RSS Feed for Luận bàn về giá bán lẻ điện [Kỳ 1]: Nguyên tắc, căn cứ xác định giá | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 17/04/2024 03:23
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Luận bàn về giá bán lẻ điện [Kỳ 1]: Nguyên tắc, căn cứ xác định giá

 - Hiện nay, Bộ Công Thương đang dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014 và chính thức đưa ra lấy ý kiến. Trong chuyên đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ nêu một số ý kiến luận bàn về xác định giá bán lẻ điện nói chung và biểu giá bán lẻ điện nói riêng để các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc cùng tham khảo.


Thị trường bán lẻ điện Singapore, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

Thị trường bán lẻ điện Philippines, kinh nghiệm nào cho Việt Nam?

 

KỲ 1: NHỮNG CĂN CỨ CẦN QUAN TÂM KHI XÁC ĐỊNH GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN


PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 


1/ Những đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện liên quan đến giá thành điện:

a) Sản phẩn điện đồng nhất và không thể lưu kho: Sản xuất điện chỉ có một loại sản phẩm đồng nhất là điện năng có giá trị sử dụng như nhau và sản phẩm điện không thể cất giữ, lưu kho, cho nên quá trình sản xuất và tiêu thụ điện năng diễn ra đồng thời (sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có sản phẩm dở dang, không có thành phẩm tồn kho), theo đó không có chi phí dở dang và giá vốn thành phẩm tồn kho.

Trên thực tế, hiện nay với công nghệ mới có thể lưu trữ điện ở mức độ nhất định, nhưng hết sức hạn chế, hơn nữa khi đó giá thành điện lại tăng lên.

b) Nguồn điện gồm nhiều loại nguồn khác nhau có giá thành khác nhau, cụ thể là:

Theo loại nhiên liệu sử dụng phát điện, có thể phân ra các nguồn: Điện than, điện dầu, điện khí, điện hạt nhân, thủy điện và điện từ năng lượng tái tạo. Theo nguồn cung nhiên liệu có thể phân ra nguồn điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu trong nước và nguồn điện sản xuất từ nguồn nhiên liệu nhập khẩu. Theo công nghệ sản xuất điện có thể phân ra các loại nguồn, ví dụ điện than: Trên siêu tới hạn tiên tiến, trên siêu tới hạn, siêu tới hạn, cận tới hạn. Ngoài ra, có thể phân theo quy mô công suất và địa điểm của các nhà máy điện. Các nguồn điện khác nhau nêu trên có giá thành sản xuất cao thấp khác nhau.

Chẳng hạn lấy năm 2016 làm ví dụ minh họa. Trong năm này, tổng sản lượng điện giao nhận, mua và nhập khẩu là 173.086,83 triệu kWh với chi phí giao nhận, mua và nhập khẩu bình quân là 1.172,9 đ/kWh, trong đó mức giá cao nhất là 3.114,8 đ/kWh (của Nhiệt điện dầu Ô Môn 1, không kể các trường hợp cá biệt) và thấp nhất là 241,5 đ/kWh (của Thủy điện Hòa Bình), như vậy, giữa mức giá cao nhất và thấp nhất chênh lệch 12,9 lần. Mức giá bình quân 1172,9 đ/kWh thấp hơn mức giá trung bình cộng 1678,15 đ/kWh (giữa 3114,8 đ/kWh và 241,5 đ/kWh), qua đó cho thấy các nguồn điện có giá thấp hơn mức giá trung bình cộng chiếm ưu thế.

Ví dụ này chỉ để minh họa về sự chênh lệch giá thành giữa các nguồn điện khác nhau, còn về mức giá thành thì hiện nay đã có sự thay đổi.  

c) Nguyên tắc huy động nguồn điện là theo nhu cầu và giá thành của các nguồn điện:

Nguyên tắc chung huy động nguồn điện vào phát điện là theo quy mô nhu cầu điện. Quy mô nhu cầu gồm 2 loại: Quy mô nhu cầu trong từng thời kỳ và quy mô nhu cầu theo các khoảng thời gian trong ngày.

Ngoài ra, quy mô nhu cầu điện còn biến động theo mùa vụ trong năm (mùa khô, mùa mưa, mùa nóng, mùa lạnh, v.v...), song trong bài này chỉ đề cập 2 loại quy mô đầu để đơn giản hóa vấn đề.

Nguyên tắc của thị trường điện nói chung và thị trường phát điện cạnh tranh nói riêng là nguồn điện giá thành thấp hơn được huy động trước, nguồn điện giá thành cao hơn huy động sau, tùy theo nhu cầu đến đâu huy động đến đó. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn, ví dụ điện dầu có giá thành cao nhất chỉ huy động khi thiếu điện và vào giờ cao điểm. Hơn nữa, do sản phẩm điện không thể lưu kho nên nhu cầu đến đâu thì chỉ sản xuất đến đấy. Đặc điểm này làm cho giá thành cung cấp điện phụ thuộc vào quy mô nhu cầu, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Quy mô nhu cầu theo từng thời kỳ: Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi nhu cầu điện năng ngày càng tăng cao. Ví dụ, từ năm 2010 đến 2019 nhu cầu điện của toàn bộ nền kinh tế quốc dân đã tăng tương ứng với mức sản lượng điện đã tăng từ 91,7 lên 240 tỷ kWh, tăng 2,6 lần sau 10 năm. Để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng đòi hỏi phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn.

Chẳng hạn, ngoài nguồn thủy điện quy mô lớn giá thành thấp phải huy động cả nguồn thủy điện vừa và nhỏ, các nguồn điện than nhập khẩu, nguồn điện khí, điện năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), điện dầu, v.v… có giá thành cao hơn. 

Thứ hai: Quy mô nhu cầu theo khoảng thời gian trong ngày, cụ thể là:

(1) Nhu cầu điện sinh hoạt của các hộ gia đình phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện theo giờ trong ngày, theo đó quy mô sử dụng điện phân ra 3 khung giờ: Giờ thấp điểm, giờ bình thường và giờ cao điểm. Theo quy định hiện hành: Tổng số giờ bình thường trong tuần là 96 giờ/168 giờ, bằng 57,14%; tổng số giờ cao điểm là 30 giờ/168 giờ, bằng 17,86%; tổng số giờ thấp điểm là 42 giờ/168 giờ, bằng 25,0%.

(2) Nhu cầu điện sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp (gọi chung là các đơn vị) phụ thuộc vào quy mô sản lượng điện sử dụng và số ca làm việc trong ngày và số ngày làm việc trong tuần của từng đơn vị.

Chẳng hạn, về quy mô sản lượng điện sử dụng có đơn vị sử dụng hàng chục, hàng trăm kWh đến hàng chục ngàn kWh/ngày. Hoặc có đơn vị làm việc theo chế độ liên tục và không liên tục, làm việc theo nhiều chế độ khác nhau: 1 ca, 2 ca và 3 ca/ngày, có đơn vị làm việc vào ngày nghỉ cuối tuần bao gồm cả thứ 7 và chủ nhật, hoặc chỉ thứ 7, hoặc chủ nhật, thậm chí cả vào các ngày nghỉ lễ, tết.

Ngoài ra, các khách hàng này sử dụng điện ở các cấp điện áp khác nhau: Thấp, trung và cao áp. Mỗi cấp điện áp có giá thành khác nhau.

Vì rằng, ngành điện phải có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu điện tối đa của khách hàng, theo đó phải xây dựng công suất nguồn điện đủ đảm bảo cung cấp sản lượng điện ở mức cao nhất theo nhu cầu. Tuy nhiên, không phải toàn bộ công suất nguồn điện được huy động như nhau về mặt thời gian.

Do quy mô nhu cầu điện biến động theo thời gian và không gian như đã nêu trên, cho nên việc huy động công suất nguồn điện để phát điện cũng phải theo từng phần tương ứng với quy mô nhu cầu điện trong từng thời điểm trong ngày và trong tuần. Điều này dẫn đến hệ số sử dụng công suất và hệ số sử dụng thời gian của từng phần công suất nguồn điện có sự khác nhau.

