RSS Feed for 10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 23:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than

 - Sau phản biện ‘Mắc kẹt trong điện than’, hay ‘điện than bị mắc kẹt’?, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có thư ngỏ gửi tới Matthew Grey - chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đề nghị giải đáp 10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than Việt Nam.

‘Mắc kẹt trong điện than’, hay ‘điện than bị mắc kẹt’?


 

Ông Matthew Grey (Ảnh) - tác giả chính của báo cáo về thị trường điện than của Việt Nam và cũng từng là chuyên gia phân tích của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tại sao hiệu quả đầu tư vào điện than ngày càng giảm và những rủi ro mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong tương lai.

Dưới đây là nội dung Thư ngỏ:


Kính gửi ông Matthew Grey,

Tôi đã đọc nội dung trả lời phỏng vấn của ông trong bài viết “Mắc kẹt trong điện than” được đăng trên Tạp chí Tia Sáng (ngày 27/6/2019). Ngày 4/7/2019, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có phản biện: ‘Mắc kẹt trong điện than’, hay ‘điện than bị mắc kẹt’?, dưới đây xin phép trao đổi lại với ông một số vấn đề như sau:

Tôi nghĩ, Chính phủ Việt Nam sẽ rất cám ơn Carbon Tracker, một Think Tank của Anh quốc, về những “cảnh báo” mà ông đã nêu ra “nếu tiếp tục cam kết với nhiệt điện than” nếu những “cảnh báo” đó được xây dựng trên một cơ sở khoa học. Vì vậy, liên quan đến 3 cái gọi là “điểm uốn” mà ông đã dựa vào chúng để đưa ra những kết luận của mình, tôi đề nghị ông vui lòng làm rõ 10 vấn đề sau:

1/ Trong lịch sử, để tồn tại qua các cuộc chiến tranh từ trước đến nay và để phát triển nền kinh tế của mình, kể từ Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất đến nay, nước Anh đã từng phải sử dụng bao nhiêu nhiên liệu hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt, uranium)? Và nếu tính bình quân cho đầu người, thì con số đó là bao nhiêu?

2/ Carbon Tracker đã tính “giá điện quy dẫn” của nhiệt điện chạy than, của điện mặt trời và của điện gió như thế nào? Xin ông cho biết rõ cách tính và kết quả tính cụ thể cho trường hợp của Việt Nam? Và chúng tôi cũng rất vui lòng xin được tham khảo các kết quả mà Carbon Tracker đã tính cho toàn thế giới.

3/ Theo ông, (và nếu ông không biết, thì nhờ ông hỏi giúp) khi nào thì trong một hệ thống điện như của Việt Nam (hay của Anh quốc) điện gió, điện mặt trời sẽ không cần nguồn điện “nền” (hay “phụ tải nền” như ông đã hiểu sai)?

4/ Ông nói, các ông “vẫn chưa phân tích điểm uốn thứ ba này trong báo cáo của mình mà sẽ thực hiện nó trong tương lai”. Tôi không rõ cái gọi là “tương lai” đó là khi nào? Năm 2020, 2030, hay năm 2050? Xin ông gợi ý cho. Và, khi cái “tương lai” đó đến thì liệu Carbon Tracker có thể khắc phục được điều mà ông tự nói ra là “gió không phải lúc nào cũng thổi và mặt trời không phải lúc nào cũng sáng” không?

5/ Là một Think Tank, khi nói về “điểm uốn thứ nhất”, mà ông khẳng định: “ngay sau năm 2020, việc xây dựng một nhà máy điện mặt trời và điện gió trên bờ (onshore wind) sẽ rẻ hơn việc xây dựng một nhà máy điện than mới” là ông đã đánh lừa Chính phủ Việt Nam!

Liên quan đến “điểm uốn thứ nhất” này, cái mà ông gọi là “xu hướng” đó có thể đúng. Nhưng, nếu ông tìm hiểu kỹ Chương trình phát triển ngành năng lượng của Mỹ (nền kinh tế số 1 của thế giới) đến năm 2050, ông sẽ nhận ra cái “xu hướng” đó sẽ không thể đến trước năm 2100.

