Vinacomin tìm giải pháp thu hút thợ lò
06:05 | 16/06/2014
>> Vinacomin yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh đào lò và bóc xúc đất đá
>> Sôi nổi hội thi thợ giỏi tại các đơn vị ngành Than
Hội nghị đã tổng kết, đánh giá công tác đào tạo năm 2013. Theo đó Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung vào 3 đối tượng chính là: đào tạo cán bộ quản lý cao cấp, trung cấp; đào tạo chuyên gia về kỹ thuật, công nghệ, quản lý; đào tạo công nhân kỹ thuật các ngành, nghề chính.
Theo báo cáo, mặc dù đã tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách đối với đào tạo nghề, song kết quả tuyển sinh các nghề mỏ hầm lò chỉ đạt 4.512 học sinh/KH 8.800 học sinh, bằng 51,3%; hệ sơ cấp nghề là 12.566 học sinh, đạt 80,7% kế hoạch; trường Quản trị Kinh doanh tổ chức đào tạo, bồi dưỡng được 84 lớp/KH 69 lớp, tăng 21,7% so với kế hoạch; chất lượng đào tạo tiếp tục được chú trọng, nâng cao. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Tập đoàn chủ trì như 2 lớp Cao cấp lý luận chính trị; đào tạo dự bị Giám đốc khóa 6, khóa 7 cho 35 học viên/lớp; lớp Cán bộ kế cận cấp cao cho 32 học viên đồng thời chọn cử trên 90 CBCN đào tạo ở các nước Nhật, Nga...
Tại Hội nghị, Ban lao động tiền lương đã báo cáo thực trạng và giải pháp thu hút thợ lò với việc đánh giá, phân tích kỹ thực trạng hiện nay, đặc biệt là khó khăn trong tuyển sinh đào tạo, thu hút, giữ chân thợ lò làm việc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể; trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà trường, các Ban điều hành trong việc thực hiện các giải pháp đã được các đại biểu quan tâm thảo luận tham gia đóng góp nhằm mục tiêu tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng các nghề mỏ hầm lò.
Kết luận Hội nghị, Tổng giám đốc Lê Minh Chuẩn nhấn mạnh: công tác đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quan trọng, đặc biệt là đào tạo thợ lò để đáp ứng cho sản xuất, thực hiện lộ trình phát triển của Tập đoàn. Để thu hút, giữ chân thợ lò làm việc, các đơn vị phải tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp, đầu tư thích đáng cho cải thiện điều kiện làm việc, đi lại trong lò; thực hiện cơ giới hóa trong đào lò, khai thác để nâng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập của thợ lò; chăm lo tốt hơn nữa về đời sống, văn hóa tinh thần, xây dựng nhà ở cho thợ lò (hộ độc thân và gia đình); thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong ứng xử, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của đơn vị để thu hút, giữ chân thợ lò, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền những gương thợ lò tiêu biểu lao động giỏi, thu nhập cao, những bước tiến vượt bậc về KHCN trong sản xuất, điều kiện làm việc ngày càng tốt hơn và các chế độ ưu đãi đối với thợ lò của Tập đoàn để thợ lò yêu nghề, yêu mỏ, yên tâm gắn bó với nghề, xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững.
Nhân dịp này, Tổng giám đốc Vinacomin đã tặng bằng khen và thưởng 15 triệu đồng/đơn vị cho 5 tập thể có thành tích trong công tác đào tạo gồm: Ban KH, Than Vàng Danh, Nam Mẫu, Cao Sơn và Trường QTKD, thưởng 10 triệu đồng cho 9 tập thể; tặng bằng khen và thưởng 50 triệu đồng/đơn vị chăm lo tốt đời sống và cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò gồm Than Vàng Danh, Khe Chàm và Mạo Khê; thưởng 30 triệu đồng/đơn vị cho Than Dương Huy, Quang Hanh, Mông Dương, Hà Lầm và XDM Hầm lò II.
NangluongVietnam.vn