RSS Feed for Thấy gì trong kịch bản EOR19 về nhiệt điện than Việt Nam? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 03:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thấy gì trong kịch bản EOR19 về nhiệt điện than Việt Nam?

 - Sau Lễ công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019 (EOR19), chiều 5/11, Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức họp báo tại Hà Nội. Tại cuộc họp báo, ông Jakob Stenby Lundsager - Cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch cho hay: Theo kịch bản của EOR19, nếu dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào 2050.

10 câu hỏi còn ‘mắc kẹt’ của nhiệt điện than




Theo Quốc vụ khanh Morten Baek, Báo cáo EOR19 đã đề xuất các giải pháp cho rất nhiều thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt. EOR19 cũng đóng góp cho việc xây dựng Quy hoạch điện lực 8Theo đó, các cơ quan của Việt Nam có thể dựa vào Báo cáo này để hiện thực hóa quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh và hiệu quả về chi phí, đồng thời giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.

Ông Morten Baek khẳng định: Đan Mạch cam kết củng cố và mở rộng hợp tác với Việt Nam về năng lượng trong thời gian tới.

Về chi tiết EOR19, ông Jakob Stenby Lundsager - Cố vấn dài hạn Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch cho biết: Việt Nam hiện đang tiêu thụ một lượng lớn than để sản xuất nhiệt điện. Việc sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than sẽ giúp Việt Nam tránh được hiệu ứng "mắc kẹt" với nhiệt điện than và phụ thuộc vào than nhập khẩu trong dài hạn.

Theo kịch bản của EOR19, nếu dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than mới, tổng tiêu thụ than của Việt Nam có thể giảm 221 triệu tấn vào 2050.

Ông Jakob Stenby Lundsager cho rằng, việc thực hiện giảm tiêu thụ than chỉ đòi hỏi tăng khoảng 2% tổng chi phí của hệ thống năng lượng vào năm 2030 và 5% vào năm 2050 nhưng lợi ích mang lại là giảm đáng kể phát thải CO2, giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than.

Tuy nhiên, nếu không có hành động nào được thực hiện, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc nặng nề vào than nhập khẩu từ năm 2030.

Việc sớm dừng đầu tư vào nhiệt điện than mới sẽ làm đảo ngược xu hướng tiêu thụ than đang gia tăng hiện nay và mang lại những lợi ích tích cực về giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu than.

Đánh giá về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ sản xuất điện, EOR19 đưa ra kịch bản: Việt Nam sẽ phải chi 7-9 tỷ USD cho chăm sóc sức khỏe vào năm 2030 nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm từ sản xuất điện.

Để giải quyết vấn đề này, EOR19 đề xuất đầu tư vào năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng kết hợp với hạn chế đầu tư vào nhiệt điện than mới sau năm 2025. Số tiền thu được từ việc thực hiện tiết kiệm năng lượng sẽ vượt xa chi phí đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.

Ví dụ, vào năm 2030, nếu Việt Nam đầu tư 7 tỷ USD vào công nghệ tiết kiệm năng lượng, số tiền lãi thu được (sau khi trừ vốn đầu tư gốc) sẽ là 3 tỷ USD. Mặt khác, tiết kiệm năng lượng sẽ đóng góp giảm đáng kể phát thải khí CO2 ở mức 83 triệu tấn vào năm 2030 và 237 triệu tấn vào năm 2050, chủ yếu trong các ngành: điện, công nghiệp và giao thông vận tải.

Cũng theo ông Jakob Stenby Lundsager, điện mặt trời kết hợp với pin tích trữ điện năng sẽ là nguồn năng lượng tái tạo chính ở Việt Nam trong tương lai. Điện gió cũng được dự báo sẽ phát triển mạnh và có hiệu quả đầu tư cao hơn điện than.

Tại họp báo, ông Anton Beck - Giám đốc Chương trình Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch) cho biết: Chương trình hợp tác Đối tác năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch bắt đầu được triển khai từ năm 2013. Giai đoạn hai bắt đầu từ năm 2017, hoàn thành năm 2020. Giai đoạn ba dự kiến có thời hạn 5 năm, bắt đầu vào cuối năm 2020, chú trọng vào việc triển khai xây dựng quy hoạch dài hạn ngành năng lượng, tháo bỏ rào cản trong phát triển năng lượng tái tạo, tăng cường năng lực cho Việt Nam về tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, hỗ trợ tiết kiệm năng lượng./.

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động