RSS Feed for Sự thiếu nghiêm túc của Bộ Tài chính khi xem xét thuế than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 04:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sự thiếu nghiêm túc của Bộ Tài chính khi xem xét thuế than

 - Mức thuế suất thuế tài nguyên than cộng với tiền cấp quyền khai thác hiện hành của Việt Nam là cao nhất thế giới, trong khi hầu hết các mỏ than đã khai thác hàng chục, thậm chí đến 100 năm và bước vào thời kỳ có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp. Đây cũng là một nguyên nhân chính làm cho giá thành than khai thác trong nước tăng cao nên giảm sức cạnh tranh so với than nhập khẩu. Trên thực tế, nếu không có sự điều tiết trong nội bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc (là 2 đơn vị chủ lực khai thác than hiện nay) thì nhiều mỏ, hoặc khu vực mỏ trong hai đơn vị này bị lỗ rất lớn và phải đóng cửa. Trong khi đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định "thuế với than đã hợp lý" và việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là "chưa phù hợp"...

 

Thuế tài nguyên than và sự mập mờ, ngụy biện của Bộ Tài chính
Lập luận của Bộ Tài chính đang làm khó ngành than

PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tháng trước, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh về việc xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên (chủ yếu là tài nguyên than) về mức thấp nhất trong khung thuế suất tài nguyên hiện nay, Bộ Tài chính cho biết: Mức thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá, trong đó có nêu một số lập luận rằng:

Một là: Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia có thể thấy rằng, chính sách thuế đối với tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng và thường không theo một khuôn mẫu chung (Thuế suất thuế tài nguyên đối với than của Ca-na-đa quy định mức cao nhất là 16%, Ác-hen-ti-na là 3%, Chi-lê quy định mức cao nhất là 14%, Myanmar quy định mức cao nhất là 7,5%). Mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên cũng như chính sách của quốc gia đó đối với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Hai là: Tài nguyên (trong đó có than) là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Chính sách thu hiện hành đối với tài nguyên (thuế, phí) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Vừa qua, theo kiến nghị của Bộ Công Thương đối với Chính phủ về chỉ đạo, điều hành chính sách thuế, phí đối với ngành than, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, nghiên cứu chính sách thuế suất thuế tài nguyên khoáng sản, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội xem xét việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên cho phù hợp với tình hình thực tế (CV số 5637/VPCP-CN ngày 01/6/2017). Đến nay, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó khẳng định "thuế với than đã hợp lý" và việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là "chưa phù hợp" với một số lập luận rằng:

Thứ nhất: Thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10% (mức thấp nhất của khung thuế do Quốc hội quy định từ 10-45%). Mức thuế này tương đương thuế xuất khẩu than của Trung Quốc áp dụng.

Thứ hai: Thuế bảo vệ môi trường với than đang áp dụng từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn (tùy loại) - mức thấp nhất trong khung thuế do Quốc hội quy định (10.000 - 50.000 đồng/tấn). Thuế môi trường với than của Việt Nam áp dụng cũng thấp hơn nhiều nước, như Trung Quốc (đang áp dụng từ 25.600 - 118.400 đồng/tấn), Đan Mạch, Đức…

Thứ ba: Thuế tài nguyên với than đá có mức tối đa là 20%, nhưng hiện chỉ thu từ 10% - 12% (tùy loại) - thấp hơn khung tối đa. Về phí, lệ phí với than có khung từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn, mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành quyết định.

Thứ tư: Để góp phần bảo vệ tài nguyên than, đảm bảo hợp lý tài nguyên than cho sản xuất điện, việc quy định chính sách thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường với than trong thời gian qua là phù hợp. Việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là chưa phù hợp.

Qua xem xét cho thấy: lập luận, giải trình của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ có những bất cập như sau:

1. Có sự mập mờ, lập lờ nhằm tạo cảm giác "hưởng ứng" theo ý kiến chủ quan của Bộ Tài chính. Cụ thể là khi nêu mức thuế tài nguyên của các nước: Ca-na-đa (cao nhất là 16%), Ác-hen-ti-na (3%), Chi-lê (cao nhất là 14%), Myanmar (cao nhất là 7,5%) chỉ nêu mức thuế theo % mà không nêu cụ thể % trên cái gì (căn cứ tính thuế) để đảm bảo sự so sánh được.

Trên thực tế căn cứ tính thuế của Ác-hen-ti-na là "lãi gộp", của Ca-na-đa là "lợi nhuận", của Chi-lê là "lợi nhuận". Như vậy, nếu tính theo "doanh thu" thì mức thuế của các nước nêu trên "cực kỳ thấp" so với Việt Nam. Hoặc chỉ nêu tên nước để tạo cảm giác "số nhiều" mà không nêu "cụ thể" mức thuế của các nước đó, ví dụ như trường hợp thuế bảo vệ môi trường thì nêu: Đan Mạch, Đức…

2. Có sự "giảo hoạt" khi minh chứng, minh họa thực tế của nước ngoài, cụ thể là không lấy một nước, hay một số nước có cùng điều kiện tương tự với Việt Nam để so sánh các sắc thuế, phí từ A đến Z đối với than, qua đó đối chiếu để cho thấy "xét trên tổng thể" là cao hay thấp, mà chỉ chọn nêu những loại thuế, phí cao của từng nước để so sánh, hoặc lấy những nước không cùng điều kiện để minh họa.

Ví dụ, khi nêu thuế bảo vệ môi trường đối với than chỉ nêu thuế môi trường của Trung Quốc từ 25.600 - 118.400 đồng/tấn và qua đó nói thuế môi trường của Việt Nam thấp hơn nhiều mà chưa đề cập các khoản phí môi trường ở Trung Quốc ra sao, liệu có không? Đặc biệt lờ đi một thực tế rằng ở Trung Quốc đối với than có 2 khoản thuế tài nguyên: Thuế tài nguyên (Resource Tax) từ 2 đến 8 NDT/tấn (tương đương khoảng 7 đến 28 ngàn VND/tấn) và Compensation Fee for Mineral Resource (tạm dịch Phí bồi hoàn tài nguyên khoáng sản) là 0,5% - 4% doanh thu. Tổng cộng hai khoản thuế này là quá thấp so với mức thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác đối với than của Việt Nam.

Hoặc khi nêu Myanmar, Đan Mạch để minh họa - tiếc rằng 2 nước này có ngành khai thác than quá nhỏ không được đưa vào "bản đồ" than của thế giới, riêng Đan Mạch năm 2015 chỉ tiêu thụ 1,8 triệu TOE than, còn Myanmar không được nêu tên [5].

3. Giải thích không đúng quy định của Luật và mức thuế tài nguyên hiện hành. Cụ thể là Bộ Tài chính cho rằng "Thuế tài nguyên với than đá có mức tối đa là 20%, nhưng hiện chỉ thu từ 10% - 12% (tùy loại) - thấp hơn khung tối đa".

Theo quy định của Luật Thuế tài nguyên năm 2009 - thuế suất đối với than antraxit hầm lò mức thấp nhất là 4% và mức cao nhất là 20%; đối với than antraxit lộ thiên mức thấp nhất là 4% và mức cao nhất là 20%; mức thuế suất hiện hành là 10% đối với hầm lò và 12% đối với lộ thiên. Nếu cộng cả nộp tiền cấp quyền khai thác (2%) xét về bản chất cũng là thuế tài nguyên thì tương ứng là 12% và 14%.

Thực chất, việc quy định khung thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản nói chung và đối với than nói riêng trong Luật Thuế tài nguyên có phạm vi rộng không phải là để điều chỉnh tăng "thoải mái" thuế suất từ thấp đến cao theo thời gian như lâu nay. Bởi điều đó trái với đặc điểm của tài nguyên khoáng sản và quá trình khai thác chúng là có mức độ thuận lợi, khó khăn khác nhau và ngày càng khó khăn, phức tạp hơn - mà chính là để áp dụng mức thuế suất phù hợp cho các mỏ khoáng sản có mức độ khó khăn, thuận lợi khác nhau rất lớn nên hiệu quả cũng chênh lệch nhau rất lớn, dẫn đến tô mỏ (căn cứ để xác định thuế suất thuế tài nguyên) cũng chênh lệch rất lớn. Tức là có mỏ chịu mức thuế tối thiểu, nhưng có mỏ có thể chịu mức thuế tối đa.

Ví dụ: cùng là khai thác lộ thiên, nhưng hệ số bóc đất đá trên 1 tấn than nguyên khai có mỏ chỉ 1 m3 nhưng có mỏ lên tới 15 m3, thậm chí đến 20 m3 với cung độ vận tải gần xa khác nhau. Hoặc cùng là khai thác hầm lò, nhưng có mỏ khai thác lò bằng (tức trên mức nước tự chảy), nhưng có mỏ xuống sâu đến -100m; đến -200m; đến -300m và đến -400m so với mực nước biển với mức độ nguy cơ cháy nổ, bục nước, bục khí, phay phá, điều kiện địa chất mỏ khác nhau. Hoặc cùng là than antraxit do tạo hóa sinh ra nhưng chất lượng, chủng loại rất khác nhau, dẫn đến giá cả khác nhau.