Ngoài nguyên tắc nguồn điện rẻ huy động trước, nguồn đắt huy động sau, dưới tác động của các chi phí cố định làm cho sản lượng điện sản xuất tương ứng với từng phần công suất huy động theo hệ số sử dụng thời gian khác nhau có giá thành cao thấp khác nhau.

Ví dụ trong trường hợp khách hàng điện sinh hoạt, phần công suất huy động vào giờ cao điểm để phát điện đáp ứng phần nhu cầu điện tăng thêm trong khung giờ này (tăng thêm so với giờ bình thường) chỉ hoạt động 30 giờ/168 giờ tuần, bằng 17,86%. Như vậy, phần sản lượng điện sản xuất trong khung giờ này phải chịu toàn bộ chí phí cố định của cả tuần.

Nói cách khác, phần công suất huy động để phát điện vào giờ cao điểm chỉ hoạt động mỗi tuần 30 giờ, bằng 17,86%, suy rộng ra, cả năm chỉ hoạt động 17,86% thời gian nhưng phải chịu toàn bộ chi phí cố định của cả năm, cho nên giá thành rất cao.

Tương tự, phần công suất huy động thêm vào giờ bình thường để phát điện đáp ứng phần nhu cầu điện tăng thêm trong khung giờ này (tăng thêm so với giờ thấp điểm) mỗi tuần chỉ hoạt động 96 giờ/168 giờ, bằng 57,14% - tức cả năm chỉ hoạt động 57,14% thời gian và phần sản lượng điện trong khung giờ này phải chịu toàn bộ chi phí cố định của cả năm - tức là cả 42,86% của phần thời gian không hoạt động. Theo đó, giá thành tăng lên, tuy thấp hơn giá thành điện giờ cao điểm. Còn trong giờ thấp điểm, phần công suất huy động trong khung giờ này hoạt động liên tục cả ngày (cả trong giờ bình thường và giờ cao điểm) nên chi phí cố định trên 1 đơn vị điện năng thấp hơn, nhờ đó có giá thành thấp nhất.

Từ góc độ chi phí biên với nghĩa chi phí sản xuất 1 đơn vị sản phẩm tăng thêm có thể giải trình như sau: Chi phí biên sản xuất điện giờ thấp điểm; chi phí biên sản xuất điện giờ bình thường và chi phí biên sản xuất điện giờ cao điểm, trong đó chi phí biên giờ thấp điểm thấp nhất, tiếp theo là chi phí biên giờ bình thường và cao nhất là chi phí biên giờ cao điểm.

Trong trường hợp đối với khách hàng ngoài sinh hoạt cũng có thể giải thích tương tự. Phần công suất điện chỉ huy động phát điện hàng tuần vào ca 1, cả ca 1 và ca 2, cả 3 ca mỗi ngày và phần công suất điện chỉ huy động vào ngày thứ 7 và chủ nhật, v.v... Theo đó, sản lượng điện sản xuất ra tương ứng trong các khoảng thời gian đó sẽ có giá thành cao thấp khác nhau. Nguyên nhân chính, ngoài nguyên tắc huy động nguồn điện là do tác động của chi phí cố định như trong trường hợp khách hàng điện sinh hoạt nêu trên.  

Từ các đặc điểm nêu trên cho thấy: Giá thành điện thấp, cao khác nhau chủ yếu do nhu cầu điện cao thấp khác nhau xét trên cả 2 phương diện:

Một là: Nhu cầu ngày càng tăng cao phải huy động thêm các nguồn điện có giá thành cao hơn để đáp ứng - tức chi phí biên dài hạn của nguồn điện huy động mới cao hơn.

Hai là: Nhu cầu biến động cao - thấp trong từng khoảng thời gian trong ngày, trong tuần, làm cho chi phí biên ngắn hạn của phần sản lượng điện tăng thêm cao hơn. Đặc điểm này khác với các ngành sản xuất khác là quy mô sản lượng càng cao thì giá thành càng giảm (xét trong năng lực sản xuất đã có sẵn - tức chi phí biên ngắn hạn) vì các ngành sản xuất khác có hệ số sử dụng công suất và hệ số sử dụng thời gian sản xuất ổn định, ít phụ thuộc vào biến động của nhu cầu, nếu sản phẩm chưa tiêu thụ hết thì có thể lưu kho  trong một thời hạn nhất định, hoặc nếu nhu cầu thị trường cao hơn sản lượng sản xuất thì xuất kho dự trữ, hoặc tăng thời gian làm việc vượt quá công suất thiết kế ở mức độ cho phép.

