Những thách thức đối với phát triển điện hạt nhân
15:45 | 06/06/2016
"Điện hạt nhân giúp cân bằng năng lượng không carbon"
Tại hội nghị Cơ quan Năng lượng hạt nhân (NEA) của OECD diễn ra mới đây, ông William D.Magwood, IV, Giám đốc NEA đã có bài phát biểu với tựa đề "Vai trò của năng lượng hạt nhân trong thế kỷ 21: Giải quyết thách thức về tài chính". Sự kiện này được NEA và Khung quốc tế về hợp tác năng lượng hạt nhân (IFNEC) phối hợp tổ chức.
Mở đầu bài phát biểu, Giám đốc NEA, nhấn mạnh: "Việc có nhiều hoặc ít nhà máy điện hạt nhân được xây dựng không làm cho cuộc sống của tôi trở nên thăng trầm. Điều tôi cho rằng quan trọng là ở chỗ điện hạt nhân vẫn có thể là 1 lựa chọn, tuy nhiên tôi thấy còn nhiều vấn đề cản trở việc này".
Ông Magwood nói rằng: Tôi sẵn sàng đứng đây ngày hôm nay và tuyên bố rằng các thị trường đang bị phá vỡ; thị trường không hoạt động và không làm những việc lẽ ra phải làm. Đã đến lúc cần nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một tình thế mà các công ty điện lực lớn đang mất tiền và gần như đang trên bờ vực phá sản. Ở nhiều thị trường, nếu những thứ duy nhất có thể làm được đều dựa vào trợ cấp của nhà nước, thì chúng ta đang gặp một vấn đề nghiêm trọng.
“Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi rất nhiều quyết định mà những quyết định này không thể thực hiện được trong bối cảnh thị trường không phù hợp. Trước khi nghĩ về việc điều chỉnh tình hình hoặc nghĩ về việc trợ cấp cho các nhà máy điện chạy phụ tải nền, hoặc những hình thức chúng ta hỗ trợ cho điện hạt nhân, thì bạn cần phải nghĩ về thị trường trong nước mình và xem liệu các thị trường này có làm những việc cần phải làm hay không”.
Ông nói rằng: đối phó với biến đổi khí hậu cần phải được thực hiện “một cách logic”.
“Nó không chỉ đơn giản là việc định giá carbon bởi vì chính phủ xây dựng các chính sách để chọn ra người chiến thắng và kẻ thua cuộc, để thử nghiệm và định hướng thị trường làm những gì chính phủ muốn, và việc này lúc nào cũng gây ra những hậu quả không mong đợi, và chúng ta đã nhìn thấy điều đó. Ở nhiều nơi trên thế giới, những nỗ lực để đối phó với biến đổi khí hậu tập trung vào việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, nhưng ở một vài nơi khác, lượng khí thải CO2 đã và đang thực sự tăng lên.”
Ông cho rằng câu hỏi chi phí để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là bao nhiêu, “ở một khía cạnh nào đó thì là một câu hỏi ngớ ngẩn”, “bởi vì có nhiều kiểu mẫu, quy mô và nhà cung cấp nhà máy điện hạt nhân khác nhau. Và bạn có thể xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở một địa điểm đã có sẵn nhà máy điện hạt nhân với hệ thống truyền tải, và bạn cũng có thể xây dựng một nhà máy trên một khu đất trống nào đó và với một thiết kế khác.
Ông khẳng định rằng các “con số lớn” được đưa ra thể hiện chi phí của nhà máy điện hạt nhân thường không chỉ là chi phí xây dựng lò phản ứng, mà có thể bao gồm chi phí cơ sở hạ tầng và việc đầu tư cho truyền tải điện.
Ông nói, các “chi phí gia tăng” của điện hạt nhân để phục vụ việc nâng cao tính năng an toàn của lò phản ứng sau tai nạn Fukushima Daiichi tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 đã bị thổi phồng. “Thực tế là đối với hầu hết các quốc gia, những biện pháp triển khai hậu Fukushima chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chi phí của một nhà máy điện hạt nhân. Khi tôi còn làm ở Uỷ ban Pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ, chúng tôi đã kết luận về thiết kế AP1000 rằng thực sự không có gì nhiều cần điều chỉnh. Thực sự không cần nhiều thay đổi vì bản thân thiết kế đó đã có hầu hết những gì chúng tôi quan tâm”.
Bởi vậy, theo ông, không cần lựa chọn giữa tính kinh tế của nhà máy điện hạt nhân và an toàn hạt nhân. “Tôi nghĩ đó là một lựa chọn sai lầm. Xét về mặt an toàn, điện hạt nhân giữ một vị thế tốt về mặt kỹ thuật để có thể cạnh tranh trên thị trường”.
"Ngày nay, chúng ta không chỉ có những vấn đề về thị trường, chúng ta còn đang phải đối mặt với khí tự nhiên đang có giá rất thấp và điều đó sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều. Nếu không tính giá carbon thì điện hạt nhân sẽ phải tồn tại trong thế giới đó và điều đó có nghĩa là ở một số thị trường điện hạt nhân sẽ không thể tồn tại, vì vậy bạn phải lựa chọn: bạn có muốn đối phó với biến đổi khí hậu hay không? Nếu bạn muốn, bạn phải định giá carbon không phải chỉ ở một vài đô la hoặc euro cho mỗi tấn, mà phải ở mức rất, rất đáng kể ", ông nói với các đại biểu.