6/ Về “điểm uốn kinh tế thứ hai”: Nếu nguồn năng lượng tái tạo mới sẽ rẻ như ông nói, và như ông khẳng định: “Điều này thực tế đã xảy ra ở các thị trường như Mỹ và châu Âu” xin ông vui lòng cho biết tại sao đến năm 2050, người Mỹ chỉ khai thác các nguồn năng lượng tái tạo mới với tỷ trọng có 7,7088% trong tổng năng lượng sản xuất của mình? Tại sao, đến năm 2050, tỷ trọng của các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt) của Mỹ vẫn chiếm tới 84,7388%? Nếu không giải thích được điều này thì ông lại đánh lừa Chính phủ Việt Nam ở một “điểm uốn” nữa.

7/ Ông nói: “Có hai loại thị trường điện tái tạo, đó là thị trường mới và thị trường đã có kinh nghiệm. Ở thái cực thị trường điện mới, như Nga, một nơi chưa hề làm gì trong lĩnh vực này, dĩ nhiên giá điện tái tạo sẽ rất cao”. Tôi nghĩ (và khẳng định) ngược lại: Giá thành điện tái tạo cao, hay thấp là phụ thuộc vào công nghệ cũ, hay mới, qui mô thị trường nhỏ, hay lớn, chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào thị trường “mới”, hay “có kinh nghiệm”.

Ngay trước khi đưa ra kết luận rất mơ hồ này, ở câu trả lời trước ông đã chẳng nói: “Ví dụ ở Ấn Độ, giá điện mặt trời đã giảm xuống một nửa trong vòng một năm qua, một con số khá ấn tượng và thay đổi hoàn toàn bức tranh phát điện của nước này”! Ấn Độ đâu có phải là “thị trường có kinh nghiệm” theo cách diễn giải của ông? Còn người Nga, như tôi được biết, họ đã nghiên cứu từ lâu và rất sâu về vấn đề này chứ không như ông nghĩ là “chưa hề làm gì”.

8/ Tiếp theo, ông đã đề xuất ‘mô hình đấu giá ngược’ “để khuyến khích các nhà phát triển điện tái tạo giá rẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu phát triển điện tái tạo của quốc gia”. Thực ra, mô hình đấu giá ngược không rõ ý nghĩa, từ đúng ở đây phải là Mô hình đấu thầu’ (Auctioning method), trong đó hồ sơ của nhà đầu tư dự án điện tái tạo, sau khi đảm bảo các điều kiện về môi trường, kỹ thuật, mà có giá bán điện đề xuất thấp nhất, sẽ trúng thầu tại một vị trí được chính quyền địa phương thông báo. Mô hình này mới là hợp lý để thay thế cơ chế giá FIT, vốn làm tăng gánh nặng tài chính lên người dùng điện và sẽ tránh các hệ lụy về đầu cơ, mua bán dự án, lợi dụng chiếm đất, tham những, v.v...

9/ Liên quan đến nhiệt điện chạy than, ông nói: “Điều chúng tôi lo ngại là nếu Chính phủ Việt Nam không hành động để giảm thiểu tài sản mắc kẹt đó thì cuối cùng là người sử dụng điện, người đóng thuế sẽ phải gánh chúng trên vai”. Tôi đề nghị ông vui lòng cho Chính phủ Việt Nam biết: Tại sao trong quá khứ, những “thị trường đã có kinh nghiệm” (theo cách nói của ông) đã không chịu thoát ra khỏi tình trạng mắc kẹt, mà phải chờ cho đến hôm nay. Và, có phải những “người sử dụng điện” ở Anh sẵn sàng “gánh trên vai” một giá điện cao gấp hơn 2 lần so với giá bình thường?  

10/ Thay cho kết luận: Dù sao khi trả lời phỏng vấn, ông đã nói đúng một điều: “Nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng chỉ ra rằng nếu đưa vào lưới điện 15% sản lượng điện là điện tái tạo thì chỉ cần sự thay đổi về mặt vận hành (chứ chưa cần đến thay đổi về mặt công nghệ)”. Nhưng, nếu ông là một chuyên gia về hệ thống điện, thì ông sẽ hiểu đó là giới hạn về mặt công nghệ, hay cụ thể hơn, đó chính là “điểm uốn thứ ba” mà ông đã nhắc tới ở phần đầu.

Tôi rất cám ơn ông đã đọc và mong nhận được trả lời những câu hỏi còn “mắc kẹt” của tôi.

Kính thư,

TS. Nguyễn Thành Sơn

P/S: Xin ông vui lòng gửi câu trả lời đến Tạp chí Năng lượng Việt Nam

Email: toasoan@nangluongvietnam.vn - nguyenthanhsontkv@yahoo.com

(carbon copy) cho Tạp chí Tia Sáng để rộng đường dư luận.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động