RSS Feed for Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 13:31
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững

 - Sáng ngày 11/1/2018, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức USAID, Konrad, các đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam tổ chức hội thảo chuyên đề "Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững”. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện “Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 2”.

Năng lượng Việt Nam và vấn đề phát triển bền vững
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết) 
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Tạm kết]

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hội thảo này là hoạt động thiết thực của các đơn vị tổ chức nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về “định hướng phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050” và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc “phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, góp phần làm cơ sở tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc ban hành các chủ trương, chính sách lớn về phát triển năng lượng, nhất là năng lượng xanh trong thời gian tới. 

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng ta đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát triển năng lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hóa thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu.

Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng… hướng tới việc phát triển nền kinh tế các-bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường.

Ông Nguyễn Văn Bình đề nghị các chuyên gia kinh tế, các đại biểu tập trung thảo luận về những giải pháp cụ thể làm sao để phát triển ngành năng lượng đúng với xu thế thời đại cũng như sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng phải gắn với phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.

Ông John Kerry.

Cũng tại Hội thảo chuyên đề này, ông John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đã thẳng thắn khi đặt vấn đề: “Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá - Năng lượng tái tạo?”.

Ông John Kerry cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đang dịch chuyển ngành năng lượng của mình từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Cụ thể như Thụy Điển hiện nay sử dụng 100% là năng lượng tái tạo, Đức đang phấn đấu sử dụng 40% năng lượng tái tạo vào năm 2025, và đạt 80% vào năm 2057. Năm 2017, ngành năng lượng của Mỹ đã có khoảng 75% năng lượng tái tạo bổ sung vào tổng nguồn cung năng lượng, than đá chỉ chiếm 0,2%.

Việt Nam hiện được thiên nhiên ưu đãi về bức xạ mặt trời, gió và sinh khối. Tuy nhiên, hiện 45% tổng năng lượng của Việt Nam là nhiệt điện than, khí... Theo ông John Kerry, Việt Nam đã có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, dựa trên các điều kiện tự nhiên sẵn có, Việt Nam cần trở thành mô hình của các quốc gia khác về năng lượng tái tạo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.

Nhận diện về những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, việc hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện. Khi Việt Nam trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng và tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp tăng lên sẽ tác động lớn đến vấn đề an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó là tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Đồng thời, thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng…

Để góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, cần tăng tỷ lệ nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo bằng các giải pháp như, xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với các cơ chế khuyến khích phù hợp để đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt…

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, dầu thô, khí đốt và năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho sản xuất điện, nhu cầu các ngành công nghiệp và dân dụng.

Đồng thời triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng.

Đặc biệt là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cùng với các giải pháp chuyển đổi thay thế nhiên liệu để đem lại lợi ích kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện môi trường an ninh năng lượng quốc gia, v.v…

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động