RSS Feed for Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ cuối) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 15/11/2024 07:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ cuối)

 - Nhờ sự phát triển thần tốc của các công trình thủy điện, sản lượng điện từ thuỷ điện chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng cơ cấu nguồn điện, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế trong nhiều năm qua. Năm 2013, sản lượng thuỷ điện đạt 58,6 tỷ kWh, chiếm 45,8%, năm 2014 sản lượng thuỷ điện đạt 62,5 tỷ kWh, chiếm 44,4%. Năm 2016 đạt 63,911 tỷ kWh, xấp xỉ bằng 90% trữ năng kinh tế và chiếm 35% tổng điện lượng của hệ thống - một con số hết sức ấn tượng và đầy ý nghĩa… Chúng ta có thể khẳng định rằng: "Ngành Điện Việt Nam cơ bản hoàn thành khai thác các dòng sông của đất nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình".

Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 8)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 7)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 6)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 5)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 4)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 3)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 2)
Trở về cội nguồn của các công trình thủy điện Việt Nam (Kỳ 1)
Vai trò và tầm quan trọng các dự án thủy điện của EVN
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Tạm kết)

KỲ 9: THỦY ĐIỆN VIỆT NAM HOÀN THÀNH SỨ MỆNH LỊCH SỬ

Theo tài liệu có giá trị được Trung tâm Thiết kế Thủy điện - thuộc Bộ Điện và Than (trước đây) đã nghiên cứu công phu, trên cơ sở xác định tiềm năng thủy điện của 11 dòng sông lớn của Việt Nam do TS. Nguyễn Đình Tranh chủ trì, đã công bố kết quả vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước. Theo đó: "Tiềm năng kinh tế - kỹ thuật thủy điện Việt Nam được đánh giá là 80 tỷ kWh và tập trung chủ yếu trên 3 dòng sông chính là Sông Đà, sông Đồng Nai và sông Sê San". Có thể xác nhận tiềm năng lý thuyết bằng 80 tỷ kWh là tiềm năng kinh tế - kỹ thuật lý thuyết của thủy điện nước ta.

Lịch sử khai thác thủy điện Việt Nam có thể chia thành 3 thời kỳ: thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thời kỳ kinh tế bao cấp và thời kỳ đổi mới.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975)

Trước năm 1954, Việt Nam được coi như chưa có thủy điện. Nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam là Ankroet (tỉnh Lâm Đồng) do người Pháp xây dựng năm 1945, công suất 0,6 MW, chỉ đủ phục vụ cho du lịch nhỏ bé của Đà Lạt thời đó. Ankroet đã được người Nhật nâng cấp lên 3,1 MW năm 1956, sau đó bị hư hỏng. Tổng công ty Điện lực miền Nam sửa chữa nâng cấp lên 4,4 MW năm 1998, vận hành tới nay, nhưng chỉ là thủy điện nhỏ.

So với Thủy điện Sơn La 2.400 MW, đập cao 138 mét do Việt Nam xây dựng xong năm 2012 cho thấy, thủy điện Việt Nam trưởng thành vượt bậc cả về chất lượng và quy mô. Nếu theo kế hoạch, năm 2018 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đưa vào vận hành Nhà máy Thủy điện Thượng Kon-Tum 220 MW, là Nhà máy Thủy điện lớn, cuối cùng, thì thủy điện nước ta sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình và Việt Nam đứng vào hàng ngũ các nước kết thúc xây dựng thủy điện như: Nhật Bản, Pháp, Na Uy…

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã xây dựng 2 nhà máy thủy điện cỡ lớn. Ở miền Nam, người Nhật sử dụng nguồn vốn bồi thường chiến tranh cho Việt Nam xây dựng Nhà máy Thủy điện Đa Nhim (thượng nguồn sông Đồng Nai), công suất 160 MW hoàn thành năm 1961, phục vụ chủ yếu cho bộ máy gây chiến tranh xâm lược của Mỹ nên đường ống áp lực bị quân dân miền Nam phá hỏng. Sau ngày thống nhất, Nhà máy được các chuyên gia Điện lực Việt Nam khôi phục năm 1975 và vận hành rất hiệu quả tới ngày nay.

