RSS Feed for Tập đoàn Tín Thành: Nhiên liệu phát điện từ đề án phát triển cây cao lương | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 19/12/2024 00:07
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tập đoàn Tín Thành: Nhiên liệu phát điện từ đề án phát triển cây cao lương

 - Qua kết quả trồng thử nghiệm và thực nghiệm, cho thấy cây cao lương có khả năng tạo ra một lượng sinh khối lớn trong thời gian ngắn, đảm bảo cho việc thay thế các loại nhiên liệu đốt khác như than, dầu, khí là hoàn toàn khả thi. Bên cạnh đó, cây cũng có những ưu thế nổi trội về hiệu quả kinh tế và khả năng sinh trưởng, hoàn toàn có thể trồng thay thế cho các loại cây trồng kém hiệu quả ở các địa phương hiện nay như cây keo lai, cây mía, cây sắn, cây tiêu, cây điều, cây cao su và kể cả cây lúa.


Phát triển điện sinh khối ở Việt Nam và những thách thức đặt ra


Lãnh đạo địa phương và Lãnh đạo, chuyên gia Tập đoàn Tín Thành thăm thực tế vùng nguyên liệu.

Tập đoàn Tín Thành là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hơn 30 nhà máy cung cấp điện, hơi công nghiệp cho các đối tác lớn, có uy tín tại Việt Nam và hiện đang tập trung phát triển lĩnh vực nông nghiệp khép kín theo dạng công, nông nghiệp chuỗi giá trị gia tăng.

Hơn 5 năm qua, Tập đoàn Tín Thành đã du nhập và thuần hóa hơn 50 loại giống cao lương về Việt Nam từ Mỹ và Ấn Độ, trồng thử nghiệm và thực nghiệm thành công trên nhiều vùng miền, nhiều loại hình đất khác nhau tại các tỉnh: An Giang, Sóc Trăng, Long An, Tây Ninh, Đắk Lắk, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Trị, v.v.

Cụ thể, cây cao lương ngọt (Sweet sorghum) và cao lương sinh khối (Biomass sorghum) là một loại cây trồng ngắn ngày (95-115 ngày/vụ), gieo hạt 1 lần cho thu hoạch 3 vụ/năm, thích hợp vùng nhiệt đới.

Qua nhiều năm trồng thử nghiệm, thực nghiệm và thuần giống, cây cao lương cho sản lượng sinh khối rất lớn trong thời gian ngắn, là loại cây sử dụng rất hiệu quả dinh dưỡng trong đất, có thể chịu được hạn, lượng nước cần thiết để cây sinh trưởng tốt chỉ bằng 1/5 cây ngô và 1/10 so với cây mía.

Hơn nữa, cây cao lương còn có lợi thế có thể tạo ra nhiều sản phẩm sau thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các bộ phận trên cây từ thân, lá, hạt… đều được sử dụng để tạo ra các sản phẩm hữu ích mang lại giá trị kinh tế cao như sản xuất dịch syrup, bioethanol nhiên liệu, alcohol thực phẩm (96% cồn), xơ bã sau khi ép lấy dịch chế biến đường lỏng (syrup) sẽ được dùng làm nhiên liệu đốt biomass cho các nhà máy nhiệt điện sinh khối.

Việc phát triển bền vững cây cao lương theo chuỗi giá trị vừa góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm giá trị từ việc chế biến mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là tạo ra một lượng sinh khối lớn để làm nhiên liệu tái tạo như viên nén sinh khối xuất khẩu hay phát điện sinh khối sạch, qua đó tăng nguồn thu nhập ổn định cho nông dân, đồng thời là giải pháp hiệu quả thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ngành năng lượng của Việt Nam. Hơn nữa sẽ tiết kiệm được hàng triệu USD dùng để nhập khẩu các sản phẩm này phục vụ cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước.

Ông Trần Đình Quyền - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tín Thành thăm cánh đồng trồng cây cao lương.

Các lợi ích từ cây cao lương

Trên diện tích vùng nguyên liệu trồng 10.000 ha, cao lương mang lại các hiệu quả như sau:

Thứ nhất: Lợi ích về kinh tế:

Đề án vùng nguyên liệu 10.000 ha trồng cao lương (sản lượng bình quân ở mức trung bình thấp là 150 tấn thân và 6 tấn hạt/ha/năm) tạo ra nguồn thu hằng năm như sau:

1/ Syrup (một dạng đường lỏng có 70% độ Brix) làm từ dịch ép thân: 378.000 tấn/năm. Giá trị 3.780 tỷ VNĐ.

