RSS Feed for Hiệu quả từ điện mặt trời trên mái nhà tại miền Trung, Tây Nguyên | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 05/01/2025 13:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hiệu quả từ điện mặt trời trên mái nhà tại miền Trung, Tây Nguyên

 - Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có điều kiện bức xạ mặt trời tốt, rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời trên mái nhà nói riêng. Để thúc đẩy phát triển, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) sẽ tiếp tục tiên phong trong công tác tuyên truyền, triển khai lắp đặt để người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích, hiệu quả từ những mô hình này mang lại.

Điện mặt trời trên mái nhà: Những điều chủ đầu tư cần biết
Điện mặt trời áp mái - lựa chọn hợp lý trong phát triển điện tái tạo

Theo thống kê cho thấy số giờ nắng trung bình tại khu vực miền Trung và miền Nam từ 2.000 -  2.600 giờ/năm. Vì vậy, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên  mái nhà rất thuận lợi để phát triển và mang lại lợi ích cho người sử dụng. Hiện nay, việc đầu tư điện mặt trời đã được Chính phủ, Bộ Công Thương và ngành điện khuyến khích phát triển bằng những cơ chế ưu đãi, trong đó điện mặt trời trên mái nhà được cho là có nhiều tiềm năng để khai thác hiệu quả.

Thời gian qua, EVNCPC đã triển khai phát triển điện mặt trời trên mái nhà tại các tỉnh thành khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 31/7/2019 đã có 2.280 dự án được lắp đặt, với tổng công suất là 56,8 MWp, tổng số tiền ngành điện thanh toán lại cho khách hàng đạt 6,66 tỷ đồng, theo dự kiến cuối năm 2019, tổng công suất lắp đặt ở miền Trung và Tây Nguyên đạt 80 MWp.

Bên cạnh đó, tính đến ngày 18/8/2019, tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã có 20 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất là 811 MWp được đấu nối vào lưới điện của EVNCPC.

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà được lắp đặt tại các gia đình.

Nhằm để người dân nắm bắt, hiểu rõ về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, thời gian qua, EVNCPC đã chỉ đạo các đơn công ty điện lực trực thuộc tuyên truyền bằng nhiều hình thức cụ thể và truyền đạt các chính sách đến người dân…

Theo tính toán của nhà cung cấp lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, với diện tích 20m2 sẽ tạo ra công suất là 3 kWp, với suất đầu tư cho 1 kWp là 19 triệu đồng, sử dụng từ 25 đến 30 năm. Lợi ích về điện mặt trời trên mái nhà  trực tiếp cho hộ gia đình là cắt giảm chi phí tiền điện và có thêm thu nhập, làm mát nhà trong mùa nắng nóng, cũng như hỗ trợ giải quyết tình trạng quá tải lưới điện hiện nay.

Đồng loạt tuyên truyền phát triển điện mặt trời trên mái nhà

Để đẩy mạnh chương trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà đến người dân, các công ty điện lực tỉnh, thành tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tăng tốc triển khai nhiều chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các khách hàng tiềm năng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật lắp đặt như cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất - kinh doanh, hộ gia đình...

Thời gian qua, được tư vấn về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, người dân đã hiểu được lợi ích và đã đầu tư lắp đặt, đem lại hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới, các công ty điện lực ngoài phổ biến tuyên truyền đến tận người dân bằng nhiều hình thức, sẽ triển khai các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án để người dân ngày càng chuộng lắp đặt và sử dụng điện mặt trời trên mái nhà, góp phần phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Theo ông Trần Nguyễn Bảo An, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) cho biết: “Từ tháng 10/2017, trụ sở Công ty đã đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, công suất là 21,08 kWp; 6 trụ sở điện lực, mỗi trụ sở có công suất là 25 kWp cũng được vận hành cuối tháng 7/2019.

Riêng về khách hàng sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tính đến ngày 21/08/2019, toàn PC Đà Nẵng có 651 khách hàng lắp đặt, với tổng công suất 4.277 kWp, tổng sản lượng phát ngược lên lưới lũy kế là 458.985 kWh.

Khi lắp đặt xong hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các hộ, PC Đà Nẵng đã hỗ trợ lắp đặt công tơ điện 2 chiều và ký hợp đồng ngay tại chỗ. Hàng tháng, Công ty sẽ xác nhận số kWp, nếu thừa sẽ chuyển trả số tiền cho khách hàng vào ngân hàng mà khách hàng bán lại cho ngành điện.

Cho đến nay, PC Đà Nẵng đã đạt 61,1% kế hoạch EVNCPC giao năm 2019 (7.000 kWp) và tính đến ngày 21/8/2019, Công ty đã thanh toán sản lượng điện mua từ khách hàng với tổng số tiền là 980 triệu đồng.

Tại Công ty Điện lực Quảng Ngãi (PC Quảng Ngãi) cũng đã triển khai nhiều chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi đến các khách hàng tiềm năng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà như: Cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình...

Ông Lê Hoàng Anh Dũng, Giám đốc PC Quảng Ngãi cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, Công ty đã báo cáo UBND tỉnh về các chương trình trọng tâm của ngành Điện năm 2019, trong đó có nội dung triển khai chương trình phát triển điện mặt trời trên mái nhà, tư vấn trực tiếp khách hàng sử dụng điện. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của EVNCPC cơ quan Công ty, các đơn vị điện lực và TBA 110kV đã lắp điện mặt trời áp mái, với tổng công suất lắp đặt là 530,46 kWp.

