RSS Feed for “Đề án quy hoạch điện VIII đi ngược xu thế thế giới” (?) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 09:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

“Đề án quy hoạch điện VIII đi ngược xu thế thế giới” (?)

 - Ngày 8/6/2021, ông Nguyễn Đức Thắng (sâu đây gọi là Tác giả) đã có bài “Đề án quy hoạch điện VIII là đi ngược xu thế thế giới” gửi tới Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và được một số tổ chức, cá nhân ủng hộ, tán thưởng... Tuy nhiên, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Cách nhìn nhận, đánh giá trên đây là chưa khách quan và cũng không đúng sự thật. Dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ một số nội dung mà Tác giả nhận định là “đi ngược xu thế” của thời đại. Rất mong nhận được sự chia sẻ, góp ý và phản biện của các quý vị.


Tham khảo nội dung bài viết “Đề án quy hoạch điện VIII là đi ngược xu thế thế giới” của Tác giả được đưa lên trang mạng xã hội tại: http://nguyenducthang.vn/mobile/chi-tiet-tin/de-an-qui-hoach-dien-viii-la-di-nguoc-xu-the-the-gioi 316.html


Sau đây là một số ý kiến trao đổi về bài nêu trên:

1/ Về ý kiến “Đề án quy hoạch điện VIII là đi ngược xu thế thế giới” - Để minh chứng cho ý kiến này, Tác giả đã nêu:

“Cốt lõi nhất, trụ cột nhất, linh hồn của quy hoạch điện VIII chính là những thông tin tại trang 23 của Tờ trình, như dưới đây:

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu:

Vào năm 2025:  Khoảng 379 - 391 tỷ kWh, trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 18,9 - 19,6%, nhiệt điện than chiếm khoảng 39 - 41%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 9,5 - 13,6%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 21,7 - 29,2%; nhập khẩu điện khoảng 3,6 - 3,8%.

Vào năm 2030: Khoảng 551 - 595 tỷ kWh, trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 12,5 - 13,5%, nhiệt điện than chiếm khoảng 36,9 - 41,1%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 22,9 - 24,8%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 19,2 - 22,6%; nhập khẩu điện khoảng 3,6 - 3,9%.

Vào năm 2045: Khoảng 977 - 1.213 tỷ kWh, trong đó thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng chiếm 6,1 - 7,6%, nhiệt điện than chiếm khoảng 30 - 31%, nhiệt điện khí, dầu và LNG chiếm 27,5 - 29,3%, nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) 32,1 - 33,5%; nhập khẩu điện khoảng 1,8 - 2,2%.

Để dễ nhìn và không bị rối bởi số liệu, tôi xin phép được tính số liệu trung bình của tỷ lệ các loại hình điện và kết quả như bảng dưới đây:

STT

 

2025

2030

2045

 

Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu (tỷ kWh)

385

573

1095

1

Thủy điện lớn, vừa và thủy điện tích năng (%)

19,3

13,0

6,9

2

Nhiệt điện than (%)

40,0

39,0

30,5

3

Nhiệt điện khí, dầu và LNG (%)

11,6

23,9

28,4

4

Điện NLTT (thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, sinh khối) (%)

25,5

20,9

32,8

5

Điện nhập khẩu (%)

3,7

3,8

2,0

 

Tổng

100%

100%

100%


Trên cơ sở số liệu nêu trên, Tác giả đi đến nhận xét: “Bảng này xác định mô hình điện lực Việt Nam trong tương lai, chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch (than, khí, dầu và LNG) vào năm 2030 chiếm tỷ trọng 62,9%, và 58,9% vào năm 2045. Trong đó, nhiệt điện than có vai trò mạnh mẽ. Mô hình này kìm hãm sự phát triển của điện mặt trời và điện gió có tiềm năng kỹ thuật rất to lớn ở nước ta”. “Mô hình này hoàn toàn trái ngược với xu thế phát triển điện năng của thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Tập đoàn Tài chính Năng lượng Bloomberg Energy Finance  bình quân tỷ trọng nhiệt điện than của toàn thế giới đạt đỉnh cao nhất vào năm 2013 là 41,3%. Từ năm 2014 chính thức giảm và giảm vĩnh viễn, giảm liên tục xuống 24,4% vào năm 2030; giảm tiếp xuống 11% vào năm 2050, không bao giờ nhiệt điện than có cơ hội tăng trở lại. Động lực phát triển kinh tế của toàn Thế giới là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo” (Hết trích dẫn).

