RSS Feed for Những quan ngại của chuyên gia về Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 09:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những quan ngại của chuyên gia về Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná

 - Tiếp theo thông tin về Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (giai đoạn 1) đăng trên Năng lượng Việt Nam Online (ngày 29/12/2020), sáng nay (ngày 20/1/2021), Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm để bàn về sự cần thiết và những quan ngại, thách thức của dự án này. Sau khi thảo luận, cân nhắc các ý kiến, các chuyên gia đã thống nhất kết luận 3 nhóm nội dung dưới đây, xin chia sẻ với bạn đọc.


Chuỗi dự án khí Lô B - Ô Môn: Vì sao cần cả hệ thống chính trị vào cuộc?


Thứ nhất: Việc phát triển thêm các trung tâm điện lực sử dụng khí tự nhiên, bao gồm các dự án điện khí từ các mỏ trong nước như Lô B, Cá Voi Xanh và các dự án sử dụng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu như Nhơn Trạch 3 và 4, Bạc Liêu, Cà Ná, Long Sơn… là phù hợp với định hướng phát triển năng lượng/điện lực theo Nghị Quyết 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, nhằm đa dạng hóa các loại nguồn nhiên liệu, phát triển các loại nguồn năng lượng sạch hơn, tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo.

Mặt khác, Dự thảo quy hoạch điện VIII (QHĐ VIII) đang đề xuất chủ trương dừng phát triển các nhà máy nhiệt điện than mới trong giai đoạn đến năm 2030, trong khi chúng ta đang khuyến khích mạnh phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) như điện gió, điện mặt trời. Rất cần và rất khẩn trương phải bổ sung thêm các nguồn nhiệt điện linh hoạt để đảm bảo năng lượng “nền” cho vận hành ổn định hệ thống điện, tạo điều kiện cho các nguồn NLTT phát huy hiệu quả.

Theo Dự thảo QHĐ VIII, với quy mô hệ thống điện đến năm 2030 lên tới khoảng 137.000 MW, trung bình mỗi năm cần xây dựng thêm khoảng 6.700 MW công suất nguồn điện, trong đó đến năm 2030 sẽ phát triển gần 18.000 MW nguồn điện LNG, và tới năm 2045 con số này là gần 40.000 MW.

Hiện nay trong tổng công suất nguồn điện lên tới 69.300 MW, chúng ta có trên 21.000 MW nhiệt điện than (xấp xỉ 31%), và các nguồn điện than hiện nay hầu như chỉ vận hành được ở mức trên 60% công suất đặt; chỉ có trên 7.400 MW các nguồn điện khí (chiếm 10,8%), trong khi có tới trên 21.300 MW công suất các nguồn NLTT không ổn định (bao gồm điện mặt trời, điện gió, sinh khối và thủy điện nhỏ - chiếm 30,6%).

Thực tế trong thời gian qua đã chứng minh rằng, các nguồn NLTT không phải lúc nào cũng huy động được. Cụ thể, trên 16.500 nguồn điện mặt trời (ĐMT), chỉ phát điện chủ yếu từ 7h sáng đến 5h chiều; trên 600 MW điện gió với biểu đồ hoạt động như hình “răng lược”; khoảng 3.700 MW thủy điện nhỏ, chỉ phát huy năng lực chủ yếu vào mùa mưa, phụ thuộc lớn vào thời tiết bất thường gần đây; và trên 300 MW điện sinh khối, chủ yếu từ các nhà máy mía đường, phụ thuộc vào mùa thu hoạch… Do đó, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia vừa qua đã phải nêu quan ngại về việc khó khăn khi vận hành hệ thống điện khi mà nhu cầu phụ tải ở lúc thấp điểm buổi trưa nhiều lúc gần như tương đương với 40% công suất phát điện các nguồn NLTT.

Theo cập nhật, sớm nhất sẽ xuất hiện nhiệt điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 (1.500 MW) vào năm 2023, sử dụng LNG nhập khẩu qua Cảng - kho Thị Vải. Các dự án điện khí đường ống ở Lô B và Cá Voi Xanh đang còn nhiều vướng mắc, giá thành khai thác khí cao, khả năng có thể đưa vào các dự án này ở năm 2024 - 2025 còn thiếu chắc chắn. Theo các đánh giá quốc tế, thị trường LNG thế giới sẽ dư cung trong giai đoạn từ nay tới những năm 2030 và giá các hợp đồng mua bán LNG dài hạn được cho là sẽ không vượt qua mức 10 USD/triệu BTU.