Đa Nhim được coi là nhà máy thủy điện có tuổi thọ cao nhất của Việt Nam.

Ở miền Bắc, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Việt Nam xây dựng thủy điện cỡ lớn đầu tiên là Nhà máy Thủy điện Thác Bà, 108 MW (trên sông Chảy, nhánh phải sông Lô). Nhà máy hoàn thành năm 1972, nhưng do đế quốc Mỹ ném bom bắn phá nhiều lần bị hư hỏng nặng, được phục hồi năm 1975.

Thủy điện Thác Bà cùng với Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí và Nhiệt điện Ninh Bình cung cấp điện hiệu quả cho nhu cầu của hậu phương miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thác Bà được Công ty Thủy điện Thác Bà thuộc EVN tiến hành đại tu và hoàn thiện đáp ứng tiêu chuẩn là nhà máy thân thiện với môi trường. Đây chính là cái nôi đào tạo đội ngũ CBCN cho ngành Điện ngày nay.

Thời kỳ kinh tế bao cấp và bắt đầu đổi mới (1976 - 1990)

Tuy đất nước đang gồng mình phục hồi kinh tế sau chiến tranh, nhưng Đảng và Nhà nước chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng nguồn  điện, ưu tiên phát triển thủy điện, quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, 1.920 MW trên sông Đà và Nhà máy Thủy điện Trị An, 400 MW trên sông Đồng Nai.

Thủy điện Hòa Bình - công trình thế kỷ - công trình Thanh niên Cộng sản - Biểu tượng tình hữu nghĩ Việt - Xô thực sự xứng đáng với những vinh danh đó. Thủy điện Hòa Bình dù đứng ở góc độ nào cũng đều thấy sự hoành tráng, cả về quy mô và hiệu quả: Đóng vai trò nguồn điện chủ lực của quốc gia; chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có thủ đô Hà Nội; đáp ứng nhu cầu nguồn nước tưới cho đồng bằng Bắc Bộ và hằng năm đóng góp hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh địa phương Tây Bắc. Cán bộ công nhân của công trình này, sau đó tỏa đi xây dựng các công trình thủy điện khác trên đất nước.

Thủy điện Trị An - Công trình được xây dựng "thần tốc" kịp thời giải quyết nạn "đói điện" ở miền Nam lúc đó, hằng năm cung cấp cho hệ thống điện Việt Nam trên 2 tỷ kWh điện. Hồ điều tiết cấp nước, giữ mức nước chống ngập mặn ở hạ du, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh. Ngành Điện mỗi năm nộp trên 200 tỷ đồng tiền thuế để phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, địa phương.

Ở miền Trung, do quá khó khăn nguồn vốn đầu tư nên chỉ xây dựng được Nhà máy Thủy điện Drây-H'ling (12 MW) trên sông Srepok và Vĩnh Sơn (66 MW) trên sông Côn. Chuẩn bị xây dựng Nhà máy Thủy điện Yaly (720 MW) trên sông Sê San, Thủy điện Hàm Thuận (300 MW) và Đa My (172 MW) trên sông La Ngà (nhánh trái của sông Đồng Nai).

Thời kỳ từ 1990 đến nay

Từ khi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng ra đời, ngành Điện đã đổi mới tư duy, vươn lên làm chủ các dự án về nguồn điện, đặc biệt các dự án thủy điện, từ khâu khảo sát thăm dò, tư vấn, thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công, giám sát thiết kế, giám sát thi công cho đến khâu nghiệm thu, đưa công trình vào khai thác. Đồng thời, ngành Điện cũng chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau cho các dự án nguồn và lưới điện, không trông chờ kế hoạch cấp vốn của Nhà nước.