Qua những điều nêu trên cho thấy ý kiến của tác giả khi nhận xét “Đề án quy hoạch điện VIII là đi ngược xu thế thế giới” là hoàn toàn không đúng và thiếu sự hiểu biết. Cụ thể là:

Thứ nhất: Xu thế của thế giới như Tác giả nêu là điện than ngày càng giảm và điện năng lượng tái tạo (NLTT) ngày càng tăng. Trong Quy hoạch điện VIII rõ ràng cũng theo xu hướng đó: Tỷ trọng điện than từ khoảng 50% năm 2020 (thực tế) đã giảm xuống 40% năm 2025, 39% năm 2030 và 30,5% năm 2045. Ngược lại, tỷ trọng điện NLTT (gồm điện thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối) chiếm khoảng 9,3% năm 2020 (thực tế) đã tăng lên 25,5% năm 2025, 20,9% năm 2030 và 32,8% năm 2045.

Ý kiến Tác giả cho rằng: “Trong đó nhiệt điện than có vai trò mạnh mẽ. Mô hình này kìm hãm sự phát triển của điện mặt trời và điện gió có tiềm năng kỹ thuật rất to lớn ở nước ta” cũng không đúng, đến năm 2045 điện NLTT đã vượt qua điện than chiếm tỷ trọng cao nhất: 32,8% so với 30,5%. Ngoài ra, đến năm 2045 so với năm 2020, sản lượng điện than chỉ tăng 2,7 lần, trong khi điện NLTT tăng 15,6 lần.

Thứ hai: Không thể so sánh tỷ trọng điện than và điện NLTT của Việt Nam với tỷ trọng chung của thế giới để nói Việt Nam chưa đạt được mức như thế giới, theo đó đánh giá Việt Nam đi ngược xu thế của thế giới. Vì rằng, tỷ trọng của thế giới là tỷ trọng bình quân của các nước trên toàn thế giới, trong đó nhiều nước có tỷ trọng cao hơn và nhiều nước có tỷ trọng thấp hơn mức bình quân chung.

Ví dụ, năm 2019, tỷ trọng điện than của thế giới là 36,4% và tỷ trọng điện NLTT là 10,4%, trong đó các nước có tỷ trọng điện than rất cao là: Ba Lan: 74,4%, Kazakhstan: 72,0%, Nam Phi: 86,0%, Úc: 56,4%, Trung Quốc: 64,7%, Ấn Độ: 73,0%, Indonesia: 64,3%, Malaysia: 41,6%, Hàn Quốc: 40,8%, Đài Loan: 46,1%, v.v... Các nước có tỷ trọng điện NLTT trên 10% như sau: Đức: 36,6%; Vương quốc Anh: 35%, Tây Ban Nha: 28,1%, New Zealand: 24,2%, Ý: 23,8%, Thụy Điển: 19,8%, Brazil: 18,8%, Úc: 15,5%, Thổ Nhĩ Kỳ: 14,7%, Philipin: 13,5%, Nhật Bản: 11,7, Thái Lan: 11,5%, Mỹ: 11,1%, Mexico: 10,4%; còn lại các nước có tỷ trọng dưới 10%, trong đó đa phần dưới 5%, thậm chí có nước dưới 1% [1].

Nhu cầu than thế giới năm 2021 cũng được IEA dự báo sẽ vượt mức của năm 2019, chắc chắn tăng 4,5% so với 2020, với hơn 80% mức tăng trưởng tập trung ở châu Á. Riêng Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm hơn 50% tăng trưởng than toàn cầu [2]. Qua đó cho thấy:

(i) Tỷ trọng nhiệt điện than, điện NLTT nói riêng và cơ cấu điện năng nói chung của các nước rất đa dạng, khác xa với cơ cấu bình quân của toàn thế giới, không có nước nào giống nước nào.