Thực hiện chủ trương thúc đẩy phát triển nguồn điện khí LNG, ngày 23/4/2020, cùng với việc bổ sung các dự án điện LNG Bạc Liêu và Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 479/TTg-CN về việc bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná - Ninh Thuận (giai đoạn 1) công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tiến độ vận hành năm 2025 - 2026, còn các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong QHĐ VIII.

Ngày 14/10/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 299 về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) khu vực tổ hợp điện khí LNG. Tiếp đó, ngày 8/12/2020, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2162/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (giai đoạn 1), công suất 1.500 MW tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam.

Theo thông tin Dự án, nếu so với làm dự án điện mặt trời có công suất 1.500 MW, phải mất quỹ đất khoảng 1.500 ha, còn với dự án điện khí này, giai đoạn 1 chỉ tốn quỹ đất khoảng hơn 20 ha cho nhà máy điện.

Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi cho rằng, chủ trương của UBND tỉnh Ninh Thuận khi khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để khởi động sớm dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná là cần thiết và kịp thời. Bởi việc phát triển điện khí Cà Ná sẽ là động lực quan trọng và quyết định cho yêu cầu thay thế kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận sau khi có chủ trương dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân, góp phần khai thác hiệu quả lợi thế cảng biển nước sâu Cà Ná.

Chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, cũng có thể mục tiêu năm hoàn thành dự án (2024), khi mời gọi đầu tư là hơi lạc quan, nhưng điều đó cũng khẳng định quyết tâm của tỉnh Ninh Thuận với việc đưa ra tín hiệu thúc đẩy tiến độ dự án này.

Thứ hai: Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná có quy mô đầu tư lớn, khoảng 49.000 tỷ đồng, tương đương trên 2,1 tỷ USD, với mô hình “chuỗi” phức hợp LNG - điện lực. Mô hình đòi hỏi có một hệ thống kỹ thuật liên tục, gắn kết: Công trình cảng nước sâu, kho chứa LNG, hệ thống tái hóa khí và các nhà máy điện, cũng như hạ tầng ban đầu phải đảm bảo các điều kiện để phát triển đầy đủ quy mô 6.000 MW trong tương lai.

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng một nhà máy điện khí sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; xây dựng cảng nhập LNG đáp ứng quy mô sản lượng LNG thông qua cảng là 4,8 triệu tấn/năm, bao gồm:

1/ Hai cảng lỏng, giai đoạn 1 xây dựng một bến.

2/ Đê chắn sóng phía Đông.

3/ Các công trình hạ tầng, phụ trợ phục vụ toàn bộ khu cảng nhập LNG.

4/ Kho chứa LNG có công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, giai đoạn 1 đầu tư toàn bộ hạ tầng kho chứa LNG và xây dựng, lắp đặt trước một bồn chứa LNG phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.

5/ Kho tái hóa khí, bao gồm 4 trạm tái hóa khí, công suất 4x1,2 triệu tấn/năm, giai đoạn 1 cần đầu tư toàn bộ hạ tầng khu tái hóa khí và xây dựng, lắp đặt trước một trạm tái hóa khí phục vụ nhu cầu dự án công suất 1.500 MW.

6/ Hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy điện khí LNG giai đoạn 1, công suất 1,2 triệu tấn/năm.

7/ Hệ thống truyền tải điện đảm bảo truyền tải công suất toàn bộ trung tâm điện lực LNG 6.000 MW, giai đoạn 1 đầu tư các ngăn lộ phục vụ nhà máy công suất 1.500 MW.

Tưởng rằng, với các dự án “tỷ đô”, chúng ta thường trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào, nhưng đã có bài học từ việc kêu gọi nhà đầu tư quốc tế tham gia vào chuỗi khí LNG - Điện Sơn Mỹ - Bình Thuận. Chuỗi dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 3/2016 (trong QHĐ VII - điều chỉnh) và tiến độ dự kiến là tới năm 2023 mới có tổ máy số 1 - 750 MW trên tổng 4.500 MW. Nhưng đến nay (sau 5 năm) dự án đó vẫn còn đang đàm phán trên giấy mà chưa có dấu hiệu sớm triển khai xây dựng bất cứ hạng mục nào [*].

