RSS Feed for Ngành Than nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 19:42
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Than nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của năm

 - Cơ bản hoàn thành các thủ tục thoái vốn, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp diễn ra đúng lộ trình, thúc đẩy công tác đào lò và bóc xúc đất đá, giải quyết vẫn đề tiêu thụ than, giữ chân thợ lò bằng cách quan tâm hơn nữa đến đời sống vật chất tinh thần của người lao động… là kết quả sự nỗ lực của các đơn vị ngành Than trong 6 tháng vừa qua. Cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), các đơn vị thành viên đang dốc sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2014.

>> Vinacomin tìm giải pháp thu hút thợ lò
>> Vinacomin yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh đào lò và bóc xúc đất đá
>> Vinacomin cơ bản hoàn thành các thủ tục thoái vốn

Chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp

Phó Tổng giám đốc Vinacomin - Nguyễn Văn Biên cho biết, thời điểm này có 3 trong số 6 doanh nghiệp đã tiến hành xong việc xác định giá trị doanh nghiệp để báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án cổ phần hóa vào cuối năm 2014. Đó là: Tổng công ty Khoáng sản, Tổng công ty Điện lực và Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, đều có số vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng. Sau một thời gian tích cực tìm kiếm, đàm phán, hiện đã có một số nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước lên tiếng quan tâm đến việc cổ phần hóa 3 tổng công ty này.

Tại Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, một số công việc chủ yếu đã được Tổng công ty xúc tiến thực hiện như: Tiến hành các thủ tục về việc sáp nhập Công ty TNHH MTV Than Khánh Hòa và Than Na Dương vào Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV - Công ty than Khánh Hòa và Công ty than Na Dương từ ngày 15/3/2014; triển khai các công tác chuẩn bị, tiến hành công tác giải thích, tuyên truyền để chuẩn bị công tác giải thể đối với 3 chi nhánh là Trung tâm xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư, Khách sạn Heritage Hà Nội, Khách sạn Mê Linh, dự kiến thời điểm ra quyết định giải thể 3 chi nhánh và tiến hành đại hội đồng cổ đông để thành lập Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Công nghiệp mỏ Việt Bắc; Tổng công ty đã ra quyết định giải thể Chi nhánh Tổng công ty tại Đồng Nai thời gian từ ngày 01/05/2014, hiện đang tiến hành liên hệ với tỉnh Đồng Nai để thực hiện các thủ tục giải thể theo quy định; thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty, họp ban chỉ đạo để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thực hiện; lập kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty và báo cáo với Tập đoàn theo quy định; lập đề án thành lập và dự thảo Điều lệ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu công nghiệp mỏ Việt Bắc để trình Tập đoàn phê duyệt…

Trong khi đó, Tổng công ty Khoáng sản (VIMICO) phấn đấu cuối tháng 9/2014, VIMICO sẽ hoàn thiện toàn bộ phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng Công ty. Và đến tháng 10/2014, Tổng công ty sẽ bắt đầu triển khai bán cổ phần. Công ty TNHH MTV than Uông Bí cho biết, từ 1/4/2014, Công ty thực hiện tái cơ cấu chuyển đổi mô hình quản lý về một cấp.

Về vấn đề thoái vốn ngoài ngành, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Biên cũng cho hay, đến thời điểm này, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành các thủ tục thoái vốn. Theo đó, Công ty tài chính của Vinacomin đã được bán cho ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Vừa qua, Vinacomin đăng ký bán hơn 8 triệu cổ phiếu, tương ứng với 8,23% vốn tại SHS để cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 4/6/2014 đến ngày 3/7/2014, thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Theo báo cáo của Vinacomin, 5 tháng đầu năm, tình hình tiêu thụ than vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, lượng than tiêu thụ của Tập đoàn đạt 16 triệu tấn, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó than xuất khẩu đạt 3,736 triệu tấn, chỉ bằng 62,6% cùng kỳ.

