RSS Feed for Lập luận của Bộ Tài chính đang làm khó ngành than | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 04:22
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lập luận của Bộ Tài chính đang làm khó ngành than

 - Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng liên quan tới việc Bộ Công Thương đề nghị giảm thuế với than và cho phép đẩy mạnh xuất khẩu than để giảm tồn kho, hỗ trợ Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trong đó, Bộ Tài chính khẳng định "thuế với than đã hợp lý" và việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là "chưa phù hợp".

Thuế tài nguyên than và sự mập mờ, ngụy biện của Bộ Tài chính
Những bất cập trong chính sách thuế tài nguyên của Việt Nam

Theo Bộ Tài chính, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược phát triển ngành than, với quan điểm bảo đảm xuất - nhập khẩu than hợp lý, giảm dần xuất khẩu khoáng sản. Chỉ xuất khẩu các loại than trong nước chưa có nhu cầu, thông qua quản lý bằng kế hoạch.

Theo đó, giai đoạn 2017-2020, mỗi năm xuất khẩu than khoảng 2 triệu tấn. Thuế xuất khẩu than đá đang áp dụng 10% (mức thấp nhất của khung thuế do Quốc hội quy định từ 10-45%). Mức thuế này tương đương thuế xuất khẩu than của Trung Quốc áp dụng.

Với thuế bảo vệ môi trường với than đang áp dụng từ 10.000 - 20.000 đồng/tấn (tùy loại) - mức thấp nhất trong khung thuế do Quốc hội quy định (10.000 - 50.000 đồng/tấn). Thuế môi trường với than của Việt Nam áp dụng cũng thấp hơn nhiều nước, như Trung Quốc (đang áp dụng từ 25.600 - 118.400 đồng/tấn), Đan Mạch, Đức…

Tương tự, thuế tài nguyên với than đá có mức tối đa là 20%, nhưng hiện chỉ thu từ 10% - 12% (tùy loại) - thấp hơn khung tối đa. Về phí, lệ phí với than có khung từ 10.000 - 30.000 đồng/tấn, mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân các tỉnh thành quyết định.

Vì vậy, Bộ Tài chính khẳng định, việc giảm thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường với than xuống thấp hơn mức hiện hành vượt thẩm quyền của Chính phủ (phải do Quốc hội quyết định).

Theo lập luận của Bộ Tài chính, hiện giá than được điều hành theo cơ chế thị trường, nhằm khuyến khích sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, giúp ngành than phát triển bền vững. Chính phủ cũng có chủ trương cấm xuất khẩu than cám, điều chỉnh hợp lý kế hoạch khai thác và dự trữ than để đảm bảo sản xuất điện từ nay tới năm 2020.

Bộ Tài chính viện dẫn Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết 25/2016 của Quốc hội, và cho rằng: Để góp phần bảo vệ tài nguyên than, đảm bảo hợp lý tài nguyên than cho sản xuất điện, việc quy định chính sách thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường với than trong thời gian qua là phù hợp. Việc đề xuất giảm mức thuế suất với than là chưa phù hợp.

Theo Bộ Tài chính, nhu cầu nhập khẩu than cho các hộ tiêu thụ trong nước (đặc biệt cho sản xuất điện) những năm tới rất lớn. Cụ thể, dự kiến năm 2017 khoảng 11,7 triệu tấn, năm 2020 khoảng 40,2 triệu tấn, năm 2025 khoảng 70,3 triệu tấn, năm 2030 khoảng 102 triệu tấn.

Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh về việc xem xét điều chỉnh thuế tài nguyên (chủ yếu là tài nguyên than) về mức thấp nhất trong khung thuế suất tài nguyên hiện nay, Bộ Tài chính cho biết: Mức thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá. Việc đề nghị thay đổi mức thuế suất của từng sắc thuế căn cứ trên kiến nghị của một đơn vị cần được cân nhắc kỹ trên tổng thể của nền kinh tế.

Kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Các loại thuế, phí trong giá thành than sản xuất trong nước liên tục tăng trong các năm gần đây đã làm giá thành sản xuất than trong nước ngày càng tăng cao, giảm sức cạnh tranh so với than nhập khẩu. Nếu tính cả tiền cấp quyền khai thác (2%) thì thuế tài nguyên đối với than hầm lò hiện nay khoảng 12%, than lộ thiên khoảng 14%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như: Indonesia xấp xỉ từ 3- 7%;,Trung Quốc: 0- 4% (chỉ tính riêng thuế tài nguyên của Việt Nam đã cao hơn từ 7-10% so với các nước trong khu vực). Do vậy, để nâng cao sức cạnh tranh của than sản xuất trong nước với than nhập khẩu, giảm sản lượng than tồn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam về mức độ hợp lý (khoảng 15 - 20%), góp phần giúp ngành than có đủ điều kiện tích lũy nguồn lực để phát triển.

Lập luận của Bộ Tài chính cho rằng: Khung thuế suất tài nguyên của Luật Thuế tài nguyên đối với các mặt hàng than từ 4 - 20% và 6 - 20% và theo Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 thì mức thuế suất tài nguyên đối với các mặt hàng than là 10% và 12%, Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016.

Bộ Tài chính cũng cho biết, việc xem xét sửa đổi mức thuế suất thuế tài nguyên thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, mức thuế suất thuế tài nguyên quy định tại Nghị quyết 1084/2015/UBTVQH13 mới được ban hành nên cần có thời gian để tổng kết, đánh giá.

Mỗi quốc gia có quan điểm khác nhau về chính sách thuế đối với tài nguyên tùy thuộc vào điều kiện của từng nước. Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia có thể thấy rằng, chính sách thuế đối với tài nguyên của các nước trên thế giới rất đa dạng và thường không theo một khuôn mẫu chung (Canada quy định mức cao nhất là 16%, Áchentina là 3%, Chile quy định mức cao nhất là 14%, Myanmar quy định mức cao nhất là 7,5%). Mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên phụ thuộc vào tầm quan trọng của từng loại tài nguyên cũng như chính sách của quốc gia đó đối với việc bảo vệ môi trường và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Theo Bộ Tài chính, tài nguyên (trong đó có than) là một trong những nguồn lực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta. Chính sách thu hiện hành đối với tài nguyên (thuế, phí) đều được gắn với mục tiêu điều chỉnh riêng, là công cụ tài chính thể hiện vai trò sở hữu nhà nước đối với tài nguyên quốc gia, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên của tổ chức, cá nhân. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thu đối với tài nguyên thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong mỗi thời kỳ, giai đoạn về bảo vệ, sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Theo PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam (Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam) việc cử tri Quảng Ninh kiến nghị giảm thuế tài nguyên đối với than là cấp thiết, kịp thời. Tiếc rằng, trả lời của Bộ Tài chính là không có tính thuyết phục, ngụy biện, với lập luận mập mờ, khó hiểu. Chẳng hạn việc Bộ Tài chính nêu mức thuế theo % mà không nêu cụ thể % trên cái gì (căn cứ tính thuế) để đảm bảo sự so sánh. Nếu chỉ nghe con số % thì tưởng là cao, nhưng thực chất mức thuế tài nguyên đối với than đều rất thấp nếu so với % trên doanh thu.

Chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho rằng: Với chính sách thuế, phí tăng cao hiện hành không những gây tổn thất lớn về khoáng sản trong khai thác mà còn làm giảm thu ngân sách nhà nước xét trên tổng thể, vì khoáng sản bị bỏ lại thì lấy đâu ra mà thu, như vậy thực chất là "mất cả chì lẫn chài". Ngoài ra, giá thành khoáng sản tăng, làm giá bán tăng, khiến cho lợi nhuận của các ngành sử dụng khoáng sản giảm, kéo theo nộp thuế thu nhập cũng giảm theo, vv...

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động