RSS Feed for Phát triển năng lượng gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nước ta | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 21:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển năng lượng gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nước ta

 - LTS: Trong nhiều thập kỷ qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các lĩnh vực phát triển ngành điện, dầu khí, Công nghiệp Than - Khoáng sản, và năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo năng lượng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đó, cũng mang lại nhiều hệ lụy cho môi trường như: phát thải khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, nước biển dâng, bão lụt, hạn hán, động đất... gây thiệt hại về người và của cải. Để tìm hiểu về vấn đề này, đồng thời có những giải pháp hạn chế thấp nhất những hậu quả do thiên nhiên gây ra, Tòa soạn Năng lượng Việt Nam xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi xung quanh vấn đề này.

>> Một số ý kiến của VEA trong kết luận Thanh tra Chính phủ về EVN
>> Cần phải xem ngành Điện là ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước
>> Ngành Than trước khó khăn, thách thức lớn
>> Phát triển năng lượng xanh cho mùa xuân vĩnh hằng

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Nền kinh tế thế giới thay đổi lớn trong nhiều thập kỷ qua bằng những công nghệ hiện đại, bằng việc phát triển ồ ạt, nhiều công trình, dự án, nhiều thành phố gây ra hiệu ứng phát thải khí CO2, hiệu ứng nhà kính. Nạn phá hoại rừng trên thế giới cũng xảy ra nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam. Những nguyên nhân đó dẫn tới sự biến đổi khí hậu một cách nhanh chóng làm cho khí hậu trái đất nóng lên, vì nguyên nhân đó dẫn tới nước biển dâng, bão lụt, hạn hán, bão tuyết, động đất… xảy ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, gây thiệt hại về người và của cải vô cùng to lớn.

Gần đây cơn bão Haiyan đã tàn sát nhiều tỉnh của nước Philipines và sau đó đổ bộ vào Việt Nam, gây ra thảm hoạ kinh hoàng làm trên hàng nghìn người chết, hàng nghìn người bị thương và nhiều thành phố, nhiều tỉnh bị tan hoang đổ nát, hàng chục triệu người dân bị ảnh hưởng; ở Việt Nam, hàng nghìn ngôi nhà bị sụp đổ và tốc mái, hàng chục người chết, hàng nghìn ha hoa màu, cây cối bị hư hỏng... Cách đây 2 năm thảm hoạ sóng thần và động đất xẩy ra tại thành phố Fukushima Nhật Bản đã làm hàng trăm nghìn người chết, hàng trăm nghìn người bị thương và đặc biệt làm hư hỏng các nhà máy điện hạt nhân, dẫn đến sự thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân dân Nhật Bản. Cũng trong nhiều năm trước đây, nhiều thảm hoạ như động đất ở Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Haity, Bakitstan, lũ lụt ở Mỹ, Băng la đét, Trung Quốc và nhiều nước khác.

Vừa qua Liên hiệp quốc tổ chức họp phiên 19 (COP 19), với chủ đề chống biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21.

Mục tiêu của Liên hiệp quốc là yêu cầu các nước trên thế giới phải cùng chung tay tập trung cho công cuộc chống biến đổi khí hậu. Trong thế kỷ 21 này khống chế ở mức nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ.

Trong biến đổi khí hậu có nguyên nhân từ việc phát triển năng lượng ồ ạt trên toàn thế giới. Việc bảo vệ, quản lý tài nguyên môi trường tồn tại nhiều yếu kém ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Bài viết này đề cập với chủ đề “Phát triển Năng lượng gắn với tăng cường quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường ở nước ta”.

Trong nhiều thập kỷ qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, tập trung vào các lĩnh vực phát triển ngành điện, ngành dầu khí, ngành than khoáng sản, và năng lượng tái tạo, thường xuyên đảm bảo năng lượng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong quá trình phát triển to lớn đó còn có những tồn tại đối với việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Về ngành điện: những năm trước 1990, cả nước chỉ có khoảng 8.000MW điện, đến nay chúng ta đã có khoảng 30.000MW điện; ngành điện Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, bằng các Tổng sơ đồ phát triển điện lực đã đầu tư hàng trăm dự án nguồn điện, trong đó có thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, và xây dựng đồng bộ hệ thống truyền tải phân phối điện trên khắp cả nước, đảm bảo cung cấp điện đến tận các hộ tiêu dùng.

