RSS Feed for Tiết kiệm năng lượng - Nhiệm vụ cấp bách | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 27/12/2024 16:09
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tiết kiệm năng lượng - Nhiệm vụ cấp bách

 - Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo lấy ý kiến triển khai thực hiện dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam”. Tham dự hội thảo là các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam.


78c6b2f59_anh_chieu.jpg


Ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, tiết kiệm năng lượng để phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ vô cùng cấp bách.

Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực đã có tác động rất lớn đến hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh khung pháp lý về thể chế, cơ chế chính sách về tài chính chưa hoàn thiện, thiếu những kinh nghiệm xây dựng mô hình tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn là một trong những trở ngại thực thi tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.


Với mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành tiêu thụ năng lượng lớn trong việc cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải nhà kính, dự án  “Hỗ trợ kỹ thuật tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” - CPEE đã được triển khai. 

Dự án CPEE được phê duyệt theo Quyết định số 1806 ngày 14/4/2011 của Bộ Công Thương và phê duyệt bởi Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/6/2011. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới, chính thức được triển khai năm 2012 và kết thúc vào năm 2016 với phạm vi thực hiện tại 63 tỉnh thành trên cả nước. 

CPEE được xây dựng gồm 3 hợp phần: Hợp phần 1, Kế hoạch hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với các ngành công nghiệp chính. Hợp phần 2, Phát triển các nhà cung cấp dịch vụ năng lượng. Hợp phần 3, Xây dựng năng lực quản lý và giám sát chương trình.

Trong khuôn khổ hoạt động, CPEE sẽ hướng đến thiết kế xây dựng chiến lược tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp và kế hoạch hành động trong một số ngành công nghiệp chính. Trước mắt Dự án hướng đến một số ngành công nghiệp trọng điểm có mức tiêu hao năng lượng lớn, công nghệ còn lạc hậu và nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng như giấy, dệt may, chế biến thực phẩm và hóa chất. 

Đại diện các doanh nghiệp đã đưa ra những trao đổi thẳng thắn, đề xuất những chính sách và cơ chế phù hợp nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động tiết kiệm năng lượng trong thực tế. Theo đó, khẳng định tiết kiệm năng lượng là hoạt động cần thiết, mang lại lợi ích thiết thực.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả cho dây chuyền sản xuất, đưa chiến lược sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào chiến lược phát triển lâu dài. Theo ý kiến chung của các doanh nghiệp, ngoài hỗ trợ về tài chính, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ về kỹ thuật, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực cũng như tư vấn chính sách để triển khai có hiệu quả hơn các hoạt động tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp mình. 

Sắp tới Dự án sẽ triển khai khảo sát thực tế tại một số ngành công nghiệp trọng điểm, lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp cùng với tham khảo kinh nghiệm thực hiện tại một số quốc gia đi trước, từ đó xây dựng và trình Bộ Công Thương phê duyệt Bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ngành áp dụng cho các ngành cụ thể.

Đây sẽ là cơ sở quy định mức hiệu suất năng lượng cụ thể cho từng ngành, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả năng lượng trong công nghiệp nói riêng, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam nói chung. 

Dự kiến, tổng số vốn dành cho dự án là trên 4 triệu USD. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tiết kiệm được khoảng 91.1 360,4 nghìn TOE và giảm 1,253.9 nghìn tấn CO2.

Trần Liễu (Nguồn: NEEP)

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động