Từ những điểm nhấn trong Luật Đầu tư công...
Luật Đầu tư công quy định nhiều nội dung đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn vốn đầu tư công, trong đó có hai điểm nhấn hết sức quan trọng.
Thứ nhất, Luật Đầu tư công đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước, ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, nó góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Thứ hai, Luật Đầu tư công góp phần đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư; chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Điều này sẽ bảo đảm các chương trình, dự án khi được phê duyệt sẽ được bố trí đủ vốn để hoàn thành theo đúng quyết định phê duyệt, khắc phục tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc ra từng năm như trước đây.
Với việc xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn sẽ vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương biết cấp mình, cơ quan mình có bao nhiêu vốn trong kế hoạch 5 năm để có quyết định chủ trương đầu tư đúng đắn, hiệu quả hơn. Đặc biệt là tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.
Đây là những nội dung rất mới, lần đầu tiên được thực hiện, cho nên trên thực tế các bộ, ngành, địa phương đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Tuy nhiên, các quy định mới của Luật Đầu tư công đã từng bước đi vào cuộc sống, đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong quản lý đầu tư công, nhất là thay đổi về tư duy, nhận thức và cách làm. Việc lựa chọn dự án đầu tư công đã được thực hiện cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn, việc cân đối vốn được bảo đảm tốt hơn, tránh tùy tiện đầu tư bằng bất cứ giá nào, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công rất hạn hẹp.
... Đến những điểm nhấn có tính tương hỗ của Luật Quy hoạch
Trên phương diện thể chế, chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án và kế hoạch đầu tư công phụ thuộc rất lớn vào chất lượng và hiệu quả của quy hoạch. Điều 18 Luật Đầu tư công quy định rõ, một trong những điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là nó phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều 50 Luật Đầu tư công cũng quy định rõ, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn phải căn cứ vào quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch có liên quan đã được phê duyệt. Những quy định trên cho thấy quy hoạch đóng vai trò đặc biệt trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả của đầu tư công. Nếu quy hoạch tốt, sẽ là tiền đề và điều kiện quan trọng để có chương trình, dự án tốt, có kế hoạch đầu tư công tốt.
Trên thực tế, ở nước ta trong nhiều năm vừa qua, tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, thất thoát, đình trệ, nợ đọng, lãng phí, hiệu quả thấp... một phần cũng bắt nguồn từ những hạn chế và bất cập trong công tác quy hoạch. Tình trạng quy hoạch quá nhiều nhưng chất lượng thấp, không gắn với nguồn lực thực hiện; quy hoạch còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu gắn kết dẫn tới hiệu quả thực hiện rất thấp... Tất cả những yếu kém trên đều tác động không tốt đến đầu tư công.
Thí dụ điển hình về tình trạng trên là trong lĩnh vực đầu tư các dự án thủy điện trong những năm vừa qua. Việt Nam được coi là có nhiều tiềm năng để phát triển thủy điện. Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan các dự án thủy điện ở khắp mọi miền đất nước đã làm nảy sinh không ít bất cập, khi có nhiều dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân. Đặc biệt, đã có những sự cố nguy hại xảy ra đối với các công trình thủy điện.
Điển hình là vào hồi 16h25 ngày 13/9/2016, các công nhân đang múc bùn đọng ở hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) thì nước lũ tràn về hồ chứa với lưu lượng 560 m3/s cuốn phăng cửa van nặng 120 tấn chặn dòng thủy điện, cuốn hai công nhân mất tích, gây ngập nhà cửa khu vực hạ lưu, cuối trôi tài sản, hoa màu, khiến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh tay trắng.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do việc quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu căn cứ khoa học, quản lý bị buông lỏng trong công tác quy hoạch các công trình thủy điện.
Nhận thấy rõ tình trạng này, ngày 27/11/2013 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết này, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang (655 MW) và 463 dự án thủy điện nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch và dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61MW).
Mới đây, ngày 07/4/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-BCT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước và chấp hành quy định của pháp luật về thủy điện. Theo đó, Bộ yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không đảm bảo an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Luật Quy hoạch nếu được thông qua và tổ chức thực hiện được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế và bất cập nêu trên. Những điểm nhấn quan trọng của Luật Quy hoạch được xác định bao gồm: Loại bỏ các quy hoạch sản phẩm; tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật trong công tác quy hoạch; tạo ra sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, tăng cường liên kết vùng; đổi mới phương pháp và nội dung quy hoạch từ cách thức truyền thống sang hiện đại theo phương pháp quy hoạch chiến lược và nội dung quy hoạch tổng hợp, đa ngành.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, Luật Quy hoạch ra đời là bước đột phá về thể chế, tạo ra sự đồng bộ về hệ thống pháp luật bằng việc điều chỉnh tất cả các loại quy hoạch. Từ đó, tạo lập, sắp xếp lại hệ thống quy hoạch một cách trật tự, gọn gàng, thống nhất và hữu hiệu để quy hoạch thực sự là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiến tạo sự phát triển, tạo đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế cũng như việc sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn tài nguyên nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Xét trong mối quan hệ với Luật Đầu tư công, việc thông qua và tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch sẽ có tác động “tương hỗ”, “bổ trợ” đắc lực cho Luật Đầu tư công trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư công của nước ta, giúp cho các chương trình, dự án đầu tư công được thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
NGÔ VĂN GIANG, TRUNG TÂM BDCB KINH TẾ - KẾ HOẠCH (BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ)