RSS Feed for Thứ bảy 20/04/2024 06:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

"Vùng đất chết" Chernobyl thành công viên năng lượng mặt trời

 - Đức và Trung Quốc là hai trong số hàng chục nhà đầu tư đang rất quan tâm tới việc chuyển đổi khu vực đất thuộc Ukraine, từng là chứng tích của một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới, thành một công viên năng lượng mặt trời khổng lồ.

Hình ảnh tại nơi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Ảnh: Reuters.

Nhiều doanh nghiệp Ireland, Đan Mạch, Áo, Bulgaria, Belarus và cả các công ty nội địa của Ukraine cũng đã đăng ký tham gia.

DN quan tâm, chính quyền ủng hộ

Theo lời Bộ trưởng Sinh thái và Tài nguyên Ukraine - ông Ostap Semerak, tính đến thời điểm hiện tại đã có 39 tổ chức nộp hồ sơ xin cấp phép lắp đặt khoảng 2 gigawatt pin năng lượng mặt trời (tương đương công suất của 2 lò phản ứng hạt nhân hiện đại) bên trong khu vực loại trừ phóng xạ xung quanh khuôn viên nhà máy hạt nhân Chernobyl xưa kia, mà nay chỉ còn là đống phế tích hoang tàn. 

Ông Semerak cho biết: “Chúng tôi đã nhận được hồ sơ đề xuất từ các doanh nghiệp quan tâm đến việc thuê đất để xây dựng nhà máy điện năng lượng mặt trời... Chúng tôi không tìm kiếm lợi nhuận từ việc sử dụng đất, mà từ các khoản đầu tư”.

Ba thập kỷ sau cơn khủng hoảng Chernobyl khiến hơn 300.000 người phải di dời do phóng xạ bị rò rỉ và phân tán trên vùng đất rộng lớn của Ukraine, Belarus và Nga, nhà chức trách vẫn đang cố gắng tìm cách khai thác sử dụng diện tích đất mênh mông bao quanh nhà máy. Phóng xạ sẽ tồn tại trong đất nhiều thế kỷ nữa, nên khu vực này không thể làm nông nghiệp hay lâm nghiệp được. Ý tưởng biến nơi đây thành nguồn cung cấp điện năng nhờ năng lượng mặt trời xem ra là lựa chọn khả dĩ và hợp lý hơn cả.

Cách đây chừng 2 tháng, một số công ty Trung Quốc, như GCL System Integration Technology và National Complete Engineering, từng công khai ý định xây dựng một dự án năng lượng mặt trời 1 gigawatt tại Chernobyl theo nhiều giai đoạn. Một doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo của Đức, mà ông Semerak không tiết lộ danh tính, xin cấp phép lắp đặt 500 megawatts. Các đề xuất dự án còn lại tổng cộng khoảng 20 megawatt.

Với yêu cầu của nhà đầu tư về việc cần 20 - 1.000 ha thực hiện các dự án, chính phủ Ukraine sẵn sàng hỗ trợ bằng cách giảm giá thuê đất tới 85%, ông Semerak cho biết.

Bài toán kinh tế - kỹ thuật

Đối với Ukraine, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu, dự án của nhà đầu tư là cơ hội vô cùng quý báu, không chỉ dừng lại ở việc “làm một cái gì đó” với một phần lãnh thổ tưởng như đã “vứt đi”. Trong bối cảnh tham nhũng trở thành vấn nạn và cuộc xung đột chưa biết bao giờ mới chấm dứt ở miền Đông, chính phủ nước này muốn thúc đẩy nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư mới và từng bước độc lập về năng lượng để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Ukraine đã thiết lập một hệ thống giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp cho lưới điện (còn gọi là FiT), trong đó giá được ấn định và giảm dần từ nay đến năm 2030. Dự án nào được thông qua trong năm 2017 sẽ nhận 0,17 euro/kilowatt.

Hệ thống đường dây tải điện ban đầu được thiết kế để chuyển điện từ nhà máy hạt nhân Chernobyl nay sẽ điều chỉnh cho phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng mặt trời của Ukraine. Chính phủ nước này đang nghiên cứu xem làm thế nào lưới điện hiện tại có thể khắc phục được nhược điểm về sự thiếu liên tục của năng lượng tái tạo. Bộ Sinh thái và Tài nguyên còn phải cân nhắc phương án hài hòa giữa mục tiêu sử dụng năng lượng sạch với khả năng chi trả của người dân.

Mặc dù điều kiện thời tiết có nhiều nắng hơn Đức - nước tiên phong sử dụng năng lượng tái tạo, với hàng loạt nhà máy năng lượng mặt trời có tổng công suất 39 megawatt - song Ukraine cũng gặp không ít khó khăn, khi theo đuổi mô hình tăng trưởng xanh. Người sử dụng điện ở Đức có nghĩa vụ san sẻ gánh nặng chi phí đầu tư, vận hành với các nhà máy năng lượng tái tạo và số tiền đóng góp này lên tới 25 tỷ euro trong năm 2016, tức là tương đương 1/3 nền kinh tế Ukraine.

Lượng phóng xạ tồn dư ở Chernobyl cũng là một mối bận tâm của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu - tổ chức đang xem xét tài trợ cho các dự án năng lượng mặt trời. Các khoản vay sẽ phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện môi trường, tức là các dự án phải bảo đảm xây dựng và vận hành an toàn, cũng như có triển vọng sinh lời, thì mới nhận được tài trợ.

"Món nợ carbon" của năng lượng mặt trời
Thời đại của năng lượng tái tạo miễn phí đang đến?

HẢI CHÂU/ TBKD

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động