Vì sao PV Drilling hoạt động kém hiệu quả?
07:12 | 27/11/2018
Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia
Hơn 16 năm qua, tiền thân là công ty PTSC Offshore (1) trên nền tảng khởi đầu từ một xưởng cơ khí khoảng 20 người ở Vũng Tàu, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) đã vươn lên thành nhà thầu khoan hùng mạnh như hiện nay, với hơn 1.000 nhân sự cố định. Tổng tài sản là 912.971.679 USD (tương đương 20,5 ngàn tỷ đồng - trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 65%); vốn điều lệ ghi có 196.947.181 USD (tương đương 4.500 tỷ đồng).
Ngoài dịch vụ cốt lõi là khoan và dịch vụ khoan dầu khí, PVD còn có các liên doanh, liên kết với các đối tác trong và ngoài nước về công nghệ địa vật lý giếng khoan, ren ống, kỹ thuật chuyên biệt liên quan trong ngành công nghiệp dầu khí. Để hỗ trợ cho dịch vụ cốt lõi, PVD còn có thêm dịch vụ đào tạo chuyên ngành và cung ứng nhân sự ngoài khơi.
CƠ CẤU HOẠT ĐỘNG
PVD có cơ cấu hoạt động khá lớn, xếp làm 3 nhóm, gồm:
Các xí nghiệp:
1/ Xí nghiệp Điều hành khoan.
2/ Xí nghiệp Dịch vụ đầu tư Khoan dầu khí.
Các công ty 100% vốn:
1/ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển PVD.
2/ Công ty TNHH MTV Dịch vụ Giếng khoan Dầu khí PVD.
3/ Công ty TNHH MTV Địa vật lý Giếng khoan Dầu khí PVD.
4/ Công ty TNHH MTV Khoan Dầu khí Nước sâu PVD.
Các công ty liên doanh, liên kết:
1/ Công ty CP Thương Mại và Dịch vụ Kỹ thuật Khoan Dầu khí.
2/ Công ty Cổ phần Đào tạo kỹ thuật PVD.
3/ Công ty Liên doanh Dịch Vụ BJ - PVD.
4/Công ty TNHH PV Drilling Expro International.
5/ Công ty TNHH Cần ống khoan Dầu khí Việt Nam.
6/ Công ty TNHH Liên doanh Kỹ thuật giếng khoan PV Drilling & Baker Hughes.
7/ Công ty TNHH Vietubes.
8/ Công ty TNHH Liên doanh PVD Tech - Oil States Industries.
Trong cơ cấu này, Xí nghiệp Khoan là trụ cột, điều hành trực tiếp 5 giàn khoan của PVD gồm: PVD I, PVD II, PVD III, PVD VI (các giàn tự nâng) và giàn khoan đất liền PVD 11. Xí nghiệp Dịch vụ đầu tư Khoan dầu khí, làm dịch vụ thương mại hỗ trợ, dịch vụ khoan, làm mát, cho thuê thiết bị…
Giàn khoan nước sâu PVD V còn lại, do công ty TNHH MTV Khoan Dầu khí Nước sâu PVD, điều hành. Sở dĩ có việc tách rời hoạt động này là nhằm đáp ứng yêu cầu về chứng nhận dự án công nghệ cao, theo thông tư 13/2016/TT-BKHCN đối với doanh nghiệp thành lập mới. Theo đó, TNHH MTV Khoan Dầu khí Nước sâu PVD được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 10 năm kể từ khi hình thành dự án.
TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH, KINH DOANH
Dễ thấy là cơ cấu lớn, quá chuyên sâu vào lĩnh vực khoan, nên khi thị trường xuống thấp, khó kiểm soát rủi ro và cân đối dịch đa dạng hoặc ngoài ngành. Cần biết, trong suốt những năm qua, các hợp đồng dịch vụ giếng khoan của PVD luôn thông qua, hoặc có sự tham gia của các công ty liên doanh, liên kết. Một phần chủ quan do PVD chưa chủ động được các dịch vụ này 100%.
Chưa kể, còn là việc phải chịu thêm gánh nặng từ lãi suất vay ngân hàng và khấu hao lớn do thời gian khấu hao quá ngắn. Những tác động này, dẫn tới giá bán không tạo được cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy, những năm qua, khi giá dầu xuống thấp, nhu cầu khoan giảm, PVD rơi vào khó khăn. Nhìn trong tương lai gần, chưa thấy PVD có giải pháp nào nhằm tháo gỡ và thoát ra hiện trạng trì trệ này.
