RSS Feed for Tổng công ty Điện lực Vinacomin: Hướng tới một thương hiệu mạnh | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 04:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng công ty Điện lực Vinacomin: Hướng tới một thương hiệu mạnh

 - Nhiệt điện Na Dương là nhà máy điện đốt than đầu tiên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Với việc lựa chọn sử dụng Lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) là một công nghệ có thể đốt than xấu, thân thiện với môi trường, Vinacomin đã thành công trong việc tận dụng tài nguyên, tạo thêm việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế xã hội ở những huyện miền núi khó khăn và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngay sau đó, một loạt các nhà máy nhiệt điện của Vinacomin như Cao Ngạn, Sơn Ðộng, Cẩm Phả cũng sử dụng công nghệ này...

 

 

Những hiệu quả trông thấy

Ra đời muộn nhưng hầu hết các nhà máy điện của Vinacomin đi vào hoạt động đều đưa lại những hiệu quả thiết thực. Ðầu tiên là góp phần đắc lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sau khi hai nhà máy điện đầu tiên là Nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn vào hoạt động, chạy ổn định, hết công suất, sản lượng điện trung bình của mỗi nhà máy trên 700 triệu kWh điện/năm.

Hay như Nhiệt điện Sơn Ðộng và Cẩm Phả đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho phép phát điện thương mại trong thời gian bảo hành để góp phần giảm thiểu tình trạng thiếu điện gay gắt. Từ Nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn đến nay Tập đoàn đã có cả Tổng công ty Ðiện lực quản lý hàng chục nhà máy và các dự án xây dựng nhà máy điện. Dự kiến năm nay, các nhà máy điện của Vinacomin sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 6,5 tỷ kWh điện.

Việc Vinacomin xây dựng các nhà máy điện với công nghệ tiên tiến có thể sử dụng than xấu đã phát huy tốt hiệu quả trong việc tận dụng tài nguyên. Nhiệt điện Na Dương là một thí dụ điển hình. Ðặc tính của Than Na Dương là hàm lượng lưu huỳnh cao, nhiệt trị thấp, chỉ có một khách hàng duy nhất là Xi măng Bỉm Sơn.

Năm 1997 khi xi măng Bỉm Sơn có kế hoạch đổi mới công nghệ, mỏ Na Dương đứng trước nguy cơ phải đóng cửa. Tổng công ty Than VN khi đó đã trình Chính phủ quyết định đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Na Dương. Nhà máy điện này ra đời có một ý nghĩa rất lớn, góp phần giải quyết được nhiều mục tiêu kinh tế - xã hội, tận dụng tài nguyên than và cơ sở vật chất Nhà nước đã đầu tư vào mỏ than Na Dương. Hoặc như than xấu ở Khánh Hòa, Núi Hồng được tận dụng cấp cho Nhiệt điện Cao Ngạn.

Các nhà máy điện của Vinacomin ra đời còn góp phần tạo thêm việc làm, phát triển công nghiệp ở địa phương đặc biệt là ở những xã nghèo miền núi, vùng sâu vùng xa. Nhiệt điện Sơn Ðộng vào hoạt động, ngoài nhiệm vụ tiêu thụ than cho các đơn vị sản xuất than vùng Hoành Bồ, Ðồng Rì, còn tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, phát triển kinh tế vùng miền núi hoang vu này.

 

 

Nhanh chóng làm chủ công nghệ

Như đã nói ở trên, công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) là công nghệ sạch, tận dụng than xấu, lượng khí thải ước tính giảm từ 5 đến 6 lần so với sử dụng công nghệ lò hơi cũ. Tuy nhiên đây là một công nghệ rất hiện đại, Vinacomin là Tập đoàn đầu tiên đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Ðầu tiên đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn. Dù vậy, CNCB vẫn quyết tâm và nhanh chóng làm chủ công nghệ.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Ðiện lực - Vinacomin, đến nay, CNCB đã hoàn toàn tự tin vận hành tốt công nghệ này. Các nhà máy điện của Vinacomin đi vào hoạt động rất ổn định, đặc biệt như Nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Cẩm Phả... sau nhiều năm vận hành thương mại, hầu như không hỏng hóc, sự cố lớn. Thậm chí, các cán bộ kỹ thuật, công nhân làm điện của Vinacomin còn tự sửa chữa những sự cố nhỏ, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ðồng thời, đội ngũ CNCB còn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để công nghệ hoàn chỉnh hơn, góp phần đắc lực hỗ trợ cho sản xuất. Chẳng hạn, các kỹ sư phòng công nghệ Nhiệt điện Na Dương đã hiệu chỉnh nồi hơi bằng nhiều biện pháp để vận hành tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu đầu vào.

Trước đây, để sản xuất 1 kWh điện cần đốt 0,73 kg than nhưng nay còn 0,71 kg than. Với lượng than đốt mỗi năm trên 500 ngàn tấn thì con số đó quả là hiệu quả. Thêm nữa là sáng kiến gia nhiệt nước tái sinh bằng hơi tự dùng của kỹ sư Nông Duy Nhương, phó phòng kỹ thuật. Qua theo dõi và nghiên cứu, kỹ sư Nhương đã đưa ra giải pháp sử dụng hơi tự dùng để gia nhiệt nước tái sinh làm các hạt resin không đóng bánh và NaOH không chuyển về trạng thái tinh thể trong quá trình tái sinh như trước, đảm bảo thiết bị vận hành ổn định và liên tục, không bị mài mòn trong quá trình rửa ngược, tăng thời gian vận hành của khối.

Quả thực, dù ra đời sau nhưng các nhà máy điện của Vinacomin đang hoạt động khá ổn định, hiệu quả, từng bước khẳng định thương hiệu điện lực Vinacomin và góp phần thiết thực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

 

Nguồn Vinacomin

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động