RSS Feed for Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam và bình chọn DN dẫn đầu năng lượng sạch 2020 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 12:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam và bình chọn DN dẫn đầu năng lượng sạch 2020

 - Ngày 23/12/2020, tại TP. Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã tổ chức “Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam (lần thứ Nhất) và Tổng kết bình chọn Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam năm 2020”.
Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng sạch Việt Nam năm 2019 Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng sạch Việt Nam năm 2019

Ngày 20/12/2019, Hội đồng Khoa học của Tạp chí Năng lượng Việt Nam (VER) chính thức công bố Bảng xếp hạng VCE 10 - Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng sạch Việt Nam năm 2019 (Leading clean energy enterprises in Vietnam 2019). Bảng xếp hạng VCE 10 được các nhà khoa học dựa trên kết quả nghiên cứu, đánh giá độc lập từ cơ sở dữ liệu của Bộ Công Thương, EVN, VEA, VER và thông tin tổng hợp dựa trên kết quả thực tế của các doanh nghiệp, chủ đầu tư công bố tham gia đầu tư năng lượng sạch tại Việt Nam hiện nay. Tiêu chí đánh giá Bảng xếp hạng VCE 10 dựa trên (1) quy mô đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, (2) cập nhật xu thế năng lượng sạch trên thế giới, (3) công nghệ, thiết bị, (4) các yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, (5) tốc độ đầu tư phát triển dự án năng lượng sạch, (6) trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, v.v…

Toàn cảnh “Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam 2020 (lần thứ Nhất) và Tổng kết bình chọn Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam năm 2020”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Thái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong phát triển ngành điện, trong 20 năm qua, ngành điện đã có sự phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu điện cho sự phát triển KTXH. Đến nay, công suất hệ thống điện đã đạt khoảng 58.000 MW, sản lượng điện thương phẩm trên đầu người năm 2019 đã đạt gần 2.500 kWh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế với tốc độ cao trong nhiều thập kỷ qua.

Ông Nguyễn Thái Sơn - Thường trực Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Trong cơ cấu nguồn điện của cả nước, thời gian gần đây, công suất các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu sạch ngày càng gia tăng (bao gồm thủy điện 20.800 MW, tua bin khí 20.400 MW, NLTT khoảng 8.000 MW - gồm điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối). Hiện tại, tỷ trọng các nguồn điện sạch đã đạt đến 61% tổng công suất đặt của hệ thống. Trong số này, chỉ tính trong 2 năm vừa qua (đến 10/2020), số lượng các dự án nguồn điện NLTT do tư nhân đầu tư vào vận hành, gồm 11 nhà máy điện gió với công suất 494 MW và 106 nhà máy điện mặt trời với công suất 5.853 MW.

Theo thống kê, đến nay, các dự án nguồn điện sạch đã được bổ sung vào Quy hoạch điện quốc gia và Quy hoạch điện tỉnh có tiến độ vận hành trước năm 2021, gồm 187 dự án điện gió (công suất 11.419 MW), 135 dự án điện mặt trời (công suất 13.617 MW). Ngoài ra, còn khoảng 320 dự án điện mặt trời (ĐMT) với công suất 34.000 MW và 300 dự án điện gió với công suất khoảng 74.000 MW đang được các nhà đầu tư và các địa phương đề xuất bổ sung Quy hoạch trước năm 2021 - 2023.

