RSS Feed for Công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 09:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019

 - Ngày 4/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam và Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019 (Báo cáo EOR19) - trong khuôn khổ Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (giai đoạn 2017-2020) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Những điểm mới, quan trọng trong ‘nhiệm vụ’ lập Quy hoạch điện 8

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng.

Phát biểu tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Từ năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký hiệp định dài hạn hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng, các dự án chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu của Việt Nam để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững.

Năm 2017, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch, và chỉ đạo của Bộ Công Thương, các chuyên gia trong nước, quốc tế đã xây dựng, công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017. Đây là báo cáo triển vọng năng lượng đầu tiên được xây dựng và công bố tại Việt Nam.

Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 cho thấy hệ thống điện của Việt Nam có thể vận hành với tỷ trọng các dạng năng lượng ở mức cao, đồng thời đề xuất các kịch bản tham khảo khác nhau cho phát triển năng lượng của Việt Nam, cũng như xác định các cơ hội phát triển của ngành điện.

Nối tiếp các hoạt động này, trong chương trình hợp tác đối tác Việt Nam - Đan Mạch (giai đoạn 2017-2020), Cục Điện lực Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Cục Năng lượng của Đan Mạch triển khai xây dựng Báo cáo EOR19.

Báo cáo EOR19 trình bày các kết quả nghiên cứu các kịch bản phát triển điện và năng lượng, các khuyến nghị chính sách đối với các vấn đề trọng tâm liên quan đến sự phát triển của hệ thống điện, hệ thống năng lượng của Việt Nam trong dài hạn, cung cấp một số thông tin đầu vào phục vụ cho việc xây dựng Quy hoạch phát triển điện 8, cũng như Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam.

“Báo cáo được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình để tính toán phát triển các kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung, cung cấp các thông tin hữu ích về phát triển các hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững, gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng” - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Lễ công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2019.

Báo cáo EOR19 được xây dựng với năm chủ đề: Các nguồn năng lượng; Tiết kiệm năng lượng; Năng lượng tái tạo; Cân bằng hệ thống điện và Tác động khí hậu và ô nhiễm. Cụ thể:

1/ Các nguồn năng lượng

Các phát hiện chính: Xu hướng gia tăng sử dụng than vẫn tiếp tục diễn ra; Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể thay thế than trong sản xuất điện với chi phí cao hơn nhưng đỡ gây ô nhiễm môi trường hơn; Các nguồn NLTT (gió, mặt trời, thủy điện và sinh khối) có thể chiếm tới 24% nguồn cung năng lượng sơ cấp vào năm 2050 và chiếm 59% sản lượng điện sản xuất; Vào năm 2030, có sự gia tăng đáng kể về nhập khẩu than và dầu...

Các khuyến nghị: Việc sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng trong nước, bao gồm sinh khối, gió, mặt trời và các nguồn NLTT khác, kết hợp với các biện pháp TKNK là các yếu tố chính làm giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu cho sản xuất điện.

Cần sớm nghiên cứu việc giảm nhu cầu sử dụng than trong tương lại, ví dụ đánh thuế đối với sử dụng than hoặc hạn chế nhà máy nhiệt điện than mới; Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông hiệu quả năng lượng thông qua các chính sách khuyến khích về kinh tế và các tiêu chuẩn về hiệu suất năng lượng tối thiểu; Huy động tiềm năng sinh khối trong nước cho sản xuất năng lượng.

2/ Tiết kiệm năng lượng

Các phát hiện chính: Mức TKNL đạt được cao hơn chi phí TKNL: Kết quả tính từ mô hình cho thấy gia tăng chi phí đầu tư công nghệ TKNL ở mức 7 tỷ USD vào năm 2030 và 16 tỷ USD vào năm 2050 vẫn thấp hơn so với chi phí cho tiết kiệm nhiên liệu và chi phí đầu tư vào phần cung, dẫn tới tổng chi phí tiết kiệm đạt được lên đến 3 tỷ USD vào năm 2030 và 30 tỷ USD vào năm 2050.

Các khuyến nghị: Các giải pháp TKNL tham vọng cần được ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch phát triển điện 8; Tiếp tục triển khai và tăng cường chính sách TKNL hiện tại (VNEEP3); Tập trung khắc phục các rào cản nhằm tạo điều kiện cho các dự án đầu tư quy mô lớn vào công nghệ TKNL cho các ngành sử dụng năng lượng; Đầu tư mới vào các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp.

3/ Năng lượng tái tạo

Các phát hiện chính: Trong khi tiềm năng của thủy điện đã khai thác gần hết, thì năng lượng sinh học lại có tiềm năng ngày càng lớn trong các nhà máy nhiệt điện đồng phát trong công nghiệp và sản xuất điện. Tuy nhiên hai trụ cột chính về NLTT trong hệ thống năng lượng sẽ vẫn là năng lượng gió và mặt trời.

Các khuyến nghị: Năng lượng tái tạo phải là tiêu điểm trong Quy hoạch điện 8, nhằm đảm bảo cơ sở cần thiết để phát triển năng lượng tái tạo trong 10 năm tới.

Để phát triển thành công điện gió, mặt trời tại Việt Nam, cần có các điều kiện khung pháp lý ổn định, đơn giản, minh bạch và tăng cường tính cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo.

4/ Cân bằng hệ thống điện

Các phát hiện chính: Cân bằng hệ thống điện với tỷ trọng của điện gió và điện mặt trời ở mức cao hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế; Trong dài hạn, cần xem xét lắp đặt pin lưu trữ điện năng với khối lượng lớn; Đánh giá tổng thể lưới điện truyền tải cho thấy chi phí đầu tư cần thiết vào lưới điện truyền tải đến năm 2030 chiếm 30% tổng chi phí đầu tư hệ thống điện.

Các khuyến nghị: Áp dụng cách tiếp cận từng bước đối với tích hợp điện gió và mặt trời; Nghiên cứu và tiến hành gỡ bỏ các rào cản thị trường nhằm đảm bảo việc tích trữ điện năng được đưa vào ứng dụng nhanh chóng, kịp thời, từ đó thiết lập các thị trường thuận lợi…

5/ Khí hậu và ô nhiễm

Các phát hiện chính: Phát thải CO2 từ ngành năng lượng đang tăng lên nhanh chóng; Than là nguồn phát thải CO2 chính; Phát thải từ than trong ngành điện gây ra chi phí y tế lớn đối với xã hội.

Các khuyến nghị: Áp dụng các chính sách khuyến khích nhằm giảm phát thải khí CO2 và các chất ô nhiễm không khí khác, bao gồm thuế, các chương trình mua bán phát thải hoặc các hình thức hệ thống thị trường khác; Hài hòa tất cả các mục tiêu NLTT và mục tiêu phát thải của chính phủ cho quy hoạch trong tương lai; Thắt chặt các biện pháp kiểm soát ô nhiễm không khí trong sản xuất điện và công nghiệp, bổ sung các chi phí y tế do ô nhiễm môi trường trong mô hình hóa hệ thống năng lượng và lập quy hoạch (trong đó có Quy hoạch điện 8)./.

MAI THẮNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động