"Nguồn lực phát triển điện gió trong khối APEC còn yếu"
23:20 | 04/10/2016
Ra mắt Sổ tay Hướng dẫn đầu tư điện gió
Công suất điện gió của Ninh Thuận dự kiến tới 1.429 MW
Nhận định được đưa ra tại Hội thảo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) về thông lệ đổi mới với phát triển năng lượng gió do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức trong hai ngày 4 và 5/10.
Bộ Công Thương cho rằng, năng lượng gió ngày càng đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình phát triển an toàn, bền vững cũng như bảo đảm an sinh xã hội trên thế giới và tại các khu vực.
Xét khía cạnh an ninh năng lượng, năng lượng gió là nguồn năng lượng khổng lồ tại chỗ, luôn sẵn sàng, không tốn chi phí nhiên liệu, không mang các rủi ro địa chính trị, không phụ thuộc nhiên liệu nhập khẩu với giá cả thất thường và từ các vùng bất ổn.
“Điều này lại càng quan trọng đối với các nền kinh tế APEC đang phát triển, vốn có hạn chế về nguồn lực kinh tế”, theo đánh giá của Bộ Công Thương.
Thực tế thời gian qua năng lượng gió là nguồn năng lượng phát triển nhanh nhất với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm xấp xỉ 29% trên phạm vi toàn cầu.
Nếu xét tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ cho phát triển kinh tế, Việt Nam có tới 41% diện tích nông thôn có thể phát triển điện gió cỡ nhỏ, trong khi con số này của Campuchia là 6%, Lào có 13% và Thái Lan là 9%.
Tuy nhiên, “lợi thế này cho tới nay vẫn chưa được tận dụng triệt để và hiệu quả”, theo Bộ Công Thương.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Công Thương, là do đa số nền kinh tế đang phát triển trong APEC đều có đặc điểm là sự thiếu và yếu cơ sở hạ tầng và kiến thức chuyên môn, sự nghèo nàn về kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình quản lý và vận hành toàn bộ máy hoạt động, sự hạn chế của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực về công nghệ và tài chính.
Hơn nữa, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên nên năng lượng gió mang tính bất ổn cao, chi phí đầu tư, duy tu, bảo dưỡng thiết bị lớn và chưa phổ biến; chuỗi cung ứng trên thị trường, phục vụ việc sản xuất nguyên liệu đầu vào và phát triển thương mại về năng lượng gió còn nhiều bất cập…
Thực tế này đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các thành viên APEC, đặc biệt là các thành viên đang phát triển trong quá trình thúc đẩy phát triển năng lượng gió.
Tại Hội thảo này, phía Hoa Kỳ giới thiệu 3 dự án được thực hiện ở 3 bang khác nhau là Califonia, Hawaii và New York.
Theo đó, Califonia là bang lớn có liên quan đến các dạng năng lượng khác nhau, như gió, mặt trời và các vấn đề bảo vệ môi trường.
Bang này có một điểm giống Việt Nam là có chiều dài bờ biển tương đương Việt Nam, khoảng 1.800 km, rộng 360 km. Đây cũng là bang lớn nhất Hoa Kỳ về dân số, hơn 35 triệu người.
Tuy nhiên, Bang Califonia có sự cam kết lâu dài đối với năng lượng mới, về việc không thay đổi mạng điện. Ngoài ra, mọi quyết định được thực hiện ở địa phương cấp quận. Giải pháp cuối cùng sẽ được Ủy ban Thiết bị công cộng phê chuẩn.
Nhìn từ góc độ chính sách, các quy tắc mới về môi trường của bang và liên bang có thể ngăn cản hoặc cấm việc xây dựng các trạm điện gió mới.
Thực trạng Bang Hawaii tương tự Việt Nam, chỉ có một thiết bị. Trong khi đó, Bang New York lại là một bang có mật độ dân cư dày đặc, nên đã có một chính sách rất thách thức về phát triển năng lượng mới.
Mục tiêu chung của hợp tác APEC trong lĩnh vực năng lượng là nhằm hướng tới giảm 45% cường độ sử dụng năng lượng trong khu vực vào năm 2035 và tăng gấp đôi tỷ lệ các loại hình năng lượng tái tạo trong tổng số năng lượng trong APEC vào năm 2030 theo chỉ đạo của các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Việc chia sẻ, thảo luận các thông lệ tốt về năng lượng gió, theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, là nhằm đưa ra những sáng kiến, khuyến nghị có ý nghĩa nhằm tối đa hóa hiệu quả của hợp tác chính sách thông qua việc xác định những rào cản đối với lĩnh vực năng lượng gió và đề xuất các giải pháp chính sách hợp hợp tác APEC thời gian tới.
“Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo lên các diễn đàn liên quan của APEC nhằm sớm biến định hướng chính sách thành hiện thực”, ông Lương Hoàng Thái cho biết.
SONG ANH