RSS Feed for Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 23/01/2025 01:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế

 - Từ phản ảnh của Tuổi trẻ Online về việc "nhà đầu tư điện gió 'kêu cứu' Thủ tướng vì nguy cơ phá sản do… chờ cơ chế", Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Công Thương "kiểm tra và xử lý ngay". Nhưng những quy định bất cập vẫn chưa được tháo gỡ đang đẩy nhà đầu tư điện gió tiếp tục rơi vào cảnh bế tắc.
Đề xuất cơ chế, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí Việt Nam Đề xuất cơ chế, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, mặt trời, điện khí Việt Nam

Trên cơ sở các nội dung tham luận và các ý kiến thảo luận tại “Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai - Hướng tới trung hòa các bon - Cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí” được tổ chức hồi đầu tháng 4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương... một số nội dung liên quan về cơ chế, chính sách, công nghệ, tài chính cho các dự án năng lượng sạch Việt Nam.


Bốn nhà đầu tư điện gió tại các dự án điện gió Nhơn Hội, Nam Bình 1, Cầu Đất và Tân Tấn Nhật liên tiếp gửi kiến nghị tới Chính phủ, bộ, ngành liên quan, đề nghị sớm đưa dự án vào vận hành thương mại (COD).

Không như sự mong đợi của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã dẫn ra các quy định hiện hành tại Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và Thông tư 02/2019/TT-BCT về phát triển dự án điện gió, nhưng vẫn chưa có báo cáo kiến nghị, đề xuất hướng giải quyết cụ thể. Mặc dù các nhà đầu tư đã cho rằng: Các quy định trên là bất cập và mâu thuẫn.

Trên thực tế, đến nay khi Quyết định 39 đã hết hiệu lực, nhưng 7 tháng trôi qua vẫn chưa có một hướng xử lý rõ ràng, khiến nguồn năng lượng này bị lãng phí.

Những cột điện gió xây dựng xong rồi... để đó:

Điều đáng nói là giữa bối cảnh nguy cơ thiếu điện sắp tới, khi mọi hoạt động kinh tế - xã hội đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, có một nghịch lý là hàng loạt cột điện gió đã hoàn thành, sẵn sàng cung ứng điện để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, lại rơi vào cảnh… "đắp chiếu".

Một trong những "địa chỉ" đầu tư sôi động bậc nhất ở Nam Trung bộ, ngay tại nơi được xem là "mặt tiền" của Khu kinh tế Nhơn Hội, những cột điện gió của dự án điện gió Nhơn Hội đã được lắp đặt hoàn thiện dọc dãy núi Phương Mai, "đứng yên bất động" trong nhiều tháng qua.

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế
6 tua bin trong giai đoạn 1 hướng nhìn về phía Eo Gió (xã Nhơn Lý, Thành phố Quy Nhơn) đã được vận hành thương mại trước đó.

Đứng từ chân cột điện gió, ông Trần Đức Lưu - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và Xây dựng (thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội - Bình Định), chia sẻ với Tuổi trẻ: Có không ít nhà đầu tư khi đến đây đã đặt câu hỏi tại sao những cột điện gió kia "bất động" lâu đến vậy, và bày tỏ lo ngại liệu cơ chế, chính sách có gì vướng mắc, bất cập khiến cho dự án chưa thể đi vào vận hành?

"Nhà đầu tư thường nhìn vào các dự án khác, những dự án đã được thực hiện để đánh giá về hiệu quả, xem các cơ chế, chính sách có được kịp thời tháo gỡ hay không. Nhưng rồi những cột điện gió cứ đứng im mãi khiến chúng tôi rất… sốt ruột, bởi tạo ra hình ảnh không tốt cho địa phương, dù chính quyền đã nỗ lực tháo gỡ" - Ông Lưu bày tỏ.

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế
Các tua bin gió chưa được vận hành thương mại trong dự án Nhơn Hội 2 cần bảo dưỡng thường xuyên để luôn sẵn sàng cho khâu thử nghiệm cuối cùng.

Nhưng không chỉ là nỗi sốt ruột, ông Huỳnh Văn Luận - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng FICO Bình Định - chủ đầu tư của điện gió Nhơn Hội, cho biết: Dự án có tổng công suất 60 MW (gồm 12 tua bin) được chia làm 2 giai đoạn, đến nay mới chỉ một nửa đi vào vận hành thương mại (COD), khiến nhà đầu tư thiệt hại mỗi ngày lên tới hàng trăm triệu đồng và phải giải quyết các tranh chấp, nợ nhà thầu chưa trả được, trong khi ngân hàng rốt ráo thu hồi tiền gốc và lãi vay.

Ông nhớ lại, hồi giữa tháng 10/2021 khi mọi hạng mục đã hoàn thành, chỉ còn khâu cuối là thử nghiệm thì áp thấp nhiệt đới, kèm mưa lớn đi qua nên không thể thực hiện và dự án "đóng băng" từ đó.