Về các chủ đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, tỉnh Quảng Ngãi có 128 chủ đầu tư lắp hệ thống này, với tổng công suất là 830 kWp, đạt 42% kế hoạch EVNCPC giao (2.000kWp), tổng số kWh đã phát lên lưới là 105.000 kWh. PC Quảng Ngãi đã thanh toán cho khách hàng với số tiền trên 113 triệu đồng; đối với số khách hàng mới đóng điện (sau 30/6/2019), PC Quảng Ngãi nghiệm thu, lắp công tơ 2 chiều để ghi nhận sản lượng hàng tháng, sau khi có hướng dẫn mới sẽ thực hiện ký hợp đồng và thanh toán cho nhà đầu tư.

Cùng với sự phát triển hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại khu vực Tây Nguyên, Công ty Điện lực Gia Lai (PC Gia Lai) đã quảng bá, giới thiệu về lợi ích của việc phát triển điện mặt trời trên mái nhà tới các khách hàng như tuyên truyền trên báo, truyền hình...

Theo ông Nguyễn Mậu Trinh, Trưởng phòng Kinh doanh, PC Gia Lai cho biết:  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 173 khách hàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với công suất khoảng 4.125 kWp (đạt 55% kế hoạch EVNCPC giao).

Từ năm 2018, PC Gia Lai đã triển khai lắp đặt trên toàn bộ các nhà điều hành của các công ty điện lực, 15 điện lực huyện và các TBA 110 kV, với tổng công suất 860 kWp (hoàn thành 100% kế hoạch EVNCPC giao).

Đồng thời, PC Gia Lai đã hỗ trợ, giúp đỡ khách hàng trong việc tư vấn, hướng dẫn ký hợp đồng, nghiệm thu hệ thống, thay công tơ đo đếm 2 chiều, hướng dẫn thanh toán tiền, đến thời điểm hiện tại (20/8/2019), PC Gia Lai đã thanh toán cho khách hàng 1.400 triệu đồng tiền mua lại điện năng phát ngược.  

Hưởng lợi từ điện mặt trời trên mái nhà  

Sau khi tìm hiểu và được Điện lực Hải Châu (thuộc PC Đà Nẵng) tư vấn về hiệu quả của điện mặt trời trên mái nhà, đồng thời, thực tế chi phí tiền điện hàng tháng của gia đình quá nhiều, nên ông Triệu Quốc Thạnh - số nhà 144  đường Núi Thành,  TP. Đà Nẵng đã quyết định đầu tư lắp đặt hệ thống này, với công suất là 3kWp vào đầu tháng 9/2018.

“Đà Nẵng, những tháng này nóng nắng nhiều ngày, mưa ít, gia đình tôi sử dụng điện vào ban ngày nhiều nên tính cả số điện tiết kiệm và điện dư, trung bình giảm được mỗi tháng khoảng 40% tiền điện. Mỗi tháng điện mặt trời sinh ra dao động từ 400-450kW, như tháng gần đây nhất là 426 kW, gia đình tôi sử dụng 300kW, như vậy lại thừa 126 kW và được ngành điện báo tin nhắn nhận tiền trên 300.000/tháng, mặc dù không nhiều so với số tiền điện phải nộp mỗi tháng, nhưng được cái cùng góp được một ít điện vào lưới quốc gia và gia đình xài điện vào ban ngày thoải mái hơn” - Ông Thạnh đã chia sẻ.

Ông Hạ Đình Trúc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư Vấn và Xây lắp Điện Quang Minh Đạt (TP. Đà Nẵng) kiểm tra bộ chuyển đổi Inverter của khách hàng sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà.

Cũng như ông Thạnh, gia đình chị Đặng Thị Xuân, 58 Ymoan, Tân Lợi, TP. Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Gia đình tôi hiện kinh doanh khách sạn nên việc sử dụng điện rất nhiều, hàng tháng gia đình phải chi trả tiền điện trung bình hơn 8 triệu đồng, sau khi tôi tìm hiểu, biết được hệ thống điện mặt trời trên mái nhà rất lợi cho những người sử dụng điện nhiều như gia đình tôi, nên tôi quyết định lắp đặt hệ thống điện mặt trời này. Vào cuối tháng 4/2019, tôi đã ký hợp đồng với Công ty Solar BMT lắp đặt, tổng số tiền là 210 triệu đồng, với công suất lắp đặt là 10,35 kWp.

Từ khi lắp điện mặt trời áp mái, tôi thấy lợi hơn hẳn, không chỉ tiết kiệm được tiền điện mà những tấm pin này như một lớp cách nhiệt khiến nhà tôi mát mẻ hơn. Bây giờ, số điện tiêu thụ của gia đình tôi đã giảm đi 40% và điện lực đã thanh toán lại cho tôi số tiền thừa trung bình gần 2 triệu đồng một tháng, khi nhận tiền từ điện lực chuyển vào tài khoản lần đầu tôi thấy rất vui khi mình lại trực tiếp có doanh thu từ lưới điện rất hiệu quả mà tôi không nghĩ đến.

Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai có mặt bằng 7.500m2, chuyên ngành nghề sản xuất gạch ngói không nung, đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà và đưa vào vận hành ngày 18/6/2019, với tổng công suất là 312kWp, tổng số tiền đầu tư là 7 tỷ đồng.

“Trước khi chưa lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, Công ty phải chi trả tiền điện cho điện lực mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng, khi đưa vào hoạt động, Công ty chỉ trả cho điện lực từ 1,3 triệu đến 1,5 triệu đồng. Còn kWp thừa bán lại cho ngành điện, Công ty đã thu về trung bình mỗi tháng là 70 triệu đồng. Điều đáng nói, khi đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà rất là hiệu quả về kinh tế, nơi làm việc của công nhân lại được giảm đi nắng nóng và bảo vệ mái nhà được tốt hơn” - Ông Nguyễn Thanh Hồng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Tiến Minh Gia Lai cho biết.

DƯƠNG ANH MINH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động