(ii) Trong việc phát triển điện NLTT các nước trên thế giới không phải xếp hàng ngang cùng tiến mà là xếp hàng dọc theo tinh thần “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Theo đó, nước nào có khả năng chấp nhận giá điện cao thì tăng cường phát triển nguồn điện sạch hơn như điện NLTT, điện khí (sạch so với điện than) theo đúng tinh thần “của nào tiền nấy”. Chẳng hạn, giá điện năm 2018 của một số nước có tỷ trọng điện NLTT cao như sau: Đức: 33 Cent/kWh; Anh: 21 Cent/kWh, Ý: 23 Cent/kWh, Tây Ban Nha: 25 Cent/kWh, v.v... trong khi giá điện bình quân của thế giới là 14 Cent/kWh [3]

(iii) Nói chung, cơ cấu sản lượng điện của các nước phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố: Tiềm năng và lợi thế các nguồn tài nguyên năng lượng sẵn có trong nước; Khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên năng lượng và điện năng nhập từ nước ngoài; Khả năng liên kết hệ thống điện với các nước trong cùng khu vực và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.

Một điều cần lưu ý nữa là: Tỷ lệ nhiệt điện than cao không có nghĩa là nghiễm nhiên xấu hơn tỷ lệ thấp và ngược lại không phải cứ tỷ lệ nhiệt điện than thấp là nghiễm nhiên tốt hơn tỷ lệ cao mà phải xem xét quy mô, trình độ cụ thể nhiệt điện than của từng trường hợp (giữa các nước khác nhau và ngay cả của cùng một nước trong các thời kỳ khác nhau).

Ví dụ: Năm 2019, tỷ trọng nhiệt điện than của Mỹ 23,9%, rất thấp so với Ấn Độ 73%, hoặc Indonesia 63,4%, v.v... Điều đó không có nghĩa là Mỹ có mức phát thải do điện than thấp hơn Ấn Độ và Indonesia. Vì rằng, quy mô điện than của Mỹ là 1.053,5 tỷ kWh, bình quân đầu người 3.201 kWh/người, trong khi của Ấn Độ tương ứng là 1.137,4 tỷ kWh và 812 kWh/người, của Indonesia: 177 tỷ kWh và 659 kWh/người. Như vậy, tính theo bình quân đầu người thì mức phát thải do điện than của Mỹ cao gấp hơn 3,9 lần Ấn Độ và gần 4,9 lần Indonesia với giả định mức phát thải từ 1 kWh điện than của 3 nước như nhau.

Tương tự, ngay trong một nước, giả dụ tỷ trọng nhiệt điện than hiện tại là 55% với quy mô sản lượng 100 tỷ kWh và đến năm 2030 tương ứng là 40% và 300 tỷ kWh. Theo đó, không thể vội vàng căn cứ vào tỷ trọng nhiệt điện than mà đánh giá cơ cấu nguồn điện hiện tại xấu hơn năm 2030 xét theo phương diện phát thải từ nhiệt điện than. Vì rằng, căn cứ vào quy mô điện than thì năm 2030 có mức phát thải từ điện than gấp 3 lần hiện tại với giả định trình độ công nghệ không đổi. Ngay cả khi có trình độ tiên tiến hơn, hiệu suất cao hơn và mức độ phát thải thấp hơn thì đến năm 2030 có tổng phát thải từ điện than chí ít cũng cao gấp hơn 2 lần hiện tại. Nhưng vấn đề quan trọng muốn đề cập ở đây không phải là tỷ trọng nhiệt điện than bao nhiêu là hợp lý, hay không hợp lý mà là quy mô điện than đã đạt đến mức gây ra mức phát thải vượt quá giới hạn cho phép theo quy định hay chưa? Và cường độ phát thải CO2 trên 1 kWh ngày càng tăng, hay giảm?

Thứ ba: Không rõ vô tình hay hữu ý, việc chỉ dựa vào một nguồn số liệu dự báo là không thuyết phục. Cụ thể là Tác giả chỉ dựa vào Bloomberg New Energy Outlook 2018: Đến năm 2050 ở quy mô trung bình toàn thế giới, tổng điện gió và điện mặt trời sẽ chiếm 48%, thủy điện 16%, đưa điện NLTT lên 64%, nhiệt điện than chỉ có 11%.

Trong khi các dự báo khác cho thấy kết quả hoàn toàn khác. Chẳng hạn, theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA World Energy Outlook, 2015) trong giai đoạn 2015÷2040, tổng công suất của các nhà máy điện than trên thế giới sẽ tăng thêm 947 GW, trong đó của các nước OECD tăng 97 GW, của các nước ngoài OECD tăng 850 GW, riêng Trung Quốc: 383 GW và Ấn Độ: 306 GW. 

