RSS Feed for Những thành tựu lớn của ngành Năng lượng Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 27/04/2024 08:49
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những thành tựu lớn của ngành Năng lượng Việt Nam

 - Ngành Năng lượng Việt Nam luôn gắn liền từng giai đoạn lịch sử, quá trình giải phóng dân tộc trước đây, thời kỳ xây dựng đất nước, đặc biệt trong suốt 30 năm công cuộc đổi mới cho đến nay. Ngành Năng lượng Việt Nam luôn bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng đủ năng lượng cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân, cũng như tương lai đến năm 2020 và sau những năm 2020 đưa đất nước Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Từ ngày thống nhất nước nhà, Đảng đã lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển đạt được hết thành tựu này sang thành tựu khác. Đặc biệt là thời kỳ 30 năm đổi mới. Trong suốt quá trình ấy, Đảng và Nhà nước đã đưa ra những quyết sách, chiến lược, thông qua nhiều đột phá để đưa tốc độ phát triển của đất nước ngày càng cao.

Để đáp ứng được sự phát triển ấy, ngành Năng lượng Việt Nam với ba trụ cột: Điện lực, Dầu khí và Than - Khoáng sản, luôn đáp ứng kịp thời nhu cầu năng lượng cho phát triển đất nước, phục vụ đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, đạt được rất nhiều thành tựu được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ghi nhận.

Những nét nổi bật của các phân ngành năng lượng trong những năm qua và năm 2014:

Ngành Điện lực Việt Nam thắp sáng niềm tin:

Qua 60 năm truyền thống, thắp sáng niềm tin, ngành Điện đã trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, từ chiến đấu giải phóng dân tộc, đến công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đến đổi mới phát triển kinh tế thị trường. Ở giai đoạn nào, ngành Điện cũng luôn đi trước một bước, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Đặc biệt trong 30 năm đổi mới, ngành Điện đã có những bước tăng tốc vượt bậc. Cách đây 20 năm, đất nước mới chỉ có khoảng 10 MW điện, đến nay, ngành Điện đã phát triển có một lượng nguồn trên 34.000 MW. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện từ các công trình siêu cao 500 kV, 220 kV, 110 kV và các cấp điện áp phân phối, đảm bảo cung cấp điện tới hộ tiêu dùng cả nước, đến nay không những không thiếu điện mà đã có điện dự phòng.

Trong quá trình phát triển đồng bộ, một thành tựu to lớn là ngành Điện đã tập trung xây dựng đưa điện về tận 99,9% số xã, 98% số hộ dân. Ngoài chủ trương phát triển nguồn và lưới điện đồng bộ, ngành Điện đã tập trung phát triển, xây dựng mới, củng cố cải tạo hệ thống điện nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Đặc biệt trong hai năm 2013 - 2014 đưa được điện ra nhiều đảo lớn như: Phú Quốc, Cô Tô, Lý Sơn và các đảo khác, đáp ứng được lòng mong muốn ngàn đời của nhân dân các vùng này. Đây là những kết quả rất đáng tự hào của ngành Điện, trở thành một trong những nước đi đầu trong khu vực và thế giới. Có thể khẳng định về cơ bản cho đến nay ngành Điện đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đó là điện khí hóa toàn quốc.

Tuy vậy, quá trình phát triển và đổi mới đất nước đòi hỏi tốc độ phát triển của ngành Điện ngày càng cao. Chính phủ đã vạch ra Tổng sơ đồ phát triển Điện giai đoạn 7, ngành Điện phải xây dựng theo Tổng sơ đồ ấy để đến năm 2020 đạt được công suất toàn hệ thống là trên 70.000 MW, với sản lượng điện phát ra hàng năm đạt trên 266 tỷ kWh.

Hiện nay, ngành Điện đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện than, thủy điện, thủy điện tích năng, chuẩn bị xây dựng điện nguyên tử và tập trung đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện. Trong năm 2014, sản lượng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt gần 140 tỷ kWh, vốn đầu tư nguồn và lưới đạt trên 127 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế đến năm 2014 còn 16.800 tỷ đồng đến nay chưa giải quyết được. Điều đó có nghĩa là việc tăng giá điện của EVN là hết sức cần thiết.

