RSS Feed for Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 trả lời phỏng vấn ‘Năng lượng Việt Nam’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 18/04/2024 09:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 trả lời phỏng vấn ‘Năng lượng Việt Nam’

 - Tổng công ty Phát điện 1 đã trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn, nhưng đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tạo tiền đề vững chắc để bước vào thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023, cũng như những năm tiếp theo. Nhân dịp xuân Quý Mão sắp đến, ông Nguyễn Hữu Thịnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh nội dung này.
EVNGENCO1 nỗ lực hoàn các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 EVNGENCO1 nỗ lực hoàn các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022

Tổng công ty Phát điện 1(EVNGENCO1) cho biết: Tháng 12/2022, nhiệm vụ được EVNGENCO1 đặt lên hàng đầu là sản xuất 2.433 triệu kWh, trên cơ sở đó hoàn thành kế hoạch được giao năm 2022.

Kết quả cuộc thi ảnh về chuyển đổi số EVNGENCO1 năm 2022 Kết quả cuộc thi ảnh về chuyển đổi số EVNGENCO1 năm 2022

Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) cho biết: Sau hơn 45 ngày nhận ảnh dự thi và 15 ngày chấm điểm của Ban Giám khảo, Ban tổ chức cuộc thi ảnh về “Chuyển đổi số EVNGENCO1 năm 2022” đã xác định được các giải thưởng.

Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1 trả lời phỏng vấn ‘Năng lượng Việt Nam’
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1.

Trước hết, xin chân thành cảm ơn Tổng giám đốc Tổng công ty Phát điện 1, mặc dù bộn bề công việc cuối năm Nhâm Dần, nhưng đã giành thời gian cho lĩnh vực truyền thông về năng lượng.

Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Quý Mão, xin ông cho biết một vài nét chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng của EVNGENCO 1 trong năm vừa qua?

Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2022 là năm nước ta đang khôi phục sản xuất, khắc phục hậu quả từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina bắt đầu (từ tháng 2/2022) đã kéo theo đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu... do vậy, kinh tế, chính trị xã hội theo đó có nhiều biến động, giá nhiên liệu đầu vào tăng đột biến ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty. Tuy nhiên, EVNGENCO1 cũng đã xác định: Dù bất kỳ hoàn cảnh nào vẫn phải đảm bảo vận hành sản xuất điện an toàn, ổn định và đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia một cách tốt nhất.

Với mục tiêu đó, Tổng công ty đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả nhiều nhóm giải pháp về tổ chức, quản lý và kỹ thuật. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác hiệu chỉnh tổ máy, tối ưu hiệu quả vận hành, tiết giảm chi phí sản xuất điện trong điều kiện các tổ máy thường xuyên huy động ở giải công suất thấp; xây dựng và triển khai Nhật ký vận hành điện tử trong Tổng công ty để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, quản lý vận hành; tối ưu hóa chi phí hàng tồn kho, lập kế hoạch đưa vật tư thiết bị tồn kho vào sử dụng cho các đợt bảo dưỡng sửa chữa trong giai đoạn 2023 - 2025. Mặt khác, xem xét đưa vào sử dụng vật tư, thiết bị tồn kho nhận bàn giao mua sắm từ giai đoạn dự án; xây dựng, phê duyệt và triển khai nhiều đề án giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 như: Đề án sản xuất kinh doanh - đầu tư xây dựng, Đề án xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ chủ chốt, Đề án quản trị chi phí... làm cơ sở để triển khai đồng bộ các giải pháp trong thời gian tới.

Cùng với đó, để chia sẻ với cộng đồng, đặc biệt trên các địa bàn có nhà máy của EVNGENCO1, Tổng công ty đã tổ chức thực hiện các hoạt động an sinh xã hội như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trường học, xây nhà ở (nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo…), hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai (bão, lũ lụt), hỗ trợ y tế, hỗ trợ phòng chống COVID-19, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng… với tổng số tiền trên 12,9 tỷ đồng.

