RSS Feed for Nhu cầu than Việt Nam đến năm 2050 [kỳ 2]: Khai thác trong nước và nhập khẩu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 13:41
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhu cầu than Việt Nam đến năm 2050 [kỳ 2]: Khai thác trong nước và nhập khẩu

 - Trên cơ sở tài nguyên, trữ lượng, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác các mỏ, dự kiến khả năng khai thác than (nguyên khai) tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đạt từ 48 - 55 triệu tấn/năm, sau đó giảm dần còn khoảng 51 - 52 triệu tấn vào giai đoạn năm 2035 - 2045. Để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất của các ngành kinh tế, Việt Nam dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50 - 83 triệu tấn vào giai đoạn năm 2025 - 2035 và giảm dần còn khoảng 32 - 35 triệu tấn vào năm 2045.
Nhu cầu than Việt Nam đến năm 2050 [kỳ 1]: Các dự báo trong quy hoạch và chiến lược Nhu cầu than Việt Nam đến năm 2050 [kỳ 1]: Các dự báo trong quy hoạch và chiến lược

Nội dung chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề cập 3 vấn đề chính: (1) Dự báo nhu cầu than đến năm 2045 - 2050 của Việt Nam thông qua 2 tài liệu: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050; (2) Định hướng phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam và tăng cường nhập khẩu than phục vụ nhu cầu trong nước đến năm 2035 - 2045; (3) Đề xuất cơ chế, chính sách của Nhà nước, các giải pháp của ngành than và các doanh nghiệp khai thác, tiêu thụ, nhập khẩu than đáp ứng nhu cầu than trong nước. Rất mong nhận được sự chia sẻ của bạn đọc.

KỲ 2: PHƯƠNG HƯỚNG ĐÁP ỨNG NHU CẦU THAN ĐẾN NĂM 2045 - 2050 CỦA VIỆT NAM

Tình hình khai thác trong nước và tiêu thụ than thời gian qua:

Hiện nay, ngành than gồm hai đơn vị sản xuất than chính là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, chiếm khoảng trên dưới 95% tổng sản lượng than toàn ngành. Tình hình tiêu thụ than trong nước và xuất khẩu của các đơn vị trên như sau:

- Trong những năm vừa qua (từ 2011 - 2021) đã ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm dần xuất khẩu than và chỉ xuất khẩu loại than trong nước chưa có nhu cầu, hoặc nhu cầu ít sử dụng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

- Than tiêu thụ trong nước tăng nhanh từ khoảng 27,8 triệu tấn năm 2011 (chiếm 62,2% tổng lượng than tiêu thụ) lên 38,77 triệu tấn năm 2015 (chiếm 96,8% tổng lượng than tiêu thụ) và khoảng 53,52 triệu tấn năm 2021 (chiếm 96,7% tổng lượng than tiêu thụ). Như vậy, khối lượng than tiêu thụ hiện nay tăng gấp trên 2 lần so với năm 2011.

- Than xuất khẩu giảm từ 17 triệu tấn năm 2011 xuống còn khoảng 1,0 - 2,0 triệu tấn vào các năm 2015 - 2021.

- Tổng khối lượng than tiêu thụ (tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) giảm từ 44,7 triệu tấn năm 2011 còn khoảng 39 - 41 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2012 - 2017, sau đó tăng nhanh đến khoảng 52 - 54 triệu tấn vào các năm từ 2019 - 2021.

Dự kiến sản lượng khai thác trong thời gian tới:

Trên cơ sở tài nguyên, trữ lượng, điều kiện địa chất và công nghệ khai thác các mỏ, dự kiến khả năng khai thác than (nguyên khai) tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đạt từ 48 - 55 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 43 - 48 triệu tấn than thương phẩm/năm), sau đó giảm dần còn khoảng 51 - 52 triệu tấn (tương đương khoảng gần 45 - 47 triệu tấn than thương phẩm) vào giai đoạn năm 2035 - 2045 [1].

Theo [2] thì sản lượng than khai thác trong nước đến năm 2050 dự báo như sau (nghìn tấn): năm 2025: 46.529; 2030: 47.872; năm 2035: 42.526; năm 2040: 40.146; năm 2045: 38.708; năm 2050: 32.970.

Kể cả 2 tài liệu (Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050) đều dự báo sản lượng than khai thác trong nước đến năm 2045 đều rất thấp so với nhu cầu.

