RSS Feed for Saudi Aramco - Doanh nghiệp muốn đầu tư lớn vào thị trường dầu khí Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 25/01/2025 05:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Saudi Aramco - Doanh nghiệp muốn đầu tư lớn vào thị trường dầu khí Việt Nam

 - Như chúng ta đều biết, trong chuyến thăm Ả Rập Saudi và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều doanh nghiệp Ả Rập Saudi đã bày tỏ mong có cơ hội đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổng hợp đôi nét về Saudi Aramco - Tập đoàn Dầu mỏ Ả Rập Saudi đang có mong muốn đầu tư lớn vào thị trường dầu khí Việt Nam để bạn đọc cùng tham khảo.
Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia Chuỗi khí, điện Lô B - Ô Môn: Chính phủ đề nghị nghiên cứu đề xuất của giới chuyên gia

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ngày 13/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số: 7027/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về việc nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và quy định trong triển khai Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn theo đề xuất của Tạp chí Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ. (Báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền).

Vài nét về Saudi Aramco:

Phải nói ngay rằng: Ở thời điểm hiện tại, Saudi Aramco (Tập đoàn Aramco) chưa có các hoạt động đầu tư trực tiếp tại nước ta, nhưng lại cung cấp cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến dầu thô. Và kế hoạch xây dựng nhà máy lọc hóa dầu của Saudi Aramco được xem là “khởi nghiệp khả thi” giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường hóa dầu trong tương lai.

Saudi Aramco có tên chính thức là Tập đoàn Dầu mỏ Ả Rập Saudi (Saudi Arabian Oil Group) và gọi phổ biến là Aramco. Đây là Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên quốc gia, có trụ sở tại Thành phố Dhahran (miền Đông của Ả Rập Saudi). Theo báo cáo thường niên Saudi Aramco 2022 (cập nhật 21 tháng 3 năm 2023): Sản phẩm chính của Saudi Aramco là dầu, khí tự nhiên, sản phẩm hóa dầu và doanh thu năm 2022 đạt 604,17 tỷ USD.

Saudi Aramco hoạt động trên toàn cầu và hoạt động trong các lĩnh vực: Khai thác, sản xuất, lọc hóa dầu, phân phối. Toàn bộ các hoạt động này của Tập đoàn nằm dưới sự giám sát của Bộ Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản, cùng với Hội đồng Tối cao về Dầu mỏ - Khoáng sản Ả Rập Saudi. Trong cơ cấu này, Bộ chịu trách nhiệm lớn hơn nhiều so với Hội đồng.

Saudi Aramco sở hữu trữ lượng dầu thô được chứng minh lớn thứ hai thế giới, với hơn 260 tỷ thùng (41 tỷ m3), 288,4 nghìn tỷ feet khối tiêu chuẩn (8,17 nghìn tỷ m3) trữ lượng khí đốt tự nhiên và có sản lượng dầu lớn thứ nhì thế giới. Tập đoàn này điều hành mạng lưới hydrocacbon riêng lẻ lớn nhất thế giới mang tên: Master Gas System. Tổng sản lượng dầu thô trong năm 2013 là 3,4 tỷ thùng (540 triệu m3), quản lý trên 100 mỏ dầu khí tại Ả Rập Saudi. Saudi Aramco khai thác mỏ dầu trên bờ lớn nhất thế giới là Ghawar và mỏ dầu trên biển lớn nhất thế giới là Safaniya.

Vào ngày 11 tháng 12 năm 2019, cổ phiếu của công ty bắt đầu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Tadawul. Cổ phiếu đã tăng lên 35,2 riyal Saudi (9,504 USD), mang lại vốn hóa thị trường khoảng 1,88 nghìn tỷ USD và vượt mốc 2 nghìn tỷ USD vào ngày giao dịch thứ hai. Trong danh sách Forbes Global 2000 năm 2023, Saudi Aramco được xếp hạng là công ty đại chúng lớn thứ 2, hay công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ 2 thế giới.

Gốc gác Saudi Aramco bắt nguồn từ tình trạng thiếu dầu trong thế chiến thứ nhất và việc Anh và Pháp loại trừ các công ty Mỹ khỏi Lưỡng Hà theo Hiệp định Dầu khí San Remo năm 1920. Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 1954 khu phức hợp Aramco ở Ả Rập Saudi ra đời, Saudi Aramco chuyển từ trụ sở chính ở New York về Dhahran.

Năm 1951, công ty phát hiện ra mỏ dầu Safaniya - mỏ ngoài khơi lớn nhất thế giới. Năm 1957, việc phát hiện ra các mỏ dầu nhỏ hơn nối liền đã khẳng định Ghawar Field là mỏ dầu trên bờ lớn nhất thế giới.

Năm 1975, kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ hai của Ả Rập Saudi ra đời, khí đốt tự nhiên sẽ được sử dụng để tạo ra năng lượng. Kế hoạch tính đến việc sử dụng khí đồng hành, nhưng đến năm 1985, Aramco đã có thể cung cấp một tỷ feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày (Bscfd) khí không đồng hành. Khí này được sản xuất từ Hệ tầng Kuff - là một lớp đá vôi nằm sâu 650 mét (2.130 ft) bên dưới Vùng chứa dầu Ả Rập.

Năm 1994, Aramco phát hiện thêm nhiều mỏ khí đốt trong tầng đá sa thạch Jawf sâu hơn và xây dựng các nhà máy ở Hawiyah và Haradh để tiêu thụ khí. Điều này đã nâng công suất của Hệ thống Gas Master lên 9,4 Bscfd.

Sau chiến tranh Yom Kippur và chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư (1990), Saudi Aramco thay thế phần lớn sản lượng dầu bị loại khỏi thị trường toàn cầu do lệnh cấm vận đối với Iraq và Kuwait bị chiếm đóng. Điều này tương đương với việc sản xuất thêm 4,8 triệu thùng mỗi ngày (Mbpd) để giữ cho thị trường dầu mỏ toàn cầu ổn định.

Bắt đầu từ năm 1990, Aramco bắt tay vào việc mở rộng việc bán dầu thô tại thị trường châu Á. Các thỏa thuận với Hàn Quốc, Philippines và Trung Quốc đã được thực hiện. Đến năm 2016, khoảng 70% doanh số bán dầu thô của Aramco là sang châu Á.

Đến thập niên 2000 (tháng 5 năm 2001), Ả Rập Saudi công bố "Sáng kiến Khí đốt", trong đó đề xuất thành lập 3 liên doanh với 8 công ty dầu khí quốc tế để thăm dò khí đốt.

Vào tháng 6 năm 2008, để đối phó với giá dầu thô vượt quá 130 USD một thùng, Aramco tuyên bố sẽ tăng sản lượng lên 9,7 triệu thùng mỗi ngày (mbpd). Sau đó, khi giá giảm mạnh, Aramco tuyên bố vào tháng 1 năm 2009 rằng: Sẽ giảm sản lượng xuống 7,7 triệu thùng/ngày.

Năm 2011, Saudi Aramco bắt đầu khai thác khí từ mỏ Karan, với sản lượng hơn 400 triệu feet khối mỗi ngày. Vào tháng 1 năm 2016, Phó Thái tử Ả Rập Saudi là Mohammad bin Salman Al Saud tuyên bố: Xem xét việc niêm yết cổ phiếu của công ty nhà nước và bán khoảng 5% trong số đó để xây dựng một quỹ đầu tư quốc gia lớn.

Vào tháng 9 năm 2019, Ả Rập Saudi đã bổ nhiệm Yasir Al-Rumayyan làm Chủ tịch Aramco. Al-Rumayyan trở thành người đứng đầu quỹ tài sản có chủ quyền của đất nước bằng cách thay thế Khalid Al-Falih - người giữ chức vụ này từ năm 2015.

Cuộc tấn công mạng năm 2012 và cuộc tấn công bằng máy bay không người lái 2019 vào hai nhà máy của Saudi Aramco khiến cắt giảm 5,7 triệu thùng sản lượng dầu thô mỗi ngày của Saudi, hơn 5% nguồn cung của thế giới. Sự kiện này khiến giãn tiến độ IPO của Aramco và làm mất đi hơn một nửa sản lượng dầu của vương quốc.

Chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) năm 2019, Saudi Aramco đã phát hành trái phiếu tổng trị giá 12 tỷ USD. Lần phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên đã nhận được hơn 100 tỷ USD đơn đặt hàng từ các nhà đầu tư nước ngoài, phá vỡ mọi kỷ lục về phát hành trái phiếu của một thực thể thị trường mới nổi. Ngoài IPO, Saudi Aramco còn có chương trình trái phiếu trung hạn toàn cầu.

Kế hoạch hợp tác của Saudi Aramco:

Vào ngày 10 tháng 3 năm 2020, Saudi Aramco đã công bố quan hệ đối tác toàn cầu. Một năm sau đó, Saudi Aramco đã ký thỏa thuận nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng với Trung Quốc trong 50 năm. Gần đây hơn, họ đã ký một thỏa thuận với một tập đoàn do EIG đứng đầu.

Theo Guardian: Năm 2021, Saudi Aramco không cố gắng đa dạng hóa với tốc độ tương tự như các công ty dầu mỏ khác (như Shell và BP), thay vào đó, Aramco đã công bố dự định tăng công suất dầu thô từ 12 triệu thùng/ngày lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.

Vào tháng 2 năm 2022, sau khi giá dầu thô tăng lên gần 95 USD/thùng, Saudi Aramco đã tăng giá dầu đối với khách hàng ở châu Á, Hoa Kỳ và châu Âu.

Vào tháng 8 năm 2022, Saudi Aramco thông báo sẽ mua lại đơn vị xăng dầu của Valvoline với giá 2,65 tỷ USD. Tiếp đến tháng 3 năm 2023, Saudi Aramco thông báo đã đạt được lợi nhuận kỷ lục 161 tỷ USD khi giá xăng dầu tăng vọt sau đại dịch Covid-19. Những con số này đã làm lu mờ những con số được công bố bởi ExxonMobil và Shell - những tập đoàn báo cáo lợi nhuận lần lượt là 55,7 tỷ USD và 39,9 tỷ USD.

Vào tháng 9 năm 2023, có nguồn tin cho hay: Saudi Aramco đã đạt được thỏa thuận với quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Latinh là Southern Cross Group để mua lại nhà bán lẻ nhiên liệu có trụ sở tại Santiago, Esmax Distribucion SPA. Việc mua lại đánh dấu sự gia nhập của Saudi Aramco vào thị trường bán lẻ nhiên liệu Nam Mỹ.

Hiện tại, công suất lọc dầu của Saudi Aramco là 5,4 triệu thùng mỗi ngày (860.000 m3/d). Trong đó, liên doanh và cổ phần quốc tế: 2,5 Mbbl/d (400.000 m3/d), liên doanh trong nước: 1,9 mpbd và sở hữu hoàn toàn hoạt động trong nước: 1,0 Mbbl/d (160.000 m3/d).

Các hoạt động hạ nguồn của Saudi Aramco đang chuyển trọng tâm sang tích hợp các nhà máy lọc dầu với các cơ sở hóa dầu. Liên doanh đầu tiên của họ là với Petro Rabigh - một liên doanh với Sumitomo Chemical Co. bắt đầu vào năm 2005 trên bờ Biển Đỏ. Để trở thành công ty dẫn đầu thế giới về hóa chất, Aramco đã mua 50% cổ phần của Royal Dutch Shell trong nhà máy lọc dầu của họ ở Ả Rập Saudi với giá 631 triệu USD.

Saudi Aramco mở rộng sự hiện diện của mình trên toàn thế giới, bao gồm ba thị trường năng lượng lớn toàn cầu là châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Vào tháng 4 năm 2019, Aramco đã ký thỏa thuận mua 13% cổ phần của nhà máy lọc dầu Hyundai Oilbank của Hàn Quốc với giá 1,24 tỷ USD. Tiếp đến ngày 11 tháng 4 năm 2019, Aramco đã ký một thỏa thuận với nhà máy lọc dầu hàng đầu của Ba Lan là PKN Orlen để cung cấp dầu thô Ả Rập cho công ty này.

