Những công việc cuối cùng trên công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á
15:45 | 23/11/2012
>> Thủy điện Sơn La trước ngày về đích
>> Thống nhất kế hoạch nghiệm thu khánh thành Thủy điện Sơn La
Công trình không chỉ cung cấp nguồn điện năng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, mà còn góp phần chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa kiệt cho cả vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trên thượng lưu của đập Nhà máy thủy điện Sơn La thời điểm này, lòng hồ rộng thênh thang, đảm bảo nguồn nước cho việc phát điện cả 6 tổ máy. Ngày 26/9 vừa qua, tổ máy số 6 - tổ máy cuối cùng của Nhà máy thủy điện Sơn La, đã chính thức phát điện hòa lưới điện quốc gia, thời khắc này đã đánh dấu bước cuối cùng của toàn bộ giai đoạn lắp máy.
Theo như kế hoạch ban đầu, phải đến 3 năm nữa, công trình thủy điện Sơn La mới có thể khánh thành, nhưng thời gian đó đã được những người thợ xây dựng thủy điện vượt qua để đem lại lợi ích 1,5 triệu USD cho Nhà nước.
Toàn cảnh Nhà máy nhìn từ trên cao |
Ông Thái Phụng Nê, phái viên Chính phủ, Phó Ban chỉ đạo Nhà nước dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu cho biết: Để có được kết quả như hôm nay, đó là cả sự phấn đấu rất bền bỉ, cố gắng hết sức của tập thể những người tham gia vào việc xây dựng, lắp máy và đưa tổ máy vào làm việc. Phải nói họ có quyết tâm rất cao để thực hiện bằng được tiến độ mà Thủ tưởng Chính phủ đã phê duyệt”.
Ngược dòng thời gian, năm 2005, công trình thủy điện Sơn La chính thức khởi công, một khối lượng công việc đồ sộ với 6 tổ máy, mỗi tổ máy 400 MW. Trên công trường thường xuyên có 8.000 đến 10.000 người làm việc, những lúc cao điểm đã lên tới 15.000 người.
Để có công trình thế kỷ này, những người thợ ở đây phải đào hơn 16 triệu m3 đá, xúc vận chuyển trên 20 triệu m3 đất đá, đầm 2 triệu m3 đất nền, đổ gần 6 triệu m3 bê tông (trong đó có 2,7 triệu m3 bê tông đầm lăn), lắp đặt trên 115.000 tấn thiết bị. Tất cả những phần việc đó đã được hoàn thành sau 7 năm thi công miệt mài không kể ngày đêm, mưa nắng. Giờ đây thì một công trình thủy điện hoành tráng đã sừng sững giữa núi đồi Tây Bắc.
Tại phòng điều khiển trung tâm của Công ty thủy điện Sơn La, 15 kỹ sư đang miệt mài với công việc của mình. Anh Đinh Thanh Hiện, ca trưởng cho biết: Tại đây sẽ theo dõi toàn bộ hoạt động của Nhà máy, từ việc phát điện của các tổ máy, giám sát độ an toàn tại các bộ phận, đến các hoạt động xung quanh Nhà máy. Công việc đòi hỏi sự tỷ mỷ, chính xác nên anh em trong phòng luôn làm việc theo phương châm “3 ca, 5 kíp”.
Tính đến thời điểm này, thủy điện Sơn La đã phát lên lưới điện quốc gia gần 12.000 tỷ kWh điện, nộp ngân sách cho 3 tỉnh Sơn La - Điện Biên - Lai Châu và quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam trên 1.200 tỷ đồng. Đây là nguồn đóng góp đáng kể, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho các tỉnh trong vùng dự án.
Để chuẩn bị cho ngày khánh thành Nhà máy, ngoài việc vận hành ổn định 6 tổ máy hiện nay, Ban quản lý Nhà máy thủy điện Sơn la, Công ty Thủy điện Sơn La, các đơn vị thi công đang hoàn thiện các công việc cuối cùng như: chỉnh trang cổng chào, tuyến đường đi vào Nhà máy, hoàn thiện bức phù điêu lớn trước cổng nhà máy khắc họa lại khung cảnh cuộc sống người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La, đến quá trình xây dựng Nhà máy...
7 năm, một sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của những người thợ xây dựng thủy điện Sơn La để thi công hoàn thành một công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á, với 6 tổ máy, công suất 2.400MW là điều đáng ghi nhận và trân trọng.
Con số tiết kiệm 1,5 triệu USD cho việc vượt tiến độ 3 năm càng làm cho chúng ta tự hào và khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng thủy điện.
CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM
Tổng thống Putin sẽ cách chức Thủ tướng Medvedev?
Trước khi đổ vỡ: Vinashin, Vinalines vẫn xếp loại A!
Lập ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng bí thư đứng đầu
Hộ chiếu in 'đường lưỡi bò’: Mưu toan thâu tóm Biển Đông
Theo: VOV