Những năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 là những năm phát triển rất mạnh, đột phá cao của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia. Điển hình đã xây dựng được nhiều dự án, đường dây 500 kV, trạm 500 kV, như đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, 500 kV Sơn La - Lai Châu và hàng loạt các dường dây 220 kV khác được phát triển đồng bộ. Các công trình đều vượt tiến độ thi công, đảm bảo kỹ thuật, cải tạo và nâng cấp một số tụ bù ngang, bù dọc ở các trạm Thường Tín, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Pleiku để nâng công suất truyền tải điện vào miền Nam lên tới 3.000 MW đảm bảo cung cấp đủ điện cho miền Nam, khắc phục tình trạng thiếu điện trước đây của miền Nam. Một thành công lớn nhất của Tổng công ty Truyên tải điện Quốc gia là đầu tư xây dựng khép kín lưới điện mạch vòng 500kV, 220kV cho khu vực miền Nam, đảm bảo cung cấp đủ điện cho khu vực này, ổn định hệ thống và đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục.

Tuy vậy, ngành Điện đang tập trung xây dựng nhiều nhà máy điện ở khu vực ở miền Nam như các Trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Ô Môn, Sông Hậu, Long Phú… với công suất lên tới hàng chục nghìn MW để hàng năm đảm bảo điện cho khu vực này, giảm việc truyền tải điện ở miền Bắc vào. Điều đó nói lên rằng, ngành Điện đang cân đối, cân bằng giữa nguồn và lưới trong hệ thống để cả nước không có chỗ nào thiếu điện.

Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và mục tiêu đề ra, ngành Điện cần một lượng vốn lớn trên dưới 130 nghìn tỷ đồng/năm để phát triển nguồn, lưới đồng bộ. Tuy nền kinh tế những năm gần đây tăng trưởng chậm lại nhưng mức độ tăng trưởng ngành Điện vẫn cao, khoảng trên 10%. Ngành Điện cần sự hỗ trợ lớn của Đảng và Chính phủ để tháo gỡ được bài toán về vốn. Nếu có đủ vốn thì với đội ngũ cán bộ công nhân viên trải qua nhiều kinh nghiệm, chắc chắn ngành Điện sẽ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đáp ứng mục tiêu Chính phủ đề ra.

Song hiện nay ngành Điện đang gặp một số khó khăn. Đó là tỷ suất lợi nhuận còn thấp, đặc biệt là lợi nhuận hàng năm có năm vẫn lỗ, có năm lãi nhưng bình quân mức lãi còn ít, không đủ vốn đối ứng để thực hiện vay một lượng vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng thực hiện các dự án. Như vậy chỉ có một con đường là Chính phủ phải cho tăng giá điện để đảm bảo có được lợi nhuận đạt trên dưới 15 nghìn tỷ đồng/năm thì mới đáp ứng được yêu cầu trên.

Mặt khác, để giảm được giá thành, ngành Điện phải đồng bộ thực hiện một loạt các nhiệm vụ như tinh giản bộ máy, tiết kiệm điện năng, tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm tối đa trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong sản xuất kinh doanh và các hoạt động khác. Ngoài ra, ngành Điện phải làm tốt việc đổi mới, tái cơ cấu các lĩnh vực trong toàn hệ thống, nhằm mục tiêu đưa năng suất lao động ngày càng tăng. Trong các nhiệm vụ ấy, có một nhiệm vụ quan trọng, đó là phải tiến hành cổ phần hóa những doanh nghiệp có đủ điều kiện như các doanh nghiệp ở 3 Genco (3 Tổng công ty Phát điện).

Ngành Điện đã làm tốt việc quan hệ, chăm sóc khách hàng, giảm thời gian tiếp cận điện, giảm tổn thất điện năng và nâng phạm vi hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm điện tăng cao hơn nữa trong những năm tiếp theo. Nếu làm tốt được những nhiệm vụ ấy thì đồng nghĩa với việc ngành Điện sẽ giảm được giá thành và lợi nhuận ngày càng tăng, đảm bảo vốn đối ứng cho việc vay vốn thực hiện các dự án, đảm bảo mục tiêu nhiệm vụ Đảng, Chính phủ đề ra.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nỗ lực hơn nữa để luôn luôn xứng đáng đầu tầu kinh tế phát triển đất nước:

Xuân Ất Mùi sắp đến.

Năm nay Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tròn 40 tuổi. Bốn mươi năm qua, bằng sự phấn đấu hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân của tập thể cán bộ công nhân viên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã viết nên trang sử vẻ vang của mình với những mốc son chói lọi.

Năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, ngày 3/9/1975, Tổng cục dầu mỏ và khí đốt Việt Nam đã được thành lập trên cơ sở liên đoàn địa chất 36 và một bộ phận thuộc Tổng cục Hóa chất. Một năm sau ngày thành lập, ngày 25/7/1976 ngành Dầu khí đã phát hiện dòng khí thiên nhiên đầu tiên tại giàn khoan số 61 ở xã Đông Cơ - Tiền Hải - Thái Bình.