Về điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đến nay có 11 dự án nhà máy đã được bổ sung quy hoạch quốc gia (tổng công suất 16.100 - 16.400 MW). Điều này thể hiện, thời gian qua việc bổ sung quy hoạch chủ yếu là các nguồn điện sạch. Như vậy, có thể khẳng định việc phát triển nguồn điện sạch tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng gặp không ít những khó khăn, rào cản làm ảnh hưởng đến sự phát triển nguồn điện sạch, làm ảnh hưởng đến sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Đó là các vấn đề về cơ chế chính sách, về thủ tục quy hoạch, đầu tư, về lưới điện giải tỏa công suất, về huy động vốn, về giải phóng mặt bằng, kể cả việc thiếu các bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự minh bạch của khuyến khích phát triển năng lượng sạch.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn: Nghị Quyết 55 của Bộ chính trị về định hướng phát triển năng lượng Việt Nam đã xác định chủ trương phát triển NLTT, năng lượng sạch và khuyến khích các hộ tiêu thụ sử dụng năng lượng sạch, tái tạo là nội dung quan trọng của Nghị quyết. Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Quy hoạch điện 8. Sơ bộ, để đáp ứng nhu cầu điện trong 10 năm đến năm 2030, trung bình mỗi năm chúng ta cần đưa vào vận hành từ 7.000 - 8.000 MW công suất nguồn điện các loại; tổng vốn đầu tư trung bình mỗi năm từ 13 - 15 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, việc xác định các cơ chế và tổ chức thực hiện quy hoạch để khả thi khối lượng đảm bảo an ninh năng lượng đang là những nội dung bất định trong các giải pháp.

Vì vậy, “Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam 2020 (lần thứ Nhất) và Tổng kết bình chọn bình chọn Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam năm 2020” để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch (điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ, sinh khối…) chia sẻ, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những rào cản trong phát triển các dự án nguồn điện sạch tại Việt Nam để cơ quan tổ chức Diễn đàn và đại diện các cấp quản lý ghi nhận, tổng hợp, có các ý kiến với cấp thẩm quyền, tạo điều kiện tháo gỡ và tìm các giải pháp để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch Việt Nam trong thời gian tới, góp phần sớm đưa Nghị quyết 55 “đi vào cuộc sống”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt nam 2020 của Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Báo cáo tại Diễn đàn, theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt nam 2020 của Tạp chí Năng lượng Việt Nam: Bên cạnh các thành tựu, cơ hội, việc phát triển nhanh các nguồn điện sạch hiện nay và thời gian sắp tới cũng đang gặp phải một số rào cản, các yếu tố bất lợi, bao gồm:

Thứ nhất: Nhiều nguồn điện mặt trời, điện gió phải giảm phát do nghẽn lưới truyền tải, ảnh hưởng tới hiệu quả và doanh thu. Mặc dù thới gian 2 năm qua EVN đã đầu tư 21 công trình lưới từ 110 đến 500 kV với trên 750 km đường dây và trên 5.000 MVA các trạm biến áp cho giải tỏa NLTT. Nhiều nhà đầu tư nguồn điện NLTT đã tự đầu tư lưới điện đấu nối vào hệ thống truyền tải chung, nhưng các quy định về phạm vi quản lý, bàn giao tài sản… vẫn chưa rõ ràng.

Thứ hai: Việc bổ sung các dự án mới vào quy hoạch gặp khó khăn do các quy định mới của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành chưa đồng bộ, thường kéo dài quá trình đầu tư dự án, hoặc có khi dự án được bổ sung vào quy hoạch, nhưng không được phê duyệt lưới đấu nối đi kèm.

Thứ ba: Các cơ chế khuyến khích thông qua bù giá (FIT) sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020 (điện mặt trời) và tháng 11/2021 (điện gió), trong khi chưa có các cơ chế tiếp theo, như cơ chế đấu thầu, hoặc biểu giá FIT mới được ban hành.

Thứ tư: Các quy định hiện hành về tiêu chuẩn các loại hình NLTT, thông số kỹ thuật các công nghệ NLTT đã có, nhưng một số điểm chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến khó khăn cho cả bên mua điện (EVN) và các nhà đầu tư, các nhà cung cấp thiết bị.

Thứ năm: Do tác động của dịch Covid-19 tới toàn cầu và Việt Nam, việc huy động vốn đầu tư, đặt hàng, tiếp nhận, vận chuyển thiết bị của dự án NLTT - nhất là thiết bị điện gió nhập khẩu về Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề (kéo dài thời gian thực hiện đơn hàng, thiếu chuyên gia giám sát lắp đặt, nghiệm thu…) và dự kiến hậu quả còn tiếp tục đến sau năm 2020.

Thứ sáu: Nội dung các hợp đồng mua bán điện (PPA) hiện hành vẫn chưa có các điều khoản mà bên mua điện chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư nguồn điện, nhất là các nhà đầu tư tư nhân.