Trong khi, nếu có thể kịp vận hành, với 6 trụ tua bin mỗi ngày phát 336.000 kWh điện, tương ứng doanh thu là 650 triệu đồng, không chỉ tạo ra doanh thu, mà còn cung ứng nguồn điện cho địa phương và đồng thời đóng góp cho thu ngân sách mỗi năm gần 19 tỉ đồng.

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế
Dự án Nhà máy điện gió Nam Bình 1 chính thức khởi công từ tháng 5/2021, đã hòa lưới điện quốc gia từ ngày 29/10/2021, nhưng vẫn “đắp chiếu” vì chưa được công nhận vận hành thương mại.

Cũng trong tình cảnh tương tự, tại dự án điện gió Nam Bình 1 (Đắk Nông) là khung cảnh "đìu hiu" vắng lặng của 9 cột điện gió có tổng công suất 29,7 MW. Ông Lương Duy Nam - Giám đốc dự án Công ty cổ phần Nam Bình cho biết: Dù đã đóng điện thành công trạm biến áp và hòa lưới toàn bộ nhà máy vào lưới điện quốc gia (từ ngày 29/10/2021), nhưng đáng tiếc, do thử nghiệm kỹ thuật không đạt vì vận tốc gió thời điểm đó đang thấp, nên nhà máy không được công nhận COD.

Đến nay, dự án vẫn "đắp chiếu", doanh thu mỗi tháng dự kiến từ 10 - 15 tỉ đồng là con số 0, trong khi Công ty vẫn phải bỏ ra chi phí quản lý dự án, thuê hàng chục chuyên gia, kỹ sư để vận hành trạm biến áp, bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ cho các trụ tua bin, trả lãi và gốc vay ngân hàng với hàng chục tỉ đồng. Một trong các đặc điểm đối với các dự án điện gió, là các chủ đầu tư đều phải thuê chuyên gia nước ngoài (nhà thầu cung cấp các tua bin điện gió) bảo dưỡng vận hành các trụ tua bin điện gió khi đưa vào vận hành với chi phí cao, điều mà các chuyên gia trong nước chưa đảm đương được.

"Chúng tôi đang phải chi thường xuyên dù không có nguồn thu nào từ dự án và đã phá sản về phương án tài chính, gây lãng phí rất lớn về nguồn lực, ảnh hưởng tâm lý rất lớn. Doanh nghiệp chỉ biết chờ đợi, dù đã có chỉ đạo từ phía Chính phủ, nhưng vẫn không có một hướng đi rõ ràng" - Ông Nam mong muốn ít nhất dự án được sớm đi vào vận hành, trước hết ghi nhận sản lượng điện phát lên lưới trong khi chờ cơ chế.

Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận cho hay: Có tới 1/3 dự án điện gió (trên tổng số đã đăng ký) không thể về đích khi Quyết định 39/2018/QĐ-TTg đã hết hiệu lực (từ 01/11/2021).

Nhiều tháng nay, cơ quan nhà nước cũng chưa ban hành cơ chế chuyển tiếp hay định hướng rõ ràng, khiến cho các nhà đầu tư… mòn mỏi chờ đợi.

Trong khi đó, cơ chế giá FIT cũ có thể sẽ không được áp dụng, mà sẽ thay bằng cơ chế mới, nhưng cái khó của nhà đầu tư là dự án được tính toán theo cơ chế giá cũ, nên thiệt hại là "vô cùng lớn". Bởi theo ông Thịnh, đa phần các dự án đều phải vay vốn ngân hàng với phương án giá FIT, phải chịu sức ép trả lãi và gốc, nhưng nhiều tháng không có doanh thu, nên rất khó khăn.

Ông Thịnh cũng cho rằng: Thực tế này gây ra sự lãng phí rất lớn khi những dự án đã gần hoàn thành thì phải "đắp chiếu", khiến nhà đầu tư rất khó khăn. Chính sách thì quá ngắn hạn trong khi đầu tư cần có cơ chế dài hơi hơn, khi đằng sau doanh nghiệp là ngân hàng, hệ thống chuỗi cung ứng, người lao động, nguồn lực của cải đang không được đưa vào phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

Vướng mắc từ quy định bất cập, thiếu nhất quán?

Theo chủ đầu tư, các quy định tại Quyết định, Thông tư nêu trên hiện không phù hợp với thực tiễn, thậm chí còn xung đột, thiếu nhất quán. Tình trạng văn bản pháp quy chồng chéo, mâu thuẫn là trái tim thần pháp luật như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội: "Phải tiếp tục đổi mới để tránh tình trạng luật khung, luật ống, nhất là tránh việc quy định cứng, chi tiết trong luật, dẫn đến bất cập trong cuộc sống".

"Đưa vào các quy định cứng, chi tiết trong luật, cài cắm các điều kiện kỹ thuật, điều kiện kinh doanh trong các Thông tư, Nghị định là rất thực tế. Như với lĩnh vực điện gió, những yêu cầu cứng về công nhận vận hành thương mại liên quan đến thử nghiệm kỹ thuật là ví dụ điển hình, đẩy nhà đầu tư rơi vào rủi ro" - Một nhà đầu tư chia sẻ.

