Siemens với ngành Năng lượng Việt Nam
12:10 | 15/06/2016
Siemens xuất xưởng tổ tua bin khí thứ 1000.
Tại Việt Nam, Siemens xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1979 bằng việc cung cấp hai tua bin hơi công nghiệp, công suất 12+16 MW cho Nhà máy giấy Bãi Bằng (Phú Thọ). Từ đó đến nay, trải qua gần 40 năm, Siemens đã cung cấp cho ngành Năng lượng Việt Nam 24 tua bin (trong đó có 14 tua bin hơi và 10 tua bin khí). Tính đến cuối năm 2015 tổng công suất đặt của Việt Nam vào khoảng 34GW trong đó Siemens đóng góp trên 12%. Siemens cũng đóng góp khoảng 44% vào tổng công suất đặt của các nhà máy điện chu trình kết hợp tại Viêt Nam.
Trong số các dự án nguồn điện quan trọng mà Siemens tham gia phải kể đến Nhà máy điện Phú Mỹ 2-1 (mở rộng), vận hành từ năm 1999; Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Phú Mỹ 3 (02 tua bin khí và 01 tua bin hơi, với tổng công suất 720 MW), vận hành từ năm 2004; Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Cà Mau 1 và 2 (04 tua bin khí và 02 tua bin hơi, công suất 1.500 MW), vận hành từ năm 2008; và Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2 (02 tua bin khí và 01 tua bin hơi, có tổng công suất 750 MW), vận hành từ năm 2011. Ngoài ra, Siemens còn là nhà cung cấp dịch vụ bảo trì dài hạn cho các nhà máy này.
Theo ghi nhận của Tạp chí Năng lượng Việt Nam, các nhà máy điện khí của Việt Nam được đầu tư bằng công nghệ Siemens hoạt động an toàn, với độ tin cậy cao và hiệu suất cao, góp phần hết sức quan trọng vào việc đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam nói riêng và toàn quốc nói chung.
Tổ máy “Fortuna” của Nhà máy điện Lausward, tại Thành phố Duesseldorf, Đức lập ba kỷ lục thế giới về công suất, hiệu suất tinh và nhiệt sưởi.
Đầu năm 2016, tổ máy có tên gọi "Fortuna" của nhà máy điện Lausward tại thành phố Dusseldorf (Cộng hòa Liên bang Đức) do Siemens là nhà thầu "chìa khóa trao tay" được đưa vào vận hành thương mại. Khi chạy thử tin cậy trước khi bàn giao, tổ máy "Fortuna" đã đạt mức công suất điện đầu ra tối đa 603.8 MW, xác lập kỷ lục mới cho nhà máy điện chu trình kết hợp cùng loại với cấu hình đơn trục.
Một kỷ lục thế giới mới, với 61,5% hiệu suất phát điện tinh cũng đã được xác lập, giúp Siemens phá kỷ lục hiệu suất 60,75% thiết lập bởi chính mình vào tháng 5 năm 2011 tại Nhà máy điện Ulrich Hartmann, Irsching ở phía nam nước Đức. Mức hiệu suất cao giúp nhà máy trở nên đặc biệt thân thiện với môi trường.
Thêm vào đó, tổ máy "Fortuna" có thể cung cấp tới gần 300 MW nhiệt cho hệ thống sưởi của thành phố Dusseldorf - một giá trị đỉnh cao nữa cho một nhà máy được lắp đặt chỉ 1 tua bin khí và 1 tua bin hơi. Điều này giúp đẩy hiệu suất sử dụng nhiên liệu của nhà máy lên đến 85%, đồng thời giảm phát thải CO2 xuống còn chỉ 230 gram cho mỗi kWh.
Chế tạo tua bin khí của Tập đoàn Siemens.
Khi nói về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu bằng các giải pháp sản xuất năng lượng phát thải ít CO2 không thể không nhắc đến tấm gương tiên phong của nước Đức trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo - trong đó Siemens - một tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là công nghệ điện gió đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Đối với Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VII (hiệu chỉnh). Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2030 hệ thống điện Việt Nam cần bổ sung trên 10 GW tua bin khí hỗn hợp sử dụng khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, và trên 20 GW từ nguồn năng lượng tái tạo (chủ yếu là các nguồn điện gió, mặt trời và sinh khối). Đây là hai lĩnh vực công nghệ năng lượng mà Siemens thực sự có thế mạnh.
Hy vọng rằng, với tiềm lực về tài chính, công nghệ của mình, cùng mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, hiệu quả giữa Siemens và ngành Năng lượng Việt Nam đã được tạo dựng trong gần 40 năm qua, Siemens sẽ tiếp tục thành công và giành được thị phần đáng kể tại thị trường năng lượng Việt Nam trong thời gian tới.
PHAN QUỐC TUẤN