2/ Cồn thực phẩm (96% Alc.) làm từ hạt Cao lương: Sản lượng 24 triệu lít/năm hay cồn thực phẩm làm rượu bổ (30% Alc.) là 72 triệu lít. Giá trị 1.440 tỷ VNĐ. Nếu phải nhập cồn thực phẩm (96% Alc.) từ Ấn Độ thì trị giá là 216 triệu USD.

3/ Lượng bã xơ sau khi ép dịch chế biến Syrup đủ để cung cấp cho nhà máy điện sinh khối công suất 300 MW, tạo ra 2.100 triệu kWh điện sạch. Giá trị 4.092 tỷ VNĐ (giá 84 USD/MW), tiết kiệm 605.000 tấn dầu HFO, tương đương 350 triệu USD.

4/ Ngoài ra, trong quá trình chế biến còn tạo ra 50.400 tấn CO2 hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp, trị giá 67,2 tỷ VNĐ; 18.000 tấn hèm khô (DDGS) làm thức ăn chăn nuôi và thủy sản, trị giá 72 tỷ VNĐ. Thay thế cho hơn 6 triệu USD nhập khẩu. Hơn 180 nghìn tấn phân hữu cơ sinh học tái sử dụng vào canh tác cây Cao lương.

5/ Việc phát triển trồng cây cao lương và chuỗi giá trị sản phẩm sau thu hoạch mang lại 10.000 việc làm cho ngành nông nghiệp và hơn 2.000 việc làm cho ngành công nghiệp chế biến sau thu hoạch.

6/ Tổng doanh thu từ các sản phẩm chế biến từ cây cao lương theo chuỗi giá trị trong một năm là 7.234 tỷ VNĐ/năm. Bình quân hơn 700 triệu VNĐ/ha/năm.

Thứ hai: Lợi ích về xã hội:

1/ Đề án phát triển khoảng 80 HTX, 1.000 THT, tạo công ăn, việc làm cho hơn 12.000 công nhân và nông dân có thu nhập ổn định và nâng cao mức sống. Làm thay đổi cuộc sống các vùng tham gia đề án.

2/ Mỗi ha đất tham gia vùng nguyên liệu trồng cây cao lương sẽ được thu mua sản phẩm tại ruộng, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn các loại cây trồng hiện tại từ 70 -100%.

3/ Đề án là một giải pháp giúp tái cơ cấu cây trồng ở những vùng đất trồng các loại hoa màu, cây công nghiệp, cây thực phẩm kém hiệu quả trên khắp cả nước.

Thứ ba: Lợi ích về môi trường:

Đề án phát triển cao lương ngọt và cao lương sinh khối là một giải pháp tái cơ cấu cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu, vì cây cao lương là một loại cây trồng cạn, ngắn ngày và chịu hạn, sử dụng nước rất hiệu quả.

Sinh khối tạo ra từ cây cao lương rất cao, được sử dụng làm nhiên liệu sạch, phát điện thay thế cho than đá, dầu FO, khí NG, khí LNG. Với mô hình tiêu biểu 10.000 ha cao lương sinh khối có thể sản xuất ra 2.100 triệu kWh điện/năm và đây là điện sạch, góp phần giảm phát khí thải và được tái tạo liên tục.

Kết luận và kiến nghị

Đến nay Tập đoàn Tín Thành nhận được sự quan tâm rất lớn từ các đối tác nước ngoài để cùng hợp tác và phát triển. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, Tập đoàn Tín Thành và nhiều doanh nghiệp khác gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật. Do đó, Tập đoàn Tín Thành kiến nghị Chính phủ, các bộ, ban ngành:

Thứ nhất: Xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt, những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ hơn và mở rộng sâu hơn đối với các dự án đầu tư điện sinh khối, các dự án điện rác để lĩnh vực này phát triển đúng với tiềm năng.

Thứ hai: Đơn giản hóa các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo; có thể xem xét tối giản thủ tục đối với các dự án điện sinh khối và điện rác thải công suất dưới 1 MW thì không cần phải bổ sung quy hoạch phát triển điện, không cần phải trình Thủ tướng phê duyệt để khuyến khích tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Đối với các dự án điện sinh khối đã được phê duyệt trong quy hoạch thì khi có sự thay đổi địa điểm đầu tư nhưng vẫn nằm trong địa bàn của tỉnh đó thì đề xuất không phải trình xin phê duyệt lại tất cả các Bộ, mà chỉ cần trình Bộ Công Thương để duyệt thay đổi địa điểm.

Thứ ba: Có chính sách về giá mua điện và ký hợp đồng mua bán điện giữa nhà sản xuất với các công ty mua bán điện phải là hợp đồng dài hạn, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư.

Thứ tư: Bên cạnh đó, rất mong Chính phủ cũng ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như ưu đãi sử dụng vốn, miễn, giảm thuế cho các dự án năng lượng tái tạo./.

TIẾN SỸ

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động