RSS Feed for Mô hình ESCO: Giảm chi phí, nâng hình ảnh doanh nghiệp | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mô hình ESCO: Giảm chi phí, nâng hình ảnh doanh nghiệp

 - Nhiều khách hàng sau khi triển khai áp dụng chương trình ESCO vào sản xuất tại đơn vị đã nhận xét, chương trình đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng như nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường…

Mô hình ESCO: Giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả

Báo cáo kết quả công tác triển khai Đề án thí điểm mô hình ESCO, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) - Đơn vị được EVN giao triển khai thí điểm, cho biết, thời gian qua Tổng công ty đã lựa chọn đơn vị liên doanh, xây dựng quy trình phối hợp, chuẩn bị những biểu mẫu hợp đồng, tổ chức hội thảo giới thiệu về mô hình dịch vụ năng lượng.

EVN SPC được giao 8 - 10 dự án, với kinh phí đầu tư 15 tỷ đồng, trong đó, vốn ngành điện 12 tỷ đồng và vốn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) 3 tỷ đồng. Thời gian thực hiện mô hình thí điểm từ tháng 8/2014 đến hết tháng 12/2016.

Trong thời gian qua, EVNSPC đã ký hợp đồng với các khách hành để triển khai chương trình ESCO theo các hình thức như: Hợp đồng chia sẻ tiết kiệm năng lượng và Hợp đồng bảo đảm mức tiết kiệm năng lượng.

Cụ thể, ngày 1/7/2015, liên danh ESCO đã ký hợp đồng đầu tư đầu tiên theo mô hình ESCO với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex); vận hành thử nghiệm công trình vào tháng 11/2015, chính thức đo đếm tính toán chia sẻ tiền tiết kiệm kể từ ngày 01/12/2015.

Đến tháng 11/2015, liên danh ESCO tiếp tục ký hợp đồng với 3 khách hàng gồm Khách sạn Ninh Kiều - TP. Cần Thơ, Khách sạn Cửu Long - Vĩnh Long, Khách sạn SIVA - Bình Thuận. Hiện nay, công trình tại KS SIVA đã thi công xong, dự kiến đưa vào vận hành chính thức từ ngày 01/5/2016, 02 dự án còn lại đang vận hành thử và kiểm tra hệ thống, dự kiến nghiệm thu trong tháng 5/2016.

Ngoài ra, trong quá trình khảo sát khách hàng yêu cầu đầu tư với mô hình nhỏ (khoảng 2.000-3.000 lít/ngày) không đáp ứng tiêu chí của Đề án, EVN SPC đã đề nghị Công ty SolarBK (đơn vị hợp tác triển khai Đề án) cân đối chi phí của doanh nghiệp để thỏa thuận với khách hàng và tự đầu tư…

Theo EVN SPC, đối với các khách hàng đã tham gia đầu tư mô hình, Đề án đã tác động đến việc đầu tư cải tạo, thay thế các thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng; sử dụng năng lượng tái tạo để giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; thực hiện nghiêm Chỉ thị 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện.

Bên cạnh đó, đã giới thiệu đến các doanh nghiệp mô hình đầu tư mới, gắn kết giữa doanh nghiệp đầu tư và doanh nghiệp sử dụng về hiệu quả mà mô hình mang lại; đã có mô hình thực tế và hiệu quả mang lại để các doanh nghiệp quan tâm tham khảo, từ đó các khách hàng mới, khách hàng tiềm năng sẽ mạnh dạn tham gia, tạo thuận lợi trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Ví dụ, kết quả từ dự án đầu tư công trình Caseamex: Đây là doanh nghiệp chế biến thủy sản, sử dụng nước nóng để vệ sinh nguyên vật liệu, dụng cụ chế biến, nhà xưởng trong quá trình sản xuất. Trước đây, khách hàng dùng điện trở để đun nước lạnh trực tiếp. Kết quả khai thác hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời: Mức tiết kiệm luôn cao hơn mức cam kết với khách hàng: Thỏa thuận tiết kiệm khoảng 65%, tuy nhiên thực tế tiết kiệm đạt trên 85%; khách hàng giám sát được qua hệ thống năng lượng tiết kiệm hàng tháng, theo dõi việc sử dụng nước nóng cho từng thời điểm sản xuất, từ đó kiểm soát được dung tích nước nóng sử dụng, hạn chế lãng phí nên rất ủng hộ mô hình này…

Đối với EVN, EVN SPC, giảm bớt áp lực về cung cấp điện khi khách hàng tự nhận thức, nâng cao ý thức tiết kiệm điện, đánh giá và lượng hóa được hiệu quả công tác tuyên truyền tiết kiệm điện … Nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khách hàng, quảng bá thương hiệu EVN trong xu thế hội nhập.

Nhiều khách hàng sau khi triển khai áp dụng chương trình ESCO vào sản xuất tại đơn vị đã nhận xét, chương trình đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng như nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp trên thị trường.

Trong thời gian tới, EVN SPC sẽ tiếp tục tổ chức thương thảo và ký kết với khoảng 4-6 khách hàng để đầu tư, thực hiện theo mô hình thí điểm; đồng thời dần hoàn chỉnh bộ quy trình triển khai ESCO; triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu EVN giao thực hiện mô hình ESCO trong năm 2016.

Một số khó khăn:

- Do mô hình khá mới nên cần có những nghiên cứu để xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, phù hợp với qui định về pháp luật, địa bàn hoạt động của các đơn vị, mang lại lợi nhuận hợp lý cho các bên tham gia.

- EVN SPC chưa có kinh nghiệm, hiểu biết thực tế hoạt động của mô hình ESCO nên cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, giải quyết các vướng mắc theo các điều kiện thực tế.

- Khó khăn về nguồn nhân lực có chuyên môn: Triển khai thực hiện mô hình ESCO đòi hỏi phải có các nhân sự có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn cao trong các lĩnh vực quản lý, kiểm toán năng lượng, kỹ thuật, tài chính, tư vấn, quản lý dự án, v.v... trong khi đó nguồn nhân lực của EVN SPC hiện tại, hầu hết là các CBCNV làm các công tác chuyên môn về điện. Tại các Đơn vị Điện lực, chưa có đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ cũng như quản lý theo mô hình ESCO, cần phải có kế hoạch, thời gian để đào tạo xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực;

- Sản phẩm mang tính đặc thù, chưa phổ biến trên thị trường nên khó khăn cho công tác thẩm định giá của thiết bị, phê duyệt dự toán;

- Nhân sự triển khai mô hình thí điểm tất cả đều kiêm nhiệm nên việc hạch toán chi phí quản lý dự án chưa phân tách rõ, do đó chưa đánh giá được hiệu quả dự án chi tiết về tài chính, quản lý.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động