Do đó, chúng tôi cho rằng: Không nên chỉ trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài, vì họ thường đòi hỏi nhiều khoản cam kết của Chính phủ, nhất là về bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán tiền điện, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, đảm bảo huy động công suất, bao tiêu sản lượng điện phát ra, áp dụng luật nước ngoài trong giải quyết tranh chấp v.v… dẫn đến kéo dài thương thảo cả chục năm, và nhiều khi thất bại cả chuỗi dự án. Các câu hỏi đặt ra ở đây là:

1/ Tại sao chúng ta không hướng đến các nhà đầu tư trong nước có đủ khả năng huy động tài chính và kỹ thuật?

2/ Nếu không hướng tới việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, tham gia vào các dự án lớn, thì bao giờ doanh nghiệp Việt Nam mới đủ tầm sánh vai trong khu vực và thế giới?

Vì vậy, chúng ta cần khuyến khích đầu tư theo hình thức công - tư (PPP), để Nhà nước hỗ trợ tư nhân ngày càng phát triển, nhất là doanh nghiệp Nhà nước tham gia phần các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho việc mở rộng tới giai đoạn quy mô 6.000 MW. Hoặc hình thức liên doanh đầu tư với nước ngoài, trong đó doanh nghiệp trong nước đóng vai trò chi phối, đảm nhiệm các khâu chính.

Cần lưu ý rằng, Việt Nam đã có kinh nghiệm xây dựng cảng nước sâu. Ví dụ, cảng Dung Quất, hay PV GAS/PVN đang xây dựng Cảng - kho LNG Thị Vải quy mô 1 triệu tấn/năm. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể huy động được một số nhà đầu tư trong nước, liên kết tham gia chuỗi LNG - điện lực sắp tới.

Được biết, theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Văn bản 479/TTg-CN ngày 23/4/2020, hiện nay UBND tỉnh Ninh Thuận đang thực hiện quy trình lựa chọn nhà đầu tư dự án. Tiếp đến, Bộ Công Thương cũng đã có Văn bản số 4048/BCT-ĐL ngày 5/6/2020 về hướng dẫn một số nội dung liên quan đến Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná.

Có thể khẳng định, đây là chuỗi dự án lớn, phức tạp, nhiều hạng mục và có yêu cầu kỹ thuật cao và năng lực tài chính tốt, vì vậy, trong quá trình chuẩn bị dự án UBND tỉnh Ninh Thuận cần lưu ý thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Công Thương và các quy định hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Quốc phòng... cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ tỉnh triển khai dự án đồng bộ, an toàn, đảm bảo hiệu quả.

Thứ ba: Nếu nhìn trên bản đồ về vị trí của Dự án (xã Diêm Phước, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận), nằm gần giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với độ cao địa hình đồi núi khoảng từ 400 -:- 600 m ở khu vực phía Tây của dự án và là điểm cao nhất trong dải ven biển kéo dài hàng trăm km, theo hướng Tây - Nam đến Bà Rịa - Vũng Tàu, thì đây là “một vị trí có ưu thế về an ninh phòng thủ ven biển”.

Vì vậy, theo đánh giá chuyên gia, nên hướng tới việc lựa chọn nhà đầu tư trong nước phát triển dự án này để đảm bảo an ninh quốc phòng trong mọi tình huống.

 

Bản đồ vị trí khu vực Dự án Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (theo Google Earrth).


Tất nhiên, một dự án quy mô lớn, phức tạp, sẽ không ít thách thức. Thời gian tới thị trường điện sẽ sớm chuyển sang hình thức cạnh tranh bán buôn - bán lẻ, trong khi mặt bằng giá bán điện của các nhà máy điện truyền thống vẫn còn thấp và biểu giá điện vẫn còn mang tính an sinh xã hội, chậm được điều chỉnh theo hướng phản ánh đúng, đủ chi phí - giá thành... nhưng chúng ta cần có bước đi đột phá, cũng như động viên, cổ vũ các doanh nghiệp “nội địa”.

Mặt khác, chúng ta hãy hy vọng rằng, để xu thế phát triển năng lượng theo Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị sớm triển khai trong thực tế, những rào cản lâu nay sẽ sớm được tháo gỡ, để hệ thống điện Việt Nam thực sự có những bước chuyển dịch theo hướng “sạch hơn” và phát triển bền vững./.

THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


[*] Theo cập nhật thông tin, mới gần đây PV GAS/PVN đã liên doanh với Tập đoàn AES - Mỹ để phát triển Dự án Cảng - Kho Sơn mỹ 1,4 tỷ USD, với kỳ vọng dự án được đưa vào năm 2024.

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động