RSS Feed for Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 06:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vướng mắc chuyển đổi đất rừng - Nguy cơ chậm tiến độ nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam

 - Các dự án đường dây 500 kV Monsoon (Lào) - Thạnh Mỹ (đấu nối tại khu vực huyện Nam Giang, Quảng Nam) và dự án trạm cắt 220kV Đăk Ooc, cùng đường dây 220 kV đấu nối, cũng thuộc khu vực huyện Nam Giang, có mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam. Trong đó, dự án cấp điện áp 220 kV, mặc dù cột cuối đấu nối ngay bên kia biên giới đã được nước bạn Lào xây dựng xong, chờ sẵn, nhưng chủ đầu tư, nhà thầu phía Việt Nam hiện vẫn đang lúng túng chưa thể hoàn thành các thủ tục về chuyển đổi đất rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công.
Vào mùa lũ, Việt Nam có thể xuất khẩu điện tới nước bạn Lào Vào mùa lũ, Việt Nam có thể xuất khẩu điện tới nước bạn Lào

Kết nối lưới điện giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào nhằm tận dụng lợi thế của mỗi bên, cùng bổ sung nguồn điện cho nhau trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Ví dụ vào thời điểm cao điểm mùa gió để phát điện ở Lào thì ở Việt Nam không phát được, nên chúng ta có thể nhập khẩu điện qua đường dây này. Ngược lại khi vào mùa lũ, ở Việt Nam có thể phát và có nguồn điện lớn, lúc đó có thể xuất khẩu sang phía Lào. Xoay quanh chủ đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Chính sách phát triển năng lượng gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu điện của Lào Chính sách phát triển năng lượng gió, mặt trời quy mô lớn và xuất khẩu điện của Lào

Chính sách đa dạng hóa nguồn năng lượng của Chính phủ Lào bằng cách chú trọng hơn vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, mặt trời, sinh khối và thực hiện chính sách kết nối lưới điện ASEAN để xuất khẩu điện cho các quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore đã và đang trở thành hiện thực.

Sự cần thiết đầu tư dự án đấu nối thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam:

Dự án trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối tuy là dự án có quy mô không lớn (tổng mức đầu tư chỉ chưa đến 400 tỷ đồng), nhưng có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện mục tiêu nhập khẩu điện các nhà máy thủy điện của Lào về Việt Nam theo cam kết giữa Đảng và Chính phủ hai nước, nhằm tăng khả năng vận hành an toàn và ổn định cho hệ thống điện Việt Nam.

Chủ trương các dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 1214/TTg-CN ngày 30/9/2019 về việc nhập khẩu điện từ cụm Nhà máy Thủy điện NamKong 1, 2, 3, Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) và các công trình lưới điện 220 kV phục vụ đấu nối. Theo quyết định 1666/QĐ-EVN ngày 23/11/2020 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thì quy mô dự án trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối, bao gồm:

- Xây dựng Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc, quy mô 10 ngăn lộ 220 kV, trong giai này lắp đặt 6 ngăn thiết bị.

- Xây dựng đoạn đường dây 220 kV 2 mạch (treo dây 1 mạch) từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) đến Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), chiều dài khoảng 13,4 km. Đoạn tuyến này sẽ đấu nối với cột 220 kV phía biên giới Lào kết nối về Thủy điện Nam Emoun (Lào).

- Xây dựng đoạn đường dây 4 mạch 220 kV, chiều dài khoảng 1,9 km từ Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc đến điểm đấu chuyển tiếp vào đường dây mạch kép 220 kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ hiện hữu. Đoạn tuyến này sẽ giải tỏa công suất nhập khẩu điện từ Lào về phía nút TBA 500 kV Thạnh Mỹ.

- Xây dựng đường dây 22 kV cấp điện thi công và cấp nguồn tự dùng từ lưới điện địa phương cho trạm cắt 220 kV Đăk Ooc, chiều dài khoảng 1,077 km.

Từ đầu năm 2023, trong khi giá than, điện khí biến động mạnh, cần thiết phải bổ sung các nguồn điện phi nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo cung cầu điện trong nước, việc nhập khẩu điện từ Lào sẽ là giải pháp tối ưu do giá thành thấp, nguồn điện ổn định, kịp thời cung ứng điện cho Việt Nam trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, đây cũng là nguồn năng lượng sạch đáp ứng được tiêu chí giảm phát thải khí nhà kính và góp phần vào mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Chính vì vậy, việc đầu tư dự án trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối để nhập khẩu nguồn thủy điện từ Lào là hết sức cần thiết và cấp bách.

Sự cần thiết mở đường tạm phục vụ thi công:

Ngày 31/3/2022, Ban QLDA Điện 2 (đơn vị được EVN giao điều hành, quản lý dự án) đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu LILAMA - TOJI - IE - VPCD về việc thực hiện Gói thầu số 4 (HH-EPC): Thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC) của dự án Trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây 220 kV đấu nối từ Nhà máy Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam). Dự án nằm trên địa phận xã La Dê Ê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Đối với tuyến đường dây 220 kV (2 mạch) đấu nối về phía biên giới Lào, hầu hết nằm trong phạm vi rừng tự nhiên, có địa hình phức tạp, độ dốc lớn và một phần nhỏ trong phạm vi rừng sản xuất. Đối với tuyến 220 kV (4 mạch) đấu nối chuyển tiếp vào đường dây mạch kép 220 kV Xekaman 3 - Thạnh Mỹ hiện hữu và tuyến đường dây 22 kV cấp điện tự dùng chủ yếu là đất thuộc rừng sản xuất.