Thứ bảy: Vấn đề đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng cho các dự án điện sạch vẫn còn bất cập, thiếu phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền các địa phương, kéo dài thời gian triển khai dự án.

Tiếp đó, tại Diễn đàn, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực năng lượng sạch đã thảo luận những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển các dự án nguồn điện sạch tại Việt Nam như:

1/ Sự bất cập, chồng chéo của một số văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật về công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đấu thầu đang tạo khó khăn trong phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam. Cụ thể là trong Quy hoạch điện, quy hoạch quản lý đất đai, chuẩn bị đầu tư, thu xếp vốn (khi không có bảo lãnh Chính phủ và phải tham gia thị trường điện cạnh tranh)… Thảo luận nhấn mạnh hơn vào các quy định, cũng như sự thiếu thống nhất về phạm vi quản lý mặt biển giữa trung ương và địa phương; phí sử dụng mặt biển còn bất hợp lý.

2/ Sự chậm trễ trong các thủ tục thẩm định, trình và phê duyệt dự án.

3/ Hạ tầng lưới điện còn yếu, chưa đồng bộ để tạo cơ sở kỹ thuật cho tích hợp các nguồn điện NLTT. Điều này dẫn đến việc giảm phát điện tới 30-40% công suất của các nhà máy ĐMT, điện gió trong một số thời điểm vừa qua. Việc đó đã gây khó khăn lớn cho các nhà đầu tư khi huy động vay vốn, do tính hiệu quả của dự án giảm đáng kể.

4/ Vấn đề chia sẻ nghĩa vụ và quyền lợi giữa các nhà đầu tư tại một cụm các dự án điện NLTT, khi cùng đấu nối vào một hệ thống lưới truyền tải chung.

5/ Một số bất cập về quy định tiêu chuẩn kỹ thuật đối với các dự án điện NLTT, các quy định về xử lý chất thải các tấm pin cuối đời dự án chưa được ban hành với các hướng dẫn cụ thể.

6/ Sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong công tác hỗ trợ nhà đầu tư (quy hoạch sử dụng đất, đền bù đất đai, giải tỏa mặt bằng…).

7/ Các đại biểu cũng chia sẻ thực trạng phát triển điện mặt trờ triên mái nhà và cơ hội lớn về phát triển tại các tỉnh phía Nam. Đồng thời nêu những khó khăn trong thúc đẩy thị trường dịch vụ để triển khai mạnh loại hình này trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng TOP Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam 2020 và TOP Doanh nghiệp Năng lượng Sạch Việt Nam triển vọng 2020, trao chứng nhận và kỷ niệm chương doanh nghiệp đồng hành cùng Diễn đàn.

Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam 2020.

TOP 10 DOANH NGHIỆP DẪN ĐẦU NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM 2020:

1/ Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam.

2/ Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng Bim.

3/ Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Việt Nam.

4/ Tập đoàn Sao Mai.

5/ Công ty Cổ phần BCG ENERGY.

6/ Công ty Cổ phần TTP Phú Yên.

Top 20 Doanh nghiệp Năng lượng Sạch Việt Nam triển vọng 2020.

TOP 20 DOANH NGHIỆP NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM TRIỂN VỌNG 2020:

1/ Công ty Cổ phần SOLAR ESCO.

2/ Tập đoàn Phú Cường GROUP.

3/ Công ty Cổ phần KTG ENERGY (KTG Energy).

4/ Công ty Cổ phần Năng lượng Xanh ON ENERGY (ON Energy).

5/ Công ty Cổ phần KOSY (Kosy Group).

6/ Công ty Cổ phần SKYX SOLAR.

Các đơn vị đồng hành cùng Diễn đàn Năng lượng Sạch Việt Nam 2020.

CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH CÙNG DIỄN ĐÀN NĂNG LƯỢNG SẠCH VIỆT NAM (LẦN THỨ NHẤT):

1/ JIANGSU GOODWE POWER SUPPLY TECHNOLOGY CO., LTD.

2/ LONGi SOLAR TECHNOLOGY CO., LTD.

3/ SHENZHEN GROWATT NEW ENERGY CO., LTD.

4/ SHENZHEN GROWATT NEW ENERGY CO., LTD.

5/ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC).