Hoặc theo International Energy Outlook 2016 - IEO2016 tỷ trọng nhiệt điện than thế giới từ 2020 đến 2040 như sau: Năm 2020: 37,6%; năm 2025: 35,6%; năm 2030: 32,8%; năm 2035: 30,6% và năm 2040: 29,0%. So với dự báo này thì đến năm 2045 tỷ trọng điện than của Việt Nam 30,5% không phải quá cao so với của thế giới.

Theo World Energy Outlook 2020 của IEA (WEO-2020) [3], về xu hướng phát triển các nguồn điện năng: “… trong ngắn, trung hạn, điện than vẫn được tiếp tục duy trì nhằm đảm bảo nhu cầu phụ tải và làm nguồn dự phòng cho điện từ năng lượng tái tạo… các nước đang phát triển còn lại, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển điện than để đảm bảo nhu cầu năng lượng, dự kiến nhu cầu điện than thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2030”.

Hoặc theo “IEEJ Outlook 2018” với 2 kịch bản: Kịch bản tham chiếu - Reference Scenario; Kịch bản công nghệ tiên tiến - Advanced Technologies Scenario cũng cho kết quả dự báo khác với dự báo của Bloomberg New Energy Outlook 2018.

Hàm ý ở đây là: Đối với việc dự báo trong tương lai để có tính thuyết phục cần phải có số liệu từ nhiều nguồn tin cậy và phân tích, đánh giá chúng, chứ không chỉ trích dẫn từ một nguồn mang tính ý đồ chủ quan.

Thứ tư: Quy hoạch điện VIII không chỉ đơn thuần đáp ứng mục tiêu tăng trưởng điện NLTT mà còn phải đáp ứng các tiêu chí khác như đảm bảo an toàn, an ninh điện, giá cả hợp lý với khả năng chấp nhận của nền kinh tế quốc dân và khả năng chi trả của người dân. Chính vì vậy ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “rà soát kỹ” nội dung Quy hoạch điện VIII là “đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đặt lợi ích quốc gia và dân tộc lên trên hết, trước hết”, “nghiên cứu, phân tích kỹ về giá điện, việc cân đối hợp lý về cơ cấu nguồn điện (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo) và đảm bảo sự phù hợp giữa các vùng miền, tránh để lãng phí nguồn lực xã hội” [4].  

2/ Về ý kiến “Quy hoạch điện VIII là đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân, các nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”: 

- Tác giả nêu: “Bộ Công Thương đã xem nhẹ những cảnh báo và khuyến cáo của các tổ chức quốc tế: Ngày 29/9/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) cùng với nhóm nghiên cứu của Đại học Harvard đã tổ chức hội thảo quốc tế “Than - Nhiệt điện than: Những điều chưa biết”. Chuyên gia Lauri Myllyvirta cho biết: “Trong tổng số người Việt chết yểu do ô nhiễm không khí của năm 2011, có đến 4.300 người được xác định liên quan đến khí thải từ các dự án nhiệt điện than. Dự báo khí thải than ở Việt Nam sẽ tăng gấp ba lần vào 2030. Khi đó có khoảng 25.000 người chết mỗi năm”. Như vậy, chỉ trong vòng có 15 năm, vào năm 2045 nhân dịp đại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ có 375.000 nghìn người chết sớm vì nhiệt điện than”.

Thú thực, không thể tin rằng, một người từng trải như Tác giả lại nông nổi cả tin đến thế. Phải nói rằng, thông tin nêu trên không những không đúng sự thật mà là thông tin gây thất thiệt nghiêm trọng. Để khỏi dài dòng, về vấn đề này mời Tác giả xem bài “Thực hư thông tin 4.300 người chết mỗi năm do nhiệt điện than” đăng trên Năng lượng Việt Nam Online 06:46 |11/12/2018 và bài “Về ‘ý kiến phản biện’ của tác giả ‘Khi cái ác ở trên cao’” đăng trên Năng lượng Việt Nam Online 06:18 |31/01/2020.

Đặc biệt, là đề nghị Tác giả nếu thực sự có tâm, có trách nhiệm, hãy đi kiểm chứng thực tế tại Trung tâm Nhiệt điện than Phả Lại và Trung tâm Nhiệt điện than Uông Bí đã hoạt động hàng chục năm nay và lâu nhất còn tồn tại đến nay (chỉ cách Hà Nội không xa, tương ứng là khoảng 60 km và khoảng 120 km) liệu xung quanh khu vực nhà máy điện than có sự chết chóc thảm khốc vì nhiệt điện than như Tác giả nêu hay không?

