Kiến nghị phân chia 13 dự án điện
15:31 | 14/04/2012
HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM …………………… Số: 70 /CV- HHNL V/v: Kiến nghị của VEA tới Thủ tướng Chính phủ về 13 dự án nguồn điện EVN xin phép không đầu tư do thiếu vốn | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc -----------------------
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2008 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Ban chấp hành Hiệp hội Năng lượng Việt Nam xin gửi tới Thủ tướng Chính phủ lời chào kính trọng!
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) là tổ chức có trên 300 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, hiện đang tham gia đầu tư, quản lý, xây dựng, khai thác, chế biến, sản xuất, vận hành, truyền tải, phân phối năng lượng… trong đó 3 thành viên lớn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).
Sau khi EVN có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin phép không đầu tư 13 dự án nhà máy nhiệt điện trong Tổng sơ đồ VI, với công suất 13.800MW, VEA đã tổ chức nhiều cuộc họp với các chuyên gia đầu ngành về năng lượng để tìm hiểu nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp phù hợp trong bối cảnh kinh tế hiện nay để tìm ra những kiến nghị tới Chính phủ và các bộ, ngành chức năng với mục tiêu đảm bảo xây dựng các dự án nguồn điện đưa vào vận hành theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh. VEA xin bày tỏ quan điểm của mình với tư cách là những người đã nhiều năm gắn bó với ngành năng lượng Việt Nam và tham gia quản lý đầu tư xây dựng nhiều dự án nguồn, lưới điện lớn của đất nước.
1. Quan điểm của VEA về 13 dự án nhà máy nhiệt điện EVN xin phép Chính phủ không đầu tư:
1.1. Thời gian thực hiện Tổng sơ đồ VI không còn nhiều để đảm bảo việc xây dựng hoàn thành các dự án đúng tiến độ theo yêu cầu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực tế đã cho thấy, để xây dựng một nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất 300 MW trở lên như: Nhiệt điện Phả Lại 2, Uông Bí mở rộng 1, tiến độ đề ra là 3-4 năm hoàn thành, thế nhưng trên thực tế để vận hành phát điện thương mại phải mất 6-7 năm. Thời điểm xây dựng 2 nhà máy trên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn bây giờ, chủ đầu tư và nhà thầu không phải đối phó nhiều với những biến động về thị trường vật tư, thiết bị và có nhiều cơ chế mở tạo thuận lợi cho các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án. Bên cạnh đó, trong quá trình lắp đặt, cho đến thí nghiệm hiệu chỉnh đều có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế giỏi, có nhiều kinh nghiệm về công nghệ nhiệt điện chạy than.
1.2. Đây là các dự án nguồn điện lớn, vì vậy công tác tư vấn phải được thực hiện từ lập đề án quy hoạch trung tâm, triển khai công tác khảo sát thăm dò để lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, tổng dự toán… cho đến công tác thẩm định của các cơ quan chức năng - ít nhất phải mất 2-3 năm. Sau đó là công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị xây lắp, đấu thầu vật tư thiết bị và lắp đặt phải mất 4-5 năm và cuối cùng là hiệu chỉnh để nhà máy đảm bảo vận hành thương mại ít nhất 1-2 năm. Tổng cộng thời gian để thực hiện dự án hoàn thành phát điện thành công lên hệ thống điện quốc gia, ít nhất cũng mất 9-10 năm. Đấy là chưa kể đến những yếu tố bất lợi như gặp bất khả kháng, hay dự án nằm trên nền địa chất yếu, thời tiết không thuận lợi cho công tác thi công nhà máy. Ngoài ra còn phải hoàn thành một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường xá, cảng than, đê chắn sóng, bãi thải xỉ, hệ thống nước tuần hoàn.v.v…
1.3. Đội ngũ quản lý dự án của chúng ta trên thực tế chưa đủ mạnh, đặc biệt đây lại là các dự án nguồn điện lớn với những vấn đề kỹ thuật hết sức phức tạp (các tổ máy có công suất từ 600MW và 1000MW lần đầu tiên xuất hiện trong hệ thống nguồn điện Việt Nam, trong khi các kỹ sư của chúng ta chỉ có kinh nghiệm ở gam máy công suất 300MW).