6/ Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC).

7/ Công ty Cổ phần Thái Bình Dương.

8/ Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (ALPHA ECC).

9/ Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3).

10/ Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (VIETSOVPETRO).

Ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Hoàng Trọng Hiếu - Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực khẳng định: Trong thời gian qua, các doanh nghiệp năng lượng sạch đã đóng góp một phần cho việc cung cấp điện để phát triển kinh tế, đồng thời tham gia đáng kể về tạo công ăn việc làm, bảo vệ môi trường, hỗ trợ thực chất an sinh xã hội tại địa phương. Các doanh nghiệp dẫn đầu năng lượng sạch có mặt hôm nay, là một minh chứng rõ ràng rằng: Nghị quyết 55 với định hướng và tầm nhìn sáng suốt đã bắt đầu đi vào cuộc sống.

Diễn đàn đã nêu lên những vướng mắc, rào cản, khó khăn trong quá trình triển khai đầu tư và xây dựng nhiều công trình năng lượng sạch hiện nay như: Thời gian hiệu lực của cơ chế FIT cho điện mặt trời, điện gió; cơ chế nối tiếp chậm trễ và giảm sự khuyến khích; các quy định về thuế - phí (nhất là với điện gió và điện gió ngoài khơi) còn bất hợp lý, không rõ ràng…

Ngoài ra, cũng có những vấn đề vướng mắc mang tính chất kỹ thuật, bối cảnh còn yếu kém của hệ thống hạ tầng lưới điện, nghẽn mạch - giảm phát, thiếu vốn nhà nước, tác động khách quan nghiêm trọng của đại dịch Covid-19… Nhưng có nhiều vấn đề mang tính chất thiếu đồng bộ, chậm trễ về cơ chế chính sách từ phía quản lý nhà nước, từ trung ương đến địa phương.

Qua Diễn đàn này, Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ ghi nhận những đóng góp quan trọng, thực chất của các đại biểu, tổng hợp để có các kiến nghị tới cấp thẩm quyền. “Chúng tôi rất hy vọng rằng, tới đây, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét các kiến nghị hợp lý và sẽ điều chỉnh, ban hành các quy định, các cơ chế phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế, tạo động lực cho các doanh nghiệp năng lượng sạch vững tin đầu tư phát triển” - Ông Hoàng Trọng Hiếu nhấn mạnh.

Theo ông Hoàng Trọng Hiếu, tuy năm nay số lượng các doanh nghiệp được đưa vào danh sách biểu dương Top 10 Doanh nghiệp dẫn đầu Năng lượng Sạch Việt Nam còn khiêm tốn, còn một số doanh nghiệp năng lượng sạch nữa có quy mô khá lớn, nhưng vì công tác chuẩn bị gấp gáp, hồ sơ gửi về chậm, hoặc không đạt yêu cầu của Quy chế bình xét, nên chưa thể biểu dương đầy đủ các doanh nghiệp dẫn đầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp trong ngành năng lượng sạch Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa trong hoạt động đầu tư, đổi mới công nghệ, quản lý sản xuất, kinh doanh... nhằm nâng cao vị thế của doanh nghiệp mình để tiếp tục đăng ký tham gia bình chọn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Một số hình ảnh tham luận, thảo luận tại Diễn đàn:

Ông Phan Quang Vinh - Phó ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phan Sỹ Nghĩa - Giám đốc Công ty Công nghệ TT - SPCIT (Tổng công ty Điện lực miền Nam).

Ông Lê Ngọc Hùng - Tổng giám đốc Mainstream Phú Cường kiêm Giám đốc Phát triển DA Phú Cường Sài Gòn.

Ông Đỗ Hoàng Phương - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Jiangsu GoodWe Power Supply Technology tại Việt Nam.

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công Nghiệp TP. HCM (HBA).

Đại diện Tập đoàn Sao Mai.

Đại diện Công ty Cổ phần Solar Esco.

Đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Bà Vũ Thị Thanh Vân - đại diện LONGi tại Việt Nam.

Ông Đặng Trọng Ngôn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn KTG.

Lễ Ký kết thỏa thuận khung giữa LONGi Solar và KTG Energy.

NHÓM PHÓNG VIÊN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động