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố khiến nhiều người trong ngành lo lắng, bởi lực lượng cán bộ thực sự am hiểu về công nghệ lò phản ứng, an toàn nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Đội ngũ chuyên gia này bao gồm một số cán bộ trước đây từng học tập và nghiên cứu ở các quốc gia như: Liên Xô, CHDC Đức cũ… và một số cán bộ mới được gửi đi đào tạo ở Nga, Nhật, Mỹ…

Để chương trình điện hạt nhân Việt Nam phát triển bền vững và an toàn lâu dài, cần một đội ngũ chuyên gia đạt trình độ chuyên sâu trên nhiều lĩnh vực, có khả năng ứng phó kịp thời sự cố, đưa ra những biện pháp giải quyết sự cố hoặc nghiên cứu đưa ra hướng giải quyết, phòng ngừa sự cố. Vì quy trình thiết kế và vận hành lò phản ứng điện hạt nhân liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý - thủy nhiệt lò phản ứng, sức bền vật liệu, ăn mòn kim loại, cơ học, tự động hóa, hóa nước… nên trình độ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia trong nhà máy cũng phải đạt trình độ đủ cao tương ứng từng lĩnh vực và mỗi lĩnh vực cần phải có ít nhất từ hai đến ba người.

Cũng nhằm mục tiêu phát triển bền vững chương trình điện hạt nhân, Việt Nam đang có chương trình nội địa hóa công nghệ, qua đó hướng tới tham gia vào thiết kế nhà máy theo từng giai đoạn, ở giai đoạn đầu sẽ tiếp cận việc thiết kế thiết bị thông thường vì trong nhà máy điện hạt nhân, ngoài hệ thống chính là phản ứng có thể mới mẻ với Việt Nam nhưng còn có những hệ thống thiết bị truyền thống gần giống nhà máy nhiệt điện như: turbine, ống dẫn, máy phát, van, bơm…. Vì vậy Việt Nam cần tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ thiết kế để họ có thể tiến tới thiết kế, chế tạo được các thiết bị này theo yêu cầu và quy chuẩn thiết bị của nhà máy điện hạt nhân.

Các vấn đề của an toàn hạt nhân

·    Nghiên cứu và phân tích khả năng tiềm ẩn các sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân,

·    Thiết bị và quy trình chống chọi lại các sự cố,

·    Hành động nhằm giảm thiểu các hệ quả,

·    Tính toán xác suất các sự cố,

·    Đánh giá thời gian và mức độ các hệ quả,

·    Bảo vệ công chúng khi có rò rỉ phóng xạ,

·    Tập huấn và diễn tập cán bộ sẵn sàng cho các sự cố.

SONG ANH (Tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động