1.4. Vấn đề thu xếp nguồn vốn cho 13 dự án này là hết sức khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tính bình quân 1.000MW cần tới 1,3 tỷ USD, thì EVN phải tìm kiếm trên 300 nghìn tỷ VNĐ. EVN đã lường được sức của mình, sau khi cân đối nguồn vốn và đàm phán nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế.
1.5. Vấn đề nhập khẩu một lượng than rất lớn từ nước ngoài để đủ nhu cầu vận hành 13.800MW là bài toán khó, một mình EVN thực hiện là vượt quá khả năng. Bởi các nước xuất khẩu than trên thế giới hiện nay không phải là nhiều và một đối tác cũng không thể bán một lượng than lớn lên đến hàng chục triệu tấn/năm và thời gian cung cấp than cho cả đời của dự án.
VEA cho rằng, việc EVN xin trả 13 dự án nguồn điện nêu trên là có cơ sở.
Điều đáng chú ý là trong số 13 dự án EVN xin trả lại phần lớn là các dự án thuộc các giai đoạn sau của các trung tâm nhiệt điện. Ví dụ, EVN chỉ xin trả Sóc Trăng 3.1, Sóc Trăng 3.2, còn Sóc Trăng 1, Sóc Trăng 2, EVN vẫn làm chủ đầu tư. Tương tự như vậy, EVN vẫn làm chủ đầu tư Duyên Hải 1, và xin trả Duyên Hải 2, Duyên Hải 3.1 và 3.2 v.v… Đương nhiên, trong một trung tâm nhiệt điện với nhiều chủ đầu tư thì sẽ nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp (thoả thuận phân chia mặt bằng, trách nhiệm của các bên trong đầu tư xây dựng các hạng mục dùng chung, chưa kể những vấn đề phức tạp sẽ nẩy sinh sau này khi nhà máy đi vào vận hành…). Đây là vấn đề cần phải cân nhắc kỹ trước khi phân bổ dự án cho các chủ đầu tư.
Từ những vấn đề thực tế đã nêu, VEA xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung về 13 dự án nguồn điện trên như sau:
1. Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công Thương kết hợp với các tập đoàn: EVN, TKV, PVN cùng Viện Năng lượng, các công ty tư vấn, các chuyên gia đầu ngành tính toán lại việc xây dựng 1 dự án nhiệt điện chạy than tại một địa điểm cụ thể, thời gian mất bao lâu (trong cơ chế đấu thầu và cả chỉ định thầu) - từ khi lập dự án đến xây dựng, hiệu chỉnh, vận hành thương mại… Qua đó tham mưu cho Chính phủ có những quyết sách “tiệm cận” hơn với thực tế đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Không nên đưa ra một tiến độ chung chung, mà nên có tiến độ cụ thể cho từng dự án, trên cơ sở quy trình thủ tục trong thực tế hiện nay, điều kiện địa chất, thời tiết, cơ sở hạ tầng, vấn đề di dân tái định cư… Nếu không chủ động về thời gian tiến độ dự án, trong những năm tới chúng ta sẽ tiếp tục bị động trong việc huy động nguồn điện như các mùa khô vừa qua, rồi lại đỗ lỗi cho các dự án đưa vào vận hành chậm tiến độ, hay do phụ tải tăng đột biến… nên đã dẫn đến thiếu điện!
2. Để san sẻ gánh nặng nguồn vốn đầu tư, cũng như đảm bảo tính khả thi cao của 13 dự án nhiệt điện chạy than nêu trên, VEA xin kiến nghị như sau:
2.1. Xin trả lại dự án do tác động khách quan và chủ quan là việc tính toán cân đối của EVN, nhưng EVN là doanh nghiệp được Nhà nước giao nhiệm vụ lo phát triển nguồn và lưới điện phục vụ phát triển đất nước, không nên từ chối cả 13 dự án (với công suất lớn hơn tổng công suất nguồn điện hiện có của Việt Nam hiện nay). Vì vậy Chính phủ cần giao lại EVN thực hiện một số dự án trong số đó.
