RSS Feed for Vai trò Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) trong chuyển dịch năng lượng | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 21/11/2024 16:27
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vai trò Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) trong chuyển dịch năng lượng

 - Trong tổng hợp dưới đây sẽ đề cập đến vai trò của Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) trong bối cảnh đầu tư năng lượng tăng cao và sự tham gia đầu tư tư nhân trong các dự án có tác động đến sự phát triển, cũng như tăng cường quy mô nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng trên quy mô toàn cầu.
Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII - Nhu cầu, kế hoạch, rủi ro và giải pháp chính sách Vốn đầu tư cho Quy hoạch điện VIII - Nhu cầu, kế hoạch, rủi ro và giải pháp chính sách

Tổng vốn đầu tư cho nguồn, lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 trong Quy hoạch điện VIII khoảng 134,7 tỷ USD (nguồn điện 119,8 tỷ USD, truyền tải điện 14,9 tỷ USD). Đây là một thách thức rất lớn. Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết phân tích chuyên sâu và đề xuất giải pháp chính sách dưới đây. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Nguồn vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam - Hiện trạng, rủi ro, cơ hội và giải pháp chính sách Nguồn vốn FDI cho các dự án điện ở Việt Nam - Hiện trạng, rủi ro, cơ hội và giải pháp chính sách

Trong bài báo phản biện khoa học dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ đề cập đến thực trạng, cơ hội, rủi ro, thách thức trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khuyến nghị, gợi ý giải pháp chính sách khơi thông dòng vốn này cho các dự án trong Quy hoạch điện VIII. Trân trọng gửi tới các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Tại các hội nghị về biến đổi khí hậu, nhiều tổ chức tài chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ về số tiền cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng. Do việc huy động tài chính từ đầu tư công là chưa đủ để giải quyết các thách thức khí hậu, nên cần phải tái định hướng dòng vốn từ cả đầu tư công và đầu tư tư nhân để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Các tổ chức tài chính phát triển (DFI), với kinh nghiệm và mạng lưới rộng lớn, có thể đóng vai trò xúc tác quan trọng trong việc thu hút vốn tư nhân vào các dự án năng lượng xanh, thông qua việc cung cấp bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển các công cụ tài chính sáng tạo. Huy động tài chính phát triển không chỉ là chìa khóa để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng, mà còn là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra việc làm mới và cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) trong bối cảnh đầu tư năng lượng toàn cầu:

Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) là những tổ chức tài chính chuyên biệt, được thành lập nhằm hỗ trợ nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội, thông qua việc tài trợ cho các dự án không thể nhận được tài trợ thương mại. Bên cạnh việc tài trợ cho các dự án cụ thể, DFI còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đầu tư bằng cách cung cấp hỗ trợ chính sách, hoặc hỗ trợ kỹ thuật theo ngành, tạo nền tảng cho những thay đổi dài hạn và mang tính chuyển đổi tại các thị trường mới nổi.

Mặc dù DFI chỉ chiếm khoảng 1% tỷ lệ vốn đầu tư vào ngành năng lượng, nhưng tầm quan trọng của DFI vượt xa tỷ lệ khiêm tốn này.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng quy mô đầu tư vào năng lượng sạch, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE). Báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới (WEI) gần đây đã chỉ ra sự mất cân bằng trong dòng vốn, khi 85% các dự án năng lượng sạch hiện nay tập trung ở các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc. Các tổ chức tài chính phát triển có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều dự án năng lượng sạch hơn ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, từ đó thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư tư nhân.

Thu xếp tài chính phù hợp với các dự án có tác động đến sự phát triển:

Trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022, các tổ chức tài chính phát triển đã giải ngân trung bình khoảng 24 tỷ USD mỗi năm để cấp vốn cho các dự án năng lượng. Các khu vực thụ hưởng lớn nhất là châu Phi, châu Á và châu Mỹ La tinh. Trong đó, khoảng 80% nguồn vốn được dành cho các dự án năng lượng sạch, phần còn lại hầu như được đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu ở khâu trung nguồn của các dự án lọc dầu.