Từ trước đến nay, chúng ta đã xây dựng được khoảng gần 300 các dự án thuỷ điện lớn, vừa và nhỏ đã và đang vận hành trong nhiều năm qua, trong đó hầu hết các dự án thuỷ điện lớn và vừa do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư, như: Sơn La, công suất 2.400MW, Hoà Bình, công suất 1.920MW, Lai Châu 1.200MW, Yaly 720 MW và hàng trăm dự án thuỷ điện khác đều do EVN đầu tư, chiếm tỷ lệ các dự án thuỷ điện 90% của cả nước. Còn lại các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ do Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Vinaconex đầu tư xây dựng và nhiều dự án thuỷ điện nhỏ khác do các tư nhân đầu tư. Đây là một nguồn năng lượng sạch không gây ô nhiễm môi trường và đã tạo ra một lượng công suất điện trên 15.000MW, góp phần vào việc đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Song việc xây dựng nhiều nhà máy thuỷ điện đã lấy đi hàng chục nghìn ha rừng để xây dựng lòng hồ, đập, nhà máy, đường giao thông, các trạm biến áp, các đường dây truyền tải… các công trình thuỷ điện lớn làm nhiệm vụ đa mục tiêu như: đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo điều tiết nước vào mùa khô, đảm bảo cắt lũ vào mùa mưa.

Nhưng do phát triển quá ồ ạt nên rất nhiều dự án thuỷ điện vừa và nhỏ do tư nhân đầu tư không đảm bảo chất lượng, quản lý vận hành không đúng quy trình, nhất là vận hành hồ đập. Nhiều năm qua, lũ lụt ở miền Trung nước ta xảy ra liên tục, trong đó có tác nhân gây hại, đó là việc xả lũ của các nhà máy điện này. Việc cây rừng bị chặt phá với hàng nghìn ha cũng là tác nhân gây ra lũ lụt lớn. Để giảm thiểu việc phát triển ồ ạt các thuỷ điện nhỏ còn lại, hiện nay, theo quy hoạch, sau khi loại ra trên 440 dự án thuỷ điện nhỏ, hiện còn khoảng 400 dự án nằm trong quy hoạch, các dự án này đều ở sâu trong rừng, núi, có các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật thấp không đảm bảo tính khả thi của dự án. Vừa qua, Quốc hội đã có quyết định phải xem xét lại quy hoạch các dự án thuỷ điện nhỏ nên loại trừ các dự án hiệu quả kinh tế kém, lại gây phá rừng, gây lũ lụt, vậy nên hạn chế một cách tối đa việc đầu tư các dự án đó.

Theo quan điểm của tôi, hiện nay công suất các nhà máy thuỷ điện đã đầu tư và vận hành lên trên 15.000MW, đa số những dự án có công suất lớn, có hồ chứa lớn, xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn, an ninh công trình đều do EVN đầu tư. Các dự án thuỷ điện nhỏ, trong đó có một số dự án bậc thang do tư nhân đầu tư cũng đã gần hết, hiện nay chỉ còn khoảng 6 dự án bậc thang, trong số đó xét dự án nào có hiệu quả, không gây phá rừng cho đầu tư, còn tất cả các dự án thuỷ điện “treo” không đủ nguồn nước để phát điện vào mùa khô, lúc EVN thiếu điện, hiệu quả đầu tư thấp, không kinh tế thì không nên cho làm. Bởi lẽ dù dự án lớn hay nhỏ nhất lại là những dự án ở vùng sâu, vùng xa thì việc phá rừng không thể tránh khỏi, gây tác hại xấu đến bảo vệ môi trường. Từ nay về sau, không nên phân cấp cho các địa phương được quyết định đầu tư các dự án thuỷ điện nhỏ, nên giao cho các bộ, ngành Trung ương như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ khoa học Công nghệ môi trường... trực tiếp xem xét và quyết định đầu tư và quản lý, đối với các dự án thuỷ điện nhỏ còn lại, đồng thời phải thống nhất quy trình vận hành hồ đập thuỷ điện trong cả nước, dưới sự chỉ đạo của các bộ, ngành và phối hợp với các địa phương.