Ngày 26/6/1986 đã đi vào lịch sử khai thác dầu khí Việt Nam khi Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt Xô đã khai thác tấn dầu đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ từ giàn MSP-1 và đã có tên trong danh sách các nước khai thác và xuất khẩu dầu thô thế giới, khẳng định một tương lai phát triển đầy hứa hẹn của ngành công nghiệp dầu khí đất nước.

Ngày 17/2/2009, Nhà máy lọc dầu Dung Quất - công trình trọng điểm Nhà nước về dầu khí bắt đầu cho dòng sản phẩm đầu tiên. Đây không chỉ là sản phẩm xăng dầu đầu tiên mang nhãn hiệu Việt Nam mà còn là sản phẩm của đường lối đổi mới và phát huy nội lực của Đảng ta, là sự kết tinh của trí tuệ sức mạnh của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng của giai cấp công nhân việt nam trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.

Sự kiện này là mốc quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, đánh dấu sự phát triển toàn diện từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác, đến chế biến dầu khí. Trong 40 năm qua, ngành Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khai thác dầu khí đảm bảo năng lượng dầu, khí cho đất nước. Hàng năm có đóng góp từ 20-30%vào NSNN, làm tăng giá trị GDP đảm bảo tốc độ phát triển đất nước. Sản lượng dầu qui đổi khai thác hàng năm thường xuyên đạt trên dưới 16 triệu tấn. Trong đó có khoảng 9-10 tỷ m3 khí cung cấp cho khoảng 10.000MW điện. Song song với nhiệm vụ khai thác dầu khí, ngành dầu khí còn đầu tư xây dựng nhiều nhà máy phát điện trong đó có thủy điện và nhiệt điện than, cung cấp một sản lượng hàng chục tỷ kWh, chiếm 10% trong toàn hệ thống điện Việt Nam.

Về quy hoạch phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam được Đảng, Chỉnh phủ xác định: Từ nay đến năm 2020, PVN phấn đấu đạt được 40 triệu tấn dầu thô quy đổi. Do vậy, PVN phải đầu tư nhân lực, công nghệ trang thiết bị để tìm kiếm, thăm dò, khai thác kể cả ngoài vùng sâu để đảm bảo sản lượng hàng năm. Trong những năm qua, PVN đã mở rộng liên danh, liên kết với một số nước trên thế giới để đầu tư khai thách dầu, khí như: Venezela, Cộng hòa Liên Nga, Ấn Độ, Cata, Arập Xêút… thực tế PVN đã đầu tư khoảng 4,8 tỷ USD, hiện nay, PVN đang tiếp tục khai thác dầu khí ở các nước nêu trên và đang mở rộng ra một số nước khác để đưa ngành dầu khí Việt Nam lên ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

Với thực tiễn phát triển của mình, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã chứng tỏ là:

- Mô hình kiểu mẫu của chủ trương hợp tác đa phương; thông qua hợp tác đa phương xây dựng đội ngũ lao động và cơ sở vật chất có trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.

- Đầu tầu kinh tế hết sức quan trọng để thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, góp phần đưa đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2015 và những năm tiếp theo, để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển của tập đoàn, chúng ta còn rất nhiều việc cần phải làm.

- Xây dựng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đặc biệt đối với đội ngũ làm công tác quản lý, phải có năng lực và trình độ. Như ở cấp tương đương của các Công ty dầu quốc tế.

- Phải xây dựng phải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh ở tất cả các khâu; tham gia thực sự vào thị trường trong nước và quốc tế, tránh hiện tượng tự cung tự cấp trong nội bộ tập đoàn.

- Lựa chọn những vùng, những lĩnh vực thực sự có đủ điều kiện kinh tế kỹ thuật để đầu tư phát triển. Gắn phát triển kinh tế với khẳng định chủ quyền quốc gia.

- Tích cực đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tinh giảm bộ máy một cách hợp lý nhất để nâng cao năng xuất lao động, tối ưu hóa các chi phí, tiết kiệm tối đa để mang lại lợi nhuận ngày càng tăng cao.

Làm tốt những điều trên, PVN sẽ thực sự xứng đáng là người anh cả trong ngành Năng lượng Việt Nam.

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang 40 năm qua, với lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao của mỗi cán bộ công nhân viên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Xứng đáng là đầu tầu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước VN hùng cường và là “Tập đoàn kinh tế dầu khí hàng đầu trong khu vực, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam”.

Ngành Than trước áp lực nguồn cung tăng:

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có truyền thống lâu đời nhất của Việt Nam. Trong suốt quá trình đổi mới đất nước, TKV đã cung cấp đủ than cho nền kinh tế xã hội, trước đây hàng năm còn xuất khẩu được hàng chục triệu tấn than. Đặc biệt là cung cấp đủ than cho điện trong nhiều năm qua cũng như trong tương lai.

