RSS Feed for Giá dầu giảm, năng lượng tái tạo phát triển thế nào? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 20:52
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giá dầu giảm, năng lượng tái tạo phát triển thế nào?

 - Trong vài năm trở lại đây giá dầu trên thế giới đã giảm sâu. Trong bối cảnh đó liệu sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) có bị ảnh hưởng hay không là câu hỏi có thể được đặt ra đối với ngành năng lượng thế giới. Bài viết này dựa trên các báo cáo các năm 2014 và 2015 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy xu hướng phát triển NLTT gần như không bị ảnh hưởng gì, ngược lại nó còn được củng cố vững chắc hơn nhờ các cam kết toàn cầu về cắt giảm khí nhà kính từ Hội nghị Biến đổi khí hậu toàn cầu COP21 tháng 12 năm 2015 tại Paris.

Điện gió: Nhìn từ góc độ cạnh tranh
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam

ĐẶNG ĐÌNH THỐNG, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Được hậu thuẫn bởi các chính sách nhằm tăng cường an ninh năng lượng (NL), đa dạng hóa nguồn và phát triển NL bền vững, điện NLTT trong vài năm gần đây đã liên tục phát triển mạnh mẽ. Tổng công suất điện NLTT xây dựng trong năm 2014 là 130GW, chiếm hơn 45% tổng công suất phát điện trên toàn thế giới xây dựng trong cùng năm.

Giá điện NLTT tiếp tục giảm ở nhiều khu vực của thế giới. Hơn nữa, gần đây có một số hợp đồng các dự án điện NLTT có giá rất thấp đã khích lệ sự phát triển mạnh mẽ hơn điện NLTT trong các khu vực như Braxin, Ấn Độ, Trung Đông, Nam Phi và Mỹ. Thậm chí ngay cả trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm xuống rất thấp nhưng tốc độ phát triển NLTT vẫn được duy trì ở mức cao. Chính phủ một số nước hàng đầu về phát triển NLTT như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn kiên định thúc đẩy triển khai các kế hoạch phát triển điện NLTT đầy tham vọng của họ.

Dự báo phát triển điện NLTT giai đoạn 2015-2020

Theo dự báo của IEA, đến năm 2020, điện NLTT sẽ chiếm gần 2/3 tổng công suất các nhà máy điện trên toàn thế giới xây dựng trong giai đoạn này. Tỷ lệ phát điện NLTT tăng từ 22% năm 2013 lên hơn 26% vào năm 2020 và điện năng được phát từ NLTT sẽ đạt sản lượng lớn hơn tổng nhu cầu hiện nay của các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cộng lại.

Về nguồn, điện gió trên bờ (onshore wind) có tổng công suất xây dựng dẫn đầu, chiếm 1/3 tổng công suất điện NLTT được xây dựng trong thời gian đến 2020. Tiếp đến là điện mặt trời (solar PV), với tổng công suất chiếm 2/3 tổng công suất NLTT còn lại (tức là trừ phần công suất điện gió). Nguồn lớn thứ 3 là thủy điện, với tổng công suất chiếm 1/5 tổng công suất điện NLTT. Các công nghệ điện NLTT khác tăng chậm hơn về giá trị tuyệt đối nhưng vẫn tăng công suất một cách đáng kể. Ví dụ, năng lượng sinh học phục vụ sinh hoạt với xu hướng hiện nay là thay thế than đá bằng sinh khối ở cộng đồng châu Âu (EU) và ở các nước châu Á.

Về khu vực địa lý, ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong giai đoạn 2015-2020 gần như chỉ xây dựng mới các nhà máy điện NLTT, trong đó chủ yếu là các nguồn không phải thủy điện. Tổng công suất của khối này sẽ chiếm khoảng 1/3 tổng công suất điện NLTT trên thế giới. Thị trường NLTT khối OECD chiếm vị trí thứ 2 sau Trung Quốc. Vị trí thứ 3 thuộc về Mỹ và tiếp đến là Nhật Bản.

Trung Quốc, Ấn Độ, Braxin và các nước đang phát triển khác chiếm khoảng 2/3 tổng công suất điện NLTT xây dựng mới đến năm 2020. Đối với các nước ngoài khối OECD mặc dù điện NLTT tăng lên khá lớn nhưng các nguồn NL hóa thạch vẫn còn có vai trò đáng kể.