"Vậy, chi phí cho một nhà máy điện hạt nhân là bao nhiêu? Chi phí là rất nhiều, nhưng không nhiều khi bạn xem nó như là một khối tài sản trong 60 năm có thể sản xuất điện trong một thời gian dài. Và bạn không nên đánh giá tất cả các nhà máy điện hạt nhân như nhau." Chi phí và ngân sách vượt dự toán tại Olkiluoto 3 ở Phần Lan không thể được coi là điển hình. "Ngày nay, có những dự án đang triển khai theo đúng tiến độ và dự toán kinh phí," ông nói. "Nhưng vẫn còn rất nhiều lời đồn thổi xung quanh vấn đề này."
Một thách thức với các lò phản ứng mô-đun nhỏ là cần phải bán "hàng tá, hàng hai chục lò nếu không nói là hàng trăm, nếu muốn loại lò này hoạt động hiệu quả", ông nói. "Và nếu bạn định bán lò này cho nhiều quốc gia, thì bạn sẽ phải thực hiện theo toàn bộ quy trình pháp quy ở mỗi quốc gia. Nếu bạn làm điều đó, rốt cục bạn có thể sẽ làm cho loại lò này không còn tính kinh tế chỉ vì thực tế là bạn phải bỏ ra khoản tiền khổng lồ để có được giấy phép. "Điều này sẽ làm giảm động lực để các cơ quan pháp quy khuyến khích các công nghệ tiên tiến.
Thay đổi môi trường
Trong lời tựa của chương trình hội nghị, ông Magwood cho biết kể từ thời điểm mà hầu hết các nhà máy điện hạt nhân thương mại ngày nay được xây dựng và đưa vào hoạt động, cách thức thực hiện các dự án điện hạt nhân, các chuỗi cung ứng, và đặc biệt là môi trường tài chính, đã hoàn toàn thay đổi.
Mô hình cũ đối với việc tài trợ các dự án nhà máy điện lớn đã bắt đầu ít được áp dụng khi phải đối mặt với việc cạnh tranh tự do ở nhiều nước. Đồng thời, chính các nguồn cung cấp điện cũng đã thay đổi, với các nguồn điện có chi phí thấp hơn và giá rẻ hơn đổ xô vào thị trường. Ở nhiều thị trường, sẽ khó khăn nếu không nói là không thể xây dựng bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào nếu không nhận được một khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ khác của chính phủ," ông nói.
"Trong khi đó, danh sách những tổ chức cung cấp và đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua. Các nhà cung cấp mới đang đề xuất nhiều thiết kế tiên tiến và đang tiếp thị rất mạnh mẽ. Hơn nữa, với sự quan tâm ngày càng tăng đối với các lò phản ứng mô-đun nhỏ và một số công nghệ thế hệ IV, có vẻ như các công nghệ nhà máy hạt nhân trên thế giới cũng sẽ thay đổi.
"Thêm vào đó, thỏa thuận được 195 quốc gia ký vào năm ngoái để giảm lượng phát thải carbon ở mức 2 độ C đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học, và kết quả là thị trường công nghệ hạt nhân toàn cầu đang trong thời kỳ thay đổi, hiện tượng này chưa từng xảy ra kể từ khi các nhà máy hạt nhân được xây dựng lần đầu tiên cách đây 50 năm.”
Thay đổi đó mang lại không những “các cơ hội to lớn mà còn đem lại những mối băn khoăn lớn", ông nói. "Trong thời kỳ có biến chuyển rất lớn như vậy, có thể sẽ khó khăn trong việc cấp vốn, kể cả với những dự án khiêm tốn nhất. Các nhà máy điện hạt nhân không phải là dự án nhỏ; với tổng chi phí khoảng từ 6 tỷ euro đến 12 tỷ euro và tổng thời gian chuẩn bị cho dự án vào khoảng một thập kỷ, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân là một trong những công việc phức tạp nhất trong tất cả các công việc của ngành công nghiệp. Vì vậy, như người ta dự đoán, thông thường việc huy động vốn cho các nhà máy điện hạt nhân có thể tiềm ẩn các thách thức đáng kể."
Ông Magwood đã lãnh đạo NEA từ tháng 9/ 2014. Năm 2010, ông được bổ nhiệm vào Uỷ ban pháp quy hạt nhân Hoa Kỳ sau khi giữ một số chức vụ như Giám đốc phụ trách năng lượng hạt nhân tại Bộ Năng lượng. Ông được biết đến là một người ủng hộ mạnh mẽ hợp tác quốc tế về công nghệ, và đang là chủ tịch của Diễn đàn quốc tế về công nghệ thế hệ IV và Ban chỉ đạo của OECD về năng lượng hạt nhân.
IFNEC là diễn đàn để các quốc gia và các tổ chức chia sẻ tầm nhìn chung về phát triển năng lượng hạt nhân đảm bảo an toàn và an ninh vì mục đích hoà bình trên toàn thế giới.
Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu đến từ các cơ quan quy hoạch năng lượng, cơ quan pháp quy và các cơ quan tín dụng xuất khẩu, cũng như các nhà cung cấp, các công ty điện lực, ngân hàng, các công ty thẩm định giá và công ty bảo hiểm. Hội nghị đã thảo luận để xác định những rào cản chính và xây dựng các phương pháp tiếp cận nhằm giải quyết việc huy động vốn cho các dự án hạt nhân.
Nguồn: Vaea/ World Nuclear News