Khởi công dự án Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang
13:45 | 15/12/2022
Ký hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang Ngày 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết hợp đồng mua bán điện Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang giữa Công ty Cổ phần Năng lượng Sinh khối Hậu Giang (HBE) và Công ty Mua bán điện (EVNEPTC). |
Ký hợp đồng EPC và O&M dự án Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang Ngày 11/10/2022, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 2 (PECC2) đã ký kết Hợp đồng EPC và Hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý và vận hành (O&M) cho Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang với Công ty Cổ phần Năng lượng Sinh khối Hậu Giang (HBE), tại PECC2 Innovation Hub. |
Nghi thức bấm nút tại Lễ khởi công Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang. |
Dự án Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang (công suất 2x10 MW) do HBE làm chủ đầu tư, được xây dựng tại phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với quy mô sử dụng đất khoảng trên 10 ha bao gồm 2 tổ máy độc lập (2 lò hơi, 2 tua bin, 2 máy phát) và một số hạng mục phụ trợ dùng chung.
Nhà máy sử dụng công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu sinh khối, có tính chất trung hòa cácbon thân thiện với môi trường (nhiên liệu chính là trấu), được vận chuyển thông qua hệ thống bến cảng nhập nhiên liệu cho phép tàu đến 300 tấn tiếp cận.
Về tài trợ nguồn vốn đầu tư, dự án đã được phê duyệt khoản tài trợ từ cơ chế tín chỉ chung JCM của chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ Môi trường Toàn cầu và chủ đầu tư đang triển khai ký kết hợp đồng vay với công ty cổ phần EREX. Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang dự kiến dự sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý 4/2024.
Khi đi vào hoạt động, Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang sẽ là nhà máy điện sinh khối hòa lưới, sử dụng nhiên liệu trấu lớn nhất đi vào vận hành đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhà máy cũng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện và đảm bảo an ninh năng lượng tại địa bàn tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.
Ngoài ra, dự án còn góp phần cung cấp điện năng khoảng 125 GWh/năm cho nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nhà máy và góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hậu Giang. Với doanh khu dự kiến khoảng 200 tỷ đồng/năm, dự án hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu dồi dào cho ngân sách địa phương.
Được chủ đầu tư HBE tin tưởng giao thầu Hợp đồng EPC trọn gói cho công tác thiết kế, mua sắm, thi công, xây dựng dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang, tại buổi lễ, ông Nguyễn Chơn Hùng - Chủ tịch HĐQT PECC2 - bày tỏ niềm vui mừng cũng như quyết tâm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết với địa phương.
Song song đó, PECC2 cũng sẽ nỗ lực nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, hiệu suất cao, tối ưu hóa chi phí, đảm bảo quá trình vận hành và khai thác của dự án diễn ra suôn sẻ, đồng thời đáp ứng được các quy định tiêu chuẩn về an toàn và bảo vệ môi trường.
Cũng trong buổi lễ, cùng với công ty cổ phần EREX, PECC2 đã ủng hộ thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh kinh phí để xây dựng nhà tình thương với tổng số tiền quyên góp là 500 triệu đồng.
Gần 40 năm kinh nghiệm trong công tác khảo sát thiết kế và gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tổng thầu EPC cho các dự án ở Việt Nam, PECC2 đã và đang cung cấp các sản phẩm và dịch vụ xuyên suốt các giai đoạn trong vòng đời dự án, từ khi nảy sinh ý tưởng đến giai đoạn khai thác, sử dụng vận hành dự án, với sự nỗ lực và sáng tạo không ngừng nghỉ của lực lượng lao động mạnh về chất lượng và đủ về số lượng, PECC2 đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong ngành năng lượng Việt Nam khi luôn có những cống hiến, cũng như đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của ngành điện.
Trên hành trình giảm thiểu dấu chân carbon, trong nhiều thập kỷ qua, PECC2 đã đóng góp vào sự thành công và hiệu quả của các dự án sử dụng năng lượng truyền thống hay năng lượng tái tạo, kể cả các dự án trạm biến áp và đường dây.
Với dự án Nhà máy điện Sinh khối Hậu Giang, PECC2 sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư HBE và các bên liên quan để góp phần phát triển thành công và nhân rộng mô hình điện sinh khối - loại hình năng lượng tái tạo còn tương đối mới ở Việt Nam sao cho vừa phù hợp với xu hướng chung của thế giới, vừa mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất cho địa phương và quốc gia./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM