RSS Feed for Thực trạng chính sách thị trường khí Việt Nam và giải pháp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 21:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực trạng chính sách thị trường khí Việt Nam và giải pháp

 - Hệ thống văn bản pháp lý quy định hoạt động kinh doanh khí tại Việt Nam, về cơ bản đã được thiết lập, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế tham gia trong tất cả các chuỗi hoạt động kinh doanh khí. Tuy nhiên, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy để phát triển thị trường khí tại Việt Nam.

Triển vọng phát triển thị trường khí cạnh tranh tại Việt Nam


 

Mặt hàng khí được quy định là một trong nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Theo đó, 2 sản phẩm chủ yếu là khí thiên nhiên (khí thiên nhiên hóa lỏng - LNG; khí thiên nhiên nén - CNG) và khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG khi hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản pháp lý ở cấp "Nghị định".

Thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam đã được hình thành, phát triển phân theo khu vực tại Tiền Hải, ở miền Bắc và Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Giai đoạn 2000-2010, tốc độ tăng trưởng nhu cầu ở mức cao, bình quân 20%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 10%, quy mô thị trường gần 10 tỷ m3/năm và duy trì đến nay. Phần lớn các phát hiện khí của Việt Nam được tìm thấy ở thềm lục địa phía Nam và sản lượng khí khai thác chiếm hầu như toàn bộ thị trường.

Thị trường khí dầu mỏ hóa lỏng Việt Nam được hình thành và phát triển từ năm 1991, với sản lượng chỉ khoảng 400 tấn. Năm 1998, Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố đi vào hoạt động là sự kiện nổi bật đánh dấu mốc của thị trường LPG Việt Nam không còn bị phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Năm 2018, sản lượng tiêu thụ LPG của Việt Nam đạt trên 2,1 triệu tấn, nguồn cung trong nước đạt 989 nghìn tấn, chiếm gần 50%.

Chính sách phát triển thị trường khí thiên nhiên tại Việt Nam

Luật Dầu khí 1993 và Luật Dầu khí sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2000 và năm 2008.

Nghị định số 96/2015/NĐ-CP, ngày 16/10/2015, quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Luật Dầu khí và Nghị định số 96/2015/NĐ-CP, quy định các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ, vùng, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có những nội dung không phù hợp với thực tế, cụ thể:

Thứ nhất: Chỉ điều chỉnh khâu thượng nguồn như tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, chưa có nội dung điều chỉnh các khâu trung nguồn và hạ nguồn.

Thứ hai: Các hoạt động trung hạ nguồn được điều chỉnh chủ yếu qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Thương mại, Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Thứ ba: Chưa có quy định rõ ràng liên quan đến vấn đề chuyển nhượng quyền lợi trong hợp đồng dầu khí.

Thứ tư: Hợp đồng dầu khí mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP gây khó khăn cho nhà thầu khi tuân thủ các quy định.

Chính sách phát triển thị trường LPG tại Việt Nam

1/ Chính sách kinh doanh LPG trước năm 2009:

Trước năm 2009, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý kinh doanh LPG, vì vậy, hoạt động kinh doanh LPG trên thị trường đã phát sinh những mặt tiêu cực như: Gian lận thương mại, san chiết nạp lậu, chiếm dụng vỏ bình trái phép, nhái nhãn hiệu, giả thương hiệu nhằm kiếm lợi bất chính gây bức xúc trong dư luận.

Về hình thức kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh LPG: LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện được xác định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, ngày 12 tháng 6 năm 2006. Các doanh nghiệp có thể tham gia vào một, hoặc tất cả các khâu liên quan đến hoạt động kinh doanh LPG, nhưng không chịu sự kiểm tra, kiểm soát, cũng như gắn trách nhiệm đối với hàng hóa và dịch vụ mình cung cấp.

Về giá LPG trên thị trường: Do các doanh nghiệp kinh doanh LPG có thể hoạt động trên tất cả các khâu, từ xuất - nhập khẩu, sang chiết, thiết lập hệ thống phân phối, bán lẻ nên hiện tượng tranh mua, tranh bán diễn ra phổ biến. Vì vậy, giá LPG trên thị trường cả bán buôn, bán lẻ LPG không ổn định, không theo kịp diễn biến chung giá thế giới, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tích trữ LPG không được kiểm soát.

Về hệ thống phân phối LPG: Hệ thống phân phối trước bị ngắt quãng, chuỗi cung ứng từ khâu đầu nguồn đến tay người tiêu dùng không thông suốt, không gắn trách nhiệm của từng đối tượng thương nhân kinh doanh LPG.

2/ Chính sách kinh doanh LPG sau năm 2009:

Năm 2009, Nghị định 107/2009/NĐ-CP được ban hành, hệ thống văn bản pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh LPG đã được thiết lập tương đối đầy đủ nhằm giúp các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương, địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh LPG có cơ sở triển khai, áp dụng góp phần lớn đưa thị trường kinh doanh LPG vào nề nếp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và xã hội, là cơ sở bước đầu giúp hình thành, phát triển thị trường LPG theo hướng bền vững, lành mạnh.

Về hình thức kinh doanh LPG: Hình thức kinh doanh LPG đã được quy định tương đối chặt chẽ, gắn liền với từng khâu kinh doanh. Nguồn cung ứng LPG cho thị trường đã được ổn định hơn, khắc phục tình trạng thiếu nguồn cục bộ khi giá LPG thế giới biến động mạnh và tăng cao. Hiện tượng tranh mua, tranh bán đã giảm đáng kể khi giá LPG thế giới giảm mạnh.

Về giá LPG: Diễn biến giá LPG thực sự được vận hành theo cơ chế thị trường, theo sát diễn biến giá thế giới.  

Về hệ thống phân phối LPG: Nghị định 107/2009/NĐ-CP quy định hệ thống phân phối LPG đã góp phần thiết lập lại trật tự, ổn định thị trường LPG, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống. Ngoài ra, quy định nêu trên tương đối phù hợp với đặc điểm, quy mô thị trường, địa bàn hoạt động, nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia và tăng tính cạnh tranh của các thương nhân đầu mối khi thực hiện hoạt động phân phối LPG.

3/ Chính sách kinh doanh LPG từ năm 2016:

Năm 2016, Nghị định số 19/2016/NĐ-CP được ban hành đã có đóng góp tích cực đối với thị trường kinh doanh khí, đặc biệt là thị trường LPG. Các quy định trong Nghị định được đưa ra nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường kinh doanh khí minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam ổn định và bám sát diễn biến trên thị trường khí quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển; đồng thời, đảm bảo các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí, bất hợp lý.

Ngày 15 tháng 6 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2018/NĐ- CP thay thế Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí. Theo đó, Nghị định số 87/2018/NĐ-CP hướng đạt được các mục tiêu:

Thứ nhất: Bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực.

Thứ hai: Bãi bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, các điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp. Mặt khác, đơn giản hóa, hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước.

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung các nội dung còn bất cập, tạo lập hành lang pháp lý cho các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực khí được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên tham gia và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh khí.

Nghị định số 87/2018/NĐ-CP, về kinh doanh khí đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ dàng tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều vấn đề vướng mắc, bất hợp lý xuất hiện cần sớm xử lý trong thời gian tới, cụ thể:

1/ Có khoảng trống pháp lý đối với loại hình thương nhân hoạt động dưới hình thức tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG và thương nhân phân phối khí.

2/ Điều kiện kinh doanh không đồng nhất, chồng chéo, chưa gắn với bản chất hoạt động kinh doanh khí.

3/ Còn có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp (quy định lập số theo dõi chai LPG; cho thuê chai LPG,...).

4/ Thủ tục hành chính khó triển khai tại địa phương (thành phần hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xung đột pháp lý với quy định về điều kiện).

Trên cơ sở đánh giá thực tiễn phát triển thị trường khí, hệ thống văn bản pháp lý quy định hoạt động kinh doanh khí tại Việt Nam, về cơ bản đã được thiết lập, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho mọi thành phần kinh tế tham gia trong tất cả các chuỗi hoạt động kinh doanh khí.

Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy nhằm phát triển thị trường khí tại Việt Nam, theo chúng tôi, cần tập trung xây dựng theo hướng:

Thứ nhất: Thiết lập đầy đủ các loại hình thương nhân theo chuỗi hoạt động kinh doanh khí.

Thứ hai: Quy định điều kiện gắn sát bản chất của từng khâu kinh doanh khí, đáp ứng yêu cầu an toàn, quyền lợi của người sử dụng khí.

Thứ ba: Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy thiết lập hệ thống phân phối khí gắn kết, bảo đảm thị trường khí phát triển ổn định, hiệu quả.

Trong thời gian tới, với sự tham gia quản lý đồng bộ của cơ quan quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan, hoạt động kinh doanh khí ở các cấp từ Trung ương đến địa phương, thị trường khí Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng ổn định, đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường trong nước và bám sát biến động giá trên thế giới./.

HOÀNG ANH TUẤN - VỤ THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC (BỘ CÔNG THƯƠNG)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động