Trung Quốc là quốc gia hàng đầu về phát triển NLTT trên thế giới. Trong giai đoạn 2015-2020, công suất các nhà máy điện NLTT của Trung Quốc chiếm đến 40% tổng công suất điện NLTT xây dựng trong giai đoạn đến năm 2020 trên toàn thế giới, gấp 3 lần tổng nhu cầu công suất điện hiện nay của nước Anh. Đầu tư của Trung Quốc vào NLTT chiếm khoảng 1/3 tổng đầu tư của toàn thế giới vào lĩnh vực này. Các nguồn phát triển chủ yếu bao gồm điện mặt trời và điện gió trên bờ. Đến năm 2020, tổng công suất điện gió của Trung Quốc sẽ tăng gấp 2 lần, còn tổng công suất điện mặt trời sẽ tăng gấp 4 lần so với công suất điện gió và điện mặt trời hiện nay (2014). Cũng trong thời gian này, thủy điện ở Trung Quốc tăng chậm. Tuy nhiên, tổng công suất xây dựng về thủy điện vẫn rất lớn, bằng tổng công suất phát điện hiện nay của nước Úc.

Trong số các nước khác ngoài OECD thì Ấn Độ sẽ tập trung phát triển mạnh điện gió và điện mặt trời. Ở Braxin, do tình trạng khô hạn, nên kế hoạch phát triển NLTT dựa trên các nguồn không phải thủy điện. Trong khi đó, thủy điện lại được chú trọng phát triển ở một số nước như: Thái Lan, Ai Cập và một vài nước khu vực Trung Đông.

Đối với khu vực Tiểu vùng Sahara, nhờ có tiềm năng NLTT rất lớn, điều kiện kinh tế tốt hơn và với các chính sách khuyến khích phát triển NLTT, dự báo đến năm 2020 điện NLTT sẽ đáp ứng khoảng 2/3 tổng nhu cầu của khu vực.

Ở châu Phi, dự báo điện mặt trời qui mô nhỏ cung cấp điện cho hộ gia đình và cụm dân cư khu vực ngoại ô và nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ ở các nước như Ethiopia, Kenya. Tuy nhiên, đối với các nước châu Phi thì vai trò của chính sách NLTT vẫn rất quan trọng đối với sự phát triển NLTT.

Về đầu tư vào điện NLTT, giai đoạn 2015-2020 được dự báo trung bình 230 tỷ USD/năm, thấp hơn mức 270 tỷ USD năm 2014. Đầu tư hàng năm giảm là do nhu cầu điện năng của thế giới tăng chậm, nhưng quan trọng hơn là do suất đầu tư vào NLTT ngày càng giảm. 2/3 tổng đầu tư nói trên sẽ là đầu tư cho phát triển điện gió và điện pin mặt trời.

Chi phí điện NLTT tiếp tục giảm sâu. Chi phí đầu tư điện gió trên bờ giai đoạn 2010-2015 trung bình giảm 30% so với chi phí năm 2010. Đối với chi phí đầu tư điện mặt trời giảm đến 66% so với năm 2010.

Giai đoạn 2015-2020 điện gió tiếp tục giảm thêm 10%, còn điện mặt trời giảm tiếp 25% so với năm 2015.

Gần đây một số dự án điện gió trên bờ đã được ký kết hợp đồng dài hạn với giá 60-80USD/MWh (hay 6-8Uscents/kWh). Một số dự án tốt nhất ở Ai Cập, Braxin, Nam Phi và một số bang ở Mỹ đã ký hợp đồng với giá 50USD/MWh (5USCents/kWh). Còn đối với các hợp đồng các dự án điện mặt trời đã ký với giá 80-100USD/MWh (8-10USCents/kWh), trong đó các dự án tốt nhất ở Ả Rập Xê Út, Jordan, Nam Phi và một số Bang ở Mỹ có giá chỉ 60USD/MWh. Tuy nhiên, tính cạnh tranh về giá của các dự án NLTT phụ thuộc nhiều vào qui mô, tiềm năng các nguồn NLTT cũng như chi phí nối lưới, truyền tài và các chi phí môi trường liên quan đến NL hóa thạch.

Các ứng dụng khác của NLTT

Nhu cầu NL cho sưởi ấm và làm mát rất lớn, chiếm khoảng ½ tổng nhu cầu NL của thế giới.

Đối với nhu cầu sử dụng biomass cho các hệ sưởi ấm ở các nước ở châu Âu vẫn tăng với tốc độ ổn định khoảng 3%/năm trong trung hạn.

Tiềm năng ứng dụng nhiệt NLTT cho công nghiệp rất lớn, nhưng để phát triển cần có các chính sách hỗ trợ thích hợp.