Đặc biệt, ngành Điện đã vay vốn của các tổ chức tín dụng nước ngoài để mua thiết bị và vật tư lắp đặt và vay vốn tín dụng trong nước để đầu tư xây lắp, và tự sản xuất thiết bị cơ khí thủy công trên cơ sở dự án đạt hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành cơ chế "797-400" khuyến khích đầu tư và thực hiện các dự án thủy điện, thu hút nhiều đơn vị thi công tham gia các tổ hợp nhà thầu xây lắp dự án thủy điện, "cởi trói" về trình tự xét duyệt dự án đầu tư.

Vì vậy, đây là thời kỳ "bùng nổ" xây dựng thủy điện. Từ quy mô đầu tư 3 dự án song song vào thập niên 90 thế kỷ trước là: Yaly, Hàm Thuận - Đa My, và Sông Hinh tới đầu tư 26 dự án song song vào thập niên đầu thế kỷ 21. Những tên tuổi như Công ty Tư vấn Xây dựng điện 1, 2, 3 và 4, Ban A Thủy điện 1, 2, 6 và Ban A Thủy điện Sơn La (thuộc EVN); Sông Đà, Lilama, Trường Sơn, Licogi, Thủy lợi 47, Thủy lợi 4, Cơ điện Thủy lợi, Xây dựng 1, Cơ điện miền Trung, Xí nghiệp Quang Trung… đều "vào cuộc". EVN đóng vai trò "ông chủ" thiết kế, quản lý xây dựng, huy động vốn, và đảm bảo mọi khâu đầu tư được thực hiện thông suốt.

Tôi xin ghi lại một lộ trình của Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra định kỳ 6 tháng/lần về thực hiện tiến độ các dự án thủy điện vào đầu năm 2006. Đoàn công tác gồm tôi (Trưởng đoàn), đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Bộ Công Thương (thường trực đoàn), đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện Bộ Xây dựng, đại diện EVN và đại diện địa phương, nơi có dự án. Lộ trình đi kiểm tra như sau:

Tuần thứ nhất:

Thứ 2: Hà Nội đi Na Hang, kiểm tra hiện trường và họp về Thủy điện Tuyên Quang (sông Gâm).

Thứ 3: Tuyên Quang đi Mèo Vạc, kiểm tra hiện trường và họp về Thủy điện Nho Quế 3 (sông Nho Quế, nhánh sông Gâm).

Thứ 4: Từ Hà Giang đi Phố Ràng, kiểm tra hiện trường và họp về Thủy điện Bắc Hà (sông Chảy).

Thứ 5: Từ Lào Cai đi Than Uyên, buổi sáng kiểm tra hiện trường và họp về Thủy điện Bản Chát (sông Nậm Mu, nhánh của Sông Đà), buổi chiều Thủy điện Huội Quảng (sông Nậm Mu, nhánh của sông Đà).

Thứ 6: Từ Sơn La đi Ngọc Chiến, kiểm tra hiện trường và họp về Dự án Thủy điện Nậm Chiến 1, Nậm Chiến 2 (sông Nậm Chiến, nhánh của sông Đà).

Thứ 7: Từ Sơn La về Hà Nội.

Tuần thứ hai: Từ Hà Nội vào miền Trung kiểm tra các dự án: Cửa Đạt (sông Chu), Bản Vẽ (sông Cả), Bình Điền và Hương Điền (sông Hương), A Vương (nhánh A Vương của sông Bung thuộc hệ Vũ Gia - Thu Bồn), Sông Tranh 2 (sông Tranh nhánh của Thu Bồn).

Tuần thứ ba: Từ Đà Nẵng đi Tây Nguyên kiểm tra các dự án: Đắc My 4 (sông Đak My chuyển lưu lượng sang sông Tranh) Pleikrong (sông Sê San), sông Ba Hạ (sông Ba), Buôn Tua Sha, Buôn Kuôp (sông Srepok). Chủ nhật nghỉ ở thành phố Buôn Mê Thuột.