- Tác giả nêu: “Cựu ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry đã đến Việt Nam để khuyên “Việt Nam không nên là tù nhân của nhiệt điện than”. Về ý kiến này mời Tác giả xem bài “Bàn về sự chia sẻ của Cựu Ngoại trưởng Mỹ với Việt Nam” đăng trên Năng lượng Việt Nam Online 15:45 |16/01/2018.

- Tác giả nêu: “Bộ Công Thương cũng làm ngược tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

Ý kiến này không đúng. Vì rằng, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề ra một trong những mục tiêu cụ thể là: Tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh. Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045.

Trong Quy hoạch điện VIII như đã nêu trên đến năm 2030 đề ra mục tiêu sản lượng điện là 551 tỷ kWh và tỷ trọng điện NLTT (bao gồm cả thủy điện) là 32,8%. Như vậy, Quy hoạch điện VIII hoàn toàn tuân thủ mục tiêu định hướng và mục tiêu cụ thể chiến lược phát triển năng lượng quốc gia theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

3/ Về ý kiến “Sẽ là không hợp lý khi các nhà khoa học năng lượng Việt Nam thường viện dẫn chỉ số tiêu dùng năng lượng trên đầu người của Việt Nam là thấp so với các nước ôn đới, từ đó cần thúc đẩy, nâng cao tiêu dùng và sản xuất điện ở Việt Nam nhiều hơn nữa”:

Theo tài liệu [5] sản lượng điện bình quân đầu người năm 2019 (kWh/người): Của toàn thế giới là 3.501, của Việt Nam mới đạt 2.357 kWh/người, chỉ bằng 78,3% bình quân của châu Á-TBD, 67,3% bình quân của thế giới, 45,2% của Malaysia và 44% của Trung Quốc, thấp hơn Thái Lan và rất thấp so với các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, v.v...

Như vậy, sản lượng điện của Việt Nam còn rất thấp do nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển còn thấp. Để phát triển kinh tế, đòi hỏi phát triển điện như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã đề ra nêu trên. Tuy nhiên, đi đôi với phát triển điện đòi hỏi phải sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Điều này đã được luật hóa trong Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010). Để thực hiện Luật, Chính phủ đã đề ra Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định số 1427/2012/QĐ-TTg) và Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (Quyết định số 280/2019/QĐ-TTg).

Trong Quy hoạch điện VIII, dự báo nhu cầu tiêu thụ điện đã tính toán, phân tích, đánh giá đến các yếu tố tác động đến nhu cầu sử dụng điện, trong đó có khả năng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong tương lai. (Điều này được thực hiện ở Chương 5 của hồ sơ Quy hoạch điện VIII).

Tóm lại, đối chiếu từng ý kiến đánh giá của tác giả tại bài viết cho thấy, ý kiến nêu trên của Tác giả là không đúng và nhiều thông tin sai sự thật gây thất thiệt nghiêm trọng.

Cuối cùng, điều cần lưu ý là những ý kiến trao đổi trên đây không có hàm ý nói rằng dự thảo Quy hoạch điện VIII đã hoàn toàn chuẩn xác mà chủ yếu chỉ nói rằng ý kiến của Tác giả về Quy hoạch điện VIII là không đúng./.

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

[1] BP Statistical Review of World Energy 2020.

[2] World Energy Review 2021, IEA

[3] World Energy Outlook 2020 (WEO-2020)

[4] Thủ tướng yêu cầu “rà soát kỹ” nội dung Quy hoạch điện VIII. NLVN online 07:17 /01/06/2021/.

[5] Nguyễn Cảnh Nam: Chính sách giá điện thế giới: Tham khảo cho trường hợp Việt Nam. Tạp chí Năng lượng Việt Nam online 07:44 |08/04/2019.

[6] Nguyễn Cảnh Nam: Toàn cảnh ngành điện thế giới và những điều suy ngẫm cho Việt Nam. Tạp chí Năng lượng Việt Nam online 14:32 |25/08/2020, 05:56 |28/08/2020, 07:08 |01/09/2020.

 

nangluongvietnam.vn/

Bài viết cùng chủ đề

Dự thảo Quy hoạch điện VIII

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động