Hiện tại, các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây và đường tạm thi công chưa hoàn thành, dự án mới chỉ được bàn giao cho tổng thầu xây dựng một số vị trí không bị ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, còn lại toàn bộ 23 vị trí ảnh hưởng bởi rừng tự nhiên đều chưa được bàn giao thi công. Những vướng mắc về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho thực hiện hạng mục móng cột và hạng mục đường tạm thi công có nguy cơ gây chậm tiến độ nghiêm trọng cho dự án.

Trong quá trình chuẩn bị thi công, Liên danh nhà thầu xây dựng cho biết: Với việc khảo sát 22 vị trí móng trong rừng tự nhiên đoạn tuyến 2 mạch, có 7 vị trí có đường mòn nhỏ có thể tiếp cận vào vị trí móng và 15 vị trí hiện tại không có đường đi lại (bao gồm VT1, VT2, VT3, VT4, VT5, VT6, VT7, VT09, VT10, VT11, VT12, VT15, VT16, VT23 và VT26). Đường vào các vị trí này xa đường quốc lộ, đường vào có độ dốc lớn, cây cối rậm rạp (chỉ có thể đi bộ xuyên rừng), việc vận chuyển vật liệu, thiết bị bằng thủ công là không khả thi. Do yêu cầu đường dây phải đủ độ cao vượt rừng để không chặt hạ cây rừng, nên cột được thiết kế rất cao, vì vậy các móng cột có khối lượng thi công đất, đá, bê tông móng rất lớn: Từ đào móng, san gạt, tập kết vật tư đổ bê tông, vật tư xây kè, kết cấu thép cột, dây dẫn, máy móc để kéo dây và khoan giếng tiếp địa....

Nguy cơ chậm tiến độ đường dây đấu nối Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào HTĐ Việt Nam và các kiến nghị
Mặt bằng đoạn tuyến đầu biên giới đoạn 2 mạch Cửa khẩu Nam Giang đến trạm cắt 220 kV Đắk Óoc - Việt Nam).

Với phương án tổ chức thi công được lập, tính riêng hạng mục san gạt và đào móng tại 15 vị trí không có đường đi lại, có khối lượng thi công với tổng khối lượng là 17.198,0 m3. Các vị trí này phần lớn có khối lượng san gạt trên 1.000 m3. Với phương án vận chuyển và thi công thủ công, tính theo định mức nhân công thì 1 ngày đào được 1,2 m3 đất (tính với khối lượng hố nhỏ), còn với các hố móng lớn, sau khi đào phải thêm khâu vận chuyển đất ra khỏi vị trí hố móng. Như vậy, khối lượng công việc sẽ gấp đôi bình thường.

Cùng với đó, thời gian đào móng kéo dài cũng rất nguy hiểm khi gặp thời tiết mưa, móng đang đào sẽ bị đọng nước sẽ có nguy cơ sạt, trượt đất đá vào hồ móng gây khó khăn và nguy hiểm cho nhân công sau khi thi công trở lại. Theo tính toán, để đào và san gạt phải mất trên 800 công (với điều kiện thời tiết thuận lợi và không gặp đá). Nếu bố trí 20 người đào 1 vị trí sẽ phải mất từ 60 - 80 ngày, chưa kể nhân công vận chuyển vật tư, vật liệu vào công trình với khối lượng bê tông lớn hơn 100 m3.

Tiếp theo quá trình đúc móng là thi công dựng cột. Để đảm bảo độ võng dây dẫn không ảnh hưởng đến cây rừng, các cột được thiết kế rất cao (xấp xỉ 100 m), các cột này đều có khối lượng ít nhất 40 tấn trở lên. Đặc biệt, có những cột nặng đến 104 tấn, các thanh cái thép L200x25 của cột dài 9 m và nặng hơn 2 tấn, nên vận chuyển bằng thủ công đi xuyên rừng sẽ vướng cây cối, dẫn đến mất rất nhiều thời gian.

Và khó khăn nhất là vận chuyển các lô dây dẫn, hoặc các đoạn dây (đã chia theo khoảng néo) vào các vị trí để tiến hành kéo rải cáp. Khối lượng cáp thường rất lớn, nên nếu không có đường cho thiết bị cơ giới có thể vào vị trí để tiến hành thi công, mà phải vận chuyển bằng phương án thủ công trên địa hình phức tạp trong rừng là khó khả thi.

