Ngành Than tìm cách giữ chân thợ lò
22:46 | 10/06/2014
>> Vinacomin yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh đào lò và bóc xúc đất đá
>> Vinacomin cơ bản hoàn thành các thủ tục thoái vốn
>> Tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn
>> Ngành Than tăng cường bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ
Theo một kết quả khảo sát mới đây do Công đoàn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) phối hợp với Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam thực hiện cho thấy: khi được hỏi “liệu có thiết tha gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không” thì có tới 48,3% số công nhân có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng đều cho biết “không”; đối với công nhân có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng thì câu trả lời tương tự cũng chiếm 37,9% số người được hỏi.
Đây cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên khi hiện nay việc khai thác than càng ngày càng vất vả, hầm lò phải đào sâu hơn vào lòng đất từ -300m đến -500m. Trong khi đó, tiêu thụ than cũng khó khăn, khiến thu nhập của công nhân cũng giảm sút rõ rệt.
Là một trong những đơn vị mạnh hiện nay trong ngành Than, nhưng Công ty than Mông Dương cũng không thể tránh khỏi thực tế này. Tuy nhiên, thời gian qua, lãnh đạo Công ty đã chủ động nắm bắt những khó khăn trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của anh em công nhân thợ lò, từ đó đã đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm thu hút người lao động và gắn bó bền vững với đơn vị.
Đầu tiên, lãnh đạo Công ty xác định, nếu không lo được 2 điều cơ bản nhất “nơi ăn, chốn ở” cho người lao động thì thật khó mà nói chuyện giữ chân họ. Do vậy, toàn bộ 2 dãy tập thể cũ kỹ từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã được đập bỏ để đầu quý III tới, dự án nhà ở cho công nhân sẽ được khởi công. Theo thiết kế khu nhà ở sẽ có 3 lô, mỗi lô 9 tầng, với tổng số công nhân được bố trí vào ở lên tới 1.000 người. Tổng mức đầu tư trên 150 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, một số công trình phúc lợi như: nhà giao ca, khu tắm giặt, nhà ăn, sân bóng đá, công viên và tượng đài thợ mỏ… cũng được xây dựng và đầu tư các trang thiết bị đầy đủ. Khu nhà ăn tập thể 3 tầng, với 350 chỗ ngồi được xây dựng khang trang, rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Bữa ăn tự chọn hằng ngày của thợ mỏ Mông Dương có tới gần 20 món ăn, gồm cả hoa quả tráng miệng; mức ăn của cán bộ công nhân viên là 30.000 đồng/suất; riêng thợ lò có mức ăn 65.000 đồng/suất và một suất ăn ca. Bên cạnh đó, thợ mỏ Mông Dương còn được đưa đón đến tận nơi làm việc bằng xe ôtô điều hòa. Để phục vụ nhu cầu thông tin văn hóa, xã hội của cán bộ công nhân, hệ thống đài truyền thanh, thư viện, nhà rèn luyện thể thao, nhà sinh hoạt văn hóa, công viên… được đầu tư nâng cấp và nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong sản xuất, Công ty đã cơ giới hóa trong công tác đào, chống lò và khai thác để giải phóng lao động cơ bắp, tăng năng suất đào lò 1,3-1,5 lần, bảo đảm an toàn cho người và thiết bị. Các bộ phận phục vụ luôn duy trì tốt việc cấp nước uống thông qua hệ thống lọc tinh khiết đưa xuống tận các gương lò và lò chợ phục vụ thợ lò… Với tất cả điều kiện như vậy, hiện thu nhập người lao động Than Mông Dương luôn cao nhất nhì Tập đoàn. Nếu duy trì ổn định việc làm đủ 20 công, công ty đảm bảo thu nhập và đời sống cho người lao động với mức bình quân 10 triệu đồng/người/tháng, riêng thợ lò 13 triệu đồng.
Để đảm bảo nguồn nhân lực là đội ngũ thợ cho Công ty trong hiện tại và những năm tiếp theo, Công ty còn trực tiếp đến các địa phương để tuyển dụng thợ lò. Theo đó, ngoài việc công ty tổ chức các hoạt động trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như: Vân Đồn, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đầm Hà… Công ty đã cử cán bộ đến các gia đình, các cơ quan đoàn thể của địa phương để tuyên truyền chính sách ưu đãi đối với nam thanh niên ở độ tuổi lao động khi tham gia học nghề để ra trường trở thành thợ mỏ của công ty.
Dù điều kiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng Công ty Than Khe Chàm luôn tạo mọi điều kiện, chăm lo chu đáo đến đời sống của người lao động, đặc biệt là lực lượng thợ lò như tích cực cải thiện điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại, sức khỏe của thợ lò… Hiện nay, ngoài đảm bảo thực hiện tăng 5% lương cho thợ lò so với năm 2013 theo quy định của Tập đoàn, Công ty cũng có quy chế khuyến khích riêng cho những thợ lò có bậc thợ cao, có thâm niên công tác. Ngoài ra, Công ty còn tổ chức kết nghĩa, thành lập câu lạc bộ kết bạn với Công ty Giầy da Cẩm Phả - nơi có số lượng nữ trẻ tuổi đông, từ đó giúp thợ lò của Khe Chàm có điều kiện giao lưu, sớm “an cư lạc nghiêp” để yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị. Mặt khác, để tuyển sinh thợ lò, trực tiếp lãnh đạo Công ty phối hợp cùng với Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm đến tận các vùng Tiên Yên, Ba Chẽ… để vận động, tuyên truyền.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, Vinacomin đã đặt trọng tâm vào cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Cụ thể hơn, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới hóa công suất lớn trong các khâu khoan, xúc bốc và vận tải; các khâu sàng tuyển, nhiệt điện, luyện kim đều có sự đầu tư đáng kể nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc của người lao động.
Đồng thời, để đảm bảo tiền lương thu nhập cho người lao động, Tập đoàn đã tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2010, HĐTV Tập đoàn đã có nghị quyết về lộ trình tăng tiền lương cho người lao động theo từng giai đoạn; đặc biệt với thợ lò thực hiện lộ trình tăng lương bình quân hàng năm từ 5 đến 10%. Từ 1/1/2014 này, Tập đoàn đang thực hiện tăng tiền lương cho thợ lò 5% so với năm 2013.
NGUYỄN TÂM (Tổng hợp)