Về khí LNG, Aramco đang có kế hoạch trở thành nhà sản xuất khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn trên thế giới. Họ đã bán lô hàng LNG đầu tiên từ Singapore cho khách hàng ở Ấn Độ. Công ty đang tìm kiếm các liên doanh và đối tác tiềm năng trên toàn cầu để đạt được mục tiêu liên quan đến thị trường LNG.

Saudi Aramco đã tài trợ cho gần 500 nghiên cứu trong 5 năm qua về các vấn đề năng lượng và hợp tác với Bộ Năng lượng Hoa Kỳ trong các dự án thúc đẩy sản xuất dầu, như phát triển xăng hiệu quả hơn, tăng cường thu hồi dầu và các phương pháp tăng lưu lượng dầu từ giếng.

Kể từ năm 2016, Ả Rập Saudi đã chi khoảng 140 triệu USD cho việc vận động hành lang nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận và chính sách ở Hoa Kỳ. Trong nỗ lực giúp ô tô chạy xăng có tính cạnh tranh, Saudi Aramco đang nghiên cứu một thiết bị có thể giữ lại một phần khí CO2 khi gắn nó vào ô tô chạy bằng xăng.

Đề xuất của Saudi Aramco và gợi ý của Chính phủ Việt Nam:

Ngày 19/10/2023, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Yasser M.Mufti - Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Aramco và ông Mohammed Al-Khrashi - Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia. Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Aramco tham gia đầu tư tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt là những dự án lọc hóa dầu lớn của Việt Nam và phát triển hợp tác thương mại trong lĩnh vực sản phẩm dầu, khí, hóa chất dầu khí (như dầu thô, khí hóa lỏng, hạt nhựa, phân bón…).

Ông Yasser M.Mufti - Phó Chủ tịch Điều hành Aramco cho biết: Hiện Aramco cung cấp dầu thô cho các doanh nghiệp ở Việt Nam, song chưa có đầu tư trực tiếp. Do đó, Tập đoàn mong muốn tìm hiểu thị trường, nắm bắt các cơ hội để tiến hành đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong xây dựng các nhà máy lọc hóa dầu.

Từ đề xuất của Aramco, Thủ tướng đề nghị, ngay sau cuộc gặp này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Aramco thu xếp làm việc trực tiếp về kế hoạch hợp tác cụ thể. Mặt khác, đề nghị Aramco tạo điều kiện cho PVN tham gia trong các hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí tại Saudi Arabia, cũng như tìm các dự án lớn để cùng đầu tư và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dầu khí cho Việt Nam./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Link tham khảo:

1. ttps://egyptoil-gas.com/news/aramco-becomes-the-worlds-most-profitable-company/

2. https://english.alarabiya.net/features/2020/07/08/Everything-you-need-to-know-about-Saudi-Aramco-The-world-s-most-valuable-company

3. https://www.virginia.edu/search/site/

4. https://www.forbes.com/companies/saudi-arabian-oil-company-saudi-aramco/?sh=75190bf621ac

5. https://edition.cnn.com/2019/12/05/investing/saudi-aramco-ipo-price/index.html

6. https://www.wsj.com/articles/saudi-arabia-transfers-aramco-shares-worth-nearly-78-billion-to-wealth-fund-f3a83574

7. https://www.wsj.com/articles/saudi-arabia-transfers-aramco-shares-worth-nearly-78-billion-to-wealth-fund-f3a83574

8. https://www.businesslive.co.za/bd/companies/energy/2019-04-25-saudi-aramco-on-hunt-for-joint-ventures-sells-its-first-lng-cargo/

9. https://www.nytimes.com/2022/11/21/climate/saudi-arabia-aramco-oil-solar-climate.html

10. https://baochinhphu.vn/tap-doan-dau-khi-lon-nhat-the-gioi-muon-dau-tu-tai-viet-nam-102231019192814177.htm

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động