RSS Feed for Điện mặt trời, nước sạch đã đến với người H’Mong | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 11:19
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện mặt trời, nước sạch đã đến với người H’Mong

 - Tại thôn Ea Rớt (thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) vừa phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ bàn giao hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời cho cộng đồng địa phương. Hệ thống tích hợp này có công suất lắp đặt 6,24kWp, sử dụng các tấm thu năng lượng mặt trời (thường được gọi là tấm pin năng lượng mặt trời) để tạo ra điện năng cho mục đích sinh hoạt và nguồn điện cho hệ thống lọc nước tinh khiết RO phục vụ người dân thôn Ea Rớt.

Khởi động dự án “Sẻ chia và lan tỏa tương lai Xanh”
Đắk Lắk đồng ý cho đầu tư dự án điện mặt trời IA Lốp 1
Thông tư 16 về cơ chế giá điện mặt trời có hiệu lực
Đắk Lắk đề nghị bổ sung 3.367 MW điện mặt trời vào quy hoạch
Quy hoạch điện mặt trời quốc gia: Chỉ lập 1 lần duy nhất

Lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Ea Rớt.

Theo công suất thiết kế, hệ thống có thể sản xuất 20kWh/ngày (1kWh điện tương đương 1 số điện), đáp ứng đủ nhu cầu thắp sáng cho khoảng 20 hộ gia đình và cung cấp từ 700 - 1000 lít nước sạch mỗi ngày cho người dân trong thôn. Để cung cấp điện cho quá trình làm ra nước sạch, hệ thống cần khoảng 4 giờ nắng nhất trong ngày, từ 10h sáng đến 14h chiều. Lượng điện còn lại sẽ được tích trữ vào bình ác-quy để bà con dùng cho việc thắp sáng vào buổi tối. Khi nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng lên, công suất phát điện của hệ thống có thể dễ dàng điều chỉnh tăng theo để đáp ứng nhu cầu.

Nằm trong vùng núi sâu cách trung tâm xã hơn 20km, đa số bà con ở thôn Ea Rớt là người dân tộc H’Mông di cư tự do nên chưa có hộ khẩu, thuộc diện nghèo và sống trong cảnh không điện, không nước sạch. Tuy đã định cư gần 20 năm, nhưng đến nay hơn 190 hộ dân sống tại thôn Ea Rớt vẫn chưa được tiếp cận nguồn điện lưới do phải sống rải rác trong địa hình đồi núi phức tạp, trong khi tiền đầu tư cho việc kết nối với hệ thống điện lưới quốc gia rất đắt đỏ. Cuộc sống của bà con Ea Rớt đã khó khăn vì thiếu điện, lại càng cực hơn khi không có nước sạch để uống và dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Đa số người dân, bao gồm cả người già, trẻ nhỏ phải dùng nước uống lấy từ các con suối nhỏ và nhiều người còn uống trực tiếp, trong khi không thể khẳng định nguồn nước này là đảm bảo vệ sinh.

Với quyết tâm giúp bà con Ea Rớt thoát khỏi cảnh khổ, ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Cư Pui đã kêu gọi Trưởng thôn Lò Tiến Dũng hiến đất của gia đình để lắp đặt hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời tại Đội 3 của thôn Ea Rớt. Từ đó, hệ thống đã được lắp đặt và đi vào vận hành từ tháng 7 năm 2017, mang lại niềm vui không nhỏ cho bà con trong cụm dân cư nơi đây

"Ea Rớt trước giờ không có nguồn điện nào hết nên thật sự bà con rất mừng khi có công trình này, đặc biệt những hộ dân được hưởng lợi trực tiếp đã có điện để thắp sáng và sử dụng cho các thiết bị khác trong gia đình" - ông Tâm chia sẻ "Bà con sẽ có trách nhiệm bảo quản tốt công trình này và địa phương cần có một cán bộ kỹ thuật tại địa bàn để có thể sửa chữa kịp thời trong trường hợp có trục trặc xảy ra".

Hệ thống năng lượng mặt trời tích hợp cung cấp điện và lọc nước tinh khiết.

Hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời có tuổi thọ 20 năm, với tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được Quỹ McKnight tài trợ - nằm trong khuôn khổ của dự án "Hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan và các giải pháp năng lượng bền vững trong kế hoạch phát triển năng lượng của Việt Nam" do GreenID phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk đồng thực hiện từ tháng 1/2016 đến 12/2017. Người dân địa phương đóng góp đất và ngày công xây dựng hệ thống.

Để đảm bảo tính bền vững của hệ thống, người dân sẽ trả 2.000 đồng cho 1 số điện sử dụng và khoảng 7.000-8.000 đồng cho 1 bình nước uống tinh khiết có dung tích 20 lít. Số tiền đóng góp này sẽ bù đắp cho việc vận hành, thay thế thiết bị, sửa chữa hệ thống và do người dân quản lý hoàn toàn.

Hệ thống này được coi là giải pháp tối ưu cho những khu vực chưa có điện lưới như thôn Ea Rớt, do chi phí đầu tư cho việc xây lắp thấp khi đem so sánh với chi phí phải trả cho việc đưa điện lưới về đây.

Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng không cao như ở thành thị và các vùng nông thôn khác, nên hệ thống cũng phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người sử dụng. Công tác vận hành bảo dưỡng hệ thống khá đơn giản nên công trình có thể dễ dàng quản lý và vận hành bởi người bản địa. Thông qua đó, ý thức tự quản của cộng đồng cũng nhờ đó được tăng lên sau khi hệ thống được bàn giao lại cho người dân quản lý. Điều này góp phần đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình năng lượng bền vững tại các cộng đồng như Ea Rớt với 100% người dân là dân tộc H’Mông với việc trao quyền là vô cùng quan trọng, nhằm thúc đẩy quá trình phát triển năng lượng bền vững tại cộng đồng.

Điểm nhấn nữa là về sau khi điện lưới được kéo đến thôn, bản hệ thống cũng có thể điều chỉnh để đồng bộ được với lưới điện quốc gia. Với những ưu điểm trên, mô hình này hoàn toàn có thể nhân rộng tại các địa bàn trong khu vực Tây Nguyên, cũng như các địa phương khác trên cả nước.

Nói về ý nghĩa của hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành của GreenID cho biết: "Tôi vô cùng phấn khởi khi công trình này giúp mang lại ánh sáng, thông tin và đặc biệt là góp phần cải thiện sức khỏe của bà con trong thôn Ea Rớt. Đây là một thành công của GreenID trong nỗ lực xây dựng mô hình cộng đồng Xanh, ứng dụng 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Công trình này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn, mà còn đem lại những kết quả cụ thể, thông qua việc lập kế hoạch năng lượng xuất phát từ nhu cầu cộng đồng. Nó là sự cổ vũ lớn cho các đồng nghiệp và đối tác của chúng tôi để tiếp tục tiên phong, đưa năng lượng tái tạo phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho các cộng đồng dân cư ở Việt Nam, đặc biệt tại những địa bàn chưa có điện lưới quốc gia.

Tôi cũng mong rằng, các cơ quan Nhà nước và các nhà tài trợ sẽ cân nhắc xem xét hỗ trợ cho những mô hình này sớm đến với bà con ở nhiều địa phương khác".

Cũng tại buổi Lễ bàn giao hệ thống cung cấp điện và nước sạch sử dụng năng lượng mặt trời, các tiết mục biểu diễn văn nghệ, các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như các trò chơi, giải trí liên quan đến lĩnh vực này cũng được diễn ra cùng với "Ngày hội Cao nguyên Xanh". Thông qua ngày hội, người dân được tiếp cận các kiến thức cơ bản về các mô hình năng lượng bền vững qua hoạt động triển lãm trưng bày sản phẩm, xem phim và tham gia vào các cuộc thi đố vui.

Cũng trong dịp này, một nhóm các thành viên nòng cốt là người dân tộc H’Mông được tập huấn về cách hướng dẫn người dân sử dụng đúng kỹ thuật mô hình điện mặt trời, đèn LED tiết kiệm điện, hệ thống biogas và bếp đun cải tiến. Nhờ đó, góp phần vào việc người dân sử dụng các mô hình hiệu quả và lâu dài hơn.

NGUYỄN THỊ TRANG NGUYÊN

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động