RSS Feed for Năng lượng trước sức ép phát triển bền vững | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 21:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng trước sức ép phát triển bền vững

 - Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam tăng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006-2010 đặt nền kinh tế trước nhiều thách thức.

EVN nghiên cứu đầu tư phát triển điện mặt trời

Quá trình thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã đạt những bước tiến quan trọng, ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kế hoạch, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, tại “Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016”, do Báo Công Thương tổ chức ngày 25/8, cho biết.

Hệ thống điện quốc gia có tổng công suất trên 42.000MW, sản xuất điện năm 2014 khoảng 160 tỷ kWh; than khai thác trên 40 triệu tấn; dầu khai thác khoảng 17 triệu tấn và khí 10 tỷ m3, năng lượng tái tạo bước đầu đã được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Ông Lê Tuấn Phong cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng. Ảnh: Cấn Dũng

Mục tiêu cụ thể của chiến lược là phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội với năng lượng sơ cấp đến năm 2020 đạt khoảng 100 - 110 triệu TOE; năm 2025 khoảng 110 - 120 triệu TOE và năm 2050 khoảng 310 - 320 triệu TOE.

Bên cạnh đó, phát triển các nhà máy lọc dầu, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về các sản phẩm dầu trong nước, đưa tổng công suất các nhà máy lọc dầu lên khoảng 25 - 30 triệu tấn dầu thô vào năm 2020; đảm bảo mức dự trữ chiến lược xăng dầu quốc gia đạt 60 ngày vào năm 2020 và 90 ngày vào năm 2025. Đến năm 2020, phấn đấu hầu hết các hộ dân nông thôn có điện.

Trên thực tế, việc thực hiện mục tiêu trên là không dễ dàng, trong bối cảnh  “xung đột cung - cầu năng lượng" đang diễn ra ở Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nhận định.

Một trong những nguyên nhân, theo ông Thiên là do “Giá điện ở Việt Nam thấp, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiều năng lượng hơn khả năng đầu tư cũng như sản xuất năng lượng”.

Hơn nữa, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức lớn về đảm bảo an ninh năng lượng, sức ép về vốn đầu tư gia tăng trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao.

Việt Nam đang chuyển từ một nước xuất khẩu năng lượng sang một nước nhập khẩu với dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát triển điện vào năm 2020.

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam đã tăng trưởng trung bình 13,07%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2015.

Do đó, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.

Thực hiện mục tiêu này, ông Lê Tuấn Phong cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Đảm bảo cho phát triển bền vững, ông Tô Quốc Trụ, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng VEA, cho rằng, nhà nước cần hết sức quan tâm đến điều hành, quản lý, phát triển và khai thác hợp lý các nguồn năng lượng.

Chính phủ cần có chính sách, cơ chế thiết thực nhằm đảm bảo phát triển năng lượng bền vững. Trước hết, cần rà soát lại tất cả các văn bản pháp lý liên quan đến hỗ trợ phát triển năng lượng, loại bỏ các văn bản không còn phù hợp, ban hành kịp thời các văn bản mới hấp dẫn và thu hút đầu tư vào ngành Năng lượng. 

Chính sách Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được nhấn mạnh và đưa ra biện pháp mạnh để thực hiện trong Chiến lược phát triển Năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt vào năm 2017.

Việt Nam cần ưu tiên phát triển các ngành kinh tế - xã hội nói chung và ngành công nghiệp nói riêng có cường độ năng lượng thấp, áp dụng công nghệ mới sản xuất các trang thiết bị hiệu xuất cao, khuyến khích về thuế cho các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, miễn giảm thuế thu nhập hàng hóa và thiết bị tiết kiệm năng lượng, trợ giá cho đầu tư các dây truyền sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng và các dự án tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn bắt buộc về tiêu thụ năng lượng cho thiết bị…

Đối với các tập đoàn có chức năng sản xuất năng lượng sơ cấp cần triệt để tiết kiệm chi phí trong cả quá trình tìm kiếm, thăm dò, khai thác, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng; Đối với các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp sản xuất điện cần phấn đầu giảm tổn thất điện năng tự dùng trong vận hành ở các nhà máy điện.

Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phấn đấu giảm tổn thất truyền tải, phân phối điện và phát triển lưới điện thông minh nhằm khai thác hiệu quả tối đa hệ thống năng lượng.

“Diễn đàn Năng lượng Việt Nam 2016”, được cho là cơ hội để các nhà quản lý các bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững.

SONG ANH

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động