Có thể nói, năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVNGENCO1 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được được giao như:

Thứ nhất: Hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng (trong đó, các nhà máy thủy điện hoàn thành kế hoạch sản lượng năm được Bộ Công Thương và EVN giao ngay từ đầu tháng 10/2022).

Thứ hai: Hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh (như điện tự dùng, tỷ lệ dừng máy sự cố, hệ số khả dụng).

Thứ ba: Tham gia thị trường điện có hiệu quả, kiểm soát tốt các yếu tố chi phí đầu vào.

Thứ tư: Hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn, hoàn thành các nghĩa vụ đối với nhà nước, đảm bảo đời sống cho CBCNV.

Các con số cụ thể như: Tổng sản lượng điện thực hiện năm 2022 là 30,51 tỷ kWh, vượt kế hoạch Bộ Công Thương và EVN giao (đạt 101,39%).

EVNGENCO1 cũng đã thực hiện đạt và vượt 6/8 chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) được EVN giao và cùng Tập đoàn tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện theo đúng cam kết của EVN với Đảng, Chính phủ. Về đầu tư xây dựng (ĐTXD), Tổng công ty đã nỗ lực hoàn thành quyết toán một số dự án trọng điểm.

Với mục tiêu là cơ bản trở thành doanh nghiệp số trong năm 2025, các nhiệm vụ, mục tiêu năm 2022 theo Kế hoạch chuyển đổi số của EVN và Đề án chuyển đổi số của EVNGENCO1 về cơ bản được triển khai đúng tiến độ. Một trong những trọng tâm là Lộ trình chuyển đổi số, lộ trình hiện đại hoá hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật IT, OT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích các yêu cầu thực tế của EVNGENCO1, xu hướng chuyển đổi số ngành điện và hướng tới các trọng tâm chiến lược số của EVNGENCO1.

Năm 2022, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai và công tác bảo vệ môi trường được EVNGENCO1 thực hiện tốt. Kết quả, tất cả các đơn vị trong EVNGENCO1 không để xảy ra sự cố về môi trường; không có thiệt hại về người, thiết bị và công trình do thiên tai gây ra.

Với những nỗ lực kể trên, EVNGENCO1 đã được EVN tặng danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”. Đây là nguồn động viên, là sự khích lệ đối với toàn thể CBCNV, người lao động Tổng công ty tiếp tục nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hướng đến phát triển bền vững, toàn diện, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thưa ông, năm 2022 là một năm khó khăn với nhiệt điện, vì giá than cao, các tổ máy nhiệt điện bị thay đổi mức công suất phát liên tục, phải tắt và khởi động tổ máy nhiều lần so với những năm trước đó. Năm 2023, chắc chắn những khó khăn này vẫn tiếp tục xảy ra. Tổng công ty đã có những thay đổi gì để phù hợp với tình hình mới (cả về kỹ thuật lẫn tài chính)?

Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2022 do tình hình giá than thế giới biến động lớn, dẫn đến các tổ máy nhiệt điện phải vận hành ở dải công suất biến động liên tục, số lần ngừng, khởi động cao hơn so với thiết kế trong phương án giá điện. Điều này đã gây ra một số khó khăn cho công tác vận hành các nhà máy nhiệt điện trong Tổng công ty, đặc biệt là các nhà máy ở phía Nam.

Sang năm 2023 dự kiến giá than tiếp tục ở mức cao, ngoài ra ảnh hưởng của năng lượng tái tạo dẫn đến các tổ máy nhiệt điện phải thay đổi công suất phát liên tục. Đối mặt với những khó khăn, thách thức nêu trên, Tổng công ty đã khẩn trương rà soát và chuẩn bị sẵn sàng các phương án để phù hợp với tình hình mới, hạn chế ảnh hưởng xấu tới thiết bị, cũng như đảm bảo hiệu quả vận hành tin cậy tổ máy, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Tăng cường công tác quản lý vận hành, trong đó chú trọng việc triển khai công tác thí nghiệm hiệu chỉnh nhằm đảm bảo các tổ máy có thể vận hành ổn định, hạn chế tối đa suy giảm hiệu suất, mất an toàn khi phải thường xuyên duy trì ở dải phụ tải thấp.

Thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, trong đó ưu tiên triển khai các chương trình chuẩn đoán tình trạng thiết bị trong quá trình vận hành như: Triển khai phân tích rung đảo và chẩn đoán lỗi, phân tích tình trạng động cơ, giám sát online các máy biến áp, hệ thống ắc quy… từ đó lập kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa một cách khoa học, hợp lý, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư thiết bị cho công tác sửa chữa nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu của hệ thống điện.

Thứ ba: Đối với các tổ máy phải ngừng dài ngày (Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Duyên Hải 3 mở rộng), Tổng công ty đã xây dựng và triển khai các chương trình chi tiết cho công tác bảo quản, phòng mòn, chạy thử, cũng như kiểm tra thiết bị định kỳ cho các tổ máy nhằm đảm bảo an toàn cho thiết bị, sẵn sàng đưa tổ máy vào vận hành khi có yêu cầu của hệ thống.

Thứ tư: Trong năm 2022, Tổng công ty đã xây dựng hoàn thiện Đề án nâng cao độ tin cậy và hiệu suất vận hành các nhà máy điện (giai đoạn 2021 - 2025) và được Hội đồng thành viên phê duyệt, thông qua tại Nghị quyết số 175/NQ-HĐTV ngày 17/10/2022. Trong năm 2023 cũng như các năm tiếp theo, Tổng công ty sẽ tiếp tục triển khai các nội dung trong Đề án đã được phê duyệt, rà soát liên tục tình trạng thiết bị, đặc biệt chú trọng các giải pháp thích ứng với các biến động của tình hình cung ứng than.

Thứ năm: Tiếp tục trao đổi và học tập kinh nghiệm quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện than trong và ngoài EVN và áp dụng linh hoạt hiệu quả cho các đơn vị trong Tổng công ty.

Các nhà máy thủy điện cũng phải thay đổi vận hành, chạy vào giờ cao điểm và chạy để hỗ trợ năng lượng tái tạo. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ và chi phí vận hành? Tổng công ty có những biện pháp gì để đảm bảo vận hành và cung cấp điện tối ưu từ các nhà máy thủy điện, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Trong thời gian vừa qua, tỷ trọng năng lượng gió, mặt trời tăng trưởng nhanh, công suất phát của các nguồn điện này hết sức biến động, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết (mây che, thời gian nắng trong ngày…) gây áp lực rất lớn đến công tác điều độ hệ thống điện, các nhà máy thủy điện phải tăng giảm công suất nhiều lần trong ngày, tham gia nhiều hơn vào các dịch vụ phụ trợ (điều tần, điều áp…) để đảm bảo ổn định hệ thống điện. Điều này ảnh hưởng đến tuổi thọ thiết bị, nguy cơ sự cố cao và làm tăng chi phí vận hành, bảo dưỡng. Khi các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đạt đỉnh, các nhà máy thuỷ điện trong khu vực thường không được huy động do giới hạn truyền tải nội miền, chỉ phát trong các thời điểm còn lại trong ngày để đảm bảo cấp nước hạ du, ảnh hưởng tới việc vận hành tối ưu về mặt kinh tế của nhà máy trong thị trường điện, nguy cơ phải xả thừa qua tràn sớm khi nước về tốt và lãng phí tài nguyên.

Trước thực tế này, Tổng công ty đã thực hiện giải pháp nâng cao công tác vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa lớn để các tổ máy vận hành tin cậy ổn định, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của hệ thống điện. Mặt khác, tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ vận hành thị trường điện của các nhà máy để có phương án chào giá linh hoạt, hiệu quả trong thị trường điện cạnh tranh khi có sự xâm nhập của NLTT.

Thưa ông, trong năm 2023, Tổng công ty có phát triển thêm nguồn điện mới trong Quy hoạch điện VIII, hay tăng sản lượng từ những nguồn đã có để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng trưởng, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội?

Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu phụ tải, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị cho lộ trình cổ phần hóa, trong năm 2023, Tổng công ty tiếp tục tích cực bám sát các cơ quan hữu quan để triển khai thủ tục nghiên cứu, phát triển, xúc tiến đầu tư một số dự án nguồn điện mới trong Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Tổng công ty sẽ đầu tư phát triển dự án điện gió số 4 (tỉnh Bến Tre), mở rộng Thủy điện Bản Vẽ, Sông Tranh 2 và dự án mở rộng Thủy điện Đa Nhim (giai đoạn 2).

Công cuộc chuyển đổi số dự kiến sẽ đóng góp như thế nào trong toàn bộ công việc của Tổng công ty vào năm 2023, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Thịnh: Năm 2021, HĐTV đã ban hành Đề án chuyển đổi số (CĐS) của EVNGENCO1. Đề án bao gồm các nhiệm vụ thực hiện theo chương trình CĐS trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhiệm vụ CĐS cấp bách do Tổng công ty chủ động thực hiện (giai đoạn 2021 - 2025). Căn cứ thực tế triển khai trong năm 2021 - 2022, EVNGENCO1 cũng đã thực hiện bổ sung, hiệu chỉnh Đề án CĐS của mình vào tháng 11/2022 vừa rồi.

Xác định chuyển đổi số là một tiến trình liên tục (không có điểm bắt đầu, cũng không có điểm kết thúc). Theo đó, EVNGENCO1 áp dụng các nguyên tắc: Tổng thể, toàn diện; đồng bộ và từng thời kỳ có trọng tâm trọng điểm, đột phá để thực hiện đổi mới, sáng tạo liên tục dựa trên dữ liệu và kết nối.

Nhờ tiếp cận CĐS một cách nghiêm túc và coi hoạt động này là động lực phát triển, EVNGENCO1 đã đạt được một số kết quả trong năm 2022 như sau:

Một là: Chuyển đổi nhận thức về CĐS. Người lao động thấy rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công cuộc chuyển đổi số của Tổng công ty.

Hai là: Đưa vào sử dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin như:

- EVNGENCO1 Portal: Bao gồm các chức năng như lịch tuần, số hóa quản trị nhân viên văn phòng, báo cáo nội bộ, thư viện điện tử và các kênh tương tác nội bộ của CBCNV.

- SmartEVN tại EVNGENCO1: Cổng thông tin điện tử chính của EVNGENCO1 cho phép truy cập tới các dịch vụ điện tử nội bộ như hệ thống văn phòng số DOffice, hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn PMIS, hệ thống quản lý nhân sự HRMS, hệ thống pháp điển, trang tin, thư điện tử...

- App EVNGENCO1: Ứng dụng di động cung cấp các thông tin vận hành của các nhà máy điện trong toàn Tổng công ty, thông tin thị trường điện và theo dõi công tác sản xuất, kinh doanh.

- Phần mềm điều độ tàu than tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải: Lập, duyệt kế hoạch và quản lý trực tuyến tàu than vào - ra; giám sát hành trình tàu qua hệ thống định vị AIS cận bờ; quản lý quy trình giao nhận...

Trong năm 2023, ngoài việc khai thác các ứng dụng CĐS trên, Tổng công ty tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ CĐS chủ yếu của mình như sau:

- Xây dựng MegaApp di động hóa một số ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật sản xuất, thị trường điện, quản trị nội bộ… đáp ứng nhu cầu chỉ đạo điều hành mọi lúc, mọi nơi của lãnh đạo Tổng công ty.

- Chuẩn hóa, quản lý vật tư bằng phần mềm chuyên dụng.

- Nghiên cứu giải pháp triển khai phần mềm quản lý công tác sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị.

- Xây dựng phần mềm tính toán và theo dõi online hiệu suất lò hơi, gian tua bin trên hệ thống DCS.

- Xây dựng phần mềm lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm, lập kế hoạch và quản lý công tác cung ứng than.

- Triển khai hệ thống đánh giá và phát triển năng lực cán bộ trên nền tảng HRMS.

Và cuối cùng là triển khai dự án xây dựng cơ sở tri thức chung EVNGENCO1.

Xin cảm ơn ông! Nhân dịp đón xuân mới, xin chúc ông và tập thể Người lao động Tổng công ty Phát điện 1 luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và đạt được nhiều thắng lợi mới trong thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023!

CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động