Cũng trong nhiều năm qua, ngành điện đã xây dựng rất nhiều dự án nhiệt điện như: nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện chạy dầu... với công suất trên 15.000MW, trong đó nhiều dự án do EVN đầu tư, một số dự án còn lại do Tập đoàn Công nghiệp than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư đã góp phần đảm bảo nguồn điện cung cấp cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Trong gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, để có được thành tựu to lớn như hiện nay, nếu không có sự phát triển vượt bậc của ngành điện thì đất nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc dù trong việc đầu tư các dự án nhiệt điện trước đây và hiện tại, các chủ đầu tư đã chú ý sử dụng công nghệ, thiết bị để khử SOx, CO2, NOx … trong đó có lọc bụi tĩnh điện để hạn chế phát thải khí CO2 và các loại khí bụi, nhưng không thể triệt để còn gây ảnh hưởng đến môi trường.

Theo quy hoạch Tổng sơ đồ điện VII được Chính phủ phê duyệt, từ năm 2011 đến năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2030. Mục tiêu đến năm 2020 cả nước phải đạt được 75.000MW điện, với điện lượng từ 330-360 tỷ kWh. Với mục tiêu đó, cần phải xây dựng 52 nhà máy nhiệt điện than, điện nguyên tử và sử dụng tới khoảng 80 triệu tấn than. Với một lượng công suất đồ sộ như vậy, nếu không có các biện pháp khống chế và kiểm soát khí thải thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường rất lớn, vì vậy, Chính phủ, các bộ ngành, các nhà đầu tư, chủ yếu là EVN, PVN, TKV và các nhà đầu tư nước ngoài, phải có các giải pháp thật hữu hiệu như chọn công nghệ, thiết bị hiện đại để hạn chế được khí thải phát ra. Các nhà máy nhiệt điện nước ta thường có gam máy 300-400MW/tổ máy đã sử dụng công nghệ lò tầng sôi loại lò này có khả năng khử được CO2, NOx, SOx... ngay trong buồng đốt, không phải lắp các thiết bị khác để khử các loại khí nêu trên.

Từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020, các dự án nhiệt điện than đều có gam máy mỗi tổ máy trên 600MW, do đó chỉ dùng được lò PC (lò phun), loại lò này không khử được khí thải ở trong lò mà phải lắp các thiết bị khử ở bên ngoài (bộ khử FGD), mặc dù bộ khử này là những thiết bị đắt tiền, nhưng nhất thiết khi lập dự án đầu tư đến khi xây dựng hoàn thành công trình phải đưa bộ thiết bị này vào để khử tối đa phát thải khí CO2, SO2, NOx, và thiết bị khử lọc bụi tĩnh điện giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường. Nếu không thực hiện được như vậy thì rất nhiều dự án nhiệt điện than theo quy hoạch điện VII sẽ không đảm bảo được việc bảo vệ môi trường.

Để giảm thiểu phát thải khí gây ô nhiễm môi trường làm tăng nhiệt độ khí hậu, Việt Nam cần phải quan tâm đến việc phát triển năng lượng tái tạo. 

Đối với ngành than, hiện nay chúng ta đang khai thác hàng năm trên 40 triệu tấn than, trước đây việc khai thác chủ yếu là các mỏ than lộ thiên, cùng với các mỏ than hầm lò, nhưng những năm gần đây than lộ thiên đã gần hết, ngành than đã chuyển sang khai thác bằng hầm lò. Hiện nay, các hầm lò đã xuống độ sâu dưới 300-400m, điều kiện khai thác và môi trường khai thác ở đây hết sức khắc nghiệt, mặc dù ngành than đã có rất nhiều giải pháp để hạn chế việc tai nạn xảy ra, cũng như xử lý môi trường xấu ở các hầm lò (các khí độc hại như CO2, SO2,…) làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người công nhân. Mỗi năm, ngành than phải đào từ 320km-350km chiều dài của hầm lò để lấy được than, đây là một ngành lao động hết sức khổ cực và độc hại, chủ yếu là khai thác bằng thủ công, hàm lượng cơ giới hoá trong khai thác hầm lò chỉ mới đạt được 2,8%.

