Mục tiêu của Hội nghị lần này là đánh giá những tiến bộ đạt được từ toàn bộ tiến trình qua 3 Hội nghị trước và trao đổi về các biện pháp tăng cường an ninh hạt nhân, giảm mối đe dọa khủng bố hạt nhân thời gian tới.
Bên cạnh Thông cáo của Hội nghị theo thông lệ, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua Kế hoạch hành động cụ thể đối với 5 cơ chế/sáng kiến quốc tế chính, trong đó có Sáng kiến toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT) và Đối tác toàn cầu chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và vật liệu liên quan (GP).
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII; khẳng định và đề cao chính sách nhất quán không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân; sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân; lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới.
Kể từ sau các HNTĐ năm 2010, 2012 và 2014, Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó có việc gia nhập Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi, phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA năm 2012.
Việt Nam cũng gia nhập Công ước chung về an toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Hoa Kỳ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI-2014) và tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Những nỗ lực của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là điển hình tốt.
NangluongVietnam Online