RSS Feed for Lấy ý kiến quy định phát triển điện sinh khối, rác thải rắn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 25/11/2024 06:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Lấy ý kiến quy định phát triển điện sinh khối, rác thải rắn

 - Việt Nam có tiềm năng cao để phát triển năng lượng tái tạo. Các chính sách ưu đãi gần đây, đặc biệt là những dự thảo thông tư phát triển dự án sinh khối và điện từ rác thải rắn, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ vào sản xuất “điện xanh”.

Hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam
Có nhiều nhà đầu tư xin xây dựng dự án điện sinh khối

Dự thảo lần 3 các Thông tư Quy định thực hiện phát triển dự án sinh khối, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án sinh khối, Dự thảo Thông tư Quy định thực hiện phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn và Dự thảo thông tư quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển và sử dụng năng lượng sinh khối đã được nhóm soạn thảo đưa ra lấy ý kiến ngày 27-5, tại Hà Nội.

Dự thảo các thông tư quy định về phát triển dự án điện sinh khối và điện từ rác thải rắn áp dụng cho các đối tượng: Chủ đầu tư dự án phát điện sử dụng sinh khối và rác thải rắn; Đơn vị quản lý và vận hành các công trình phát điện sử dụng sinh khối và rác thải rắn; Bên mua điện; Các tổ chức phát triển dự án phát điện sử dụng sinh khối và rác thải rắn để kinh doanh điện; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Dự án sản xuất điện của Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) tại Khu liên hợp Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP. HCM, công suất 500 tấn/ngày.

Dự thảo lần 3 Thông tư Quy định thực hiện phát triển dự án sinh khối, Biểu giá chi phí tránh được và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án sinh khối, gồm 6 chương, 21 điều.

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng: Chủ đầu tư dự án điện sinh khối; đơn vị quản lý và vận hành các công trình điện sinh khối; bên mua điện; các tổ chức phát triển dự án điện sinh khối để kinh doanh điện; các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tính toán về chi phí tránh được, nhóm tư vấn của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Công ty E.Quadrat đã dựa trên phương pháp giả định (do Theo Quyết định 24, biểu giá chi phí tránh được áp dụng nhiệt điện sinh khối nối lưới chính là biểu giá chi phí của nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu) là một nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam có công suất là 600 MW, suất đầu tư 1.700 USD/ 1kWh, vận hành trong thời gian 30 năm.

Chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia là chi phí sản xuất 1 kWh của tổ máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu trong hệ thống điện quốc gia, chi phí này có thể tránh được nếu bên mua điện mua 1 kWh từ một nhà máy sử dụng nguyên liệu sinh khối thay thế.

Khoản 10 Điều 2 Quyết định 24/QĐ-TTg ngày 24-3-2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam quy định: Biểu giá chi phí tránh được áp dụng cho dự án điện sinh khối là biểu giá được tính theo các chi phí tránh được của hệ thống điện quốc gia khi có 1 kWh từ một nhà máy điện sử dụng năng lượng sinh khối được phát lên hệ thống điện quốc gia.

Nhóm tư vấn đã tính toán, chứng minh và đề xuất 4 thành phần chi phí điện năng tránh được, bao gồm: chi phí điện năng phát điện tránh được, chi phí công suất phát điện tránh được, chi phí thuế cac-bon tránh được và lợi ích việc làm địa phương.

Nhà máy điện sinh khối có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Lợi ích địa phương có được từ nguồn cung nhiện liệu cho các nhà máy sinh khối cũng như từ việc vận hành bảo dưỡng nhà máy, tạo ra công ăn việc làm, góp phần gia tăng GDP. 

Chi phí tránh được của nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu cao hơn dự kiến. Các nhà máy điện sinh khối hấp dẫn bởi lợi ích thu được từ giảm tổn thất truyền tải và tạo công ăn việc làm, với giá trị của chi phí tránh được nhóm tư vấn tính toán là 11,97 cent/kWh, không gồm chi phí môi trường và xã hội.

Giá trị chi phí tránh được nằm trong giá FIT thực tế của các nước trong khu vực và đủ để xây dựng, vận hành dự án điện sinh khối, trong bối cảnh giảm thiểu phát thải khí CO2 so với nhà máy nhiệt điện than.

“Đầu tư nhà máy điện sinh khối nối lưới tại Việt Nam để sản xuất điện có thể rẻ hơn phát điện sử dụng dụng than nhập khẩu”, kết quả nghiên cứu của TS Matthias Eichelbronner - Giám đốc điều hành Công ty E.Quadrat được các nhà quản lý, các chuyên gia đánh giá cao bởi “tầm quan trọng” và “tính thực tiễn”.

Trong đó, TS Matthias Eichelbronner đã tính 3 mức giá điện trung bình cho ba kỳ khác nhau. Giá trung bình được tính theo thông số đầu vào là 11,7 cent/kWh.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để đảm bảo an toàn khi nối lưới là việc “Bộ Công Thương ban hành mức giá sàn hợp lý”, TS Matthias Eichelbronner khẳng định và nói thêm, nếu tính chi phí tránh được của điện sinh khối bằng giá than rủi ro sẽ rất lớn vì khi giá than giảm, chi phí tránh được cũng sẽ giảm rất nhiều.

Mặt khác, để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, TS Matthias Eichelbronner tham vấn: Cần đưa ra mức giá sàn hợp lý. Mức giá sàn này sẽ được áp dụng cho năm đầu tiên và cố định trong 20 năm trong trường hợp giá than giảm, nhà đầu tư vẫn dùng giá sàn này.

Theo Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, tổng lượng tiềm năng sinh khối các loại ở Việt Nam ước tính khoảng 150 triệu tấn/năm, tương đương với mức quy đổi 50 triệu tấn dầu thô. 

Từ bã mía, trấu đến tất cả các loại chất xơ cây trồng, phế thải từ hoạt động nông, lâm nghiệp sau thu hoạch (chất thải cây cà phê, hạt điều… sau chế biến và thậm chí là rác thải sinh hoạt ) nếu được xử lý ở công nghệ cao đều có thể phát điện và cần được khuyến khích phát triển bằng hành lang cơ chế chính sách, rõ ràng.

Nhà máy điện sinh khối có tác động đến nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, những năm gần đây, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến chính sách phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có các dự thảo thông tư phát triển dự án sinh khối và điện từ rác thải rắn.

Dự thảo lần 1 đã được đưa ra vào hồi tháng 1-2015. Dự thảo lần 2 và 3 cũng đã được lấy ý kiến và đăng tải trên wedside của Bộ Công Thương trong tháng 5/2015. Dự kiến các dự thảo sẽ được gửi đi thẩm định để đến tháng 8-2015 tiếp tục lấy ý kiến cấp thứ trưởng và ban hành vào tháng 9 - 2015.

Các dự thảo thông tư quy định về phát triển dự án điện sinh khối và điện từ rác thải rắn do Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam điều phối và được thực hiện bởi các chuyên gia: Tư vấn trong nước: Viện Năng lượng. Tư vấn quốc tế: Công ty E.Quadrat của Đức.

HẢI VÂN - XUÂN HÙNG

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động