Những nhân tố làm thay đổi bản đồ năng lượng thế giới
11:37 | 05/09/2016
Bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 21/9 tới đây, sẽ diễn ra một hội nghị đặc biệt để khuyến khích các quốc gia tham gia ký kết hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hoàn tất các điều luật trong nước cần thiết để chính thức phê chuẩn văn kiện này.
Nếu tới ngày 7/10, 55 quốc gia nằm trong danh sách bắt buộc (chiếm 55% lượng khí thải của thế giới) phê chuẩn hiệp định này, văn kiện sẽ có hiệu lực trước khi diễn ra hội nghị tiếp theo tại Marrakech, Morocco vào tháng 11/2016.
Nhưng kể từ khi hiệp định được ký kết hồi tháng Tư vừa qua, mới chỉ có 21 quốc gia phê chuẩn.
Ngoài ra, hiệp định Paris vẫn không có những biện pháp chế tài nào đối với các quốc gia không đạt được những mục tiêu đề ra trong hiệp định.
Trong bối cảnh đó, mạng tin của cơ quan phân tích tình báo "Stratfor" ngày 2/9 đặt câu hỏi "Như vậy thì trên thực tế thế giới sẽ làm cách nào để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính?".
Theo bài viết này, chính những bước đột phá trong lĩnh vực kinh tế, khoa học mới là động lực quan trọng làm thay đổi bản đồ năng lượng của thế giới.
Ngay cả các quốc gia đang phát triển, vốn sẽ sớm phải chịu trách nhiệm vì chiếm phần lớn mức gia tăng tiêu thụ năng lượng của thế giới, cũng sẽ tiến hành thời kỳ quá độ chuyển sang sử dụng các dạng năng lượng mới.
Trong vài tháng gần đây, một số các công nghệ giúp giảm khí thải đã đạt được một số tiến triển.
Thế giới đang tiến tới, tuy từ từ, một hệ thống năng lượng mới, trong đó dầu mỏ không còn đóng vai trò chủ đạo nữa.
Tất nhiên, các phát minh và nghiên cứu khoa học có thể phải mất hàng năm hoặc thậm chí hàng thập niên thì mới có thể trở thành những sản phẩm thương mại. Nhưng thế giới đang đạt nhiều bước đột phá.
Chẳng hạn như các thiết kế ắc quy mới dần dần có thể thay thế loại ắc quy làm từ lithium đang thông dụng.
Nhà máy Tesla's Gigafactory đã chính thức được khai trương hồi tháng Bảy và bắt đầu sản xuất loại ắc quy mới này trên quy mô lớn. Nếu thành công, loại ắc quy mới này sẽ giúp giảm đáng kể mức tiêu hao nhiên liệu của xe cơ giới.
Tuy nhiên, để loại ắc quy mới nêu trên có thể giảm được mức độ gia tăng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, vẫn cần phải phổ biến rộng rãi hơn nữa các nguồn năng lượng thay thế.
Theo báo cáo gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ, công suất của tua bin gió tăng 180% trong 8 năm qua, và loại năng lượng này ngày càng có sức cạnh tranh so với các loại năng lượng truyền thống, cũng như năng lượng thay thế khác, trong đó có cả năng lượng Mặt Trời.
Chi phí của các công nghệ sản xuất năng lượng từ gió và Mặt Trời đã giảm đáng kể trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí sản xuất năng lượng Mặt Trời sẽ phải giảm hơn nữa thì loại năng lượng này mới có thể được tích hợp với mạng lưới điện quốc gia.
Việc sản xuất các pin Mặt Trời cũng vẫn gặp khó khăn và những nhược điểm trong quá trình sản xuất có thể làm giảm tính hiệu quả của loại năng lượng này.
Tuy vậy, các công nghệ sản xuất pin Mặt Trời đang có nhiều bước cải tiến.
Tháng Bảy vừa qua, các nhà khoa học Hàn Quốc đã công bố công nghệ cải thiện độ bền và độ ổn định của pin Mặt Trời.
Mới trong tháng Tám này, Bộ Năng lượng Mỹ, phối hợp với một nhóm chuyên gia Trung Quốc đã công bố công nghệ mới sửa chữa được những nhược điểm xuất hiện trong quá trình sản xuất pin Mặt Trời, đồng thời cải thiện được hiệu quả và khả năng tái tạo.
Những bước tiến này là chìa khóa đảm bảo sự thành công của các pin Mặt Trời. Các nguồn năng lượng thay thế khác cũng đang đạt nhiều tiến triển.
Năm 2015, Australia đã phát động nhiều dự án năng lượng sóng, trong đó có nhà máy sản xuất năng lượng từ thủy triều phục vụ mục đích thương mại đầu tiên trên thế giới.
Các lò phản ứng hạt nhân cũng có thể là một điểm nhấn trên bức trang năng lượng đa dạng này.
Trong môt năm qua, Anh và Mỹ đã công bố các kế hoạch đầu tư vào hoạt động nghiên cứu hạt nhân tiên tiến.
Nhật Bản cũng đang dần khôi phục chương trình hạt nhân của mình, và một số quốc gia khác, nổi bật là Trung Quốc, cũng sẽ tìm cách tăng cường khả năng hạt nhân truyền thống của mình.
Các loại xe điện sẽ phải cạnh tranh với các loại xe sử dụng cụm pin nhiên liệu kết hợp khí hydro để tạo ra điện năng.
Chẳng hạn như xe Mirai của hãng Toyota, được bày bán lần đầu tiên vào năm 2015, có giá thành khá rẻ so với các loại xe chạy bằng pin nhiên liệu khác mặc dù để cho loại xe này được phổ biến rộng rãi hơn thì chi phí của xe vẫn cần phải được hạ hơn nữa, đồng thời hạ tầng cơ sở cũng cần phải được mở rộng.
Việc tự động hóa cũng sẽ đóng vai trò lớn trong nỗ lực giảm bớt khi thải.
Với những cải tiến liên tục cho các loại xe thông minh, không người lái, tính hiệu quả của việc sử dụng năng lượng sẽ được cải thiện.
Các chính sách như trợ giá, khuyến khích hoặc thậm chí các quy định về lượng khí thải chắc chắn cũng sẽ thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng thay thế.
Tuy vậy, những bước tiến về công nghệ mới là chìa khóa để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng một cách bền vững những nguồn năng lượng mới.
Chỉ riêng trong năm nay, loài người đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cải tiến nhiều công nghệ khác nhau nhằm góp phần giảm khí thải và tăng tính hiệu quả của năng lượng thay thế.
Nếu những tiến bộ này tiếp tục được phát huy, thì điều này sẽ có tác động đáng kể tới tiến trình chuyển tiếp năng lượng của thế giới trong những năm tới.
Niềm tin mới về môi trường Việt Nam sau Hiệp ước Paris?
Phát triển năng lượng sinh khối: Kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
Châu Âu hành động chung về phong điện
Nguồn: TTXVN/ New York