2.2. PVN là tập đoàn kinh tế mạnh, có năng lực tài chính, đã có kinh nghiệm trong đầu tư xây dựng các dự án năng lượng lớn của đất nước, có quan hệ rộng lớn với các nước trên thế giới và là một tập đoàn kinh tế năng động. Đấy là lợi thế cần phải phát huy và việc PVN xin Chính phủ đảm nhận trách nhiệm của mình về 13 dự án nêu trên là những nỗ lực đáng trân trọng. Chính phủ cần tạo điều kiện để PVN phát huy, thể hiện nội lực của mình trước Đảng, Nhà nước và nhân dân…
2.3. TKV là tập đoàn đã có kinh nghiệm làm chủ đầu tư một số dự án nhiệt điện chạy than, vì vậy Chính phủ nên giao trách nhiệm cho TKV thực hiện một vài dự án, giảm bớt gánh nặng tài chính, cũng như hỗ trợ tìm kiếm nguồn than cho 2 tập đoàn trên.
2.4. Trong số 13 dự án này, Chính phủ cần có những cơ chế đặc biệt để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện một số dự án còn lại. Nhưng với điều kiện, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm về nhiệt điện chạy than, có khả năng tài chính mạnh, có nguồn than ổn định cung cấp lâu dài cho nhà máy.
3. Chính phủ sớm có lộ trình tăng giá điện hợp lý, nhằm đảm bảo sản xuất điện có lãi. Nếu có giá điện hợp lý, vấn đề huy động nguồn vồn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài xây dựng dự án sẽ có nhiều thuận lợi.
4. Để các dự án đảm bảo thời gian đầu tư nhanh, đáp ứng tốc độ phụ tải tăng cao trong những năm sắp tới, Chính phủ nên có cơ chế chỉ định thầu thay vì đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư như hiện nay. Tất nhiên, đấu thầu có nhiều ưu điểm, nhưng cũng có những nhược điểm là kéo dài thời gian và quan trọng hơn, thiệt hại chính là vấn đề kinh tế.
5. Với việc giao cho các tập đoàn thực hiện các dự án, Chính phủ nên xem xét khu vực dự án để bố trí phù hợp với điều kiện, thế mạnh hoạt động của từng tập đoàn tại các địa phương. Nên nghiên cứu bố trí cho các tập đoàn tham gia dự án tập trung, không nên bố trí dự án phân tán. Bố trí dự án tập trung trong một tỉnh, hay trong khu vực sẽ tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho chính chủ đầu tư, có thể giảm được một số hạng mục đầu tư, giảm bộ máy quản lý dự án và chỉ đạo điều hành dự án tốt hơn.
6. Theo tính toán của VEA, với công suất 13.800MW mỗi năm sẽ cần khoảng 35 triệu tấn than cám 5 (nhiệt lượng 5.200kcal/kg), nhưng nếu nhập loại than nhiệt lượng thấp hơn có thể cần tới 40-50 triệu tấn/năm. Trong điều kiện nguồn than của thế giới đang ngày càng khan hiếm, nhất thiết cần phải có chiến lược hợp tác quốc tế dài hạn với các đối tác có nguồn than xuất khẩu ổn định, vì vậy Chính phủ cần huy động thêm các tổ chức, các hiệp hội nghề nghiệp trong nước... phối hợp cùng với các tập đoàn tìm kiếm nguồn than để sớm có các hợp đồng cung cấp than cho dự án.
An ninh năng lượng quốc gia là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết, vì vậy kính mong Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, xem xét để sớm có những quyết định hợp tình, hợp lý nhất với mục tiêu trong những năm sắp tới nguồn điện đủ đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và có cả dự phòng.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng!
Nơi nhận: - Như kính gửi - Bộ Công Thương - Bộ KH-ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Các thành viên:EVN, PVN, TKV - Lưu VP. | TM. BCH HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM Chủ tịch
Đã ký
Trần Viết Ngãi |