Vai trò của các tổ chức tài chính phát triển trong chuyển dịch năng lượng
Hình 1: Phân tích nguồn vốn của tổ chức tài chính phát triển theo công cụ tài chính, tiền tệ, công nghệ và khu vực địa lý phân bổ (giai đoạn 2019-2022). [1]

Chú thích:

Debt: Công cụ nợ; Eq. (Equity): Vốn chủ sở hữu; Grant: Khoản tài trợ; Official development assistance: Hỗ trợ phát triển chính thức; Other official flows: Các dòng vốn chính thức khác.

Clean Energy: Năng lượng sạch; Fossil Fuels: Nhiên liệu hóa thạch.

Africa: Châu Phi; Other developing Asia: Các quốc gia châu Á đang phát triển khác; India: Ấn Độ; Southeast Asia: Đông Nam Á; Latin America: Mỹ La-tinh; ME& Eurasia: Khu vực Trung Đông và lục địa Á Âu.

USD: Đô la Mỹ; Japanese Yen: Đồng yên Nhật; Euros: đồng Euro; Other: Các loại tiền tệ khác.

Mặc dù cấu trúc vốn tổng thể trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu có sự cân bằng giữa công cụ nợ và vốn chủ sở hữu, các tổ chức tài chính phát triển lại hoạt động khác biệt - hơn 90% dòng tài chính của DFI là các công cụ nợ, tiếp theo là một phần nhỏ các khoản tài trợ và rất ít vốn chủ sở hữu. Sự phụ thuộc cao vào các công cụ nợ xuất phát từ nhu cầu đảm bảo tài chính bền vững, quản lý rủi ro và tối ưu nguồn vốn hạn hẹp, nhưng vẫn tạo ra tác động đáng kể.

Các nhiệm vụ phát triển mà DFI theo đuổi cũng được thể hiện trong sự kết hợp của các công cụ tài chính khác nhau theo từng khu vực đầu tư. Chẳng hạn như khu vực châu Phi cận Sahara không chỉ nhận được số vốn tài trợ từ DFI lớn nhất mà còn có tỷ lệ hỗ trợ phát triển chính thức (ODA - Official Development Assistance) so với các dòng vốn chính thức khác (OOF - Other Official Flows) cao nhất, với lượng lớn số tiền tài trợ, cao hơn vốn chủ sở hữu trung bình.

Mặt khác, Ấn Độ có tỷ lệ ODA/OOF cao thứ hai, với nguồn vốn ODA tồn tại dưới hình thức nợ thay vì viện trợ không hoàn lại, trong khi Trung Quốc có tỷ lệ ODA thấp hơn đáng kể.

Mô hình này cho thấy các khu vực có khả năng trả nợ hạn chế và thị trường phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ưu đãi - là những nơi dễ tiếp cận các tài trợ ưu đãi, trong khi những khu vực khác có cơ sở hạ tầng mạnh hơn và tính khả thi của các dự án cao hơn về mặt thương mại nhận được ít ưu đãi hơn.

Trong những thập kỷ qua, các tổ chức tài chính phát triển đã đầu tư vào năng lượng sạch nhiều hơn gấp bốn lần so với nhiên liệu hóa thạch. Hơn một nửa số đầu tư này đến từ các nguồn vốn nhiều ưu đãi hơn.

Vai trò Các tổ chức tài chính phát triển (DFI) trong chuyển dịch năng lượng
Hình 2: Phân bổ các dòng vốn đầu tư liên quan đến năng lượng của các tổ chức tài chính phát triển theo ngành (giai đoạn 2013-2022). [1]

Chú thích:

Grant: Khoản tài trợ; Equity: Vốn chủ sở hữu.

Dept - Official development assistance: Nợ vay - Hỗ trợ phát triển chính thức.

Debt - Other official flows: Nợ vay - Các dòng vốn chính thức khác.

Vai trò của các tổ chức tài chính phát triển trong chuyển dịch năng lượng
Hình 3: Phân bổ các dòng vốn đầu tư liên quan đến năng lượng của các tổ chức tài chính phát triển theo khu vực (giai đoạn 2013-2022). [1]

Chú thích:

Grant: Khoản tài trợ; Equity: Vốn chủ sở hữu.

Dept - Official development assistance: Nợ vay - Hỗ trợ phát triển chính thức.

Debt - Other official flows: Nợ vay - Các dòng vốn chính thức khác.

Khuyến khích sự tham gia đầu tư tư nhân:

Bằng cách chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư tư nhân và tăng cường tính khả thi của dự án thông qua việc sử dụng các khoản vay ưu đãi, bảo lãnh, trợ giúp kỹ thuật và cơ hội đồng hợp tác đầu tư, các tổ chức tài chính phát triển (DFI) có thể giảm thiểu thách thức đối với các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE). Hơn nữa, hợp tác với khu vực công sẽ đóng vai trò xúc tác cho đầu tư tư nhân.

Hiện nay, tỷ lệ vốn do các DFI huy động từ khu vực tư nhân vẫn còn tương đối thấp. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2022, mỗi đô la được phân bổ vào các lĩnh vực năng lượng chỉ huy động được khoảng 33 cent từ nguồn vốn của khu vực tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kịch bản phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, mỗi đô la tài trợ ưu đãi được cung cấp vào năm 2035 cần phải thu hút thêm 7 đô la từ nguồn vốn khu vực tư nhân.

Vai trò của các tổ chức tài chính phát triển trong chuyển dịch năng lượng
Hình 4: Dòng vốn tư nhân được các tổ chức tài chính phát triển huy động cho khí hậu (giai đoạn 2016-2022). [1]

Chú thích:

DFI Disbursed: Khoản giải ngân; DFI Commitment: Cam kết tài trợ.

Private capital mobilised: energy: Vốn tư nhân được huy động trong ngành năng lượng.

Private capital mobilised: transport: Vốn tư nhân được huy động trong ngành giao thông vận tải.

Private capital mobilised: industry: Vốn tư nhân được huy động trong ngành công nghiệp.

Tăng cường quy mô nguồn vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng:

Lần đầu tiên vào năm 2022, tài chính khí hậu toàn cầu đã vượt qua mục tiêu 100 tỷ USD được thiết lập vào năm 2010. Tài chính khí hậu cho đầu tư công đến từ các tổ chức tài chính phát triển đã đóng góp vai trò lớn nhất trong việc đạt được mục tiêu này. Các tổ chức tài chính phát triển cũng tích cực tham gia vào các diễn đàn chính trị và khí hậu toàn cầu, cùng với các ngân hàng phát triển đa phương cam kết tham gia vào quá trình của COP28 và gần đây đã cam kết cung cấp thêm khoản vay 300-400 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính phát triển có thể xem xét cách tiếp cận cân bằng trong các khoản đầu tư, xác định các công nghệ năng lượng sạch sẵn có và các công nghệ mới phát triển. Trong quá khứ, hơn một nửa số tiền đầu tư vào các dự án năng lượng đã tập trung vào phát triển công nghệ điện gió và điện mặt trời. Các công nghệ này vẫn cần sự hỗ trợ, đặc biệt trong các khu vực như châu Phi cận Sahara - nơi có sự thiếu hụt lớn về nguồn vốn so với các khu vực khác trên thế giới.

Tuy nhiên, các tổ chức tài chính phát triển có thể hướng sự tập trung vào các công nghệ có mức độ rủi ro cao hơn, thiếu vốn đầu tư như tăng cường/cải thiện hiệu quả năng lượng, lưu trữ năng lượng và nhiên liệu sạch - những vấn đề quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Vai trò của các tổ chức tài chính phát triển trong chuyển dịch năng lượng
Hình 5: Tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư của các tổ chức tài chính phát triển theo ngành và theo khu vực (giai đoạn 2013-2022). [1]

Mặc dù các yêu cầu đặt ra cho các tổ chức tài chính phát triển ngày càng cao, nhưng chính vị thế đặc biệt của tổ chức tài chính này (đứng giữa khu vực công và khu vực tư) đã tạo điều kiện để họ phát huy tối đa ảnh hưởng của mình lên dòng vốn đầu tư năng lượng toàn cầu. Nhờ đó, các tổ chức tài chính phát triển có thể đóng vai trò xúc tác quan trọng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu hướng tới một tương lai bền vững hơn.

TỔNG HỢP, LƯỢC DỊCH: HỒNG NGỌC - PECC2


Tài liệu tham khảo:

[1] Haneul Kim, Cecilia Tam (2024). The role of development finance institutions in energy transitions.

https://www.iea.org/commentaries/the-role-of-development-finance-institutions-in-energy-transitions

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động