Theo Quyết định của Chính phủ, giao cho ngành than từ năm 2011 - 2015 phải xây dựng được 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ, đảm bảo năm 2015 có 55 triệu tấn than sạch, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi có nhiều vốn, đòi hỏi có thời gian, ví dụ mở 1 mỏ mới thời gian phải 6-7 năm, vốn đầu tư từ 300-400 triệu USD. Trong 7 năm vừa qua, ngành than chỉ xây dựng được 1 mỏ mới, với số vốn trên 7.000 tỷ đồng. Hiện tại ngành than đang đứng trước những thách thức hết sức to lớn, không thể đảm bảo được nhiệm vụ mà Chính phủ giao. Đến năm 2020, nhu cầu than cho điện phải đáp ứng được từ 75-80 triệu tấn/năm, đây là con số cần được quan tâm một cách thoả đáng.

Việc khai thác, vận chuyển, sàng tuyển của ngành than cũng gây ô nhiễm môi trường, do vậy, ngành than cần phải đầu tư công nghệ mới, nâng hàm lượng cơ khí hoá lên cao và có các thiết bị che chắn, bảo vệ các bụi than và các khí phát thải CO2... thải nước bẩn ra môi trường.

Ngành dầu khí trong nhiều năm qua đã có tốc độ phát triển rất mạnh, là ngành chủ chốt trong việc đóng ngân sách và tăng trưởng GDP của đất nước, từ 25-30% năm. Đặc biệt từ năm 2006 đến nay, theo kết luận 41/TW của Bộ Chính trị, ngành Dầu khí đã khai thác được 111,35 triệu tấn dầu thô trong nước, khai thác ở nước ngoài được trên 2 triệu tấn, khai thác khí đạt được 56,06 tỷ m3. Từ năm 2013 - 2017, ngành dầu khí phải đảm bảo khai thác dầu thô từ 30-40 triệu tấn/năm và từ năm 2017 - 2025 đảm bảo khai thác được mức từ 30-40 triệu tấn/năm. Đảm bảo quy hoạch khí và cung cấp đủ khí cho điện, đạm và cho các lĩnh vực kinh tế khác, cần chú trọng tới việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng để cho việc nhập khẩu khí hoá lỏng LNG. Song song với nhiệm vụ thăm dò, khai thác, lọc hoá dầu, cung cấp khí, PVN còn phải đầu tư xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện và thuỷ điện. Theo Tổng sơ đồ điện VII, tới năm 2020, ngành dầu khí phải đảm bảo được từ 14-15% tổng sản lượng điện quốc gia.

Trong quá trình khai thác, vận chuyển, lọc hoá dầu ngành dầu khí không tránh khỏi việc phát thải khí CO2 ra môi trường, để đảm bảo việc phát triển ngành dầu khí từ nay về sau cần chú ý đầu tư công nghệ hiện đại, có các biện pháp, thiết bị để hạn chế phát thải khí ra môi trường. Hiện nay, việc cung cấp khí đồng hành vào bờ cho vận hành các nhà máy điện, đạm và các lĩnh vực khác để cân bằng áp lực đường ống đang phải xả ra những ngọn đuốc lớn cũng gây ảnh hưởng tới môi trường. Ngành dầu khí cần phải khắc phục tình trạng này, vừa để tiết kiệm tận thu lượng khí, vừa bảo vệ môi trường.

Ngành dầu khí vừa qua rất quan tâm tới nhiên liệu sinh học như xăng ethanol và đã đầu tư xây dựng 1 số nhà máy sản xuất Ethanol, cùng một số nhà máy do các nhà đầu tư khác đã sản xuất ra được etanol. Đây là một loại nhiên liệu sinh học ít gây ra ô nhiễm môi trường, nhưng hiện tại sản xuất ra Ethanol gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Nhà nước chưa có quy định sử dụng xăng E5 (pha trộn từ 15-20% cồn etanol) chỉ có lác đác một số nơi đã bán loại xăng này, nên chưa được phổ biến rộng rã

Để bảo vệ môi trường, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng các loại xe ô tô dùng xăng trước đây nay chuyển sang dùng điện như: các loại xe taxi, xe khách, xe bus… đặc biệt, trong các thành phố nên sử dụng ô tô chạy điện để thay cho cho ô tô chạy xăng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Vấn đề tiết kiệm năng lượng là một vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt ngành năng lượng dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ khoa học Công nghệ môi trường.