Theo đánh giá, thị trường tiêu thụ than trên thế giới trong thời gian qua và tới đây vẫn giảm sút, chưa phục hồi; cung vượt cầu nên có sự cạnh tranh gay gắt về cả giá thành và chất lượng than. Thêm vào đó, nhu cầu sử dụng than của một số ngành sản xuất trong nước như điện, xi măng, phân bón... giảm khiến việc tiêu thụ than của Tập đoàn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu như bóc đất, đào lò xây dựng cơ bản vẫn chưa đạt theo tiến độ đặt ra; đồng thời vẫn còn nhiều vấn đề trong công tác an toàn, quản lý bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ; tình trạng khai thác than trái phép ngày càng diễn ra hết sức phức tạp…

Để hoàn thành tốt kế hoạch tháng 6 cũng như 6 tháng đầu năm 2014, Vinacomin sẽ tập trung cho vấn đề sản lượng, tiêu thụ, phấn đấu kết thúc 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn sẽ đạt bình quân trên 52% kế hoạch năm.

Trong thời gian tới, Vinacomin sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như tiêu thụ phải gắn liền với việc thu hồi công nợ; tập trung gia công, chế biến để giảm tồn kho những chủng loại than chất lượng thấp; tổ chức thí điểm nhập khẩu than từ các nước như Nga, Triều Tiên… để nghiên cứu pha trộn với than xấu của Tập đoàn, tạo ra những chủng loại than phù hợp cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện; đẩy mạnh khai thác thị trường đa phương hơn để tăng cường tiêu thụ Alumin; trong quản trị chi phí, tập trung rà soát, kiểm tra vấn đề mua sắm vật tư của các đơn vị, các chi phí công chi cho văn phòng, hội nghị, nhất là vấn đề thăm quan nước ngoài…

Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn đã có buổi làm việc với một số đơn vị sản xuất tại vùng than Uông Bí, Cẩm Phả và Hòn Gai về thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và công tác đầu tư năm 2014. Trong đó, lãnh đạo Vinacomin đã yêu cầu các đơn vị cần đẩy mạnh hơn công tác đào lò và bóc xúc đất đá trong thời gian tới. Với những khó khăn riêng của mỗi đơn vị, Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trên cơ sở phát huy nội lực, năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tìm cách giữ chân thợ lò

Ngành Than đang đối mặt với thực tế là số thợ lò bỏ việc có xu hướng ngày càng gia tăng, trong khi việc tuyển dụng thợ lò ngày càng khó. Phải tìm mọi cách để giữ chân thợ lò, khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề đang là bài toán khó với cả ngành Than. Theo một kết quả khảo sát mới đây do Công đoàn Vinacomin phối hợp với Viện Công nhân - Công đoàn Việt Nam thực hiện cho thấy: khi được hỏi “liệu có thiết tha gắn bó lâu dài với công việc hiện tại hay không” thì có tới 48,3% số công nhân có thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng đều cho biết “không”; đối với công nhân có thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng thì câu trả lời tương tự cũng chiếm 37,9% số người được hỏi.

Đây cũng không phải điều gì quá ngạc nhiên khi hiện nay việc khai thác than càng ngày càng vất vả, hầm lò phải đào sâu hơn vào lòng đất từ -300m đến -500m. Trong khi đó, tiêu thụ than cũng khó khăn, khiến thu nhập của công nhân cũng giảm sút rõ rệt.

Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, Vinacomin đã đặt trọng tâm vào cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao tiền lương, thu nhập cho người lao động, để họ yên tâm gắn bó lâu dài. Cụ thể hơn, các đơn vị đã không ngừng đổi mới công nghệ, cơ giới hóa, hiện đại hóa các khâu sản xuất nhằm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh được triển khai trên nhiều lĩnh vực. Các mỏ lộ thiên đã sử dụng thiết bị cơ giới hóa công suất lớn trong các khâu khoan, xúc bốc và vận tải; các khâu sàng tuyển, nhiệt điện, luyện kim đều có sự đầu tư đáng kể, nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc của người lao động. 

Đồng thời, để đảm bảo tiền lương thu nhập cho người lao động, Tập đoàn đã tăng cường công tác quản lý, quản trị chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Từ năm 2010, HĐTV Tập đoàn đã có nghị quyết về lộ trình tăng tiền lương cho người lao động theo từng giai đoạn; đặc biệt với thợ lò thực hiện lộ trình tăng lương bình quân hàng năm từ 5 đến 10%. Từ 1/1/2014, Tập đoàn đang thực hiện tăng tiền lương cho thợ lò 5% so với năm 2013.

NGUYỄN TÂM (tổng hợp)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động