Kế thừa kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, ngoài việc nỗ lực đáp ứng nhu cầu sử dụng than của các hộ tiêu thụ trong nước, ngành than Việt Nam cần nghiên cứu, triển khai biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến, sử dụng than theo hướng giảm phát thải, đảm bảo an toàn môi trường, góp phần phát triển ngành than bền vững.

Tiếp tục tăng cường nhập khẩu than phục vụ nhu cầu trong nước:

1. Đánh giá tình hình nhập khẩu than trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay:

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Các năm 2011 và 2012, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,0 triệu tấn; từ năm 2013 lượng than nhập khẩu tăng lên do nhu cầu nhập khẩu than nhiệt tăng dần qua các năm, tăng từ 2,3 triệu tấn vào năm 2013 lên khoảng 54,8 triệu tấn vào năm 2020. Riêng năm 2021 than nhập khẩu giảm khoảng 18,5 triệu tấn so với năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn tới nhu cầu giảm. Việc nhập khẩu than trong những năm vừa qua với mục tiêu chính là:

- Trực tiếp đáp ứng nhu cầu của các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký, nhất là các nhà máy nhiệt điện than.

- Chế biến, pha trộn với than trong nước thành các sản phẩm than phù hợp với nhu cầu các hộ tiêu thụ theo hợp đồng đã ký.

Để đa dạng hóa nguồn than và nâng cao năng lực cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước, từ năm 2015 trở lại đây, TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã tiến hành tìm kiếm các nguồn than nhập khẩu có khả năng phối trộn với các loại than sản xuất trong nước để chế biến ra những loại than có thông số kỹ thuật phù hợp với nhu cầu của các hộ tiêu thụ. Than nhập khẩu để phối trộn chủ yếu là các loại than antraxit, bán antraxit, than nhiệt năng chất bốc thấp. Nguồn than Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ các nước In-đô-nê-xi-a, Úc, Nga... Ngoài ra, than cho luyện kim được nhập từ Trung Quốc.

Bảng 1: Sản lượng và giá trị than nhập khẩu về Việt Nam:

Nhu cầu than Việt Nam đến năm 2045-2050 [kỳ 1]: Chiến lược và quy hoạch

Nguồn: Cục CNTT và Thống kê Hải quan - Tổng cục Hải quan.

2. Nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nan giai đoạn đến năm 2045:

Để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất của các ngành kinh tế trong nước, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50 - 83 triệu tấn vào giai đoạn năm 2025 - 2035 và giảm dần còn khoảng 32 - 35 triệu tấn vào năm 2045. Cụ thể nêu ở bảng 2.

Bảng 2: Dự báo nhu cầu nhập khẩu than trong trong giai đoạn đến năm 2045 (đơn vị tính: 1.000 tấn):

TT

Nội dung

2025

2030

2035

2040

2045

I

KỊCH BẢN CƠ SỞ

1

Than thương phẩm SX trong nước

45.829

46.073

42.264

42.021

44.581

a

Phục vụ xuất khẩu

2.270

2.127

2.024

1.891

4.135

b

Phục vụ nhu cầu trong nước

43.559

43.946

40.240

40.130

40.446

2

Tổng nhu cầu than trong nước

94.629

124.371

114.760

101.826

73.303

3

Nhu cầu than nhập khẩu [(1)-(2)]

51.070

80.425

74.520

61.696

32.857

II

KỊCH BẢN CAO

1

Than thương phẩm SX trong nước

45.829

46.073

42.264

42.021

44.581

a

Phục vụ xuất khẩu

2.270

2.127

2.024

1.891

4.135

b

Phục vụ nhu cầu trong nước

43.559

43.946

40.240

40.130

40.446

2

Tổng nhu cầu than trong nước

97.509

127.550

118.669

105.791

76.441

3

Nhu cầu than nhập khẩu [(1)-(2)]

53.950

83.604

78.429

65.661

35.995

Kỳ tới: Dự báo thị trường thế giới và giải pháp đáp ứng nhu cầu than đến năm 2050 của Việt Nam

PGS,TS. NGUYỄN CẢNH NAM - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM; KHOA QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP VÀ NĂNG LƯỢNG - EPU


Tài liệu tham khảo:

[1] Chiến lược phát triển ngành công nghiệp than Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Công Thương, 6-2022.

[2] Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Dự thảo tháng 2-2023. Bộ Công Thương.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động