Trong nhiều năm qua, các tập đoàn: EVN, PVN, TKV, đã tiết kiệm và sử dụng năng lượng có hiệu quả, góp phần làm lợi cho đất nước rất nhiều. Năm 2013, EVN đã tiết kiệm được trên 2,4% trong tổng điện năng phát ra, giảm tổn thất điện năng từ 9% xuống 8% đã làm lợi cho Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng. Nhưng thực tế hiện nay, việc tiết kiệm năng lượng của nước ta còn hết sức lãng phí, trong đó, do ý thức con người, công nghệ lạc hậu của các nhà máy sản xuất công nghiệp, do sử dụng các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, tiêu hao điện năng rất lớn, trong sinh hoạt đa số người dân đang sử dụng các thiết bị không tiết kiệm điện làm cho cường độ tiêu thụ điện hàng năm rất cao, từ đó hệ số đàn hồi của nước ta (tăng trưởng điện năng/tăng trưởng GDP) đang ở mức 2-2,5, trong khi đó, nhiều nước trên thế giới hệ số này đều dưới 1, từ lý do đó làm cho áp lực đầu tư vào ngành điện ở nước ta rất mạnh, nhưng hiệu quả sử dụng năng lượng nói chung và điện nói riêng chưa cao.

Để giảm thiểu phát thải khí gây ô nhiễm môi trường làm tăng nhiệt độ khí hậu cần phải quan tâm đến việc phát triển năng lượng tái tạo. Ở nước ta có bờ biển dài trên 3.200km, quanh năm đều có gió, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam, việc phát triển điện gió hết sức có hiệu quả. Những năm qua, một số nhà đầu tư trong nước đã xây dựng thành công một số công trình điện gió, trong đó ở Bạc Liêu, xây dựng trên biển với tổng công suất 90MW đã hoàn thành và nối lưới quốc gia được trên 10MW; Tuy Phong - Bình Thuận xây dựng điện gió 50MW, đã nối lưới được hơn 10MW; đảo Phú Quý do PVN đầu tư đã xây dựng được công trình điện gió trên 6MW, để phục vụ cho nhân dân trên đảo. Nhưng do Nhà nước chưa quan tâm nhiều đến dạng năng lượng này, chủ yếu là về giá điện còn quá thấp, trong lúc đó, suất đầu tư của điện gió lại cao, nếu có giá điện từ 9 cens/kWh trở lên thì tiềm năng phát triển điện gió có thể lên tới hàng nghìn MW.

Ngoài ra, năng lượng mặt trời là một dạng năng lượng tiềm năng rất tốt có thể khai thác để cung cấp điện cho các nhà hàng, siêu thị, khách sạn, vùng sâu, vùng xa, thị trấn… Đã đến lúc năng lượng hoá thạch cạn dần, do đó Đảng và Nhà nước cần phải có chiến lược phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng mới.

Trên trục không gian và thời gian trong tương lai tới, với tốc độc phát triển ngày càng cao của ngành năng lượng, để giảm thiểu được phát thải khí CO2, SO2... bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu nhiều nước trên thế giới hết sức quan tâm.

Đảng, Chính phủ cần xây dựng quy hoạch tổng thể về chiến lược phát triển ngành năng lượng, trong đó có 3 phân ngành gồm: than, dầu khí, điện, tạo sự đột phá mới trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành hệ thống, đảm bảo an ninh năng lượng gắn với việc bảo vệ môi trường một cách bền vững. 

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ông Vũ Đức Đam và đường đến "Sao Mai chính trường"
Quốc tế bình luận về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin
Trật tự quân sự châu Á-TBD và chính sách thực dụng của Mỹ
Những tướng bại trận dưới tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sự khác biệt giữa Cam Ranh và Subic tạo vị thế Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động