Ví dụ: ở Quảng Ninh theo bảng giá than tính thuế tài nguyên hiện hành có tới 78 loại sản phẩm than atraxit với mức giá thấp nhất là 117 ngàn đồng/tấn và cao nhất là 4.053 ngàn đồng/tấn (chênh nhau tới 34,64 lần).

Trên thực tế, nếu không có sự điều tiết trong nội bộ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc (là 2 đơn vị chủ lực khai thác than hiện nay) thì nhiều mỏ, hoặc khu vực mỏ trong hai đơn vị này bị lỗ rất lớn và phải đóng cửa.

Thực chất, việc quy định thuế suất thuế tài nguyên than hiện hành là quy định mức bình quân cho tất cả các mỏ từ khó khăn nhất đến mỏ thuận lợi nhất, tức là bình quân của từ mức 4% đến 20% đối với khai thác hầm lò và từ mức 6% đến 20% đối với khai thác lộ thiên.

Giả sử rằng, số mỏ tương ứng với các mức từ 4%, hoặc 6% đến 20% là bằng nhau thì bình quân chung đối với hầm lò là 12% và đối với lộ thiên là 13%. Như vậy, nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác thì mức thuế tài nguyên hiện nay đã kịch trần đối với khai thác hầm lò (12%) và vượt trần đối với khai thác lộ thiên (14%). Do đó, không thể nói mức thuế tài nguyên hiện hành "thấp hơn khung tối đa".

Kết luận rút ra ở đây là:

Thứ nhất: Trên thế giới không thể có một nước nào mà tất cả các mỏ than đều có mức độ thuận lợi tối đa để tất cả cùng có thể chịu thuế suất tối đa 20% doanh thu.

Thứ hai: Mức thuế suất thuế tài nguyên than cộng với tiền cấp quyền khai thác hiện hành của Việt Nam là cao nhất thế giới, trong khi hầu hết các mỏ than đã khai thác hàng chục, thậm chí đến 100 năm và bước vào thời kỳ có điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp. Đây cũng là một nguyên nhân chính làm cho giá thành than khai thác trong nước tăng cao nên giảm sức cạnh tranh so với than nhập khẩu.

4. Có sự ngụy biện khi nói rằng: "Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả" và "việc quy định chính sách thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường với than trong thời gian qua là phù hợp".

Việc thuế, phí tăng cao hiện nay làm cho giá thành khoáng sản, than tăng cao, sẽ gây tổn thất khoáng sản lớn trong quá trình khai thác. Vì với mục tiêu đảm bảo có lợi nhuận chấp nhận được, doanh nghiệp sẽ chỉ khai thác phần trữ lượng dễ khai thác và chất lượng tốt (để có giá thành thấp và giá bán cao), bỏ lại phần trữ lượng khó khai thác và chất lượng thấp (có giá thành cao và giá bán thấp). Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước: "khai thác khoáng sản phải đảm bảo thu hồi tối đa khoáng sản" vì "Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội trước mắt, lâu dài và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường".

Mục đích huy nhất của việc tăng thuế tài nguyên khoáng sản thời gian qua là để tận thu tài tài chính nhằm tăng thu ngân sách. Nhưng thực tế xét trên tổng thể và trong dài hạn thì mục đích đó không những không đạt được mà còn bị ngược lại, vì (1) sản lượng khoáng sản sẽ giảm đi do bỏ lại phần trữ lượng khó khăn nên vừa không thu được thuế tài nguyên, vừa không thu được thuế do phần trữ lượng lẽ ra lấy thêm được tạo ra trong các ngành sử dụng khoáng sản; (2) do thuế thu nhập doanh nghiệp của các ngành sử dụng khoáng sản giảm đi vì giá khoáng sản tăng do thuế tài nguyên tăng.

Rõ ràng, việc tăng thuế tài nguyên khoáng sản không hợp lý đã làm "mất cả chì lẫn chài".

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 25/4/2011 về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

2.    Luật Khoáng sản 2010.

3.    Luật Thuế tài nguyên 2009 và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

4.    Corporate Income Taxes, Mining Royalties and Other Mining Taxes: A Summary of rate and rules in selected countries. Global mining industry update June 2012. www.pwc.com/gx/mining.

5.    BP Statistical (2013, 2015, 2016).

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động