Tuần thứ tư: Từ Buôn Mê Thuột đi Gia Nghĩa kiểm tra các dự án: Đăk Rtih (nhánh sông Đồng Nai), Đồng Nai 3 và Đồng Nai 4 (sông Đồng Nai) và Sok-Phú Miêng (sông Bé, nhánh phải sông Đồng Nai). Từ thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội viết báo cáo Phó thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước.

Đỉnh cao của thời kỳ "bùng nổ" là xây dựng công trình Thuỷ điện Sơn La. Đây là công trình do Việt Nam tự thiết kế, thi công và đã vượt tiến độ xây dựng 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, hoàn thành tháng 12/2012. Không phải ngẫu nhiên mà Tạp chí Năng lượng châu Á, Toà soạn đóng ở Bangkok, Thái Lan, đã cấp bằng vinh danh dự án Thuỷ điện Sơn La là công trình thuỷ điện xây dựng nhanh nhất và đạt chất lượng cao nhất của châu Á năm 2013. Nói tới công trình Thuỷ điện Sơn La phải công nhận 8 đỉnh cao so với các dự án thuỷ điện trong nước:

1/ Công suất lắp đặt lớn nhất: 2.400 MW.
2/ Công suất tổ máy lớn nhất: 400 MW.
3/ Cầu trục gian máy có sức nâng lớn nhất: ~ 1000 tấn.
4/ Chiều cao đập cao nhất: 138 mét.
5/ Dung tích hồ chứa lớn nhất: 9,2 tỷ m3
6/ Số lượng di dân từ lòng hồ lớn nhất: hơn 20 ngàn hộ.
7/ Cường độ đổ bê tông cao nhất: 240 nghìn m3/tháng.
8/ Thời gian vượt tiến độ xây dựng lớn nhất: 3 năm.

EVN tự hào về những con số vô cùng ý nghĩa này.

Đỉnh cao của thời kỳ "bùng nổ" xây dựng thuỷ điện còn được thể hiện bằng việc xây dựng hàng trăm thuỷ điện nhỏ (công suất đặt nhỏ hơn 30 MW), cung cấp sản lượng điện hàng năm lên tới 6 tỷ kWh, chiếm 10% sản lượng của thuỷ điện. Con số này có được là nhờ chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư thuỷ điện nhỏ, góp phần tăng cường nguồn điện cung ứng điện cho đất nước.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số dự án thuỷ điện nhỏ của các nhà đầu tư tư nhân được xây dựng quy hoạch không chuẩn đã gây tác động lớn đến môi trường: phá rừng đầu nguồn làm đường, hồ chứa, gây ngập đất nông nghiệp, vỡ đập do chất lượng thiết kế và thi công kém... Bởi vậy, các cơ quan quản lý cần cân nhắc kỹ lợi - hại khi quyết định cho phép đầu tư dự án thuỷ điện nhỏ cũng như kiểm soát nghiêm túc chất lượng các công trình được phép xây dựng.

Nhờ sự phát triển thần tốc của các công trình thủy điện, sản lượng điện từ thuỷ điện chiếm một tỷ trọng cao trong tổng cơ cấu nguồn điện, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế những năm qua. Năm 2013, sản lượng thuỷ điện đạt 58,6 tỷ kWh, chiếm 45,8%, năm 2014 sản lượng thuỷ điện đạt 62,5 tỷ kWh, chiếm 44,4%. Năm 2016 đạt 63,911 tỷ kWh, xấp xỉ bằng 90% trữ năng kinh tế và chiếm 35% tổng điện lượng của hệ thống - một con số hết sức ấn tượng và đầy ý nghĩa…

Như vậy, có thể khẳng định rằng: "Ngành Điện Việt Nam đã đạt mục tiêu đảm bảo đủ điện có dự phòng cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân". Chúng ta cũng tự hào khẳng định rằng: "Ngành Điện Việt Nam cơ bản hoàn thành khai thác các dòng sông của đất nước, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình".

KSCC. NGUYỄN ĐỨC ĐẠT (NGUỒN: EVN 60 NĂM: THẮP SÁNG NIỀN TIN)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động