RSS Feed for Nên áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như xăng, dầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 26/04/2024 20:35
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nên áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như xăng, dầu

 - Phản hồi về đề xuất của EVN về việc áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động (tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu), Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho rằng: Hiện cơ chế thị trường đang dần vận hành đối với thị trường xăng, dầu, cũng là lúc nên tính tới thực hiện đối với điện.
Cập nhật tình hình giá điện một số nước trên thế giới và Việt Nam năm 2022 Cập nhật tình hình giá điện một số nước trên thế giới và Việt Nam năm 2022

Do khủng hoảng năng lượng, lạm phát kéo dài và chiến sự diễn ra tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại khiến giá điện ở nhiều nước trên thế giới vẫn tăng cao. Tại Việt Nam, giá thành sản xuất điện cũng không thể tránh khỏi tăng do giá than và dầu tăng. Tuy vậy, giá điện bán lẻ cả cho sinh hoạt, sản xuất được giữ ổn định từ năm 2019 và không tăng trong năm 2022.

Giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao và giải pháp của EVN Giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện tăng cao và giải pháp của EVN

Trong bối cảnh rất khó khăn do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí.

Báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Năm 2022, EVN ước lỗ 31.000 tỷ đồng. Do vậy, Tập đoàn này đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho phép được áp dụng cơ chế điều chỉnh giá điện như giá xăng, dầu - tức là khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại.

Phản hồi về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho biết: EVN lỗ đột biến do nguyên nhân khách quan là không được tăng giá điện. Xăng, dầu và điện là hai ngành năng lượng, đều chịu tác động rất lớn của thị trường thế giới. Hiện cơ chế thị trường đang dần vận hành đối với thị trường xăng, dầu, cũng là lúc nên tính tới thực hiện đối với điện.

“Ủy ban cũng mong muốn có cơ chế để đưa giá điện sát vơi thị trường. Các doanh nghiệp có cơ sở để tự xem xét hiệu quả hoạt động đầu tư của mình, cũng như chi phí sản xuất, kinh doanh đầu vào để đưa ra giá đầu ra. Còn nếu không theo giá cạnh tranh thì hiệu quả kinh tế bị giảm rất nhiều” - Ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nếu giữ nguyên mức giá điện như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện. Bên cạnh đó, nếu giá điện vẫn giữ nguyên thì việc xã hội hóa, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng hết sức khó khăn, gây ảnh hưởng đến việc cung ứng điện cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, do đặc thù của hai ngành khác nhau, nhiều ý kiến cho rằng, để giá điện điều hành 10 ngày 1 lần như xăng, dầu thì rất khó, bởi tiền điện người tiêu dùng trả theo tháng, còn xăng, dầu mua hàng ngày. Do vậy, cần xem xét nên quy định chu kỳ bao nhiêu thì điều chỉnh và điều chỉnh với biên độ ra sao.

Trước đó, ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN cho biết: Năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng vài chục phần trăm, giá khí “ăn theo” giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay, dẫn đến EVN đang mất cân đối tài chính rất lớn.

Theo ông Nhân, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động và có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp, việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động (tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu).

Mặt khác, là doanh nghiệp đóng vai trò chính trong hoạt động cung cấp điện, EVN kiến nghị Chính phủ xem xem giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng./.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động