Ngoài nhiệm vụ chính, ngành Than được Đảng, Nhà nước giao đầu tư xây dựng nhiều nhà máy phát điện, đóng góp đáng kể vào hệ thống điện quốc gia sản lượng điện đáng kể. Mặc dù ngành Than gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác, bởi than lộ thiên đã gần hết chỉ còn các mỏ than hầm lò, đặc điểm của than hầm lò ngày càng đi sâu xuống lòng đất ảnh hưởng đến sản lượng khai thác, nhưng năm 2014, ngành Than vẫn đạt được trên 38 triệu tấn, xuất khẩu đạt 6 triệu tấn than. Tuy nhiên, về mặt đầu tư, các dự án ngành Than đòi hỏi lượng vốn, kể cả việc mở lò mới cũng như cải tạo lò cũ. Hiện, ngành Than đang cần lượng vốn lớn hàng chục tỷ USD nhưng chưa thu xếp được.

Trước những khó khăn của ngành Than, trong nhiều năm qua, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã có nhiều phản biện với các cấp Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có các chính sách tháo gỡ về các loại thuế, phí còn quá cao trong khi lợi nhuận của ngành Than hàng năm đạt được không nhiều.

Ngành Than cần mở ra những đột phá mới, đó là đẩy mạnh cơ giới hóa đối với khai thác than, đặc biệt là than hầm lò, nâng tỷ lệ cơ giới hóa lên hàng chục phần trăm, không phải 2,8% như hiện nay. Để tăng được sản lượng than trong nước, ngành Than phải thu xếp được vốn để mở thêm được nhiều mỏ mới, cải tạo nhiều mỏ cũ, đạt được mục tiêu như quy hoạch Chính phủ đề ra.

Cạnh đó, TKV cần tinh giảm bộ máy để cải thiện được năng suất lao động, bởi hiện tại, tổng số cán bộ công nhân viên của ngành Than là 123 nghìn người, như vậy là quá cao so với sản lượng khai thác. Hiện nay, do năng suất lao động của ngành Than còn thấp, lương công nhân, đặc biệt công nhân hầm lò không đảm bảo đủ điều kiện sống nên công nhân hầm lò thôi việc khá nhiều, công tác tuyển dụng công nhân hầm lò mới gặp nhiều khó khăn. Trong việc tái cơ cấu, ngành Than cần tổ chức cổ phần hóa những đơn vị thành viên có đủ điều kiện.

Một nhiệm vụ rất quan trọng đó là yêu cầu than cho đất nước tới năm 2020 và sau năm 2020, từ 70 triệu tấn than/năm trở lên, lượng than trong nước không thể đáp ứng được. Do đó, Chính phủ yêu cầu ngành than phải tổ chức việc nhập khẩu than. Chính phủ đưa ra nhiệm vụ, từ nay đến năm 2020 ngành Than phải nhập được khoảng 55 triệu tấn than.

Nhiệm vụ rất nặng nề, Chính phủ cần có chính sách để tháo gỡ và giúp đỡ cho ngành Than. Còn ngành Than phải liên kết với PVN, EVN với các nhà đầu tư BOT xây dựng các nhà máy nhiệt điện than có đủ vốn cho ngành than xây dựng các kho trung chuyển, các hệ thống hạ tầng để đưa than về các trung tâm điện lực như: Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Long Phú… Lượng vốn đó cũng cần tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng hiện nay ngành than chưa thu xếp được. Nếu không có những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ, không hoàn thành được xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu than. Việc đó có nghĩa là không đồng bộ giữa khâu nhập khẩu và đưa than về các nhà máy điện.

Sự nghiệp của ngành Than trong quá khứ đã hết sức vẻ vang, trong tương lai còn đòi hỏi đáp ứng ở mức cao hơn, nhiều hơn thế để đảm bảo cung cấp lượng than cho nền kinh tế, đặc biệt cho ngành Điện.

Bài viết phác họa một số hình ảnh của ngành Năng lượng Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và trong tương lai tới với đội ngũ cán bộ công nhân, với kinh nghiệm, với đổi mới tư duy, với những bước đột phá, chắc chắn rằng lịch sử đã qua và tương lai tới, ngành Năng lượng Việt Nam giữ một vai trò hết sức trọng yếu trong nền kinh tế xã hội, với mục tiêu cao nhất, đó là đảm bảo an ninh về năng lượng quốc gia./.

TRẦN VIẾT NGÃI - CHỦ TICH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động