Theo Liên danh nhà thầu xây dựng: Nếu không có đường để vận chuyển vật tư, thiết bị, thì chỉ có giải pháp dùng phương tiện máy bay hỗ trợ. Nhưng việc này khó khả thi, bởi để thực hiện các chuyến bay gần biên giới cần phải có rất nhiều giấy tờ, thủ tục của nhiều cấp và bảo vệ an ninh nghiêm ngặt. Đồng thời, với giải pháp này sẽ làm tăng chi phí thêm vài chục lần so với chi phí được duyệt.

Cũng phải nêu rằng, trước đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng đã có văn bản số 376/SNN&PTNT-CCKL, ngày 4/3/2020 gửi Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam về việc: “Thỏa thuận vị trí xây dựng trạm cắt 220 kV Đăk Ooc và đường dây đấu nối từ thủy điện Nam Emoun (Lào) vào hệ thống điện Việt Nam”. Trong nội dung văn bản, đã kiến nghị Sở Công Thương yêu cầu chủ đầu tư xem xét bổ sung đầy đủ các hạng mục công trình cần thiết (đường công vụ, kho bãi...) vào hồ sơ xin thỏa thuận dự án để đảm bảo phục vụ thi công.

Như vậy, để đáp ứng tiến độ thi công và hoàn thành đóng điện công trình thì việc làm đường tạm thi công cho 15 vị trí móng (hiện tại không có đường vào) của tuyến đường dây 2 mạch của dự án là thực sự cần thiết.

Nguy cơ chậm tiến độ đường dây đấu nối Thủy điện Nam Emoun (Lào) vào HTĐ Việt Nam và các kiến nghị
Hình ảnh cột cuối của đoạn tuyến 2 mạch phía bên Cửa khẩu Lào đã hoàn thành để sẵn sàng đấu nối về Việt Nam.

Đề xuất, kiến nghị:

Như đã nêu trên, mặc dù cột cuối của đường dây phía Lào đã hoàn thành xây dựng chờ kết nối, nhưng dự án (thuộc phạm vi bên Việt Nam) đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ nghiêm trọng do không đảm bảo tiến độ bàn giao vị trí móng cột cho nhà thầu xây dựng, chưa kịp hoàn thành các quy trình thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên cho thực hiện dự án.

Qua tìm hiểu các dự án liên quan đến đất rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên sang mục đích khác, việc thực hiện cần tuân thủ theo đúng Luật Lâm nghiệp 2017 và các nghị định liên quan, thì việc chuyển đổi này phải thực hiện nhiều thủ tục, quy trình, mất rất nhiều thời gian. Đường tạm phục vụ thi công chỉ là hạng mục phụ trợ cho công trình chính, nhưng lại là điều kiện tiên quyết để có thể thi công đáp ứng tiến độ cấp bách của dự án. Phải chăng, đây là điều bất cập đến vô lý cần được khẩn trương tháo gỡ!?

Vì vậy, một trong các biện pháp cấp thiết để tháo gỡ vuớng mắc là UBND tỉnh và Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam cần sớm xem xét thống nhất về chủ trương làm đường tạm phục vụ thi công, đưa ra khỏi Quy hoạch 3 loại rừng - phần diện tích sử dụng làm đường tạm thi công theo quy định thủ tục của Nghị định thi hành Luật Lâm nghiệp. Trên cơ sở này, tiến hành các thủ tục cần thiết khác để chuyển mục đích sử dụng rừng cho hạng mục đường tạm thi công, cũng như cho thực hiện hạng mục móng cột đường dây.

Ngoài ra, EVN nên xem xét thống nhất quan điểm, đường tạm (cho quá trình thi công), sau này sẽ được đơn vị vận hành sử dụng làm đường công vụ quản lý vận hành đường dây. Đồng thời, đây cũng chính là đường công vụ cho các đơn vị quản lý rừng và các lực lượng kiểm lâm sử dụng cho công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ rừng sau này.

Được biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ có văn bản 1104/TTg-NN ngày 21/11/2022, đồng ý chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ (một dự án đường dây đấu nối tại khu vực huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng có mục tiêu nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam). Trong đó, Thủ tướng đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên để thực hiện các hạng mục móng cột đường dây. Tuy nhiên, trong văn bản đó lại có đoạn nêu rằng: “Việc cho phép sử dụng đất rừng tự nhiên để làm đường tạm và bãi tập kết vật liệu của dự án không thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ”. Nội dung này đang gây trở ngại, lúng túng mất phương hướng cho các doanh nghiệp và chủ đầu tư trong thực hiện các thủ tục liên quan.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cần phải làm những thủ tục gì và cấp nào sẽ quyết định cho phép? Theo chúng tôi, việc này, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho bộ chức năng đề xuất hướng giải quyết, hoặc đề xuất việc quy định cấp thẩm quyền quyết định.

Đã đến lúc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần khẩn trương xem xét trình Chính phủ hướng dẫn việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác. Cụ thể là cho phép làm đường tạm phục vụ thi công đối với các công trình quan trọng để doanh nghiệp thực hiện rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu của tiến độ dự án đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước. Nếu không, các dự án lưới điện truyền tải tiếp tục ách tắc, gây cản trở cho các chủ trương nhập khẩu điện, hợp tác năng lượng giữa hai nước Việt - Lào./.

BAN BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động