Những dự án điện gió nghìn tỉ của Việt Nam chờ cơ chế
Dự án điện gió Nhơn Hội gồm 12 tua bin (được chia thành hai giai đoạn), hiện mới chỉ một nửa được đưa vào vận hành thương mại khiến chủ đầu tư chịu nhiều thiệt hại.

Trong trường hợp này, Bộ Công Thương dẫn ra các yêu cầu để công nhận COD cho các nhà máy điện gió là phải đáp ứng các điều kiện như: Thử nghiệm kỹ thuật, có giấy phép hoạt động điện lực… Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án trên cho rằng: Quy định trên là bất cập và thiếu nhất quán với những văn bản khác.

Cụ thể, tại Quyết định số 25/2019 về ban hành quy trình thử nghiệm và giám sát thử nghiệm do Bộ Công Thương ban hành, đã quy định với các nhà máy điện gió: Nếu trong thời gian thử nghiệm, nguồn năng lượng sơ cấp không đạt được các mức công suất thử nghiệm, thì được phép thử nghiệm đến mức công suất tối đa theo sự sẵn sàng của nguồn năng lượng sơ cấp.

Quy trình này cũng quy định: Việc chạy thử, nghiệm thu là quá trình thực hiện các thử nghiệm sau ngày đóng điện lần đầu để đo đạc, kiểm tra và chuẩn xác thông số vận hành, đặc tính kỹ thuật của thiết bị điện. Vì vậy, việc thử nghiệm có thể tiến hành khi nguồn năng lượng sơ cấp sẵn sàng, nhưng không quá 1 năm kể từ ngày đóng điện lần đầu.

Nhưng trong Quyết định 39/2018 và Thông tư 02/2019 lại quy định "cứng" về thử nghiệm kỹ thuật mà không tính đến các yếu tố bất lợi, bất khả kháng như thời tiết, đóng mọi hoạt động do đại dịch. Do đó, doanh nghiệp cho rằng: Việc quy định cứng nhắc các yêu cầu này trước ngày vận hành thương mại là không hợp lý.

Cũng bởi quá trình thử nghiệm với dự án năng lượng tái tạo luôn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng sơ cấp, nên nếu quy định quá cứng, hoặc hướng dẫn không rõ ràng, thiếu nhất quán như trên, có thể làm giảm tính minh bạch của quy định pháp luật, tăng rủi ro cho nhà đầu tư.

Chưa kể, theo một nhà đầu tư, trong hợp đồng mua bán điện (PPA) do EVN đưa ra, các quy định về điều kiện công nhận ngày vận hành thương mại điện mặt trời cũng đã được cắt giảm từ 9 thử nghiệm còn 3 thử nghiệm so với Quyết định 25/2019 mà không có cơ sở.

Do vậy, trong các đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, chủ đầu tư 4 dự án trên không những đề xuất công nhận COD cho các dự án vào ngày 31/10/2021, mà còn đề nghị EVN và Bộ Công Thương sửa đổi các điều kiện công nhận COD để phù hợp với thực tế, tránh những lý do khách quan, không nhất quán giữa các quy định.

Kiến nghị sớm đưa dự án vào vận hành thương mại:

Trong văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ Công Thương, đã chuyển nội dung kiến nghị liên quan đến ngày vận hành thương mại của Nhà máy điện gió Nhơn Hội, đề nghị xem xét giải quyết theo quy định.

Cũng tại tổng hợp ý kiến, kiến nghị tại Kỳ họp thứ 3 (Quốc hội khóa XV) của UBND tỉnh Bình Định gửi Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có nêu thực trạng dự án điện gió Nhơn Hội không thể đi vào vận hành thương mại do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và mưa lớn kéo dài trên địa bàn, ảnh hưởng tiến độ thi công dự án, thực hiện các thử nghiệm kỹ thuật. Việc dự án không thể đi vào vận hành đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, bất ổn tranh chấp, kiện tụng và có nguy cơ phá sản. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị sớm đưa dự án vào vận hành phát điện thương mại, phát huy hiệu quả đầu tư, đóng góp ngân sách và giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương, tránh lãng phí hàng nghìn tỉ đồng.

Hiện tại các chủ đầu tư đang mong chờ sự giải quyết của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Thủ tướng Chính phủ cần có định hướng cụ thể xử lý các vướng mắc để Bộ Công Thương có cơ sở kiến nghị đề xuất. Do Quyết định 39/2018/QĐ-TTg thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ban hành, nên nếu văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến đề nghị Bộ "xem xét giải quyết theo quy định" thì Bộ Công Thương cũng vào thế khó, bởi các quy định đều là các "quy định cứng" và có những điểm không thuộc thẩm quyền của cấp Bộ.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương cần kịp thời có hướng tháo gỡ, cho phép các dự án được phát điện, không để các chủ đầu tư điện gió đã hoàn thành xây dựng nêu trên lâm vào thế tuyệt vọng và làm lãng phí tài nguyên năng lượng./.

NGỌC AN

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động