Giá dầu giảm ảnh hưởng trực tiếp đến nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, tốc độ tăng nguồn nhiên liệu này được dự báo ổn định khoảng 4%/năm cho giai đoạn trung hạn 2015-2020 đối với ngành giao thông vận tải. Mặt khác, giá dầu thấp dẫn đến sự cắt giảm chính sách bù giá nhiên liệu đối với NL hóa thạch và do đó lại tạo cơ hội làm tăng tính hấp dẫn đối với nhiên liệu sinh học.

Trên thế giới hiện đang xây dựng 9 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tiên tiến (advanced biofuels) qui mô rất lớn, trong đó 7 nhà máy đã hoàn thành và đi vào sản xuất  trong các năm 2014-2015. Tuy nhiên, theo IEA, để nhiên liệu sinh học có thể cạnh tranh được với dầu thì giá dầu thấp nhất cũng phải 100USD/thùng (barren). Với giá dầu thấp như hiện nay, dưới 40USD/thùng, thì nhiên liệu sinh học không có khả năng cạnh tranh nếu chỉ thuần túy xem xét trên quan điểm kinh tế.  

Tuy nhiên, mới đây, tháng 12/2015, với các cam kết có tính toàn cầu của COP21, để có thể đạt mục tiêu nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C vào cuối thế kỷ này, thì sự phát triển NLTT có thêm động lực và cơ hội mạnh mẽ mới. Với sự biến đổi khí hậu trái đất như hiện nay, con người giờ đây không còn đơn giản lựa chọn công nghệ năng lượng có tính kinh tế hơn mà là sự lựa chọn liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của sự sống trên trái đất, sự tồn vong của  nhân loại.

Dưới đây là các số liệu thống kê của IEA về phát triển NLTT hiện nay và dự báo đến năm 2020.

Bảng 1: Công suất điện NLTT trên toàn thế giới và dự báo (kịch bản cơ sở) đến năm 2020                                                                                                             

Đơn vị: GW

Nguồn

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Thủy điện (*)

1.133

1.168

1.203

1.237

1.270

1.307

1.333

1.360

NL sinh học

88

93

97

104

111

118

125

133

Điện gió

319

363

407

449

491

536

583

630

Trên bờ

312

354

396

435

475

517

559

602

Ngoài khơi

7

8

11

13

16

20

24

29

Điện pin Mặt trời

137

176

214

253

289

326

364

403

STE

4

5

5

6

7

8

10

11

Địa nhiệt

12

12

13

13

14

15

15

16

Đại dương

1

1

1

1

1

1

1

1

 

Hình 1- Công suất phát điện và dự báo (kịch bản cơ sở) các nguồn NLTT chính giai đoạn đến 2020 trên phạm vi thế giới

(Nguồn: “Renewable Energy Medium Term Market Report 2014. Market Analysis and Forecasts to 2020. IEA”.

Ghi chú: Thủy điện trong các bảng 1 và 2 bao gồm cả thủy điện nhỏ và vừa và thủy điện tích năng (IEA).

Bảng 2: Điện năng NLTT trên toàn thế giới dự báo (kịch bản cơ sở). Đơn vị TWh

Nguồn

2013

2014

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Thủy điện (*)

3.828

3.982

4.104

4.223

4.340

4.469

4.581

4.669

NL sinh học

396

433

457

483

514

547

581

615

Điện gió

633

721

830

936

1.042

1.156

1.279

1.409

Trên bờ

612

695

797

896

992

1.095

1.204

1.318

Ngoài khơi

21

26

32

40

50

61

75

90

Điện Mặt trời (PV)

131

188

237

286

334

382

431

482

Nhiệt điện MT (CSP)

6

11

14

16

19

23

27

32

Địa nhiệt

73

78

81

85

90

94

99

104

Đại dương

1

1

1

1

1

2

2

2

 

Hình 2- Điện năng các nguồn NLTT chính và dự báo (kịch bản cơ sở) giai đoạn đến 2020 trên phạm vi thế giới

(Nguồn: “Renewable Energy Medium Term Market Report 2014. Market Analysis and Forecasts to 2020. IEA”.)

 

Tài liệu tham khảo

1. Renewable Energy Medium Term Market Report 2014. Market Analysis and Forecasts to 2020. International Energy Agency (IEA).

2. Renewable Energy Medium Term Market Report 2015. Market Analysis and Forecasts to 2020. International Energy Agency (IEA).

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động