RSS Feed for Việt Nam cần cẩn trọng trong chia sẻ lợi ích từ năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 16/04/2024 20:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Việt Nam cần cẩn trọng trong chia sẻ lợi ích từ năng lượng

 - Các cơ chế chia sẻ lợi ích giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng; khuyến khích phát triển các loại năng lượng tái tạo; tài chính cho sử dụng năng lượng hiệu quả, là những vấn đề Việt Nam phải cẩn trọng trong quá trình thực hiện Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

Ông  Đỗ Mạnh Hùng - Ban điều phối Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) trao đổi với Năng lượng Việt Nam xung quanh nội dung này.

Việt Nam đã và đang tích cực triển khai hoàn thiện Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 để tiếp tục thực hiện hiệu quả các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Năng lượng sạch là một trong những vấn đề các nhà tài trợ rất quan tâm.

Trên thực tế, một số hành động chính sách năm 2014 có ý nghĩa thực tiễn cao, nhưng cũng đòi hỏi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương… phải cẩn trọng, đó là cơ chế chia sẻ lợi ích Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+), cơ chế khuyến khích phát triển các loại năng lượng tái tạo, tài chính cho sử dụng năng lượng hiệu quả...

Về Khung chính sách 2015, tất cả 33 hành động chính sách đã được các Bộ báo cáo, cập nhật, tạo điều kiện cho đợt giám sát thực hiện vào cuối năm 2015, nhiều hành động chính sách đang thực hiện với tiến độ tốt.

Năng lượng sạch là một trong những vấn đề các nhà tài trợ rất quan tâm. Ảnh: SP-RCC

Thực hiện Chương trình SP-RCC, Việt Nam đã thực hiện một số hoạt động liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo. Ông nhận định như thế nào về nội dung này?

Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ để Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương thực hiện một số hoạt động về phát triển các nguồn năng lượng sạch và tái tạo, như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện rác…

Cùng với đó là các hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành sản xuất công nghiệp, chẳng hạn như xi măng, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính, cũng như giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu.

Năng lượng tái tạo là công cục hữu hiệu chống biến đổi khí hậu nhưng có nhược điểm về giá thành sản xuất, cũng như suất đầu tư lớn. Giá thành sản xuất một kWh điện gió, điện mặt trời, điện rác luôn cao hơn thủy điện, nhiệt điện than…

Vấn đề bây giờ là phải có cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển các loại năng lượng tái tạo, cân đối để các doanh nghiệp làm ăn có lãi và dành một phần lãi đó tái tạo lại môi trường bị tác động.

Hiện nay, chúng tôi và các nhà tài trợ đang thảo luận về vấn đề này, nhằm tư vấn cho Chính phủ những biện pháp khuyến khích nguồn năng lượng sạch này phát triển manh hơn trong những năm tới.

Vai trò của thủy điện trong không gian năng lượng tái tạo được các ông nhìn nhận như thế nào?

Thủy điện là một loại năng lượng sạch, tái tạo và có giá thành sản xuất điện thấp, nhưng nó có thể gây một số tác động đến môi trường nếu quy trình vận hành hồ chứa không được thực hiện nghiêm túc. 

Trên thực tế, phát triển thủy điện nhỏ có phần “bừa bãi” trong thời gian vừa qua, thậm chí, ở một số địa phương, nhà máy thủy điện còn gây tác động xấu đến môi trường. 

Tôi nghĩ, một trong những nguyên nhân chính là việc phân cấp cho các tỉnh được duyệt các luận chứng kinh tế kỹ thuật các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Các địa phương hầu như đã bỏ qua cái đánh giá tác động môi trường.

Cạnh đó, mục tiêu của các nhà máy phát điện là chính, nên quy trình sản xuất chủ yếu tập trung vào việc làm sao để tạo ra nhiều điện nhất, chưa chú ý đến vấn đề thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tới, năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện, có thể “gánh đỡ” áp lực cho các nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch không, thưa ông?

Điều này hoàn toàn có thể. Chúng ta cần phải khẳng định tính kinh tế của thủy điện, là nguồn năng lượng sạch, không tiêu hao và có thể tái tạo. Thủy điện có giá thành sản xuất, có thể đóng góp một sản lượng lớn hàng năm.

Nhưng để phát triển bền vững, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ nghiêm các quy định vận hành hồ chứa hiện hành, đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.

Như ông nói, phát triển thủy điện nhỏ có phần “bừa bãi” trong thời gian vừa qua, theo ông, điều gì dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Muốn phát triển kinh tế, phải có điện, nên Nhà nước đã có chủ trương “điện phải đi trước một bước”. Đồng thời ban hành nhiều chính sách phát triển năng lượng điện, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo.

Không ít địa phương đã lạm dụng chủ trương này trong việc cấp phép đầu tư các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn của mình trong bối cảnh các nhà đầu tư vào thủy điện vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Để có được giấy phép đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã ‘lách’ bằng cách xin cấp phép đầu tư ở các tỉnh, thay vì ở các bộ ngành trung ương.

Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất xử lý vấn đề này là siết chặt việc cấp phép đầu tư mới cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Các nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách nghiêm túc, đúng quy trình từ các bộ chức năng và cơ quan có thẩm quyền mà luật pháp đã quy định.

Cảm ơn ông!

HẢI VÂN (thực hiện)

Chương trình SP-RCC do JICA, AFD phối hợp với Chính phủ Việt Nam đề xuất thành lập năm 2009 và bắt đầu thực hiện từ năm 2010. Hiện có sự tham gia của 6 nhà tài trợ chính thức là  JICA, AFD, WB, CIDA, DFAT, K-Eximbank với sự phối hợp cùng 10 Bộ, 35 Cục, Vụ. Chương trình đã xây dựng trên 200 hành động chính sách và tiếp nhận 872,65 triệu USD hỗ trợ ngân sách.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động