Ngoài ra, có một đặc điểm nữa là khi khách hàng đã ký hợp đồng mua điện mà không sử dụng điện nhưng ngành điện vẫn phát sinh chi phí liên quan đến khách hàng đó như chi phí lưới điện (gồm đường dây và trạm biến áp), chi phí công tơ, chi phí ghi chỉ số, chi phí kiểm tra, quản lý khách hàng, v.v…

d) Trình độ phát triển của thị trường điện:

Thị trường điện lực Việt Nam được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát triện cạnh tranh (đến hết năm 2014); thị trường bán buôn điện cạnh tranh (dự kiến đến năm 2021) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (thí điểm thực hiện từ năm 2021). Tùy thuộc vào cấp độ phát triển của thị trường điện mà áp dụng nguyên tắc định giá bán lẻ điện phù hợp. Với lộ trình phát triển thị trường điện dự kiến nêu trên thì việc xác định giá bán lẻ điện cho giai đoạn từ năm 2021 trở đi phải tuân thủ nguyên tắc và cơ chế định giá của thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.  

2/ Những đặc điểm về khách hàng và hành vi sử dụng điện của họ: 

Theo quy định hiện hành gồm các loại khách hàng sử dụng điện như sau:

- Khách hàng sinh hoạt:

Chủ thể khách hàng sinh hoạt theo quy định hiện hành là hộ gia đình. Hộ gia đình được xác định theo sổ hộ khẩu và có đặc điểm chính là:

Thứ nhất: Số người trong một hộ có sự khác nhau rất lớn, dao động từ 1 người đến 4 người và cao hơn, thậm chí đến hơn 10 người.

Thứ hai: Mức thu nhập khác nhau  - tức giàu nghèo khác nhau. Tuy nhiên, so với năm 2014 GDP bình quân đầu người đã tăng từ 2.052 lên 2.715 USD năm 2019, tăng hơn 1,3 lần.

Thứ ba: Cư trú tại các địa bàn khác nhau về mức độ tập trung dân cư, về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, điều kiện thời tiết, địa hình.

Các đặc điểm này có ảnh hưởng lớn đến quy mô lượng điện sử dụng. Ví dụ, thông thường hộ đông người sẽ sử dụng điện nhiều hơn hộ ít người, hoặc hộ giàu sẽ sử dụng điện nhiều hơn hộ nghèo và chi phí cung cấp điện (ví dụ hộ cư trú ở khu dân cư tập trung, có cơ sở hạ tầng phát triển sẽ có chi phí cung cấp điện thấp hơn hộ sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo, v.v.).

Ngoài ra, các khách hàng này có hành vi sử dụng điện theo giờ trong ngày như đã nêu trên.

- Nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp:

Nhóm khách hàng này có đặc điểm và hành vi sử dụng điện là:

Thứ nhất: Quy mô sản lượng và cấp điện áp sử dụng khác nhau rất lớn.

Thứ hai: Nhu cầu sử dụng điện theo thời gian trong ngày, theo ngày trong tuần có sự khác nhau.

Thứ ba: Mục đích sử dụng điện khác nhau. Ví dụ cho sản xuất, cho kinh doanh, hoặc cho hoạt động quản lý hành chính, hoạt động văn hóa, giáo dục, đào tạo, an ninh, quốc phòng, v.v... vì lợi ích công cộng. Theo đó giá thành điện mà các hộ này sử dụng cũng cao thấp khác nhau, nhất là vào các khung giờ thấp điểm, giờ bình thường và giờ cao điểm, hoặc điện năng ở các cấp điện áp khác nhau.

Ngoài ra, chính sách giá điện đối với nhóm khách hàng này cũng cần quan tâm tới mục đích sử dụng điện.  

KỲ TỚI: GÓP Ý VỀ DỰ THẢO CÁC PHƯƠNG ÁN GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động