Về khấu hao tài sản, khi lập báo cáo đầu tư, việc khấu hao luôn được tính như báo cáo đã được PVN phê duyệt. Tuy nhiên, khi rơi vào khó khăn, PVD đã xin Bộ Tài chính có quyết định riêng về cách tính khấu hao và việc làm này góp phần giảm bớt lỗ trong báo cáo tài chính các năm 2016, 2017 đến hết quý 3/2018.
Bản chất của việc làm này là đã dãn khấu hao so với cách tính khấu hao trong báo cáo đầu tư khi hình thành dự án. Nhưng nếu nhìn kỹ thuyết minh trên các báo cáo tài chính hợp nhất, có thể kêt luận rằng: Trong những năm đó PVD đã thua lỗ liên tục.
Mặt khác, cần thấy là các hợp đồng khoan trong và ngoài nước thời gian này, có đem lại dòng tiền khá tốt nhưng bản chất vẫn là lỗ. Doanh nghiệp lúc này, hơn bao giờ hết cần có sự kiểm soát chặt chẽ chi phí, giảm giá thành, giữ vững chất lượng dịch vụ nhằm giữ được uy tín và thị phần.
Xin bỏ ra ngoài các yếu tố như cần duy trì đội ngũ nhân sự, tiết giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa (chưa có luật, hay nghị định, thông tư về quản lý tài chính doanh nghiệp nào quy định), thì việc làm này trong bối cảnh lỗ kéo dài, cần phải được xem xét thấu đáo nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong năm 2017 về SXKD, thực chất PVD lỗ gần 477 tỷ đồng, nhưng nhờ lợi nhuận khác cứu (632 tỷ đồng, gồm 21 triệu USD và các khoản trích lập ở các công ty con), sau khi khấu trừ các chi phí, cả năm vẫn còn lãi ròng 26 tỷ đồng.
Năm nay, về tổng quan, các dự án lớn chậm trễ; việc phát triển nhiều mỏ mới chậm tiến độ và không khả thi vì hầu hết là các mỏ nhỏ, cận biên, trữ lượng ít mà hầu như cả dầu và khí, chi phí đầu tư cao trong bối cảnh giá dầu chưa đạt như kỳ vọng. Việc thăm dò phát hiện các mỏ mới có trữ lượng lớn, hầu như xa bờ, chi phí khoan thăm dò cao, hơn nữa chưa kể các rủi ro khác về địa chính trị, hoặc biến động từ giá dầu. Chính điều này làm các nhà điều hành dầu khí chưa mặn mà với các chiến dịch khoan thăm dò xa bờ. Do đó, khi nhu cầu khoan còn thấp, khi mà các hợp đồng khoan trong và ngoài nước chưa đủ lấp đầy, PVD chìm trong khó khăn.
Dù ban lãnh đạo PVD đã quyết liệt kiểm soát chi phí OPEX, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018, doanh thu thuần tính riêng quý 3/2018 tăng 5,3% lên 1.333 tỷ đồng. Tuy vậy, việc giá vốn hàng bán tăng 7,3% nên lợi nhuận gộp PVD đạt 75.5 tỷ đồng, giảm 19,3% so với kỳ trước.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, PVD ghi nhận doanh thu thuần 4.078 tỷ đồng (PVD đã thu hồi được 200 tỷ đồng nợ dài hạn, khó đòi từ PVEP), tăng 50% so với cùng kỳ. Theo đó, Tổng công ty đã thực hiện gấp 1,3 lần kế hoạch doanh thu đề ra năm 2018, nhưng vẫn ghi nhận lỗ 25,87 tỷ đồng. Quý 4, tình hình vẫn không có bứt phá và dễ thấy cả năm nay, nếu có dùng quỹ khoa học công nghệ còn khoảng 8 triệu USD mang sang từ 2017 cho vào các khoản thu nhập, PVD vẫn sẽ ghi nhận lỗ (2).
(Còn nữa...)
NGUYỄN LÊ MINH
Chú thích:
(1) Xí nghiệp Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí biển.
(2) Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018.